Bà Clinton sẽ cứng rắn với Trung Quốc nếu đắc cử?

Print Friendly, PDF & Email

clinton

Nguồn: Geoff Dyer & Tom Mitchell, “Hillary Clinton: The China hawk”, The Financial Times, 06/09/2016.

Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Vị tổng thống mới của Mỹ sẽ đối mặt với sự lựa chọn giữa việc tiếp tục chiến lược ‘xoay trục’ và xoa dịu Bắc Kinh

Hillary Clinton theo dõi sát sao khi sự căng thẳng ở Trung tâm Hội nghị Hà Nội tăng dần lên. Trước tiên, vị ngoại trưởng Việt Nam lên bục chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau đó, từng người một, các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nêu lên các quan ngại tương tự về hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc.

Cảm giác thời điểm đã phù hợp, vị Ngoại trưởng Hoa kỳ yêu cầu được phát biểu trước hội nghị khu vực. Lần đầu tiên, bà tuyên bố rằng Washington có “lợi ích quốc gia” đối với tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Người Trung Quốc đã nổi giận. Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Trung Quốc, nhìn bà Clinton chằm chằm và cảnh báo “các cường quốc bên ngoài” hãy đứng ngoài các tranh chấp ở Biển Đông. Quay sang các nước khác, ông ta gằn giọng: “Trung Quốc là một đại quốc. Còn quý vị đều là tiểu quốc. Và đó là một thực tế.”

Bà Clinton đã đến thăm 112 quốc gia với chặng đường 956.733 dặm trên tư cách Ngoại trưởng, nhưng cuộc họp năm 2010 tại Hà Nội trên nhiều phương diện đã đóng dấu ấn lên nhiệm kỳ của bà. Và nó cung cấp một ý niệm có giá trị về thế giới quan mà ứng cử viên Đảng Dân chủ này sẽ mang vào Nhà Trắng nếu bà chiến thắng trong cuộc bầu cử Tháng 11 tới.

Đối với chính quyền Obama, “xoay trục” về châu Á là một sáng kiến tiêu biểu về đối ngoại. Sau 200 năm chủ yếu nhìn về phía Đông sang châu Âu, Hoa Kỳ quyết định ưu tiên chính của mình giờ là châu Á-Thái Bình Dương.

Bằng cách đưa Hoa Kỳ can dự trực tiếp vào các tranh chấp về Biển Đông, thực ra tuyên bố của bà Clinton tại Hà Nội là sự khởi động của chính sách xoay trục, thời điểm Hoa Kỳ tuyên bố trước khu vực – và với Bắc Kinh – rằng Hoa Kỳ sẽ không đứng ngoài khi Trung Quốc cố gắng xác lập bản thân làm người lãnh đạo khu vực.

Cụm từ “xoay trục” xuất phát chính từ một bài báo của bà Clinton trên tạp chí Foreign Policy hồi tháng 10 năm 2011. Trong bài “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ“, bà nói nước Mỹ đang ở một thời điểm “bản lề”. Trong khi Tổng thống Barack Obama sử dụng Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào khai mạc vào hôm nay (6/9/2016) để củng cố chính sách xoay trục như là một phần di sản của riêng mình, thực tế nó là một dự án chung giữa vị tổng thống với người phụ nữ mà ông hy vọng sẽ kế nhiệm ông.

Đối với một số quan chức Hoa Kỳ, bao gồm một vài ứng viên cho các vị trí cấp cao trong chính quyền tương lai của bà Clinton, cuộc họp tại Hà Nội là bằng chứng cho thấy bà chuẩn bị theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, cuộc họp làm tăng thêm ấn tượng bà là người hiếu chiến đối với Trung Quốc chính yếu trong chính quyền Obama.

“Họ ý thức rất rõ là cơ hội giành chiến thắng của bà Clinton trong cuộc bầu cử rất cao và vì vậy họ sẽ phải đối phó với bà”, Douglas Paal, một chuyên gia về châu Á từng làm việc trong chính quyền Reagan và George H.W. Bush nói. “Song, mọi người Trung Quốc sẽ nói trong các cuộc trao đổi riêng rằng họ thực sự không thích bà.”

Các căng thẳng này tạo nên một vũ đài cho một trong những thách thức cốt yếu đối diện với vị tổng thống kế nhiệm. Cách tiếp cận kiểu mới mang tính đối đầu của Mỹ mà bà Clinton báo hiệu lần đầu tại Hà Nội không thuyết phục được Trung Quốc từ bỏ kế hoạch Biển Đông của mình. Kết quả là, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn giữa dốc sức tăng cường chiến lược xoay trục hay cố gắng tìm cách nào đó để thỏa hiệp với các đòi hỏi của Trung Quốc.

Chuyển sang tấn công

Ngay những ngày đầu cầm quyền vào tháng 1 năm 2009, cả ông Obama lẫn bà Clinton đều nhanh chóng đồng ý rằng châu Á sẽ là một ưu tiên. Bài phát biểu quan trọng đầu tiên sau khi nhậm chức của bà Clinton là tại Hội Châu Á (Asia Society) ở New York vào tháng 2 khi bà nói “mong muốn của Mỹ là một sự cam kết chặt chẽ và liên tục hơn” với khu vực này.

Tuy nhiên, cũng có một mong muốn trong chính quyền là không nên bắt đầu gây căng thẳng với Trung Quốc ngay trong năm đầu tiên, như nhiều tân tổng thống đã làm – đặc biệt là nếu xét tới cuộc khủng hoảng đang làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu lúc đó.

Chính vì điều này mà bà Clinton đã nói trước thềm chuyến thăm đến Bắc Kinh của bà, cũng trong tháng 2 năm 2009, rằng bà sẽ không mạnh tay về nhân quyền vì “chúng ta biết khá rõ những gì họ sẽ nói” – một nhận xét khiến bà chịu những chỉ trích gay gắt trong nước vì có vẻ để cho Bắc Kinh áp đặt điều kiện.

Đến đầu năm 2010, chính quyền bắt đầu trở nên ít lo ngại việc làm mất lòng Bắc Kinh hơn. Ông Obama gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong và công bố một gói vũ khí bán cho Đài Loan, trong khi Mỹ cũng vận động Trung Quốc ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Iran.

Tuy nhiên, chính vấn đề Biển Đông đã đưa chính quyền vào một cuộc đối đầu trực tiếp hơn với Trung Quốc vào năm đó. Các quan chức Hoa Kỳ lo lắng trước sự tăng cường hoạt động hải quân của Trung Quốc trong khu vực và không có bất kỳ tiến trình ngoại giao nào để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ khác nhau. Họ bắt đầu nghi ngờ là Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch để giành quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Trong cuốn hồi ký Lựa chọn khó khăn, bà Clinton nói là bà bắt đầu trở nên lo ngại về Biển Đông tại cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế ở Bắc Kinh tháng Năm năm 2010. Người Trung Quốc bắt đầu gọi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” bên cạnh Đài Loan và Tây Tạng – nói cách khác, một vấn đề không thể linh hoạt nhân nhượng.

“Họ cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không tha thứ cho sự can thiệp từ bên ngoài”, bà viết. “Trên chuyến bay từ Bắc Kinh về nước, tôi đã trao đổi với nhóm công tác của mình. Tôi nghĩ Trung Quốc đã quá tay”.

Chính quyền quyết định bắt đầu phê phán Bắc Kinh về các hành động của họ ở Biển Đông. Jeff Bader, lúc đó là Trưởng cục châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, và cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell, đã chuẩn bị cho cuộc họp ở Hà Nội bằng cách báo cáo tóm tắt cho các chính phủ (trong khu vực) đang phàn nàn về Trung Quốc. Trong vài năm qua, Hoa Kỳ đã mở rộng việc hợp tác an ninh với Việt Nam và Philippines, hai trong các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, và ủng hộ vụ kiện của Philippines. Hồi tháng Bảy một Tòa trọng tài quốc tế đã phán quyết rằng nhiều yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp.

Bất chấp thi thoảng có bất đồng về Trung Đông, ông Obama và bà Clinton có nhiều quan điểm chung hơn khi bàn về châu Á. Thật vậy, sự tranh đua lớn nhất trong chính quyền là việc ai nên được ghi nhận công lao vì đã nghĩ ra chiến lược này – Nhà Trắng hay Bộ ngoại giao – chứ không phải về ý tưởng.

“Có những lúc Tom Donilon [một cựu cố vấn an ninh quốc gia] nghĩ là bà đã quá cứng rắn đối với Trung Quốc, hoặc Jeff Bader cũng vậy. Chứ không phải ông Obama”, một cựu quan chức cấp cao cho biết. “Ông Obama thực sự chẳng bao giờ yêu thích ý tưởng rằng chúng ta cần phải luôn luôn xoa dịu quan hệ Trung-Mỹ.”

Sự khác biệt về Trần Quang Thành

Có một ngoại lệ là trường hợp của ông Trần Quang Thành (陳光誠 – Chen Guangcheng), nhà hoạt động chính trị khiếm thị xin tị nạn ở đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh vào năm 2012 và là người – sau nhiều ngày đàm phán khi bà Clinton ở Bắc Kinh dự một hội nghị thượng đỉnh – cuối cùng được cho tị nạn ở Mỹ. Theo các quan chức cấp cao, ông Obama đã chỉ trích gay gắt quyết định của Bộ Ngoại giao cho ông Trần vào đại sứ quán Mỹ.

Cùng với cuộc họp ở Hà Nội, trường hợp đối với ông Trần là một phần bằng chứng đối với giới chức Bắc Kinh, họ vốn tin bà Clinton có một tiếng nói tương đối cứng rắn về Trung Quốc, cả về các vấn đề an ninh lẫn về nhân quyền. Thật vậy, sự ngờ vực của Trung Quốc với bà Clinton có từ thời Hội nghị Thế giới về Phụ nữ ở Bắc Kinh năm 1995 khi bà khẳng định rằng “nữ quyền là nhân quyền và nhân quyền là nữ quyền” – một nhận xét không được báo chí tường thuật ở Trung Quốc.

Kết quả là, nhiều nhà phân tích ở Trung Quốc cho là chính quyền tới đây của bà Clinton càng sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh hơn. “Bà ta luôn luôn cứng rắn với Trung Quốc kể từ chuyến thăm đầu tiên hồi năm 1995,” Sở Thụ Long (树龙 – Chu Shulong), một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa nói. “Đó là phong cách của bà ấy.”

Thời Ân Hoằng (时殷弘, Shi Yinhong), một chuyên gia khác về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, đồng ý: “Hillary sẽ quyết liệt hơn đối với Trung Quốc so với Obama.”

Ngay từ đầu, quyết định đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông và sự hiện diện ngày càng tăng của Hoa Kỳ trong khu vực đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng ở Washington, nơi ít người phản đối các ý tưởng cơ bản về xoay trục. Trong chính quyền, sự tranh luận thực sự chỉ là về nhịp độ các chiến dịch hải quân của Hoa Kỳ trong các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông mà thôi.

Tuy nhiên việc xoay trục không phải không bị chỉ trích. Hugh White, một cựu quan chức quốc phòng Úc và là một nhà quan sát có có uy tín về châu Á, tin là Hoa Kỳ chưa sẵn sàng cho các rủi ro cùng phí tổn lớn nhằm thực sự thay đổi chiến lược của Trung Quốc.

“Các kiến trúc sư của chính sách xoay trục giả định rằng chỉ cần một sự tái khẳng định mang tính biểu tượng sức mạnh của Mỹ và sự quyết tâm là đủ làm cho Trung Quốc thối lui”, ông lập luận. “Tư thế quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông ngày nay là bằng chứng rõ rệt rằng họ đã sai lầm.”

TPP: một hiệp định sai lầm?

Vậy Tổng thống Clinton nên hành động thế nào ở châu Á? Bất chấp việc bà tham gia xác định chiến lược của chính quyền Obama đối với khu vực, trong chiến dịch tranh cử, bà đã quay lưng lại với một chính sách chính yếu của chính quyền Obama, thỏa thuận thương mại gồm 12 quốc gia được gọi là Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP. (Trung Quốc không tham gia vào TPP).

Nếu như bà Clinton thắng cử, tình thế lý tưởng cho bà là Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận thương mại này trước lễ nhậm chức của bà. Nhưng nếu điều đó không xảy ra, bà sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn là nên chăng tiếp tục một thỏa thuận mà bà mô tả như là tâm điểm trong ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực, nhưng mà nay bà tin là nó có những thiếu sót trên thực tế. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào tuần này, ông Obama sẽ cố gắng cam đoan với các đối tác khu vực của Washington là Mỹ vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận thương mại này.

Một cựu quan chức Mỹ từng làm việc gắn bó với chính quyền Obama về vấn đề Trung Quốc lập luận rằng bà Clinton sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các vấn đề thương mại và sẽ kém kiên nhẫn trước những hạn chế về kinh doanh mà Bắc Kinh đặt ra tại thị trường của họ.

“Tôi không nghĩ là bà sẽ sẵn sàng tạm dừng chương trình nghị sự mang tính cạnh tranh vì nó liên quan đến những vấn đề cần có sự ủng hộ của Trung Quốc, ví dụ như một thỏa thuận về khí hậu toàn cầu”, ông nói thêm. “Tổng thống Obama muốn có sự giúp đỡ của Trung Quốc trong đàm phán với Iran, ông muốn có thỏa thuận về khí hậu, và ông muốn gác các vấn đề gây căng thẳng (với Trung Quốc) nhằm đạt được chúng.”

Thế lưỡng nan khó khăn nhất là về Biển Đông. Cách tiếp cận mà bà Clinton khởi động tại Hà Nội hồi năm 2010 là nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc ngưng các nỗ lực thống trị khu vực bằng cách biểu thị sự chống đối của khu vực và của Hoa Kỳ. Thay vào đó, Bắc Kinh tăng hết tốc lực, trong ba năm qua tăng đáng kể các nỗ lực xây dựng đảo nhân tạo vốn một ngày nào đó có thể thành các căn cứ quân sự.

Trong nội bộ các cố vấn về châu Á của bà Clinton đang diễn ra tranh luận về một cách tiếp cận cứng rắn hơn một chút so với chính sách xoay trục của Obama – một loạt bước đi nhằm thiết lập một mạng lưới đồng minh và đối tác bền chặt hơn, có thể có vai trò răn đe Trung Quốc và gia cố các quan niệm về thương mại và tự do hàng hải của Mỹ.

Các dạng đề xuất đang được thảo luận bao gồm cho một hàng không mẫu hạm trú đóng thường trực trong khu vực, mở rộng lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc, tăng cường triển khai quân đến đảo Guam và gửi thêm nhiều máy bay và tàu chiến đến Philippines.

“Chúng nghe có vẻ là những bước đi nhỏ, tiệm tiến, nhưng theo thời gian chúng sẽ cộng dồn thành một khuôn khổ khu vực có thể ảnh hưởng đến sự trỗi dậy của Trung Quốc”, một cựu quan chức tư vấn cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton nói. Thực tế, đội ngũ của bà Clinton vẫn đang tin rằng Trung Quốc quá đà.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]