Nguồn: Yao Yang, “SOS for China’s SOEs”, Project Syndicate, 22/09/2016.
Biên dịch: Dương Huy Quang
Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc cho đến nay đã là đề tài cho vô số cuộc tranh cãi, thảo luận cũng như biết bao bài báo và phân tích. Trong khi các giải pháp được đề xuất có sự khác biệt đáng kể, thì dường như có một sự đồng thuận rộng rãi rằng sự chững lại này là căn bệnh mang tính cấu trúc. Thế nhưng, trong khi những vấn đề về cấu trúc – như lợi suất trên vốn suy giảm hay sự gia tăng về bảo hộ kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu – đúng là những yếu tố đang ngáng đường tăng trưởng, thì một yếu tố khác cho đến nay gần như đã bị bỏ quên: Đó là chu kỳ kinh tế.
Trong nhiều thập niên, nền kinh tế Trung Quốc đã liên tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng GDP ở mức hai con số và dường như miễn nhiễm trước tác động của chu kỳ kinh tế. Thực tế không phải vậy: thời kỳ chững lại kéo dài 6 năm mà Trung Quốc trải qua sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 chính xác là triệu chứng của một chu kỳ như vậy.
Giờ đây, chu kỳ kinh tế của Trung Quốc đã dẫn tới sự tích lũy nợ xấu (NPL) trong khu vực doanh nghiệp, tương tự tình hình diễn ra đầu thế kỷ này. Trong khi tỷ lệ nợ xấu theo thống kê chính thức chỉ chưa tới 2%, nhiều nhà kinh tế học ước tính con số thực phải từ 3-5%. Nếu những ước tính này là đúng, tổng dư nợ xấu có thể bằng 6-7% GDP của Trung Quốc.
Hầu hết số dư nợ xấu này nằm tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), những đơn vị chỉ đóng góp 1/3 sản lượng công nghiệp nhưng lại đón nhận tới hơn một nửa lượng vốn tín dụng do ngân hàng cấp. Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp nói chung đã giảm trong 15 năm qua, tỷ lệ này tại các DNNN lại tăng lên kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hiện ở mức bình quân 66%, cao hơn 15 điểm phần trăm so với con số tương ứng của các doanh nghiệp thuộc khu vực khác.
Một cuộc suy thoái đang manh nha thành hình chắc chắn đã thúc đẩy sự tích lũy nợ xấu kiểu này, và có khả năng đã được tăng cường thêm bởi gói kích thích khổng lồ năm 2009 của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, nhưng chính kỷ luật tài chính lỏng lẻo lại là yếu tố tiếp tay cho sự tích lũy đó. Ngân hàng cảm thấy yên tâm khi cho DNNN vay vốn bất kể tình trạng nợ của khách hàng ra sao, lý do là các khoản vay này đều được chính phủ đứng ra bảo lãnh ngầm. Hậu quả của việc này là các DNNN dần dà hình thành thói quen tăng trưởng bằng vay nợ.
Đây có thể chưa phải là vấn đề lớn khi kinh tế Trung Quốc còn đang trên đà tăng trưởng, nhưng đến thời điểm này thì nó đã là một rủi ro kinh tế nghiêm trọng mà vì thế chính phủ đã lấy mục tiêu giảm vay nợ của khu vực nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong năm nay. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại đang rất chậm chạp, một phần là do Trung Quốc không thể thực thi được luật phá sản một cách triệt để.
Quy định cấm các ngân hàng thương mại không được nắm giữ cổ phần trong các doanh nghiệp cũng đã ngăn trở nỗ lực giảm vay nợ bởi nó vô hình trung cũng cấm cả việc sử dụng các thỏa thuận chuyển đổi nợ-vốn (tức biến nợ thành cổ phần của ngân hàng trong doanh nghiệp – NBT) để giảm bớt nợ của các DNNN. Điều này cần phải được thay đổi.
Trước đây, Trung Quốc đã từng sử dụng các thỏa thuận chuyển đổi nợ-vốn để xử lý nợ xấu trong khu vực nhà nước. Năm 1999, chính phủ đã lập ra 4 công ty quản lý tài sản (AMC) để mua lại những khoản cho vay khó đòi nhất của 4 ngân hàng quốc doanh hàng đầu, nhờ đó cải thiện được mức độ ổn định tài chính của những ông lớn này. Sau này, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc trong giai đoạn 2003-2012, các AMC đã kiếm được lợi nhuận hậu hĩnh từ việc sở hữu cổ phần nói trên.
Tương tự như vậy, phương án chuyển đổi nợ-vốn có thể là lời giải khả dĩ nhất cho bài toán nợ xấu vào lúc này. Tuy nhiên, chính phủ không nhất thiết phải dựa vào các đơn vị thuộc sở hữu của mình để mua lại nợ. Thay vào đó, chính phủ nên cho phép các quỹ cổ phiếu tư nhân – vốn đã tích lũy được nhiều vốn trong khi chờ đợi cơ hội đầu tư tốt – được đóng vai trò là các AMC và tham gia đấu thầu mua lại nợ xấu ở mức thấp hơn giá trị sổ sách.
Phương án nói trên sẽ không chỉ giải quyết được vấn đề nợ xấu bằng cách cho phép tư nhân được sở hữu cổ phần trong các DNNN mà còn có tác dụng thúc đẩy những cải cách giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Xét cho cùng thì mặc dù hiệu quả tài chính tệ hại, nhiều DNNN của Trung Quốc nắm trong tay không ít thế mạnh, từ trang thiết bị tối tân, đội ngũ kỹ thuật hạng nhất cho đến những sản phẩm cạnh tranh. Vấn đề của họ nằm ở chất lượng quản trị và quản lý yếu kém; vấn đề này – như những lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã nhận ra năm 2013 – có thể được giải quyết với sự tham gia của khu vực tư nhân.
Tất nhiên, sẽ có những trở ngại nhất định khi áp dụng phương án chuyển đổi nợ-vốn giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước, mà trước hết là lo ngại về tình trạng thất thoát tài sản nhà nước. Xét tới tính chất nghiêm trọng của vấn đề nợ của các DNNN – đơn cử chỉ riêng Công ty Đường sắt quốc gia đã ôm khoản nợ lên tới 3.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng trên 40 tỷ đô la Mỹ) – thì việc áp dụng chiết khấu khi chuyển nhượng nợ của các DNNN sang chủ nợ mới là các AMC tư nhân là điều không thể tránh khỏi. Điều này có thể khiến một số người cho rằng các doanh nghiệp tư nhân đang kiếm lời bất chính.
Để giải quyết lo ngại này, Trung Quốc nên triển khai thực nghiệm cục bộ – phương pháp tiếp cận theo kiểu “dò đá qua sông” lâu nay vẫn được dùng để dẫn đường cho những cải cách của nước này – tại những khu vực gặp phải vấn đề nợ DNNN nghiêm trọng nhất. Sự hồi sinh các DNNN sau đó sẽ xóa tan bất cứ nghi ngại nào về giải pháp chuyển đổi nợ-vốn với khu vực tư nhân.
Một trở ngại nữa là sẽ có người sợ rằng thông qua việc cho phép DNNN thêm một lần nữa vi phạm kỷ luật thị trường, các thỏa thuận chuyển đổi nợ-vốn sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Nhưng những cải tiến về quản trị doanh nghiệp có được từ sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ giảm đáng kể khả năng các DNNN có thể tiếp tục thao túng hệ thống tài chính. Thêm vào đó, nợ xấu của các DNNN về bản chất là chi phí chìm (sunk costs – tức các chi phí xác định là chắc chắn mất đi – ND); và các thỏa thuận chuyển đổi nợ-vốn có thể nói là cách duy nhất để thu hồi nợ, dù ít dù nhiều.
Bằng cách cho phép khu vực tư nhân tham gia vào các thỏa thuận chuyển đổi nợ-vốn, có thể nói Trung Quốc sẽ bắn một mũi tên mà trúng ba đích: vừa đẩy nhanh tiến trình giảm vay nợ của các DNNN, vừa tăng cường quản trị doanh nghiệp trong khu vực nhà nước, và thêm nữa còn nâng cao hiệu quả kinh tế. Với cách tiếp cận thực nghiệm cục bộ, giới chức Trung Quốc sẽ từng bước định hình được lộ trình thực thi hiệu quả nhất cho cách làm của mình.
Yao Yang (Dương Diêu) là Giám đốc Trung tâm Trung Quốc về Nghiên cứu Kinh tế và là Hiệu trưởng Trường Quốc gia về Phát triển, Đại học Bắc Kinh.
Copyright: Project Syndicate 2016 – SOS for China’s SOEs
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]