Cách vượt qua chính sách thương mại lỗi thời của Trump

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Richard Baldwin, “Trump’s Anachronistic Trade Strategy”, Project Syndicate, 09/02/2017.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sắc lệnh hành pháp đáng xấu hổ của Trump, thứ chặn đứng cánh cửa vào Hoa Kỳ của người tị nạn và những người khác đến từ 7 quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo, đã áp đảo các tít báo trong những tuần gần đây. Nhưng tổn hại xảy ra với hình ảnh nước Mỹ và với nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nữa nếu xét tới những quyết định ban đầu về thương mại của Trump.

Trong các phát biểu và đoạn tweet của mình, Trump đã hùng hổ nhiếc móc toàn cầu hóa. Ông đã bổ nhiệm luật sư tranh tụng thương mại nổi tiếng theo chủ nghĩa bảo hộ Robert Lighthizer làm Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Và hai thành viên khác trong nhóm lãnh đạo thương mại của ông – Bộ trưởng Thương mại được chỉ định là Wilbur Ross và Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro – cũng ủng hộ tư tưởng đó không kém gì Lighthizer.

Nhiều người Mỹ thuộc tầng lớp lao động và trung lưu tin rằng các hiệp định thương mại tự do là lý do tại sao thu nhập của họ bị trì trệ suốt hai thập niên qua. Do vậy Trump có ý định mang đến cho họ sự “bảo vệ” bằng cách đưa những người ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ vào phụ trách lĩnh vực thương mại.

Nhưng Trump và bộ ba của mình đã chẩn đoán sai vấn đề. Mặc dù toàn cầu hóa là nhân tố quan trọng trong việc làm suy yếu tầng lớp trung lưu, nhưng đồng thời, tự động hóa cũng góp phần không nhỏ. Phần lớn kinh nghiệm kinh doanh của Lighthizer và Ross có được từ các ngành công nghiệp của thế kỷ 20 như sản xuất thép, thứ đã khiến họ theo đuổi các giải pháp của thế kỷ 20 dành cho các vấn đề của một nước Mỹ trong thế kỷ 21.

Thật không may, chủ nghĩa bảo hộ lỗi thời sẽ không thúc đẩy năng lực cạnh tranh công nghiệp của Mỹ, cho dù nó giữ lại vài nghìn việc làm trong các ngành sản xuất “xế chiều” này. Hơn nữa, xé bỏ các hiệp định thương mại và tăng thuế quan sẽ không giúp ích gì cho việc tạo ra các việc làm mới thu nhập cao tại các nhà máy. Có chăng thì thuế quan sẽ chỉ gây thêm tổn thất cho người lao động mà thôi.

Trump và nhóm của mình đang quên mất một điểm đơn giản: toàn cầu hóa ở thế kỷ 21 được dẫn dắt bởi tri thức, chứ không phải bởi thương mại. Chi phí giao thông – liên lạc được giảm thiểu triệt để đã giúp các công ty Hoa Kỳ đưa quy trình sản xuất sang các quốc gia có mức lương thấp hơn. Trong khi đó, để đảm bảo quy trình sản xuất của mình được đồng bộ, các công ty cũng phải chuyển giao ra nước ngoài nhiều bí quyết kỹ thuật, marketing và quản trị của mình. Việc “chuyển tri thức ra ngoài” đó mới thực sự là những gì làm thay đổi cuộc chơi đối với người lao động Mỹ.

Năm 2017, người lao động Mỹ đang không phải cạnh tranh với nhân công nước ngoài lương thấp, tư bản và công nghệ như họ từng phải đối mặt vào thập niên 1970. Thay vào đó, họ đang phải cạnh tranh với một sự kết hợp gần như không thể đánh bại giữa lao động giá rẻ nước ngoài và bí quyết Mỹ. Một cách để hình dung điều này là coi sản phẩm của Hoa Kỳ là không phải là được sản xuất ở Hoa Kỳ, mà ở “Công xưởng Bắc Mỹ” (Factory North America). Hàng hóa được sản xuất ở Công xưởng Bắc Mỹ phải cạnh tranh với hàng hóa từ Công xưởng châu Á, Công xưởng châu Âu, vv…

Điều đó có nghĩa là nếu chính quyền Donald Trump áp thuế quan cao, nó sẽ biến Hoa Kỳ trở thành một hòn đảo đắt đỏ cho vật tư công nghiệp đầu vào. Các công ty có thể muốn đưa một số dây chuyền sản xuất trở lại Hoa Kỳ, nếu họ muốn nhắm mạnh vào người tiêu dùng Mỹ. Nhưng họ cũng sẽ được khuyến khích không kém trong việc đưa dây chuyền sản xuất ra nước ngoài nếu nhắm đến các thị trường xuất khẩu, để có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất Nhật Bản, Đức và Trung Quốc ở bên ngoài nước Mỹ.

Áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu mà không đồng thời ngăn chặn dòng chảy ý tưởng và sở hữu trí tuệ thì cũng như ngăn nước chảy qua kẽ tay bằng cách nắm chặt bàn tay. Một cách tiếp cận hợp lý hơn sẽ phải chấp nhận các thực trạng của thế kỷ 21. Cuộc cách mạng thông tin đã thay đổi thế giới theo những cách mà hàng rào thuế quan không thể đảo ngược. Với việc người lao động Mỹ vốn dĩ đã phải cạnh tranh với rô-bốt ngay tại sân nhà, và với nhân công giá rẻ nước ngoài, việc ngăn cản nhập khẩu sẽ chỉ tạo ra thêm nhiều việc làm hơn cho rô-bốt mà thôi.

Trump cần phải bảo hộ cho người lao động cá thể, chứ không phải cho việc làm cá thể. Các tiến trình toàn cầu hóa của thế kỷ 21 là quá đột ngột, không thể lường trước và không thể kiểm soát được nên không thể dựa vào các phương thức tĩnh như thuế quan (để điều chỉnh nó). Thay vào đó, Hoa Kỳ cần phải khôi phục lại khế ước xã hội của mình để qua đó người lao động có cơ hội được chia sẻ những lợi ích mà sự mở cửa và tự động hóa toàn cầu mang lại. Toàn cầu hóa và đổi mới công nghệ không phải là một tiến trình không đau đớn, do đó luôn luôn cần các sáng kiến tái đào tạo, giáo dục trọn đời, và các chương trình hỗ trợ thu nhập và tính linh hoạt lao động, cũng như sự tài trợ ngân sách cho các khu vực khó khăn.

Bằng cách theo đuổi các chính sách như vậy, chính quyền của Trump sẽ có cơ hội tốt hơn trong việc khiến nước Mỹ “vĩ đại trở lại” đối với tầng lớp lao động và trung lưu. Tiến trình toàn cầu hóa luôn luôn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những người lao động có sức cạnh tranh nhất, và cũng sẽ bấp bênh hơn cho những người khác. Đấy là lý do tại sao một khế ước xã hội mạnh mẽ đã được thiết lập trong thời kỳ tự do hóa hậu Thế chiến II ở phương Tây.  Trong thập niên 1960 và 1970, các thể chế như công đoàn đã mở rộng, và các chính phủ đưa ra các cam kết mới dành do giáo dục chi phí thấp, an ninh xã hội và hệ thống thuế lũy tiến. Những điều đó đã giúp cho tầng lớp trung lưu nắm bắt được các cơ hội mới khi chúng xuất hiện.

Trong hai thập niên qua, tình hình đã thay đổi nhanh chóng: toàn cầu hóa vẫn tiếp diễn, nhưng khế ước xã hội đã bị xé nát. Ưu tiên hàng đầu của Trump phải là phục hồi khế ước xã hội, nhưng các cố vẫn thương mại của ông lại không hiểu điều đó. Đáng buồn thay, dường như họ định áp đặt thuế quan, thứ sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, có thể dẫn đến chiến tranh thương mại, và sẽ chỉ đẩy nhanh việc các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ dịch chuyển ra nước ngoài.

Richard Baldwin là Giáo sư ngành Kinh tế Quốc tế tại Viện Sau đại học Geneva, và là tác giả, gần đây nhất, của cuốn sách The Great Convergence: Information Technology and the New Globalisation.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Trump’s Anachronistic Trade Strategy
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]