Tại sao Pháp cấm mang khăn trùm đầu Hồi giáo?

20140705_blp511 

Nguồn:Why the French are so strict about Islamic head coverings“, The Economist, 06/7/2014

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Người Pháp đã thở phào nhẹ nhõm vào ngày 01/07/2014 khi Tòa án Nhân quyền Châu Âu duy trì lệnh cấm năm 2010 của quốc gia này về việc không được dùng mạng che toàn bộ khuôn mặt tại nơi công cộng. Lệnh cấm này được ban hành sau một phán quyết khác vào tháng 6/2014 của một tòa phúc thẩm hàng đầu của Pháp yêu cầu rằng một nhà trẻ nội trú tư thục có đủ thẩm quyền để sa thải bất cứ nhân viên nào từ chối cởi khăn trùm đầu Hồi giáo của mình tại nơi làm việc. Tại Pháp, những quy định như vậy tạo ra tương đối ít tranh cãi. Tuy nhiên, chúng thường được hiểu lầm ở những nước mà nền đa văn hoá tự do là một điều đã được xác lập. Tại sao người Pháp lại vô cùng nghiêm ngặt về khăn trùm đầu Hồi giáo như vậy?

Pháp tuân theo một hình thức chủ nghĩa thế tục nghiêm ngặt, được gọi là laïcité, được thiết kế để tách tôn giáo ra khỏi đời sống công cộng. Nguyên tắc này đã được xác lập bởi pháp luật vào năm 1905, sau những cuộc đấu tranh khốc liệt chống giới giáo sĩ Giáo hội Công giáo La Mã. Ngày nay, các ranh giới này dường như đã mờ nhạt hơn theo cách nào đó. Ví dụ, người Pháp duy trì một số ngày nghỉ lễ Công Giáo, như Ngày lễ thăng thiên. Nhưng các quy tắc thế tục nhìn chung vẫn có giá trị hơn. Ví dụ, ở Pháp, sẽ không thể tổ chức một vở kịch giáng sinh tại một trường tiểu học công lập, hoặc không có chuyện Tổng thống tuyên thệ nhậm chức với tay đặt trên Kinh Thánh.

Trong 30 năm qua, để đáp lại một sự quyết đoán ngày càng tăng của 5 đến 6 triệu người Hồi giáo của đất nước, trọng tâm trong nỗ lực nhằm cân bằng giữa các nhu cầu tôn giáo và thế tục đã chuyển sang phía đạo Hồi. Sau một thập niên thiếu chắc chắn về mặt pháp lý đối với việc sử dụng khăn trùm đầu tại các trường học công lập, vào năm 2004, chính phủ Pháp đã nghiêm cấm tất cả các biểu tượng tôn giáo “dễ thấy”, bao gồm cả khăn trùm đầu Hồi giáo, tại các tổ chức công cộng như trường học công lập hay tòa thị chính.

Điều này sau đó đã được tiếp nối vào năm 2010 bởi điều mà người Pháp gọi là “lệnh cấm burqa”[1], cấm việc che toàn bộ khuôn mặt tại nơi công cộng. Những người chỉ trích cáo buộc Pháp là phi tự do, kiềm chế tự do thể hiện đức tin tôn giáo, và thể hiện một hình thức đàn áp phụ nữ theo kiểu phương Tây. Ví dụ, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã gọi phán quyết gần đây của Tòa án châu Âu là “một sự thoái lui sâu sắc đối với quyền tự do biểu hiện bản thân và tôn giáo”.

Tuy nhiên, đối với người Pháp, nó là một phần của một nỗ lực không khoan nhượng để giữ đời sống tôn giáo trong phạm vi riêng tư, và phát huy bản sắc cộng hòa thế tục của quốc gia. Điều thú vị là nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo ôn hòa cũng ủng hộ lệnh cấm này như một cách chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cứng rắn.

Nếu Tòa án châu Âu ra quyết định chống lại nước Pháp, nó sẽ thúc đẩy một làn sóng phản đối ở đây. Quốc gia này nhận được sự ủng hộ đa đảng rộng rãi về việc áp dụng các nguyên tắc thế tục, cả ở cánh tả và cánh hữu, và tòa án chấp nhận rằng đó là một phần trong nỗ lực của Pháp để khuyến khích một xã hội dựa trên nguyên tắc “chung sống”. Dù cho thế nào, bản án sẽ củng cố quyết tâm của nước Pháp để bảo vệ truyền thống thế tục của mình. Phán quyết vào tháng 6/2014 chống lại cô nhân viên nhà trẻ nội trú là lần đầu tiên một lệnh cấm đội khăn trùm đầu Hồi giáo được áp dụng vào khu vực tư nhân. Trong phán quyết của mình, tòa án đã nhấn mạnh rằng phán quyết của mình không nên được áp dụng chung, vì nó liên quan đến các nội quy riêng của các nhà trẻ. Tuy nhiên, một tiền lệ đã được thiết lập, và nhiều khả năng trong tương lai người Pháp sẽ thực thi chứ không phải nới lỏng lệnh cấm khăn trùm đầu Hồi giáo.

——————

[1] Còn được gọi là chadri tại Trung Á, là một loại áo dài của phụ nữ, có phần vải để trùm lên đầu, phía trước một tấm lưới dày che mặt.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]