Nguồn: Robert Skidelsky, “Basic Income Revisited”, Project Syndicate, 23/06/2016
Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nước Anh không phải là quốc gia duy nhất tiến hành trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016. Vào ngày 05 tháng 06, các cử tri Thụy Sỹ đã bác bỏ một cách áp đảo, với tỷ lệ 77% so với 23%, đề xuất bảo đảm mức thu nhập cơ bản vô điều kiện (Unconditional Basic Income – UBI) cho toàn dân. Nhưng kết quả chênh lệch đó không có nghĩa là vấn đề này sẽ biến mất ngay trong tương lai gần.
Thật ra, ý tưởng về UBI này đã từng xuất hiện nhiều lần trong lịch sử – bắt đầu với Thomas Paine vào thế kỷ 18. Mặc dù vậy, lần này có vẻ sức mạnh của nó sẽ được gia cố hơn, khi mà viễn cảnh về mức thu nhập đủ chi tiêu từ việc làm ngày càng trở nên ảm đạm đối với người nghèo và có trình độ thấp. Các thử nghiệm với việc trợ cấp vô điều kiện đang diễn ra ở cả các quốc gia nghèo và quốc gia giàu có.
Thu nhập cơ bản vô điều kiện là một sự hòa hợp có phần không dễ dàng giữa hai mục tiêu: giảm nghèo và việc không còn coi lao động như là một mục đích căn bản của cuộc sống. Mục tiêu đầu tiên là vấn đề chính trị và thực tiễn, mục tiêu thứ hai là vấn đề triết học hay đạo đức.
Lập luận chính ủng hộ UBI như một phương thức giảm nghèo luôn luôn nằm ở chỗ các công việc được trả lương không đủ khả năng đảm bảo một cuộc sống yên ổn và tươm tất cho tất cả mọi người. Trong kỷ nguyên công nghiệp, công việc tại nhà máy đã trở thành nguồn thu nhập duy nhất đối với phần lớn mọi người – một nguồn thu nhập vốn bị gián đoạn bởi nạn thất nghiệp khi guồng máy công nghiệp thi thoảng lại bị trì trệ. Phong trào lao động đáp trả bằng đòi hỏi “việc làm hay trợ cấp”. Chấp nhận trợ cấp thay vì việc làm đã được phản ánh trong việc sáng tạo ra hệ thống an sinh xã hội: “chủ nghĩa tư bản phúc lợi”.
Mục tiêu của chủ nghĩa tư bản phúc lợi rõ ràng là cung cấp cho người dân một khoản thu nhập – thường thông qua nguồn thu từ bảo hiểm bắt buộc chung – trong thời kỳ gián đoạn việc làm không thể tránh được. Không đời nào trợ cấp thu nhập được xem như một giải pháp thay thế cho việc làm. Vì ý tưởng về sự gián đoạn việc làm được mở rộng bao gồm cả người tàn tật và phụ nữ nuôi con, nên ngân sách dành cho trợ cấp thu nhập tăng vượt quá khả năng của bảo hiểm xã hội, với tiền trợ cấp chi trả cho các cá nhân đủ điều kiện được lấy từ hệ thống thuế chung.
Trong những năm 1980, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vô tình mở rộng hơn nữa phạm vi của phúc lợi; khi họ dỡ bỏ hết các thể chế và quy định pháp luật được thiết kế nhằm bảo vệ tiền lương và việc làm. Với việc cả hai yếu tố đó đều được phó thác cho thị trường, phúc lợi từ công việc hoặc khấu trừ thuế, được đưa ra nhằm cho phép các công nhân được tuyển dụng có thể hưởng một “mức lương đủ sống”. Vào cùng thời điểm đó, các chính phủ bảo thủ do bị báo động bởi tình trạng gia tăng chi phí an sinh xã hội, đã bắt đầu cắt giảm các mức phúc lợi.
Trong hoàn cảnh bấp bênh của việc làm và phúc lợi gần đây, thu nhập cơ bản vô điều kiện được xem là sẽ giúp cung cấp mức thu nhập cơ bản vốn trước đó được đảm bảo bởi việc làm và phúc lợi xã hội, nhưng hiện không còn chắc chắn nữa. Một lập luận khác ủng hộ UBI, luôn vang vọng theo truyền thống này, nhưng đặc biệt mới mẻ ở các nước nghèo, đó là thu nhập cơ bản vô điều kiện có tiềm năng giải phóng phụ nữ.
Lập luận về mặt đạo đức ủng hộ UBI lại rất khác biệt. Nguồn gốc của nó là một ý tưởng, được tìm thấy cả trong Kinh thánh lẫn trong kinh tế học cổ điển, cho rằng làm việc là một gánh nặng (hoặc, như cách các nhà kinh tế học sử dụng, là một “chi phí”), được thực hiện chỉ vì mục đích kiếm sống. Khi tiến bộ công nghệ làm cho thu nhập bình quân đầu người tăng lên, người ta sẽ làm việc ít đi mà vẫn đủ để thỏa mãn các nhu cầu của mình.
Cả John Stuart Mill và John Maynard Keynes đều trông đợi một tương lai với ngày càng nhiều thời gian nhàn rỗi: sự tái định hướng cuộc sống từ hữu ích đơn thuần sang hướng tới cái đẹp và chân lý. UBI đưa ra một lối đi thực tế để hướng đến sự thay đổi đó.
Phần lớn thái độ thù địch đối với UBI xảy đến khi nó được thể hiện dưới hình thái thứ hai này. Một tấm poster được dựng lên trong chiến dịch trưng cầu dân ý của Thụy Sỹ ghi rằng, “Bạn sẽ làm gì nếu thu nhập của bạn đã được người khác lo?” Lý do phản đối của phần lớn những người chống lại UBI chính là đa số mọi người sẽ trả lời rằng: “Không làm gì cả”.
Nhưng lập luận rằng có thu nhập mà không cần làm việc chắc chắn sẽ làm suy thoái đạo đức thì vừa không hợp lý trên phương diện đạo đức, vừa không chính xác trên phương diện lịch sử. Nếu điều đó đúng, chúng ta hẳn là sẽ muốn hủy bỏ toàn bộ thu nhập do thừa kế. Giai cấp tư sản châu Âu thế kỷ 19 phần lớn là tầng lớp sống bằng lợi tức thừa kế, nhưng hầu như không ai nghi ngờ nỗ lực lao động của họ. Virginia Woolf nổi tiếng từng viết rằng một người phụ nữ muốn viết tiểu thuyết “hẳn phải có tiền và một căn phòng của riêng cô ấy”.
Sự bùng nổ công nghệ robot đã làm sống lại nhu cầu đối với UBI. Nhiều ước lượng đáng tin cậy cho thấy rằng về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể tự động hóa từ 1/4 đến 1/3 toàn bộ số công việc hiện tại ở phương Tây trong vòng 20 năm tới. Ít nhất, điều này sẽ thúc đẩy xu thế việc làm và thu nhập bấp bênh. Tệ nhất, nó sẽ khiến một phần đáng kể dân số bị dư thừa.
Một phản đối thường thấy đối với UBI trong vai trò một giải pháp để thay thế cho thu nhập từ các việc làm bị biến mất đó là việc cung cấp thu nhập như vậy quá tốn kém. Điều đó một phần phụ thuộc vào thông số nào được sử dụng: cấp độ thu nhập phổ quát tới đâu, các phúc lợi nào (nếu có) mà nó sẽ thay thế, chỉ có công dân gốc hay tất cả mọi người thường trú ở đất nước đều được hưởng, vv…
Nhưng đó không phải là điểm mấu chốt. Một chứng cứ đáng kinh ngạc đó là phần lớn nhất của năng suất tăng thêm trong vòng 30 năm qua chảy vào nhóm những người cực kỳ giàu có. Và đó chưa phải là tất cả: 40% lợi ích từ chính sách nới lỏng định lượng ở Vương quốc Anh đã thuộc về 5% số hộ gia đình giàu có nhất, không phải bởi năng suất họ cao hơn, mà vì Ngân hàng Trung ương Anh hướng dòng tiền trực tiếp vào họ. Chỉ cần đảo lộn một phần xu hướng về sự giàu có và thu nhập này cũng sẽ đủ để trang trải cho một mức thu nhập cơ bản khiêm tốn ban đầu.
Vượt ra khỏi điều này, một đề án UBI có thể được thiết kế để phát triển phù hợp với sự thịnh vượng của nền kinh tế. Tự động hóa chắc chắn sẽ làm gia tăng lợi nhuận, bởi máy móc, thứ gây ra tình trạng dư thừa nhân công, không đòi hỏi tiền lương và chỉ cần một khoản đầu tư rất nhỏ dành cho bảo dưỡng.
Nếu chúng ta không thay đổi hệ thống tạo ra thu nhập của mình, không có cách nào để kiểm soát sự tập trung của cải vào tay những người giàu và có khả năng đặc biệt về kinh daonh. Một UBI được phát triển phù hợp với hiệu suất tư bản sẽ đảm bảo rằng lợi ích của tự động hóa sẽ thuộc về số đông, chứ không phải chỉ một nhóm thiểu số.
Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes.
Xem thêm:
Copyright: Project Syndicate 2016 – Basic Income Revisited
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]