Đọc “Mao: Câu chuyện không được biết”

Print Friendly, PDF & Email

maobook_edited

Tác giả: Trần Hữu Dũng

Từ giữa năm 2005, cuốn tiểu sử này đã làm sôi nổi dư luận các nước nói tiếng Anh (xin đừng lầm với quyển “Mao: A life” của Philip Short, xuất bản năm 2001, vừa được dịch ra tiếng Pháp). Hai tác giả là vợ chồng: bà Jung Chang, sinh trưởng ở Trung Quốc, từng là một Hồng Vệ  Binh trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hoá, đã viết cuốn tự truyện về gia đình bà (“Hoang Nga” (Wild Swans) xuất bản năm 1991) được nhiều người khen, và ông Jon Halliday, sử gia người Anh, nguyên chủ biên tạp chí thiên tả New Left Review.

“Mao: Câu chuyện không được biết” quả là một công trình đồ sộ.  Đóng góp rất lớn của hai tác giả là những thông tin mà họ khai thác từ văn khố của Nga và các nước Đông Âu cho đến gần đây còn là bí mật, và từ phỏng vấn hầu hết những người (hiện còn sống) đã tiếp xúc hoặc liên lạc thư tín với Mao (từ các chính khách, kí giả, nhà văn, cho đến người giặt đồ lót cho Mao), dù ít hay nhiều.  Sách đầy ắp những giai thoại “hấp dẫn”, cầm lên đọc thì khó lòng đặt xuống.

***

Nhìn qua con mắt của Chang và Halliday, có thể nói Mao là một quái vật khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, hơn cả Hitler, Stalin, Tần Thủy Hoàng, hay bất cứ ai khác.  Đó là một người hèn nhát, lười biếng, quỷ quyệt, độc ác, ích kỉ, tham quyền, cơ hội, vô lương tâm, vô nhân đạo.  Ông ta là một người thực dụng, không lý tưởng, chỉ theo đuổi quyền hành cho bản thân.  Chưa hết: Mao ham gái tơ, thích ăn uống, và ở dơ.*

Về mặt chính trị, Mao không hề là một lãnh tụ nông dân, một người Mác xít thực tâm, hay một chiến lược gia có tài.  Tất cả những sai lầm, thất bại ở Trung Quốc đều là lỗi của Mao, và nếu Trung Quốc có thành công nào thì hẳn đó không là nhờ Mao.  Mọi “chiến thắng” quân sự của Mao là do may mắn, hoặc nhờ can thiệp của Liên Xô, của Nhật, của Mỹ, và do sự triệt hạ không nương tay của Mao đối với kình địch của ông.  Đảng Cộng sản Trung Quốc chẳng phải do Mao sáng lập, nhưng là con đẻ của Liên Xô: từ việc chu cấp tiền bạc, sắp đặt tổ chức, đến bổ nhiệm nhân sự.  Thực vậy, Mao trở nên lãnh tụ đảng này cũng là do sự chọn lựa của Stalin, mà Stalin chọn Mao chỉ vì Mao giỏi nịnh bợ.

Chang và Halliday cho rằng, phong trào Trăm Hoa Đua Nở đã đi quá trớn, hủy hoại thanh danh, sự nghiệp, thậm chí tính mạng của bao nhiêu người, không phải vì sự vụng tính của Mao (như nhiều học giả đã phân tích), nhưng là cái bẫy mà Mao đã thâm độc giăng ra để loại trừ những thành phần chống đối.

Tương tự, “Bước Đại Nhảy Vọt” (mà theo Chang và Halliday đã gây 38 triệu tử vong, một con số mà hầu hết sử gia khác đều cho là quá cao) không phải là một thí nghiệm công nghiệp hoá kiểu Mác, rồi thất bại vì quản lí tồi tệ, như nhiều người vẫn tưởng. Hai tác giả này quyết chắc (dù rất ít bằng cớ) rằng đó là mưu đồ của Mao ngay từ đầu: sung công thực phẩm của nông dân Trung Quốc để, một phần, đổi lấy vũ khí của Đông Âu, và phần khác, viện trợ cho các nước Á Phi để củng cố hậu thuẫn chính trị quốc tế.  Cuối cùng, cuộc Cách Mạng Văn Hoá (mà Chang và Halliday gọi là cuộc “đại thanh trừng”) đơn giản chỉ để trả thù, không ăn nhập gì đến kế hoạch “trẻ hoá” đảng Cộng Sản Trung Quốc, như nhiều người vẫn tưởng.

Dù phải thán phục Chang và Halliday đã bỏ nhiều thời giờ (hơn mười năm) và công sức cho tác phẩm đồ sộ này (mà chắc chắn mọi khảo cứu về Mao từ rày về sau phải lấy làm khởi điểm), người đọc khó tránh vài thất vọng.

Thứ nhất là về mặt sử dụng tư liệu và nhân chứng.  Tuy hai tác giả viện dẫn hàng ngàn tài liệu, song phần lớn các tài liệu này không được cho nguồn chính xác để những học giả khác có thể kiểm chứng hoặc khai thác thêm. Cũng thế, có thể là Chang và Halliday đã phỏng vấn hàng trăm nhân chứng (danh sách có trong phụ lục) chưa ai khác phỏng vấn (nhất là những người ở Trung Quốc), nhưng không cho biết những người này hiện ở đâu, làm sao tác giả đã tìm ra và kiểm chứng họ. Khi hai tác giả dựa vào tài liệu Trung Quốc và Nga (hai quốc gia mà họ biết rất rõ và thành thạo ngôn ngữ) để kể lại một vụ việc thì họ rất đáng tin, nhưng khi họ dùng tư liệu các nước khác thì độ khả tín có kém hơn nhiều.

Những cuộc “đàm thoại bí mật” giữa nhiều nhân vật chủ chốt, dù dựa trên các tài liệu toà án quý hiếm mà hai tác giả có công khám phá, vẫn phải tồn nghi.  Chang và Halliday bảo là đã “nói chuyện” với nhiều người, song, sau khi sách được xuất bản, một số người này cho biết chỉ nói qua loa vài câu với Chang và Halliday, không có gì đáng gọi là chứng từ như là ấn tượng được gieo trong sách.

Điều nữa: làm sao hai tác giả biết Mao nghĩ gì (nhất là ngay trước lúc Mao chết)? Vài “phát giác” về liên hệ Việt-Trung (nhất là thời kỳ 1950-60) mà Chang và Halliday kể cũng khá thú vị.  Tuy nhiên, vì những vụ việc này cũng đã có trong một số sách báo trước đây, người đọc không khỏi phân vân: Hai tác giả này dùng cùng nguồn, hay thậm chí chỉ căn cứ vào các sách báo kia, hoặc dựa vào tư liệu, nhân chứng nào khác?  Thiếu dẫn chứng rõ ràng, “Mao” của Chang và Halliday không có ích nhiều là vì thế.  Đàng khác, một số sự kiện đã khá quen thuộc thì ở đây được diễn giải một cách mới, nhưng tác giả không cho biết căn cứ vào đâu mà họ bác bỏ các diễn giải khác. (Đáng nghi ngờ hơn, lập luận của Chang và Halliday thường rập khuôn lập luận của phe cực hữu ở Mỹ, Đài Loan, và của thành phần chống đối ở Trung Quốc.)

Thứ hai, để chứng tỏ sự xấu xa vô hạn của Mao, Chang và Halliday bật qua một cực đoan khác: thần tượng hóa đối thủ của Mao (như Lưu Thiếu Kỳ) một cách ngây thơ, phi lý.  Dưới mắt hai tác giả, hầu như không một kình địch nào của Mao (trong lẫn ngoài đảng) biết phản trắc, tráo trở.  Tội lớn nhất của họ là nhu nhược và bất tài!  “Mao” còn bị tì bởi nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn như Chang và Halliday cho rằng Mao là người dốt nát, lười đọc (cái tủ sách đồ sộ xung quanh giường ngủ của Mao chỉ để làm cảnh, họ khẳng định), nhưng khi muốn chứng minh rằng Mao nào có gian khổ gì trong cuộc Trường Chinh, Chang và Halliday lại cho biết Mao nằm trên cáng đọc sách suốt thời gian ấy.

Thứ ba, hai tác giả kể lại đời Mao hầu như biệt lập với bối cảnh lịch sử và xã hội Trung Quốc, trước và trong khi Mao cầm quyền.  Trước Chang và Halliday, mọi tác giả khác đều nhìn nhận rằng Mao (như Tần Thuỷ Hoàng ngày xưa) dù là “quái vật” đến đâu, cũng đã đem lại cho Trung Quốc vài thay đổi có ích (chẳng hạn như cải cách ruộng đất). Hai tác giả này tuyệt đối không nhìn nhận cái có thể ấy, lắm khi với một giải thích khá khôi hài. Chẳng hạn như, thay vì cho rằng ít ra Mao cũng có công giải phóng phụ nữ và chấm dứt nạn tảo hôn (như đánh giá của đa số sử gia), Chang và Halliday kết tội Mao đã làm mất “sự dịu dàng của phụ nữ”. Họ mô tả sự tàn bạo của Mao nhưng không phân tích, tìm hiểu lí do của sự tàn bạo ấy.  Bởi vậy, hình ảnh Mao trong sách này quá “phẳng”, quá trắng đen, từ lúc sinh đến khi chết, thiếu hẳn chiều sâu và cái phức tạp thật sự của một con người, dù quỷ quái đến đâu, và những thay đổi phải có trong cuộc đời của người ấy.

Ai đã sẵn định kiến (xấu) về Mao sẽ rất tâm đắc với “Mao” của Chang và Halliday. Song quyển này không phải là một công trình có tính học thuật cao. Trong sự hăng say (dù có là chính đáng) đập phá thần tượng Mao, hai tác giả đã lờ đi mọi bằng chứng không ăn khớp với chủ đích của họ khi viết cuốn sách này.

Đây là bài điểm cuốn sách của Jung Chang và Jon Halliday (2005), “Mao: The Unknown Story,” New York: Knopf, 832 trang, 35 USD.

Nguồn: Viet-studies

—————–

*Mao suốt đời không đánh răng, ít khi tắm (chỉ triệu tập mỹ nữ lấy khăn ướt lau mình).  Lâm Bưu cũng thế.  Có lẽ “bầu không khí” trong các buổi họp của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc rất ngột ngạt!