Tại sao Việt Nam trì hoãn phê chuẩn Hiệp định TPP?

tppvn

Nguồn: Le Hong Hiep, “What’s behind Vietnam’s delayed TPP ratification”, TODAY, 29/09/2016

Nhiều nhà quan sát cảm thấy bất ngờ khi việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được đưa vào chương trình của kỳ họp thứ hai (khóa 14) của Quốc hội Việt Nam, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20 tháng 10 tới. Như vậy, hiệp định thương mại này sẽ không được Việt Nam phê chuẩn ít nhất cho đến khoảng tháng 4 năm sau, khi Quốc hội nhóm họp trở lại.

Thông tin này gây thất vọng cho những người ủng hộ TPP, đặc biệt là khi Việt Nam được cho sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong số 12 thành viên của Hiệp định. TPP sẽ không chỉ giúp thúc đẩy GDP, hoạt động xuất khẩu và việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, mà nó còn giúp đẩy nhanh các cải cách quan trọng vốn thiết yếu cho sự phát triển kinh tế về lâu dài của đất nước.

Đây thực ra là lần thứ hai Việt Nam trì hoãn việc phê chuẩn Hiệp định. Đầu năm nay, các nhà chức trách Việt Nam thông báo rằng Hiệp định sẽ được trình lên phiên họp đầu tiên của Quốc hội vào tháng 7 để phê chuẩn, nhưng cuối cùng việc này đã không xảy ra.

Liệu có “uẩn khúc” gì đằng sau quyết định của Việt Nam không? Hoa Kỳ và các thành viên khác của TPP có nên cảm thấy lo lắng?

Chuẩn bị cho TPP

Đầu tiên, cần lưu ý rằng hồi tháng Giêng năm nay, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã bỏ phiếu nhất trí tán thành hiệp định. Điều này làm cho việc Quốc hội phê chuẩn hiệp định chủ yếu mang tính thủ tục mà thôi.

Khi giải thích quyết định chưa phê chuẩn hiệp định gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Việt Nam cần phải “xem xét tình hình toàn cầu, đánh giá hành động của các nước thành viên khác và chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ “.

Rõ ràng, sự không chắc chắn ở Washington về tương lai của TPP – nơi mà cả hai ứng cử viên tổng thống đều chống lại hiệp định – là một lý do quan trọng khiến Việt Nam quyết định trì hoãn việc phê chuẩn.

Các lãnh đạo Việt Nam có thể không muốn gặp phải một tình huống “việt vị” khi mà Hà Nội đã phê chuẩn hiệp định nhưng Washington thì không.

Hà Nội cũng có thể lo ngại rằng việc sớm phê chuẩn hiệp định này sẽ gây khó chịu một cách không cần thiết cho Bắc Kinh, nhất là khi Bắc Kinh coi hiệp định này là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chiến lược.

Tuy nhiên, ở trong nước, Việt Nam đã có sự chuẩn bị đáng kể cho việc thực hiện các quy định của TPP.

Việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gần đây đã tăng tốc. Các quan chức Việt Nam cũng đã xác nhận rằng có hay không có TPP, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thực hiện cải cách để cải thiện môi trường đầu tư của đất nước, có thể theo các tiêu chuẩn của TPP.

Trong khi đó, các luật mới như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tích hợp các tiêu chuẩn, quy tắc và quy định của TPP để tạo điều kiện cho việc thực hiện hiệp định một khi nó có hiệu lực.

Một số luật khác có thể vẫn cần phải được sửa đổi để đồng bộ hóa với các quy định của TPP. Nhưng dù việc sửa đổi những luật này có thể mất thời gian, điều đó sẽ không cản trở việc phê chuẩn Hiệp định của Việt Nam, bởi trong trường hợp đó, các quy định của TPP sẽ có hiệu lực cao hơn và được áp dụng trực tiếp.

Trên tất cả, Việt Nam cần TPP để duy trì tăng trưởng kinh tế vốn đã chậm lại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mặc dù khu vực đầu tư nước ngoài đang hoạt động tốt, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Việt Nam đều đang gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, các rủi ro vĩ mô như hệ thống ngân hàng yếu kém, mức độ nợ xấu cao, và thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, cũng đang đe dọa hạn chế hơn nữa thành tích kinh tế của đất nước.

Mặc dù TPP sẽ không phải là một viên thuốc thần có thể giải quyết tất cả các vấn đề kinh tế của đất nước, nhưng ít nhất nó cũng có thể giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của chúng, hoặc mang lại các nguồn tăng trưởng thay thế, đặc biệt là thông qua hoạt động xuất khẩu và đầu tư nước ngoài được tăng cường.

Về chính trị, nếu xét các tiền lệ lịch sử như phong trào Công đoàn Đoàn kết vốn đã dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan trong những năm cuối thập niên 1980, một mối quan ngại của Việt Nam là quy định của TPP về quyền của người lao động được hình thành các công đoàn độc lập.

Tuy nhiên, việc Đảng CSVN mạnh mẽ ủng hộ Hiệp định cho thấy rằng Đảng không coi quy định này là một mối đe dọa sống còn đối với an ninh của mình.

Trong thực tế, Quốc hội đã có kế hoạch sửa đổi Bộ luật Lao động vào năm tới để tạo thuận lợi cho việc thực hiện quy định này của Việt Nam.

Các hỗ trợ kỹ thuật từ các nước thành viên khác và thời gian ân hạn 5 năm đối với việc tuân thủ của Việt Nam sau khi TPP có hiệu lực cũng sẽ hữu ích cho Hà Nội trong vấn đề này.

Đặc biệt, sự giám sát của Washington thông qua việc thực hiện Kế hoạch Mỹ-Việt về Tăng cường Quan hệ Thương mại và Lao động – một dàn xếp song phương đặc biệt gắn liền với TPP – có thể sẽ không cho Việt Nam lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn lao động của hiệp định.

Tóm lại, việc Việt Nam quyết định trì hoãn phê chuẩn TPP là chỉ là vấn đề thời gian chứ không phải là một sự đảo ngược chính sách.

Tuy nhiên, đáng tiếc là Việt Nam đã không thể phối hợp với một số thành viên TPP khác, như Nhật Bản và Singapore, để có thể chính thức phê chuẩn TPP trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới.

Một sự phối hợp hành động như vậy có thể sẽ gây ra một mức độ áp lực nhất định lên Washington và mang lại cho Tổng thống Barack Obama thêm một động lực khác để trình TPP lên cho kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn sau cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm nay.

Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viên Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]