Nguồn: James Baron, “Taiwan’s friend-buying days are over”, East Asia Forum, 15/07/2016
Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Tân Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu bà tiếp tục đường lối thân thiện với Trung Quốc của người tiền nhiệm của Quốc Dân Đảng (KMT) Mã Anh Cửu, có thể bà sẽ làm mếch lòng các đảng viên chủ trương độc lập trong Đảng Dân Tiến (DPP) của bà. Phương án thay thế còn đáng lo ngại hơn, đó là việc khiêu khích Trung Quốc sau nhiều năm đi lại thân tình giữa hai bên.
Không đâu tình hình lại bất ổn như trong chính sách đối ngoại, bởi vì nó gắn với mối quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan. Bà Thái đang bị hạn chế hành động bởi thành công rõ rệt của ông Mã với Bắc Kinh, một thành công dựa trên việc ‘đình chiến’ ngoại giao. Thỏa thuận không chính thức này đã chấm dứt ‘chính sách ngoại giao đôla’ và chiến dịch lôi kéo đồng minh mang tính trả đũa nhau vốn gây ra điều tiếng cho chính quyền Tổng thống Trần Thủy Biển, người tiền nhiệm của ông Mã.
Dù bà Thái có thể không lặp lại các hành động quá đà dưới thời ông Trần, nhưng bà vẫn sẽ phải đấu tranh không khoan nhượng về để mở rộng không gian của Đài Loan bằng cách không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền. Nếu tình trạng hòa dịu thực sự đã qua đi, Bắc Kinh sẽ khôi phục các nỗ lực phân tách các đồng minh của Đài Loan, và tân Tổng thống Đài Loan sẽ là người gánh chịu sự đổ lỗi cho điều này.
Thực vậy, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tái khẳng định quyền lực của mình nhằm tác động tới các điều khoản điều chỉnh sự can dự của Đài Loan với các thể chế đa phương. Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc một mực đòi Bộ Tài chính nước này sẽ thay mặt cho Đài Loan trình đơn xin gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), một hành động không thể chấp nhận đối với Đài Bắc. Hồi đầu tháng 7 này, Đài Loan đã nhận được giấy mời tham dự Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), chỉ hai tuần trước thềm hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Geneva. Cuối cùng, Đài Loan cũng giành được tư cách quan sát viên của Hội đồng Y tế Thế giới vào năm 2009, một mốc son khác dưới thời ông Mã. Tuy nhiên, tấm giấy mời năm nay lại đề cập tới nguyên tắc ‘một Trung Quốc’, một điều chưa từng có tiền lệ.
Quan trọng hơn, ít nhất là về cảm nhận chung của dư luận, bà Thái gần như chắc chắn không thể sánh được với những thành tựu rõ rệt nhất của ông Mã: số lượng các quốc gia cấp đặc quyền miễn thị thực cho công dân Đài Loan đã tăng gần gấp ba lần, cùng với đó là các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với New Zealand và Singapore.
Như một quan chức của Bộ Ngoại giao từng chia sẻ, ‘quan hệ ngoại giao đã đạt 90%. Các bạn sẽ đi đâu từ con số này? Việc tìm ra thêm một vài phần trăm nữa sẽ là yếu tố then chốt. Bà Thái sẽ cần phải cực kỳ sáng tạo.’
Những sai lầm của thời kỳ Trần Thủy Biển vẫn còn là bài học đối với bà Thái, theo nghĩa chúng minh họa cho đâu là những điều không nên làm nếu muốn nâng cao vai trò quốc tế của Đài Loan. Mâu thuẫn với Bắc Kinh trước khi nhậm chức vào năm 2000, ông Trần đã biến chính sách ngoại giao của Đài Bắc trở thành chiến dịch ngoại giao hối lộ. Tuy nhiều nước đồng cảm với Đài Loan sau những hành động và thông điệp mang tính xúc phạm của Trung Quốc, song vẫn còn có những mặt tai tiếng khác của chính sách đối ngoại Đài Loan phải chịu những lời chỉ trích. Từng hứa hẹn cắt giảm ngân sách (dùng để hối lộ các nước khác), nhưng ông Trần vẫn bị giảm sút uy tín chính trị khi các bê bối ngày càng tích tụ.
Trong thập niên 1990, các đối tác chính như Ả-rập Xê-út, Nam Hàn và Nam Phi đã cắt đứt quan hệ với Trung Hoa Dân Quốc (ROC) khiến Đài Bắc cực kỳ thất vọng. Các đồng minh Tây Phi vẫn qua lại với Đài Bắc và Bắc Kinh, nhưng sự cố đáng chú ý nhất lại liên quan tới khoản vay 2,35 tỷ đôla mà Đài Loan dành cho Papua New Guinea (PNG) năm 1999 nhằm duy trì quan hệ ngoại giao. Thủ tướng PNG Bill Skate đã buộc phải từ chức trước thềm một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Dưới sức ép từ Úc, tân chính phủ của PNG đã rút công nhận Đài Loan. Đại sứ quán Đài Loan được nâng cấp mới đây buộc phải trở lại hoạt động với tư cách văn phòng đại diện, khiến chính quyền Đài Loan cực kỳ phẫn nộ.
Nam Thái Bình Dương sẽ không còn đáng tin cậy trong những năm tới. PNG trở lại tâm điểm chú ý vào năm 2008 do khoản tiền 30 triệu đôla từ Đài Loan vốn đã biến mất trước đó hai năm. Tùy thuộc vào các tường thuật khác nhau, số tiền này đã rơi vào túi của người trung gian hoặc các quan chức PNG. Dù thế nào đi nữa thì tiền của người đóng thuế Đài Loan đã không bao giờ được thu hồi lại.
Nghiêm trọng hơn vẫn là các vụ nổi loạn sau bầu cử năm 2006 tại Quần đảo Solomon. Bạo lực tại Honiara nhằm vào nhóm sắc tộc người Hoa với cáo buộc gian lận bỏ phiếu. Phố người Hoa ở thành phố này đã bị phá hủy, một sòng bạc được cho là giúp rửa tiền của Đài Loan bị thiêu rụi. Truyền thông Úc buộc tội Đài Bắc hủy hoại các nền dân chủ dễ bị tổn thương ở đây bằng việc chuyển tranh cãi ngoại giao với Bắc Kinh sang sân chơi Thái Bình Dương. Đài Bắc phản đối việc bị trút lỗi do công tác quản lý an ninh lỏng lẻo của Úc trong thời gian diễn ra bầu cử. Dù không có nhiều bằng chứng cho thấy sự can thiệp trực tiếp, nhưng việc thiếu giám sát các chương trình viện trợ của Đài Bắc chắc chắn đã tạo đà cho những lời đồn làm bất ổn tình hình.
Việc xuất hiện ngày càng nhiều các bê bối liên quan tới các khoản thanh toán cho Panama, Guatemala và El Salvador dưới thời ông Trần đã củng cố hình ảnh liêm khiết của Mã Anh Cửu. Ngay trước ngày nhậm chức vào tháng 5 năm 2008, ông Mã công khai kêu gọi ‘hưu chiến ngoại giao’ với Bắc Kinh, công khai liên hệ điều này với chính sách ‘chính sách ngoại giao đôla’.
Vì vậy dù rõ ràng về mặt chính trị cần đoạn tuyệt với chính sách ngoại giao thời ông Mã, nhưng Tổng thống Thái Anh Văn nên chọn cách đổi mới các biện pháp thô bạo của chính quyền DPP trước đây. Xu hướng tiến tới chính sách ngoại giao nhân dân sẽ mang lại các gợi mở để bà Thái vận động các cử tri ủng hộ một vai trò lớn hơn của Đài Loan trong ngoại giao quốc tế. Một phương thức có thể là tăng cường ủng hộ cộng đồng Hoa Kiều ở nước ngoài, vốn có thái độ ngày càng hoài nghi đối với Bắc Kinh trong suốt nhiệm kỳ của Mã Anh Cửu.
Dù là phương thức nào thì rõ ràng đều cần một lộ trình mới. Do trong lịch sử, Đài Loan không những không thể mở rộng mạng lưới đồng minh của mình mà còn phải chịu những tổn hại và sự mất mặt sau các nỗ lực đó, cũng như việc Trung Quốc có khả năng khôi phục chính sách thù địch với Đài Loan, nên lời khuyên tốt nhất cho bà Thái là nên tránh tập trung vào các hành động ngoại giao cấp nhà nước vốn thường gắn liền với chính sách ‘ngoại giao ngân phiếu’.
James Baron là cây viết tự do sinh sống tại Đài Bắc.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]