Sự thất bại của di cư tự do

Print Friendly, PDF & Email

_87561217_migration1920

Nguồn: Robert Skidelsky, “The Failure of Free Migration”, Project Syndicate, 18/07/2016

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Cuộc tấn công khủng khiếp do một gã đàn ông Pháp gốc Tunisia tiến hành nhằm vào một đám đông ở Nice đang mừng Quốc khánh Pháp làm 84 người chết và hàng trăm người khác bị thương sẽ mang lại cho Marine Le Pen, nhà lãnh đạo của Mặt trận Quốc gia, sự gia tăng lợi thế lớn trong cuộc bầu cử tổng thống vào mùa xuân năm tới. Việc kẻ giết người, Mohamed Lahouaiej Bouhlel, có liên quan tới chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hay không cũng không quan trọng. Trên khắp thế giới phương Tây, một sự kết hợp tai hại của sự mất an ninh tính mạng, kinh tế và văn hóa đã thúc đẩy cảm xúc và quan điểm chống nhập cư đúng vào thời điểm khi sự tan rã của các quốc gia hậu thuộc địa trên khắp thế giới Hồi giáo đang gây ra vấn đề người tị nạn trên một quy mô chưa từng thấy kể từ Thế chiến II.

Trong 30 năm qua, một chuẩn mực quan trọng đối với các xã hội dân chủ tự do là sự cởi mở của họ đối với những người mới đến. Chỉ những kẻ thiếu khoan dung mù quáng mới không thể nhận thấy rằng nhập cư có lợi cho cả người dân sở tại và người di cư; nên nhiệm vụ của lãnh đạo chính trị là loại bỏ các quan điểm như vậy ra khỏi dòng quan điểm chủ đạo, và tạo điều kiện cho hội nhập hay đồng hóa. Thật không may, hầu hết giới tinh hoa phương Tây đã không trân trọng các điều kiện của sự thành công.

Mặc dù sự di chuyển của con người đã trở thành một điểm đặc trưng liên tục của lịch sử nhân loại nhưng nó chỉ tương đối yên bình khi diễn ra ở những vùng lãnh thổ ít người ở hoặc đang phát triển. Một trường hợp điển hình là các cuộc di cư thế kỷ 19 từ châu Âu đến Tân thế giới (châu Mỹ). Từ năm 1840 đến 1914, 55 triệu người đã rời châu Âu tới châu Mỹ – một tỉ lệ so với dân số thời đó lớn hơn nhiều so với cuộc di cư kể từ sau Thế chiến II. Gần như tất cả những người di cư là di dân kinh tế, bị đẩy ra khỏi đất nước của họ bởi nạn đói và suy thoái nông nghiệp, và bị lôi kéo đến Tân thế giới bởi những lời hứa hẹn về đất đai miễn phí và một cuộc sống tốt hơn.

Khi thế giới diễn ra quá trình công nghiệp hóa và dân số tăng lên, những dòng người từ các khu vực phát triển tới các khu vực đang phát triển đã đảo ngược. Nghèo và chết đói vẫn đẩy người di cư ra khỏi các nước nghèo; tuy nhiên, hiện các yếu tố hấp dẫn họ không phải là đất đai miễn phí, mà là các công việc tốt hơn ở các nước phát triển.

Chính điều này đã gây nên sự căng thẳng hiện nay. Sau Thế chiến II, các chính phủ phương Tây đã đặt ra các chính sách nhằm cân bằng các lợi ích kinh tế của việc nhập cư (lao động giá rẻ) với bảo vệ công ăn việc làm và lối sống trong nước. Ví dụ, từ năm 1955 đến năm 1973, Tây Đức đã tiếp nhận 14 triệu “lao động khách mời” (guest workers), phần lớn đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, mặc dù các vị khách được kỳ vọng sẽ trở về nhà sau hai năm, các biện pháp kiểm soát đã dần suy yếu như là một phần của sự dịch chuyển chung hướng tới tự do hóa thương mại và dòng vốn.

Cùng với những động cơ kinh tế cho việc di cư, luôn có một yếu tố khác: Sự đàn áp sắc tộc, tôn giáo và chính trị. Ví dụ như việc trục xuất người Do Thái khỏi Tây Ban Nha vào năm 1492, người Huguenots khỏi Pháp vào năm 1685, người Đức và những sắc tộc khác khỏi Đông Âu sau Thế chiến II, một số người Palestine khỏi Israel vào năm 1948, và người Ấn Độ khỏi Uganda trong những năm 1970.

Trong những năm gần đây, người tị nạn đã chủ yếu chạy trốn hoặc do đàn áp hoặc do tình trạng mất an ninh cùng cực sau sự tan rã của nhà nước. Chúng ta chứng  kiến điều này tại khu vực Balkan trong những năm 1990, ở Afghanistan và vùng Sừng châu Phi trong những năm 2000. Năm triệu người Syria hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan là ví dụ mới nhất và rõ ràng nhất của hình mẫu này.

Đối với tầng lớp người di cư này, các yếu tố thúc đẩy ở quê nhà cho đến nay là quan trọng nhất. Tuy nhiên, ranh giới giữa những người tị nạn và di dân kinh tế mờ đi theo thời gian. Lịch sử chỉ ra rằng hầu hết những người tị nạn không trở về quê hương bản xứ của họ. Phải mất quá lâu thì cảm giác bất an cùng cực mới giảm dần; trong khi đó, sự cám dỗ của một cuộc sống tốt hơn luôn thường trực.

Điều này giải thích một thực tế quan trọng trong nhận thức của người dân: Hầu hết mọi người ở nước tiếp nhận không phân biệt được giữa dân di cư kinh tế và người tị nạn. Cả hai nhóm người này thường được xem là các bên lợi dụng các nguồn lực hiện có, không phải là người tạo ra nguồn lực mới. Việc những người Đông Á phải bỏ chạy khỏi Kenya trong chiến dịch “châu Phi hóa” của quốc gia này đã trực tiếp dẫn đến luật chống nhập cư của Vương quốc Anh năm 1968.

Quan điểm lịch sử này dẫn đến ba kết luận. Thứ nhất, cảm xúc chống nhập cư không chỉ dựa trên thành kiến, sự thiếu hiểu biết, hoặc chủ nghĩa cơ hội chính trị. Luận điệu bài nhập cư không chỉ mang tính kiến tạo xã hội (tức thông qua tương tác xã hội mà hình thành – NBT). Ngôn từ không chỉ phản chiếu các sự việc “ngoài kia”, mà chúng có một số liên hệ đến những sự việc như vậy. Bạn không thể thao túng một cái gì đó trừ khi có cái gì đó để thao túng (hay không có lửa thì không có khói). Chúng ta có ít cơ hội thay đổi các luận điệu trừ khi chúng ta thay đổi được những thực tế mà chúng đề cập đến.

Thứ hai, thời đại của sự di dân đông không được kiểm soát đang sắp kết thúc. Như cuộc bỏ phiếu Brexit cho thấy, tầng lớp chính trị của châu Âu đã đánh giá rất thấp những căng thẳng do việc đi lại tự do qua biên giới gây ra – một biểu hiện cho sự thất bại của dự án tân tự do về tối đa hóa việc phân bổ nguồn lực dựa trên thị trường. Các nhà phê bình chủ nghĩa tân tự do không thể luôn loại sự di chuyển dân số khỏi việc điều tiết. Thật vậy, lỗ hổng chết người của việc đi lại tự do ở EU là nó đã luôn giả định trước có một nhà nước (EU) quản lý sự di chuyển đó. Một nhà nước như vậy đã không tồn tại. Cung cấp cho mọi người một hộ chiếu EU không hợp pháp hóa một thị trường lao động chung, đó là lý do tại sao “những chiếc phanh khẩn cấp” kìm hãm di cư trong EU là không thể tránh khỏi.

Thứ ba, chúng ta cần phải chấp nhận thực tế rằng hầu hết những người tị nạn đến EU sẽ không trở về nhà.

Con đường phía trước là khó khăn. Các bước đơn giản nhất là các bước tăng cường cảm giác an toàn của cử tri, theo nghĩa rộng nhất, vì các chính sách này nằm trong tầm kiểm soát của các nhà lãnh đạo chính trị. Những biện pháp này sẽ bao gồm không chỉ việc giới hạn số người di cư kinh tế, mà còn cả các chính sách dẫn đến kỳ vọng toàn dụng lao động và duy trì thu nhập. Chỉ khi tình trạng mất an ninh kinh tế của cử tri được giảm thiểu mới có hy vọng cho các chính sách tích cực để đồng hóa hay hội nhập những người tị nạn, những người mà các nhà lãnh đạo phương Tây không thể trực tiếp kiểm soát số lượng của họ.

Vấn đề chưa được giải quyết là làm thế nào để giảm bớt những yếu tố thúc đẩy mọi người rời bỏ đất nước của chính họ.

Chúng ta có thể hy vọng rằng sự phát triển kinh tế ở Đông Âu, hoặc ở Mexico, sẽ bình đẳng hóa các điều kiện một cách thích đáng nhằm chấm dứt những dòng chảy ròng người di cư từ vùng này sang vùng khác; nhưng việc chấm dứt dòng chảy của những người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi là khó khăn hơn nhiều. Lập lại trật tự và tạo ra các chính quyền hợp pháp là điều kiện tiên quyết của sự phát triển kinh tế, và chúng ta chưa biết cách thức để thực hiện điều này. Trong một số trường hợp, điều này có thể yêu cầu vẽ lại các đường biên giới. Nhưng thật khó để chứng kiến điều này xảy ra mà không trải qua những năm dài xung đột, hoặc rất khó để biết cách thức mà phương Tây có thể tiến hành nhằm giảm thiểu sự đổ máu.

Một điều dường như chắc chắn với tôi: Nếu an ninh không được tăng cường ở cả hai đầu, bạo lực chính trị sẽ tràn từ thế giới Hồi giáo vào các nước láng giềng gần nhất ở châu Âu.

Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Failure of Free Migration
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]