Tại sao Mỹ không nên theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ?

protectAM

Nguồn: Barry Eichengreen, “What’s the Problem With Protectionism?”, Project Syndicate, 13/07/2016

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Một điều chúng ta có thể chắc chắn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới là vị tân tổng thống sẽ không phải là một người cam kết ủng hộ tự do thương mại. Người gần như sẽ trở thành ứng viên Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, thì chỉ là một người ủng hộ nửa vời đối với tự do thương mại, và cụ thể là với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đối thủ bên Đảng Cộng hòa của bà, Donald Trump, cũng cực lực phản đối những thỏa thuận thương mại sẽ làm mở cửa thị trường Mỹ. Đi ngược lại với truyền thống của Đảng Cộng hòa, ông Trump dự kiến sẽ đánh thuế 35% đối với ô tô và linh kiện nhập khẩu từ các nhà máy của Tập đoàn Ford ở Mexico và đánh thuế 45% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các nhà kinh tế đều nhất trí rằng tác động về mặt kinh tế vĩ mô của kế hoạch do ông Trump đưa ra sẽ mang tính thảm hoạ. Từ chối thương mại mở và tự do sẽ phá hoại niềm tin và làm suy giảm đầu tư. Các nước khác có thể trả đũa bằng cách áp đặt thuế quan của riêng họ và làm giảm xuất khẩu của Mỹ. Hậu quả sẽ giống như khi Biểu thuế Smoot-Hawley, được Quốc hội Mỹ ban hành vào năm 1930 và được phê duyệt bởi một Tổng thống Cộng hòa đáng hổ thẹn khác là Herbert Hoover – trở thành thứ đã làm cho cuộc Đại Suy thoái (1929-33) trở nên trầm trọng hơn.

Nhưng chỉ vì các nhà kinh tế nhất trí với nhau không có nghĩa là họ đúng. Khi nền kinh tế rơi vào “bẫy thanh khoản” – khi tổng cầu giảm, giá hàng hóa chững lại hoặc giảm xuống và lãi suất gần bằng 0 – thì logic kinh tế vĩ mô thông thường sẽ không còn tác dụng. Kết luận này đúng với những tác động kinh tế vĩ mô của bảo hộ thuế quan nói chung, và Biểu thuế Smoot-Hawley nói riêng. Đây là một điểm tôi đã chứng minh trong một báo cáo khoa học cách nay đã 30 năm.

Hãy xem xét thí nghiệm tưởng tượng sau đây. “Tổng thống” Trump ký một dự luật tăng thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc. Người Mỹ sẽ chuyển hướng sang tiêu dùng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Điều này sẽ tạo áp lực tăng giá lên hàng hóa tại Mỹ, và nó sẽ rất hữu ích trong bối cảnh có nguy cơ xảy ra giảm phát.

Nhưng sau đó Chủ tịch Tập Cận Bình trả đũa bằng thuế quan của Trung Quốc, dẫn đến thay đổi cầu, người Trung Quốc không sử dụng hàng hóa của Mỹ. Từ quan điểm của người tiêu dùng Mỹ, tác động duy nhất là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (nay thuộc diện chịu thuế) và hàng thay thế do Mỹ sản xuất sẽ đều mắc hơn so với trước đây.

Bình thường thì đây có thể là một kết quả không mong muốn. Nhưng khi giảm phát xuất hiện, áp lực tăng giá lại chính là cái chúng ta cần. Giá cao hơn khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao sản xuất và các hộ gia đình gia tăng chi tiêu. Chúng cũng làm giảm gánh nặng nợ. Và bởi vì lạm phát vẫn còn quá thấp, do điều kiện kinh tế vĩ mô ảm đạm, Fed sẽ không nhất thiết phải tăng lãi suất và bù đắp bất kỳ tác động lạm phát nào của sự gia tăng trong chi tiêu.

Để ngăn chặn việc thí nghiệm tưởng tượng này bị hiểu sai, tôi muốn làm rõ rằng vẫn có những cách khác tốt hơn để nâng giá và khuyến khích hoạt động kinh tế trong điều kiện bẫy thanh khoản. Biện pháp thay thế rõ ràng nhất cho các biểu thuế nhập khẩu là một chính sách tài khóa đơn giản – cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công.

Tuy nhiên, lập luận về thuế quan vẫn quan trọng. Cũng như việc bảo hộ thuế quan không phải là một vấn đề kinh tế vĩ mô cần giải quyết trong điều kiện giảm phát và xuất hiện bẫy thanh khoản, thì tự do thương mại – kế hoạch cải cách xã hội quen thuộc của các nhà kinh tế – cũng không phải một giải pháp. Những ai đang tìm kiếm giải pháp cho tình trạng “trì trệ kéo dài” (secular stagnation) hiện nay – tức tăng trưởng chậm và lạm phát dưới 2% – không nên trông đợi quá nhiều vào những tác động kinh tế vĩ mô có lợi của các hiệp định thương mại. Và cũng đừng gợi lại rằng biểu thuế Smoot-Hawley gây ra cuộc Đại Suy thoái, bởi vì nó không phải nguyên nhân. Những tuyên bố sai lầm, thậm chí ngay cả khi vì những lý do đúng đắn, thì cũng chẳng tốt lành cho ai cả.

Nhưng biểu thuế Smoot-Hawley đúng là đã gây ra một loạt các hậu quả tai hại khác. Đầu tiên, nó làm gián đoạn hoạt động của hệ thống tài chính quốc tế. Tự do thương mại và tự do luân chuyển vốn quốc tế luôn đi cùng nhau. Những quốc gia vay nợ nước ngoài phải xuất khẩu hàng hóa để trả nợ. Biểu thuế Smoot-Hawley và sự trả đũa của nước ngoài đã khiến xuất khẩu trở nên khó khăn hơn. Kết quả là điều này dẫn đến hàng loạt vụ vỡ nợ nước ngoài, khủng hoảng tài chính, và sự sụp đổ của các dòng vốn quốc tế.

Thứ hai, chiến tranh thương mại sẽ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị. Hạ viện Pháp (French Chamber of Deputies) đã giận dữ khi Mỹ đánh thuế nhập khẩu lên hàng đặc sản Pháp, khơi mào một cuộc chiến tranh kinh tế chống Mỹ. Anh đánh thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ, nhưng lại dành ưu đãi đặc biệt cho các nước Khối Thịnh Vượng chung và thuộc địa của mình. Điều này đã chọc giận Hoover và người kế nhiệm của ông, Franklin Delano Roosevelt. Thủ tướng Canada Mackenzie King cảnh báo khả năng bùng phát “chiến tranh biên giới” – cách nói ngoại giao cho việc quan hệ chính trị bị xấu đi. Những nỗ lực ổn định hóa hệ thống tiền tệ quốc tế và kết thúc suy thoái toàn cầu đã bị ngưng trệ vì các xung đột ngoại giao như vậy.

Tệ hơn nữa, các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, và Canada lại đang bất đồng ở một thời điểm mà đáng lý họ nên làm việc với nhau để thúc đẩy các mục tiêu chung khác. Tạm để chính sách kinh tế sang một bên, thế giới trong những năm 1930 còn phải đối diện với một mối đe dọa lớn hơn, đó là sự nổi lên của Hitler và việc Đức tái quân sự hóa. Các biện pháp đơn phương hạn chế thương mại – bằng cách khiến hợp tác ngoại giao thêm khó khăn – sẽ làm phức tạp hóa các nỗ lực nhằm huy động một liên minh của các quốc gia cùng chí hướng nhằm kiềm chế mối đe dọa phát xít.

Bảo hộ thuế quan có thể không phải là một chính sách kinh tế vĩ mô tồi tệ trong điều kiện bẫy thanh khoản. Nhưng điều này không khiến nó trở thành chính sách đối ngoại tốt – cho Trump hay bất cứ ai khác.

Barry Eichengreen là Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Berkeley; Giáo sư về Lịch sử và Thể chế tại trường Đại học Cambridge; và là cựu cố vấn chính sách cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Cuốn sách mới nhất của ông là “Hall of Mirrors:The Great Depression, the Great Recession, and the Uses – and Misuses – of History.”

Copyright: Project Syndicate 2016 – What’s the Problem With Protectionism?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]