Nguồn: Erik K. Fanning, “The Foundations of Pacific Stability”, Project Syndicate, 22/08/2016
Biên dịch: Chu Tuấn Việt
Trong tháng này, tôi đã hoàn tất chuyến công tác kéo dài 2 tuần với 6 điểm dừng tại khu vực Thái Bình Dương, bắt đầu bằng chuyến thăm Sư đoàn lục quân Hoa Kỳ số 25 đang đóng tại Hawaii. Đó là khởi đầu hợp lý cho chuyến đi, nhắc chúng ta nhớ rằng Lục quân Hoa Kỳ có vai trò then chốt trong việc xây dựng nền móng an ninh tại Thái Bình Dương.
Sư đoàn lục quân số 25, ban đầu có biệt danh là “Tia chớp nhiệt đới”, sẽ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập vào mùa thu này. Những nam giới và phụ nữ đóng tại đây – và thực sự là tất cả binh sĩ Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương – đã đóng nhiệm vụ bảo đảm ổn định tại khu vực trong hơn nửa thế kỷ trước. Kể từ sau chủ trương tái cân bằng chiến lược sang châu Á của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, vai trò của họ càng tăng lên.
Hiện nay, Lục quân Hoa Kỳ dành nhiều nguồn lực giải quyết các vấn đề ngoài khu vực. Chúng ta ở tuyến đầu chiến dịch của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS), cũng như trong các nỗ lực hỗ trợ nhân dân Afghanistan.
Nhưng chúng ta cũng tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù an ninh tại Thái Bình Dương thường được gắn với nỗ lực của các lực lượng Hải quân và Không quân Hoa Kỳ, Lục quân đang ngày càng quan trọng hơn trong việc tăng cường các quan hệ đối tác trong khu vực. Với việc sáu trong số mười lực lượng lục quân lớn nhất thế giới nằm trong vùng tác chiến Thái Bình Dương, và 22 trong số 27 nước trong khu vực có bộ trưởng quốc phòng là sỹ quan lục quân, rõ ràng chúng ta cần phải đầu tư cho sứ mệnh của Lục quân Hoa Kỳ tại khu vực này.
Một bộ phận then chốt của sứ mệnh này là chương trình Dòng chảy Thái Bình Dương (Pacific Pathways), theo đó “Hoa Kỳ phối hợp với các đối tác đa quốc gia tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lục quân thông qua tập huấn bổ sung và củng cố các mối quan hệ lực lượng đối tác”.
Tại Hawaii, binh sĩ Hoa Kỳ và Singapore đã tham gia cuộc tập trận chung thường niên lần thứ 36. Từ những binh nhì mới tinh tới những tướng lĩnh dày dạn nhất của Hoa Kỳ đã phát triển những mối quan hệ mật thiết với các đối tác, và xây dựng niềm tự hào sâu sắc về sứ mệnh bảo đảm an ninh chung. Như vậy nghĩa là các binh sĩ này cũng đóng vai trò như những đại sứ quan trọng tại khu vực.
Quan hệ giữa quân đội Hoa Kỳ và Malaysia được phát triển mới đây hơn. Nhưng trong một cuộc tập trận chung thường niên, tôi đã chứng kiến các lực lượng của chúng ta giao tiếp tốt hơn và thân thiết hơn với các đối tác Malaysia, tôi hài lòng với việc quan hệ song phương được tăng cường. Nếu xảy ra thiên tai tại Thái Bình Dương, những mối quan hệ được xây đắp với Malaysia có thể cứu được hàng ngàn sinh mạng nhờ có các hoạt động phối hợp ứng phó.
Chúng ta biết rằng phải tiếp tục nỗ lực để duy trì và củng cố cam kết của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, kể cả khi binh sĩ Hoa Kỳ tiếp tục gánh vác các sứ mệnh đa dạng và nặng nề tại các vùng khác của thế giới. Một cách có thể áp dụng để đáp ứng nhu cầu này là luân phiên đóng quân.
Tại doanh trại Casey ở Hàn Quốc, tôi đã ăn trưa cùng binh sĩ thuộc Sư đoàn Kỵ binh số 1. Trước đó họ đã huấn luyện chín tháng tại căn cứ Hood, bang Texas, trước khi thực hiện đợt đóng quân luân phiên chín tháng tại bán đảo này. Trong suốt quá trình triển khai, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng này được nâng cao nhờ vào chất lượng và sự nghiêm túc của các đợt tập huấn mà họ đã tham gia cùng các đối tác thuộc Lực lượng Quân đội Hàn Quốc.
Một cách khác được Lục quân Hoa Kỳ sử dụng để bảo đảm tính linh hoạt, bền vững và khả năng tác chiến tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là đặt sẵn các kho trang thiết bị – các kho dự trữ chiến lược các trang bị chiến đấu quan trọng – trên lãnh thổ nước đồng minh. Ví dụ tại Nhật Bản, Lục quân Hoa Kỳ tích trữ hơn 100 tàu thuyền để có thể tiếp tế nhanh chóng nếu xảy ra thiên tai hoặc biến cố.
Ngoài việc cất giữ thiết bị, vật tư, chúng ta có thể đào tạo đối tác sử dụng chúng; và phát triển khả năng hậu cần của chúng ta để phân phối hiệu quả các thiết bị đó. Thực tế là Lục quân Hoa Kỳ giúp Lực lượng liên quân Hoa Kỳ (các lực lượng Hải, Lục, Không quân và lính thủy đánh bộ cùng hành động), các đồng minh và đối tác có được khả năng phản ứng nhanh chóng.
Lục quân Hoa Kỳ cũng theo đuổi các cải tiến chiến thuật tại Thái Bình Dương. Mặc dù được cấp ngân sách dành cho hiện đại hóa dưới mức dành cho các lực lượng vũ trang khác của Hoa Kỳ, chúng ta vẫn phải tiếp tục nhanh chóng phát triển năng lực và trang bị cho binh sĩ các công nghệ mới nhất. Đó là lý do các binh sĩ đã và đang học cách chiến đấu cùng với robot tại Hawaii và chúng ta tham gia các khóa đào tạo với Malaysia về các hệ thống thiết bị bay không người lái.
Nhân tố cuối cùng trong các mối liên hệ của chúng ta tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nỗ lực nâng cao khả năng tác chiến trong những môi trường khó khăn. Chúng ta tham gia tập trận tại Alaska để tăng cường khả năng hoạt động trong khí hậu khắc nghiệt, giúp bảo đảm chúng ta không bị thách thức tại Bắc Cực. Và thông qua các đợt huấn luyện tại Hawaii và Malaysia, chúng ta đã củng cố khả năng chiến đấu tại môi trường nhiệt đới.
Lục quân Hoa Kỳ có danh sách nhiệm vụ và trách nhiệm rộng khắp. Từ Hawaii đến Guam, từ Đông Bắc Á đến biên giới ở Alaska, chúng ta theo đuổi một sứ mệnh cực kỳ quan trọng: xây dựng nền móng an ninh tại một khu vực năng động – và chỗ đứng vững chắc cho tương lai của Hoa Kỳ tại đây./.
Tác giả Erik K. Fanning là Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Foundations of Pacific Stability
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]