Nguồn: Peter Mattis, “Man or machine: Seeking truth in Chinese politics“, War on the Rock, 07/07/2016
Biên dịch: Văn Cường
Không thể hiểu hoàn toàn chính sách của Trung Quốc khi không nhắc đến con người và quá trình qua đó nó được tạo ra. Nếu Washington có ý muốn định hình sự trỗi dậy của Trung Quốc, khi đó các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải hiểu được hệ thống đó hoạt động ra sao.
Việc theo dõi Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực kể từ khi ông trở thành Chủ tịch vào năm 2012 đã thúc đẩy nhiều nhà quan sát về Trung Quốc đi đến những quan điểm quá khích về các hoạt động chính trị và công tác hoạch định chính sách của Trung Quốc. Một mặt, một số nhà phân tích lập luận Tập Cận Bình đã sử dụng các sách lược theo chủ nghĩa Mao để tạo dựng một sự sùng bái cá nhân và quay trở lại chế độ cai trị độc đoán. Mặt khác, một số nhà phân tích đưa ra lý lẽ rằng Tập Cận Bình phần lớn không thích hợp ngoài việc ông được ủy nhiệm để hoàn thành những tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Không quan điểm nào trong số này thực sự làm sáng tỏ những gì đang thực sự diễn ra ở Bắc Kinh. Một quan điểm rõ ràng hơn đòi hỏi phải thừa nhận rằng chính trị vẫn là chính trị: một câu chuyện về các cá nhân bi thảm hay anh hùng không hoàn mỹ liên tục tương tác với các thể chế và quy tắc xung quanh họ.
Không thể hiểu hoàn toàn chính sách của Trung Quốc khi không nhắc đến con người và quá trình qua đó nó được tạo ra. Nếu Washington có ý muốn định hình sự trỗi dậy của Trung Quốc, khi đó các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải hiểu được hệ thống đó hoạt động ra sao.
Những người chỉ rõ sự sùng bái cá nhân của Tập Cận Bình và một sự quay trở lại chế độ cai trị độc đoán đang đưa ra một thứ gì đó gần như là một bức biếm họa về đời sống chính trị Trung Quốc bởi sự ngớ ngẩn rõ ràng của nó. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể xuất hiện tại một cuộc diễu binh, nhưng nó khác xa với việc đứng ở quảng trường Thiên An Môn và phát biểu trước hàng chục nghìn người. Những bức họa ngờ nghệch có thể tôn vinh ca tụng đời sống của Tập Cận Bình, nhưng chúng không phải là một cuốn sổ nhỏ màu đỏ mà hàng triệu người mang theo. Tập Cận Bình đã nỗ lực phát động lại cuộc vận động chính trị “đường lối quần chúng” của Mao để tạo phản hồi tích cực nhằm hỗ trợ các chính sách của ông, nhưng việc gây sức ép đối với chế độ quan liêu ĐCSTQ để đạt được các mục tiêu mà Đảng đề ra không phải là theo chủ nghĩa Mao.
Bản chất khôi hài của Tập Cận Bình như Mao Trạch Đông là lý do chính tại sao quan điểm này đã biến mất khỏi phân tích của hầu hết các nhà quan sát Trung Quốc nghiêm túc. Tuy nhiên, quan điểm này là kết quả đương nhiên của việc xem xét các hoạt động chính trị của Trung Quốc thông qua lăng kính chính trị phe phái – sự cạnh tranh giữa các nhóm quan chức cạnh tranh lẫn nhau – và có vẻ không có phe phái nào nổi lên để thách thức sự thống trị của Tập Cận Bình. Không có nhiều dấu hiệu kình địch thực sự, Tập Cận Bình dường như không ai chống lại được và vô song, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Những người có quan điểm trái ngược và miêu tả Tập Cận Bình chỉ là một “người thừa hành của đảng” cho rằng nếu Tập Cận Bình mạnh mẽ hơn các nhà lãnh đạo trước kia thì đó là do tập thể lãnh đạo của ĐCSTQ muốn như vậy. Tập Cận Bình chỉ là người được chỉ định thông qua các quy trình hợp lý, nếu không nói là trọng nhân tài, của đảng để chọn các nhà lãnh đạo thực hiện các kế hoạch chiến lược của đảng.
Ngoài bản chất lặp lại không cần thiết của lập luận này, các thành phần của nó trên thực tế loại chính trị ra khỏi phân tích của họ về các hoạt động chính trị và công tác hoạch định chính sách của Trung Quốc. Bất chấp tính tùy tiện về tri thức của quan điểm Tập Cận Bình như Mao Trạch Đông, quan điểm thứ hai này nguy hại hơn bởi nó dẫn đến ảo tưởng rằng quan điểm chính trị của Trung Quốc có đặc điểm hợp lý và có thể dự đoán được. Điều này dường như sẽ đem lại lý do để ban cho các văn kiện chính sách nhiều ảnh hưởng hơn chúng xứng đáng. Trên thực tế, mọi vấn đề chính sách đều có hơn một giải pháp, và việc Bắc Kinh chọn lựa trong số các giải pháp đó như thế nào là một câu hỏi về sự ưu tiên chứ không chỉ là tính thiết thực. Lấy một ví dụ đã thu hút sự chú ý của quốc tế, khi Bắc Kinh đã dàn xếp êm thấm vụ biểu tình ở làng Ô Khảm hồi năm 2011, mà đã bắt đầu sau khi dân làng đánh đuổi các quan chức của ĐCSTQ ra khỏi thị trấn, chính phủ đã có một lựa chọn. Bắc Kinh đã có thể lệnh cho các lực lượng an ninh địa phương san bằng Ô Khảm. Bắc Kinh đã có thể cho phép chính quyền cấp địa phương dàn hòa hoặc thay thế Bí thư tỉnh ủy để kiểm soát tình hình khi người biểu tình cầu xin.
Quan điểm này nổi lên từ một loạt gồm 3 giả định về cách thức hoạt động của ĐCSTQ. Giả định đầu tiên là các nhà lãnh đạo được lựa chọn dựa trên cơ sở công trạng và thành tích trong quá khứ của họ. Giả định thứ hai là sự lãnh đạo tập thể ở các cấp cao nhất của đảng làm dịu bớt xung đột giữa các nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Giả định thứ ba là hệ thống hoạch định chính sách của ĐCSTQ về cơ bản hoạt động như được dự định và chỉ đạo.
Không giả định nào trong số này có thể được thừa nhận một cách không ngờ vực. Chúng dễ bị nghi ngờ bởi chúng không phản ánh những gì người ta biết về các hoạt động chính trị hay hệ thống của Trung Quốc. Các hoạt động chính trị mang tính cá nhân, và các tổ chức không thể né tránh các hoạt động chính trị, đặc biệt là khi đề cập đến việc lựa chọn lãnh đạo. Sự lãnh đạo tập thể đòi hỏi phải cùng hoạch định chính sách và bàn bạc, và bằng chứng về sự lãnh đạo tập thể đến nhiều từ chương trình nghị sự của đảng hơn là bất cứ điều gì khác. Nếu hệ thống ĐCSTQ về cơ bản hoạt động như nó được dự định, khi đó các nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm tái tổ chức và khẳng định quyền lực của ông đối với nó là không thể giải thích được.
Tất cả các hoạt động chính trị đều mang tính cá nhân. Bất kể một tổ chức có trọng nhân tài như thế nào, việc đề bạt lên các cấp cao nhất sẽ luôn được cá nhân hóa – một vấn đề về chính trị hơn là công trạng. Các tổ chức sản sinh nhiều người có đủ năng lực để đảm nhiệm các chức vụ cấp cao nhất của chúng hơn là những sự bổ nhiệm cán bộ.
Ngay cả khi các nguyên tắc tổ chức cán bộ mới được đưa ra để quyết định ai sẽ được đề bạt, chúng không thể bị tách ra khỏi bối cảnh chính trị trước mắt trong một khoảng thời gian. Chẳng hạn, nguyên tắc “7 lên, 8 xuống”, qua đó những người 67 tuổi có thể được đề bạt nhưng những người 68 tuổi phải nghỉ hưu, đối với việc đề bạt của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ban đầu được thiết kế để loại bỏ các đối thủ của Giang Trạch Dân khỏi Ban Thường vụ. Gần đây hơn, việc Ban Thường vụ Bộ Chính trị của Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng 18 tinh giản cán bộ từ 9 thành viên xuống còn 7 thành viên là điều khôn ngoan bởi càng có ít tiếng nói thì con đường đi đến đồng thuận càng ngắn hơn. Điều thuận tiện là, thâm niên khiến hai lãnh đạo có quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sắp mãn nhiệm không vào được Ban Thường vụ.
Điều có liên quan là, yếu tố cá nhân của hoạt động chính trị đóng vai trò như một lời nhắc nhở về vai trò của cơ hội hay tình huống bất ngờ. Việc gọi Tập Cận Bình là sự biểu hiện ý chí của đảng sẽ cho thấy rằng các quy trình hợp lý, dựa trên nguyên tắc đã dẫn tới việc ông được lựa chọn. Trong một nghĩa rất hạn hẹp thì điều đó có thể là đúng. Việc Tập Cận Bình vào năm 2007 được bầu làm Phó Chủ tịch, người đứng đầu Trường đảng Trung ương, và đứng đầu Ban bí thư đã củng cố các triển vọng của ông.
Nhưng điều gì đã xảy ra trước đó? Năm 1997, Tập Cận Bình là sự lựa chọn cuối cùng của các đồng sự của ông để trở thành Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương (từ đó Bộ Chính trị cầm quyền và Ban Thường vụ của nó được thành lập). Tập Cận Bình đã bỏ qua việc trở thành một bí thư tỉnh ủy để nhảy vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ngay cả khi những bước “nhảy cóc” như vậy không phải hoàn toàn là hiếm, các bí thư tỉnh ủy có triển vọng tiến xa hơn nữa thường công tác trong Bộ Chính trị, như ủy viên Ban Thường vụ hiện nay Trương Đức Giang và không giống như Tập Cận Bình. Ông đã vươn lên như thế nào từ những triển vọng không hứa hẹn như vậy để leo lên vị trí cao nhất của ban lãnh đạo, nhảy qua nhiều cấp bậc của các cán bộ nòng cốt có uy tín cao hơn? Trước tiên, không có nhiều ứng viên thay thế có thể làm hai nhiệm kỳ 5 năm như Tổng Bí thư ĐCSTQ, có lẽ chỉ có 2 hoặc 3, cụ thể là Bạc Hy Lai (hiện đang bị bỏ tù), Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều. Thứ hai, nhà lãnh đạo có nhiều triển vọng nhất mà có thể chỉ làm một nhiệm kỳ mà không thay đổi các hạn chế tuổi tác được nhắc đến trước đó, Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ, đã trở thành nạn nhân của một vụ bê bối tham nhũng. Cuối năm 2006, một cuộc điều tra do Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào tiến hành đã gài bẫy Trần Lương Vũ và giúp phá hỏng các dàn xếp của người tiền nhiệm của Hồ Cẩm Đào là Giang Trạch Dân để đảm bảo uy thế tiếp tục của “bè nhóm Thượng Hải” của ông này.
Tình huống bất ngờ có vai trò quan trọng. May mắn có vai trò quan trọng. Kỹ năng của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ có vai trò quan trọng. Trung Quốc cũng không ngoại lệ về mặt này.
Sự lãnh đạo tập thể trên thực tế có nghĩa là mỗi lãnh đạo đứng đầu một hệ thống chính sách hoạt động độc lập mà không chịu sự can thiệp của các đồng sự của họ. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất của quyền tự trị này là hệ thống an ninh, trong đó có cơ quan tình báo trong nước và các lực lượng cảnh sát, trong nhiệm kỳ của Chu Vĩnh Khang (2007-2012), nhân vật hiện giờ đang bị bắt giam. Các xuất bản phẩm chủ đạo của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ và Trường đảng Trung ương đã chỉ trích bộ máy an ninh vì nhìn nhận tất cả các kiểu vấn đề xã hội thông qua lăng kính an ninh và sử dụng vũ lực đối với toàn thể công dân Trung Quốc theo những cách thức đối nghịch với các mục tiêu khác của ĐCSTQ.
Trong một sự công kích khác nhằm vào sự lãnh đạo tập thể trong một đảng thống nhất, các nhà lãnh đạo tỉnh đã tuần hành trước các báo địa phương của họ hồi đầu năm nay để bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Tập Cận Bình và các ý kiến chỉ đạo của ông. Ít nhất 17 bí thư cấp tỉnh đã bày tỏ sự công nhận của họ rằng Tập Cận Bình là “nòng cốt” của ban lãnh đạo – một vinh dự mà người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào của ông không có được. Hai nhà lãnh đạo quan trọng nhất phớt lờ giọng điệu về Tập Cận Bình như là nòng cốt của ban lãnh đạo là Bí thư Thành ủy Thượng Hải Hàn Chính và Bí thư Thành ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa. Cả hai nắm giữ các chức vụ quan trọng mà gần như đảm bảo sự đề bạt trong tương lai lên các chức vụ lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh nếu không nói là Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Cả Hàn Chính và Hồ Xuân Hoa đều không có liên hệ với giới thân cận của Tập Cận Bình, và một số nhà phân tích đã gọi họ là những người đi đầu trong các phe phái của những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình. Sự lãnh đạo tập thể hàm ý địa vị của Tập Cận Bình là “nòng cốt” sẽ không muốn sự bất đồng công khai như vậy.
Phần này cũng cho thấy chúng ta biết ít như thế nào về các động cơ và hành động của giới chóp bu của ĐCSTQ. Các dấu hiệu cho thấy sự chống đối đối với Tập Cận Bình đã xuất hiện trên các các phương tiện truyền thông chính thức, chẳng hạn như một bài luận mang tính khiêu khích do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ – cơ quan chống tham nhũng – công bố. Phải chăng các tuyên bố công khai này đã được sắp đặt để cho thấy Tập Cận Bình kém cỏi hay là một nỗ lực nhằm thị uy sức mạnh đã thất bại? Hay chúng là một phần của cuộc đấu quyền lực để thúc đẩy bộ máy tuyên truyền sự nằm dưới sự kiểm soát của Tập Cận Bình? Không lâu sau khi các tuyên bố công khai rằng Tập Cận Bình là nòng cốt của ban lãnh đạo, vị chủ tịch này đã ghé thăm các vị trí then chốt trong bộ máy tuyên truyền để đòi hỏi sự trung thành với các yêu cầu của đảng, ngụ ý rằng các tổ chức này cần phải tăng cường kiểm soát các bài viết bày tỏ bất đồng và củng cố cương vị lãnh đạo của ông. Công tác tuyên truyền do Ban Thường vụ Bộ Chính trị giám sát, do đó người ta tự hỏi tại sao những vấn đề lại không thể được giải quyết chính giữa bản thân các lãnh đạo với nhau hay tại sao bộ máy tuyên truyền lại cần được nhắc nhở về uy quyền tối cao của đảng.
Những người lập luận rằng các lãnh đạo đảng cùng điều hành Trung Quốc cần phải cho thấy rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp gỡ nhau đủ thường xuyên để sự lãnh đạo tập thể đem lại kết quả. Làm thế nào để có sự lãnh đạo tập thể giữa các nhà lãnh đạo mà gặp gỡ nhau không quá một lần mỗi tháng? Sắp xếp giấy tờ giữa các thư ký riêng và bộ máy hành chính quan liêu trung ương không phải là lãnh đạo tập thể. Tốt hơn hết, họ có thể cho thấy sự thỏa thuận giữa tập thể lãnh đạo đã thay đổi như thế nào các chính sách mà ban đầu do một nhà lãnh đạo và bộ máy chính sách của ông đề xướng.
Cuối cùng, một hệ thống đã tạm dừng hoạt động khi các nguyên tắc cơ bản của nó đang được thực hiện cho thấy giả định về một hệ thống chính trị hoạt động đúng chức năng cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Theo các báo cáo liên tiếp, những nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm tập trung quyền lực và chống tham nhũng đã làm chậm lại hoạt động của Chính phủ Trung Quốc, khi các quan chức cấp thấp lo sợ việc hành động sai lầm sẽ dẫn đến việc họ bị sa thải hoặc bỏ tù. Số quan chức trên thực tế bị bỏ tù là tương đối nhỏ trong một ĐCSTQ gồm hơn 88 triệu người. Các nguồn tin chính thức nói rằng khoảng 300.000 quan chức đã phải đối mặt với các hình phạt cho tội tham nhũng và chỉ 80.000 trong số đó phải chịu hình phạt nghiêm khắc như là giáng cấp. Khoảng 400.000 quan chức đã bị trừng phạt trong năm 2013 và 2014, tổng số vẫn chỉ chiếm 0,79% số đảng viên.
Kiểu lo sợ đó chỉ có lý nếu tình trạng u ám của ĐCSTQ khiến thậm chí là những thành viên trong nội bộ đảng cảm thấy khó có thể hiểu được điều gì đang diễn ra ở bất kỳ thời điểm cụ thể nào. Đây không phải là giả định vô lý khi căn cứ vào các báo cáo của các đảng viên bí mật theo dõi lẫn nhau và các vụ việc tống tiền giữa các cán bộ. Ở các cấp cao nhất, giả định này bao gồm cả các nỗ lực của Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị hất cẳng nhằm thâm nhập Cục Bí mật Nhà nước, cơ quan phụ trách đảm bảo công tác thông tin liên lạc giữa các lãnh đạo, và các nỗ lực của Chu Vĩnh Khang nhằm dùng bộ máy tình báo trong nước chống lại các đối thủ chính trị.
Việc leo lên các vị trí đòi hỏi các quan chức của đảng phải dính dáng đến các hành động mà hoặc liên quan đến phạm tội hoặc là có thể bị trừng phạt sau đó – cũng giống như trong nhiều hệ thống độc tài khác. Ở thời điểm họ hành động, các quan chức của đảng không có cách nào biết được liệu họ có phải đối mặt với những hậu quả hay không nếu thời thế chính trị thay đổi. Do các đảng viên có nhiều khả năng hơn phải chịu sự thi hành thất thường hơn là có tính hệ thống, các quan chức này có động cơ để tìm kiếm sự an toàn thông qua hai hình thức liên hệ. Hình thức thứ nhất là dưới vỏ bọc của một nhân vật cấp cao, người giúp quyết định ai bị điều tra. Hình thức thứ hai bao gồm những người ở trong các đơn vị an ninh và điều tra, những người tiến hành công việc và có thể che giấu bằng chứng. Về mặt này, Tân Hoa Xã không nhầm khi nói với tác giả bài viết rằng các quan chức tham nhũng đều cùng hội cùng thuyền. Đó là cách duy nhất để tìm kiếm sự an toàn trong một môi trường khó lường.
Rõ ràng câu trả lời nằm ở đâu đó trong các hoạt động chính trị cá nhân đơn thuần của các phe phái và ĐCSTQ như là bộ máy hành chính quan liêu hợp lý. Việc cố gắng tránh khỏi tình trạng mơ hồ và nói rằng các hoạt động chính trị của Trung Quốc hoặc là mang tính cá nhân hoặc hành chính quan liêu sẽ không đem lại nhiều sự thấu đáo hơn so với những sự lưỡng phân tương tự, giống như là những người bảo thủ đấu với những người cải cách, những kẻ hiếu chiến đấu với những người yêu hòa bình hay Liên đoàn Thanh niên Trung Quốc đấu với phe “Thái tử đảng”. Các thể chế và nguyên tắc là quan trọng, nhưng những người không hoàn hảo là những người quản lý chúng và đảm bảo việc thực thi (hoặc không thực thi) chúng. Người ta có thể mắc sai lầm. Họ có tham vọng hay lòng vị tha, hành động cẩn trọng hay liều lĩnh, rèn luyện tính chính trực hay thói bợ đỡ, và một loạt đặc điểm anh hùng hay bi thảm khác. Tập Cận Bình là “người thừa hành” của đảng, nhưng ông cũng là người phải chịu nhiều rủi ro trong các hoạt động chính trị cấp cao.
Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc bao gồm cả một yếu tố định hình quan trọng, do chính sách và hành động của Bắc Kinh từ Biển Đông cho đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn để lại nhiều điều để mong đợi. Việc hiểu được làm thế nào để gây sức ép hay phớt lờ Bắc Kinh đồng nghĩa với việc hiểu được về môi trường chính trị Trung Quốc và các lãnh đạo nước này hoạt động như thế nào trong đó. Tuy nhiên, hai quan điểm nổi bật không đem lại đường cơ sở đó.
Peter Mattis là chuyên viên nghiên cứu Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc của Quỹ Jamestown và là tác giả cuốn “Analyzing the Chinese Military” (2015). Hiện tác giả đang hoàn thành hai cuốn bản thảo về hoạt động tình báo của Trung Quốc.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]