Thứ Sáu Tuần Thánh là gì?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: What is Good Friday?, The Economist, 05/11/2018.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan & Ngô Việt Nguyên

Đối với hàng trăm triệu Ki-tô hữu trên khắp thế giới, Thứ sáu Tuần Thánh (Good Friday, hay ngày Thứ sáu Tốt lành – ND) là ngày thiêng liêng nhất trong lịch phụng vụ của Giáo hội. Đó là dịp họ tưởng nhớ và đôi khi diễn lại việc Giê-su bị đóng đinh. Ở Rome, có một cuộc diễu hành được dẫn đầu bởi Giáo Hoàng, với 14 chặng của bi kịch đau đớn được tưởng nhớ. Còn những người Ki-tô hữu dòng Chính thống, những người sẽ đón lễ Phục sinh theo ngày khác, sẽ đánh dấu dịp này với những nghi lễ hoành tráng. Nhưng ngoại trừ điều hiển nhiên rằng nó sẽ dẫn đến sự Phục sinh của Giê-su hai ngày sau, nhiều Kitô hữu không hiểu rõ ý nghĩa chính xác bi kịch ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Điều này xảy ra một phần bởi vì qua nhiều thế kỷ, những nhà lý luận có ảnh hưởng nhất của Ki-tô giáo đã có nhiều bất đồng về vấn đề này. Họ đa phần đồng thuận rằng việc xử tử đấng sáng lập tôn giáo của họ không chỉ là một sự kiện bất công và tàn ác mà còn là một sự kiện mang tính thay đổi mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, giải phóng nhân loại khỏi sự kìm tỏa của cái chết. Nhưng cách thức chính xác mà sự giải phóng con người khỏi cái chết đó diễn ra như thế nào? Với câu hỏi này, các nhà thần học Ki-tô giáo có một vài câu trả lời khác nhau.

Nhìn chung, có ba trường phái tư tưởng. Một trường phái nhấn mạnh rằng bằng cách trải qua cái chết, Chúa Giê-su đã giải phóng loài người thông qua một chiến thắng mang tính quyết định trước sức mạnh của bóng tối mà trước đây loài người phải chịu làm nô lệ. (Một sự phát triển xa hơn của lý thuyết này cho rằng ma quỷ đã bị đánh lừa bởi cái chết của Giê-su. Ma quỷ nghĩ rằng chúng đã giành được một chiến lợi phẩm, nhưng cuối cùng chính sức mạnh của chúng đã bị hủy diệt.)

Một trường phái thứ hai, nổi bật trong Kitô giáo phương Tây trong suốt thiên niên kỷ vừa qua, xem cái chết của Giê-su như một “sự đền bù” dành cho một Thiên Chúa bị xúc phạm bởi tội lỗi của con người. Anselm, một tổng giám mục Công giáo đã qua đời năm 1109, lập luận rằng danh dự của Thiên Chúa đã bị tổn thương và cần được bù đắp. Các nhà cải cách Tin lành đã mang đến cho ý tưởng này một bước ngoặt mới bằng cách nhấn mạnh các khái niệm trừng phạt và mắc nợ. Theo cách nhìn của họ, sự xấu xa của con người đã tạo ra một món nợ mà một đấng Thiên Chúa công bình buộc phải thu về, và nhân loại không thể tự mình giải thoát. Theo lý thuyết về “chịu phạt thay” này, nhân loại không bao giờ có thể trả được món nợ đạo đức khổng lồ của họ, mà thay vào đó, con trai của Chúa đã làm thay họ, và từ đó giải thoát con người khỏi hậu quả là cái chết.

Trường phái thứ ba, đơn giản hơn, nói lên ảnh hưởng đạo đức mà Chúa Giê-su đã tạo ra trong suốt cuộc đời đầy yêu thương và sự hy sinh bản thân của Người.

Tranh cãi về những điều này vẫn còn diễn ra mạnh mẽ giữa các Kitô hữu ngày nay. Những người Tin Lành Phúc âm, một lực lượng có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ, nhấn mạnh vào ý tưởng chịu phạt thay: ý tưởng rằng Thiên Chúa Cha phải áp đặt một hình phạt cho tội lỗi của con người, và Chúa Giê-su đã cứu rỗi loài người bằng cách chịu đựng thay sự trừng phạt đó. Một số người theo phái Phúc âm xem đó là giáo lý cơ bản trong đức tin của họ đến nỗi họ không thể chấp nhận bất cứ ai từ chối nó làm Kitô hữu.

Ngược lại, các Kitô hữu Chính thống chưa bao giờ thoải mái với thuyết “chịu phạt thay”; các nghi thức của họ sử dụng những hình ảnh về chiến thắng, trả tiền chuộc, và lừa gạt ma quỷ. Một số những người Tin lành với quan điểm tự do cũng không thích thuyết chuộc tội thay và họ thích dùng một sự pha trộn giữa ngôn từ “chiến thắng” và ảnh hưởng đạo đức. Mặc cho những gì diễn ra trên ngọn đồi đó (đồi Cavalry, hay Can-vê, nơi được cho là nơi Đức Giê-su bị đóng đinh – ND) 2000 năm về trước, nó đủ để làm người ta tranh luận trong một thời gian dài.