Đằng sau việc tạp chí nổi tiếng TQ bị ép đình bản

Print Friendly, PDF & Email

Yanhuang

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Ngày 17/7/2016, tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu ở Trung Quốc (TQ) bất ngờ tự tuyên bố đình bản. Tin này đang làm dư luận TQ và quốc tế xôn xao bàn tán.

Viêm Hoàng Xuân Thu (Yanhuang Chunqiu, báo in và báo điện tử, sau đây viết tắt VHXT) là một tạp chí rất nổi tiếng ở TQ, chủ yếu vì từ ngày ra đời (1991) tới nay luôn luôn đăng những bài nhằm thức tỉnh người TQ suy nghĩ về các sai lầm trong quá khứ của Đảng Cộng sản TQ, chủ yếu dưới hình thức hồi ký, ghi chép, bình luận các vấn đề lịch sử “nhạy cảm” từng bị quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước TQ đánh giá sai lầm, lâu nay dư luận phổ biến nghi ngờ quan điểm đó nhưng rất ít người dám nói ra sự thật và phê phán một cách có lý trí.

VHXT tập hợp được nhiều học giả nổi tiếng nhất về lịch sử TQ cận-hiện đại như Thẩm Chí Hoa, Dương Khuê Tùng, Dương Thiên Thạch (sử gia TQ đầu tiên sang Mỹ đọc Nhật ký Tưởng Giới Thạch), Tiền Lý Quần …, nhiều đảng viên lâu năm có uy tín cao và chủ trương cải cách dân chủ, như Đỗ Đạo Chính (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xuất bản 1987-89), Lý Nhuệ (nguyên Thư ký Mao Trạch Đông), Tào Trị Hùng (nguyên Thư ký cố Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang), Điền Kỷ Vân (nguyên UV BCT, Phó Thủ tướng), Tạ Thao (nguyên Hiệu trưởng ĐH Nhân dân TQ), Thượng tướng Tiêu Khắc nổi tiếng trong quân đội…

Phần lớn tác giả viết cho VHXT đều là các nhà cách mạng lão thành, nhà văn và học giả uy tín. Các bài đăng trên VHXT có trình độ học thuật cao, dựa trên quan điểm duy vật lịch sử, tôn trọng sự thật, lý trí, khách quan, công bằng, chỉ bàn bạc về học thuật mà không động chạm tới chính trị hiện tại. Vì thế VHXT giành được sự tín nhiệm của các cán bộ cấp tiến trong Đảng và Nhà nước TQ. Như VHXT số 1/2001 có in lời đề tặng kèm ảnh của nguyên Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân (cha Tập Cận Bình), khen đây là một tờ báo “đứng đắn”.

VHXT có ảnh hưởng rất lớn đối với giới cán bộ về hưu và giới trí thức – những người lo lắng nhất về tương lai đất nước. Lượng phát hành tạp chí gần đây lên tới 150.000 bản mỗi kỳ, gấp 10 lần thời kỳ đầu. Cộng đồng người Hoa trên thế giới đặc biệt quan tâm số phận của VHXT.

Đồng thời VHXT cũng trở thành đối tượng đả kích của các thế lực cực tả (như trang mạng Wuyou Zhixiang) không ngừng tuyên truyền về sự sáng suốt của Mao Trạch Đông và ĐCSTQ. Thế lực này có ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng công nông chiếm đa số tuyệt đối ở TQ, đã tạo áp lực mạnh mẽ khiến VHXT từng trải qua một số phận rất gian nan.

Tháng 5/2014 trang mạng cực tả Hồng Ca Hội (szhgh.com) đăng bài phân tích vì sao VHXT “chống Mao, chống Cộng lâu dài như thế mà vẫn đứng vững không bị đổ”. Bài báo viết: Hầu như không một số VHXT nào không có bài phê phán Mao Trạch Đông, thỉnh thoảng có động chạm tới Đặng Tiểu Bình, hai lãnh tụ được đa số người TQ tuyệt đối tôn sùng; ngoài ra VHXT còn công kích các sai lầm của Quốc tế Cộng sản thời Stalin… Dưới danh nghĩa “Cầm bút viết sự thật” về các vấn đề lịch sử, thực ra VHXT là một tờ báo có tính chính trị rất mạnh, mượn lịch sử để ám chỉ hiện tại, trở thành trận địa chủ yếu truyền bá trào lưu “chủ nghĩa hư vô lịch sử”. Gần đây VHXT chủ ý đăng 3 bài liên quan, định nghĩa chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa hư vô lịch sử, nhằm phản biện một loạt bài nói của TBT Tập Cận Bình về đề tài này. Điều đó chứng tỏ tạp chí VHXT đã “tuyên chiến với ĐCSTQ” – bài báo nhận định.

Hồng ca Hội cho rằng VHXT kiên trì 4 quan điểm chủ yếu như sau:

  1. Phủ định cách mạng, đánh giá cách mạng là một lực lượng phá hoại; cho rằng chỉ có khai sáng theo tính chất giai cấp tư sản mới có tác dụng xây dựng đất nước;
  2. Phương hướng CNXH mà TQ lựa chọn từ sau phong trào Ngũ Tứ là sự đi chệch dòng chảy chính của văn minh nhân loại;
  3. Các nước lạc hậu về kinh tế và văn hóa không có tư cách làm CNXH. Thứ CNXH mà TQ đang xây dựng  là “CNXH nông nghiệp”, “CNXH phong kiến” và “CNXH không tưởng”;
  4. Lịch sử ĐCSTQ là sự tiếp diễn và chồng chất một loạt sai lầm.

Bài báo kết luận: Tuy có làm phong phú nhận thức của mọi người đối với quá khứ, đính chính được một số hiểu lầm về lịch sử, nhưng VHXT dùng chiêu bài phục hồi sự thật lịch sử để lật đổ các kết luận đã được công nhận về ĐCSTQ, cho nên về tổng thể VHXT là một tạp chí “tập trung công kích ĐCSTQ”, gây nguy hại cho sự cầm quyền của Đảng.

Tuy vậy vì nhiều lý do, tạp chí này vẫn đứng vững suốt 23 năm qua, dù nhiều lần bị các cơ quan chính quyền can thiệp thô bạo đòi thay các nhân vật cấp tiến trong Tòa soạn VHXT.

Chẳng hạn Ban Tuyên giáo Trung ương dưới thời TBT Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu ông Đỗ Đức Chính nghỉ hưu vì tuổi cao và giao tạp chí cho Bộ Văn hóa quản lý, nhưng ông Đỗ và toàn ban biên tập phản đối kịch liệt, Hồ Cẩm Đào phải bỏ qua. Tập Cận Bình lên nắm quyền đã ra tay mạnh hơn, buộc ông Đỗ phải giao tạp chí cho Bộ Văn hóa. Đỗ Đức Chính 91 tuổi đồng ý nghỉ hưu, nhưng không chịu giao tạp chí, với lý do người kế thừa VHXT phải có đầu óc cấp tiến và ông đã chọn Hồ Đức Hoa, con trai thứ cố TBT Hồ Diệu Bang thay mình.

TQ không cho phép có báo chí tư nhân. VHXT là tạp chí do Viện Nghiên cứu Nghệ thuật TQ (thuộc Bộ Văn hóa) chủ quản và chủ trì, nhưng Tòa soạn lại gây dựng được nguồn kinh phí riêng (hiện nay tương đương 1,2 triệu USD), không dùng kinh phí nhà nước. Giữa Viện với Tòa soạn VHXT từng ký một hợp đồng có hiệu lực pháp lý, quy định Tòa soạn VHXT có quyền bổ nhiệm nhân sự, quyền tự chủ tài chính và tự chủ về nội dung các bài đăng báo.

Nhưng bỗng dưng ngày 14/7/2016, Viện Nghiên cứu Nghệ thuật TQ ra thông báo về việc điều chỉnh nhân sự của VHXT, thay tất cả các chức vụ chính của tờ báo bằng người do Viện đề cử. Nguyên Chủ nhiệm Tòa soạn, nguyên Tổng Biên tập Đỗ Đạo Chính, Phó Chủ nhiệm Hồ Đức Hoa (đang công tác nước ngoài), Tổng Biên tập Từ Khánh Toàn đều bị mất chức.

Ngày 17/7, Biên tập viên Ngô Vĩ và nguyên Chủ nhiệm Tòa soạn – Đại diện pháp nhân Đỗ Đạo Chính ký “Tuyên bố đình chỉ xuất bản” tạp chí VHXT, xác nhận ngày 15/7 Viện Nghiên cứu Nghệ thuật TQ cho người xông vào nơi làm việc của VHXT, cưỡng chế cướp lấy và sửa đổi mật khẩu trang mạng của VHXT. Tuyên bố khẳng định, từ nay về sau bất cứ ấn phẩm nào phát hành với danh nghĩa VHXT đều là giả mạo, không liên quan gì tới Tòa soạn cũ của tạp chí. VHXT đã kiện ra Tòa án cấp quận việc Viện Nghiên cứu Nghệ thuật TQ đơn phương vi phạm hợp đồng. Ngày 28/7, Tòa án quận phán quyết không thụ lý đơn này. VHXT đang kiện lên Tòa cấp cao hơn.

Trang mạng cực tả kunlunce.com (Côn Lôn Sách) ngày 21/7 đánh giá việc “thay máu” nhân sự Tòa soạn VHXT là “một sự kiện lớn trong lĩnh vực hình thái ý thức ở TQ hiện nay”, đánh dấu “một thắng lợi quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa hư vô lịch sử”, “sự bắt đầu giai đoạn cao của cuộc đấu tranh này”.

Sự việc trên cho thấy Tập Cận Bình đang kiên quyết cấm đoán mọi tiếng nói phản biện. Cũng có ý kiến cho rằng VHXT bị ép phải đóng cửa chỉ vì dám khui ra các vụ tham nhũng của người thuộc phe họ Tập.

Dưới đây xin điểm qua một số bài đáng chú ý từng đăng trên VHXT:

Số 1/2005 đăng bài của Lý Nhuệ, trong đó có viết: “Sau 1949, càng thấy chúng ta đã đi qua một đoạn đường vòng dài. Hồi ấy, trước một loạt sai lầm nghiêm trọng rõ ràng, không ai dám dũng cảm đứng ra phản đối…..Các cải cách thể chế chính trị, văn hóa có liên quan tới tập quán cũ chưa đồng bộ với kinh tế, làm cho hiện tượng tham nhũng… càng phát triển, khiến mọi người cảm thấy chúng ta còn chưa thực sự tỉnh ngộ từ các sai lầm lịch sử …”

Số 11/2005 mở chuyên đề “Hồ Diệu Bang trong lòng chúng ta”, mời nhiều nguyên lão trong Đảng như nguyên Phó Thủ tướng Điền Kỷ Vân, Lý Nhuệ, Tào Trị Hùng… tham gia đánh giá lại cố TBT Hồ Diệu Bang. VHXT cùng tuần san “Băng điểm” đăng bài “Hồ Diệu Bang trong lòng tôi”, cả hai tờ báo đều bị Ban Tuyên giáo phê bình, số báo đó bị cấm phát hành.

Số 2/2007 bài của Tạ Thao “Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ với tiền đồ của TQ”, đánh giá chủ nghĩa xã hội dân chủ là thành quả cao nhất của chủ nghĩa Mác, chỉ có chủ nghĩa xã hội dân chủ mới cứu được TQ. Nhưng chủ nghĩa này chủ trương nhân dân bỏ phiếu chọn ra chính đảng cầm quyền, tức phản đối chế độ một đảng nắm quyền suốt đời.

Số 7/2007 đăng bài “Nhớ về đại viện Quốc vụ viện” của Điền Kỷ Vân, trình bày mặt tích cực của cố TBT Triệu Tử Dương từng bị Đặng Tiểu Bình miễn chức do đồng tình với vụ biểu tình lớn ngày 4/6/1989 (tại quảng trường Thiên An Môn, bị Đặng đàn áp đẫm máu), ca ngợi Triệu trong thời gian làm Thủ tướng từng dẫn đầu phong trào tiết kiệm chống phô trương lãng phí. Chính quyền cấm đăng bài này trên mạng và cấm các mạng khác sao chép.

Số 5/2009, bài “Tinh thần Ngũ Tứ – Giá trị phổ quát” phê bình không nêu tên câu nói của đương kim Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc: “Tuyệt đối không rập khuôn cách làm của phương Tây, tuyệt đối không thực hành chế độ nhiều đảng thay nhau nắm chính quyền”.

Số 7/2011 đăng các bài có nội dung “nhạy cảm” liên quan tới dịp kỷ niệm 90 năm thành lập ĐCSTQ, vì thế một số thư viện trường ĐH không cho bạn đọc mượn số tạp chí này.

Số 1/2013 đăng bài “Hiến pháp là sự đồng thuận về cải cách thể chế chính trị”, kêu gọi chính quyền biến Hiến pháp nước CHNDTH đang bị xếp xó, bị vô hiệu hóa, thành một hệ thống chế độ thực tế, kêu gọi sửa đổi tất cả các chế độ, pháp lệnh chính sách vi phạm Hiến pháp.

Việc tạp chí VHXT liên tục bị can thiệp, cấm đoán, ép đình bản, là một ví dụ cho thấy ĐCSTQ dù từng phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng nhưng vẫn không muốn được người khác vạch ra sai lầm đó. Họ sợ rằng nếu dân chúng biết sự thật thì đặc quyền lãnh đạo đất nước của ĐCSTQ sẽ bị lung lay, và họ chưa bao giờ muốn từ bỏ tham vọng đó. ĐCSTQ không lắng nghe, thậm chí đàn áp mọi tiếng nói phê bình, phản biện của công luận. Đây là sự tiếp tục của truyền thống mấy nghìn năm TQ thực hành chế độ lễ giáo do Khổng Tử đặt ra, yêu cầu bề tôi (cấp dưới) phải tuyệt đối phục tùng một mình Hoàng đế (cấp trên), cho dù trên sai lầm, dưới vẫn phải tuyệt đối im lặng, trung thành với trên (“trung quân”).

Hậu quả tất nhiên của thể chế trung quân mù quáng này là ĐCSTQ không thấy được sai lầm của mình, do đó lại tiếp tục phạm sai lầm. Ví dụ phong trào Đại Nhảy vọt và Công xã nhân dân do Mao Trạch Đông phát động làm hàng chục triệu nông dân chết đói mà không địa phương nào dám báo cáo Trung ương biết sự thật. Nguyên soái Bành Đức Hoài dám nói điều đó thì lập tức bị Mao cách mọi chức vụ. Sau đấy Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ tỏ ý định kiểm điểm mấy phong trào nói trên thì Mao cho Hồng Vệ Binh lôi Lưu ra đấu tố, hành hạ đến chết trong cuộc “Cách mạng Văn hóa” do Mao phát động – một phong trào sai lầm nghiêm trọng hơn nhiều, suýt nữa làm đất nước này tan rã sụp đổ nếu cuộc “Cách mạng” đó không chấm dứt nhờ cái chết của Mao.

Hình: Nguyên Chủ nhiệm Tòa soạn, nguyên Tổng Biên tập Viêm Hoàng Xuân Thu Đỗ Đạo Chính. Chữ viết tay là của Tập Trọng Huân, bố của Tập Cận Bình, với nội dung “Viêm Hoàng Xuân Thu làm rất tốt”. Nguồn: VOA Indonesia.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]