Tác giả: Phạm Thủy Tiên
Vũ khí hủy diệt hàng loạt là những loại vũ khí có khả năng gây sát thương cao trên diện rộng và gây tổn thất lớn về cơ sở vật chất, môi trường sinh thái, tác động mạnh đến tâm lý – tinh thần của con người. Nhìn chung, vũ khí hủy diệt hàng loạt gồm 3 loại: Vũ khí sinh học; vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân. Do đó, ngoài thuật ngữ Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), người ta còn sử dụng các loại thuật ngữ: Vũ khí nguyên tử, sinh học và hóa học (ABC); vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC); vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN).
Từ thời Chiến tranh Lạnh, với sự leo thang vũ khí hạt nhân của hai siêu cường thế giới lúc bấy giờ là Liên Xô và Mỹ, người ta thường mặc định WMD là vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân không phải là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt duy nhất, mà như đã đề cập, vũ khí hóa học và sinh học cũng được liệt vào danh sách này, chúng thậm chí được sử dụng từ rất lâu trước khi vũ khí hạt nhân ra đời.
Nguồn gốc thuật ngữ “Vũ khí hủy diệt hàng loạt” |
Thời báo Times được cho là sử dụng thuật ngữ “vũ khí hủy diệt hàng loạt” lần đầu tiên trong số báo ra ngày 28 tháng 12 năm 1937, với bài báo nói về vụ ném bom của không quân Đức vào thị trấn Guercia, xứ Basque của Tây Ban Nha. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện một vụ ném bom vào khu vực dân cư với mục đích rõ ràng là hủy diệt toàn bộ. 70% thị trấn đã bị thiêu hủy, ít nhất 1650 người tử vong. |
Vũ khí sinh học là loại vũ khí hủy diệt lớn dựa vào đặc tính gây bệnh hay truyền bệnh của các vi sinh vật như vi trùng, vi khuẩn; hoặc các độc tố do một số vi trùng tiết ra. Những tác nhân thường được sử dụng làm vũ khí sinh học gồm 3 nhóm chính: thực vật, động vật và vi khuẩn. Phạm vi hoạt động của những tác nhân độc hại này rất đa dạng, khó có thể kể hết. Những tác nhân đã được phát triển thành vũ khí bao gồm vi khuẩn bệnh than, botulinum toxin, tularemia, brucellae, bệnh dịch hạch và đậu mùa. Khả năng gây độc của những tác nhân này cũng rất khác nhau, đa số gây bệnh nghiêm trọng, có những loại gây chết người. Trong đó vi khuẩn bệnh than được cho là độc hại nhất đối với con người. 100kg vi khẩn bệnh than có thể lan rộng ra một vùng rộng 300 km2 trong một đêm và có thể giết chết 1- 3 triệu người.
Việc sử dụng những tác nhân sinh học trong chiến tranh được cho là đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 14, khi người Tatar bắn thi thể những người chết vì nhiễm bệnh dịch sang thành phố Kaffa (nay thuộc Ucraina) ngay bên cạnh. Song các tác nhân sinh học chính thức được xem là vũ khí vào khoảng thời gian từ 1932 – 1945, khi người Nhật đã tiến hành những nghiên cứu mở rộng áp dụng cho quân đội, sử dụng vi khuẩn bệnh than và những tác nhân sinh học khác. Năm 1941, do thiếu những trang thiết bị và sự huấn luyện thích hợp, 1700 binh lính Nhật đã chết vì bệnh dịch tả. Người ta ước tính khoảng 3000 tù nhân đã chết vì những thí nghiệm này cùng với chương trình vũ khí của Nhật. Nhật Bản cũng được cho là đã tấn công 11 thành phố của Trung Quốc bằng vũ khí sinh học trong cuộc Chiến tranh Trung – Nhật. Tuy nhiên, kể từ năm 1945, không có báo cáo ghi nhận việc sử dụng các tác nhân sinh học trong chiến tranh. Mặc dù Saddam Hussein được cho là đã “vũ khí hóa” hàng loạt tác nhân sinh học, trong đó có vi khuẩn bệnh than, không có chứng cứ nào cho thấy ông ta đã sử dụng các loại vũ khí này chống lại kẻ thù.
Trong khi đó, vũ khí hóa học được sử dụng lần đầu tiên với hiệu quả hủy diệt mạnh mẽ trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Vũ khí hóa học là loại vũ khí sử dụng chất độc hóa học (thường là chất độc quân sự) để gây nguy hại trực tiếp cho con người, động vật và môi trường sống (gây ngạt, gây tổn thương thần kinh, gây loét da hoặc tiêu diệt cây cỏ). Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cả hai phe đều dùng các chất gây chảy nước mắt, khí Clo, khí photgen gây ngạt đựng trong chai, trong đạn pháo làm cho hàng trăm ngàn người nhiễm độc và hàng chục ngàn người thiệt mạng.
Các chất hóa học được sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất được xếp vào loại vũ khí hóa học “truyền thống”, vì chúng là những chất rất thông dung, thậm chí rất quen thuộc trong sản xuất hóa chất thông thường. Tuy nhiên hậu quả từ các tác nhân “truyền thống” này khá đơn giản, trong khi quy trình sản xuất đòi hỏi nhiều máy móc thiết bị phức tạp. Ngược lại, các chất hóa học gây phỏng hoặc rộp da lại khác. Mặc dù không có khả năng gây chết người cao, chúng lại là những tác nhân hoạt động rất hiệu quả gây ra những vết phỏng đau đớn, dù chỉ với một lượng nhỏ. Chất mù-tạc được xem là ví dụ tiêu biểu của các hóa chất gây phỏng do có khả năng gây thương tích trầm trọng mà dễ sản xuất, giá cả thấp, tuổi thọ cao.
Song cũng như vũ khí sinh học, chưa có báo cáo nào cho thấy vũ khí hóa học được sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, dù cả phe Đồng minh và phe Trục đều trữ một lượng lớn các tác nhân hóa học. Thay vào đó là sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân được chế tạo lần đầu trong một dự án tối mật mang tên Manhattan, do chính phủ Mỹ tiến hành với sự giúp đỡ của người Anh trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhằm đối phó với nguy cơ người Đức sản xuất loại vũ khí này trước mình. Khác với vũ khí sinh học và hóa học, vũ khí hạt nhân đem đến sự hủy diệt bằng năng lượng do các phản ứng phân hạch và nhiệt hạch gây ra, với sức công phá tương đương 10 triệu tấn thuốc nổ, có khả năng hủy hoại cả một thành phố trong chớp mắt. Hai quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 được xem là những thương vong quy mô lớn đầu tiên gây ra do vũ khí hạt nhân. Nguy cơ hủy diệt hạt nhân càng trở nên rõ ràng hơn với việc phát minh ra các tên lửa hoạt động ổn định vào những năm 1960, có khả năng mang các vũ khí hạt nhân đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đỉnh cao của nỗi sợ hãi này là cuộc chạy đua hạt nhân của Nga và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Rất may là sau đó, hai quốc gia này đã đồng ý hủy một phần kho vũ khí hạt nhân của mình nhằm tránh châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Ngày nay, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như như một thông điệp chính trị để khẳng định sức mạnh hoặc để răn đe lại mối đe dọa từ bên ngoài. Các nước đã công bố sở hữu vũ khí hạt nhân cho đến nay gồm có: Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, Iran và Syria bị Mỹ cáo buộc có sản xuất vũ khí hạt nhân; còn Israel được cộng đồng quốc tế cho là có sở hữu bom hạt nhân dù nước này chưa bao giờ lên tiếng bình luận về việc này.
WMD, đặc biệt là vũ khí sinh học và hóa học, được cho là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho an ninh thế giới. Chúng dễ vận chuyển, dễ chế tạo, giá thành rẻ và vì thế sẽ trở thành một loại vũ khí hoàn hảo cho những quốc gia bất hảo và những kẻ khủng bố. Một người với kiến thức cơ bản về hóa học hay sinh học cũng có thể biết cách chế tạo những loại vũ khí này với số lượng lớn. Chúng có thể phát nổ ngay trên đường phố đông đúc hay trong một thùng rác bằng điều khiển từ xa. Trong khi đó, khả năng phát tán của chúng lại rất khó kiểm soát, cũng như không có đủ vắc-xin hay đồ bảo hộ để bảo vệ một thành phố đông đúc khỏi một cuộc tấn công quy mô nhỏ, chứ chưa nói đến những cuộc tấn công lớn hơn. WMD càng trở nên nguy hiểm nếu chúng rơi vào tay chủ nghĩa khủng bố hoặc các nhân tố phi quốc gia khác, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa khiến mọi công đoạn đều trở nên dễ dàng hơn.
Do tính chất nguy hiểm của WMD, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để ngăn chặn sử dụng các loại vũ khí này. Nghị định thư Geneva 1925 về việc cấm sử dụng trong chiến tranh chất gây ngạt, chất độc hại và các loại khí khác, hay sử dụng các phương pháp chiến tranh bằng vi khuẩn là nỗ lực đầu tiên. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị lãng quên khi không có những ràng buộc pháp lý chống lại việc sản xuất các loại vũ khí sinh học. Hơn nữa Nghị định thư này không áp dụng cho những quốc gia bên ngoài Hội Quốc Liên; và không có những cơ chế pháp lý để thanh sát và quản lý những loại vũ khí này đi kèm. Vào cuối những năm 1960, một tiến bộ quan trọng đã xuất hiện trong việc kiểm soát và thanh tra vũ khí hủy diệt hàng loạt. Năm 1968, 50 (đến nay là 190) quốc gia đã tham gia ký Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty – NPT) nhằm hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân. Sau đó, hơn 100 quốc gia, bao gồm Mỹ và Liên Xô cũ, đã ký một công ước vào năm 1972 về việc cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ các loại vũ khí sinh học và hóa học. Trong suốt giai đoạn này, Mỹ đã hủy toàn bộ kho dự trữ các tác nhân sinh học của mình.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]