Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)

Print Friendly, PDF & Email

no-nukes.-no-wars.-fund-human-needs

Tác giả: Lê Thành Lâm

Cho đến nay, vũ khí hạt nhân đã hai lần được đưa ra sử dụng khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki (ngày 06 và 09 tháng 08 năm 1945) làm hơn 210.000 người chết. Không chỉ dừng lại ở đó, hàng nghìn người vẫn tiếp tục chết sau đó vì tác động của phóng xạ. Chính sự kiện bi thảm này đã mở đầu thời kỳ chạy đua vũ trang gắn liền với cuộc Chiến tranh Lạnh, đe dọa cuộc sống của nhân loại trên hành tinh.

Nhằm khắc phục tình trạng này, những nỗ lực nhằm giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng đã liên tục được đàm phán và phát triển ngay trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo đó, ngày 01 tháng 07 năm 1968 được coi là ngày khởi đầu tiến trình tham gia ký kết Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Non-proliferation Treaty – NPT), một trong những nỗ lực quốc tế quan trọng hướng đến mục tiêu trên. Vào ngày này, hơn 50 quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân đã tham gia Hiệp ước. Đến năm 1975, tại hội nghị đầu tiên xem xét lại Hiệp ước, đã có 95 quốc gia ký kết.

Vũ khí hạt nhân
Vũ khí hạt nhân (VKHN) là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà tác dụng dựa trên việc sử dụng năng lượng được giải phòng trong phản ứng hạt nhân không điều khiển. Các nhân tố hủy diệt của VKHN là sóng xung kích, bức xạ xuyên, bức xạ quang, nhiễm xạ và hiệu ứng điện từ. VKHN chia ra: theo kiểu liều nổ có vũ khí nguyên tử, vũ khí nhiệt hạt nhân, vũ khí nơtron; theo kiểu tác dụng chiến đấu có VKHN chiến thuật, VKHN chiến dịch – chiến thuật, VKHN chiến lược; ngoài ra còn được phân chia theo loại phương tiện mang, phóng và theo đương lượng nổ.

Những nỗ lực đàm phán quốc tế để đạt được Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân toàn cầu kéo dài hơn một thập kỷ, bắt đầu từ cuối những năm 1950. Đặc biệt, Liên Xô và Mỹ, hai quốc gia đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, đều nỗ lực tìm cách kiềm chế các quốc gia khác, trước hết là Trung Quốc và Pháp, phát triển thứ vũ khí hủy diệt này. Với những nỗ lực đó, ngày 05 tháng 08 năm 1963 Liên Xô, Mỹ và Anh đã ký ở Matxcơva Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân một phần (Partial Test Ban Treaty – PTBT), cam kết sẽ không tiến hành các cuộc thử hạt nhân trong khí quyển, vũ trụ và dưới nước kể từ ngày 10 tháng 10 năm 1963. Đây là tiền đề cho sự ra đời của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (Comprehensive Test Ban Treaty – CTBT) được ký sau đó vào năm 1966. Tuy nhiên năm 1960, Pháp tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên và tiếp đó là Trung Quốc năm 1964. Trước tình hình đó, các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân đã lên tiếng thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ hơn, đòi hỏi sự đền bù cho việc không sở hữu vũ khí hạt nhân. Do đó, để đi đến thành công của NPT, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã phải cân nhắc yêu cầu của các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.

NPT được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1968 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5 tháng 3 năm 1970. Hiệp ước đã xác định rõ “các quốc gia có vũ khí hạt nhân” là những quốc gia sản xuất và gây nổ một vũ khí hạt nhân hoặc thiết bị gây nổ hạt nhân khác trớc ngày 01 tháng 01 năm 1967; bao gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc. Tất cả các nước khác được xem là “các quốc gia không có vũ khí hạt nhân”; và theo NPT, các nước này không được sản xuất cũng như thực hiện các vụ nổ hạt nhân. Hiệp ước là văn bản pháp lý có tính chất nền tảng, góp phần tạo dựng nên hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu với ba trụ cột chính sau đây:

  1. Không phổ biến vũ khí hạt nhân: được quy định chủ yếu trong Điều I và II của Hiệp ước. Theo đó, các quốc gia có vũ khí hạt nhân cũng như không có vũ khí hạt nhân cam kết không chuyển giao và nhận sự chuyển giao bất cứ vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị gây nổ hạt nhân nào; không bằng bất kỳ hình thức nào khuyến khích hoặc xúi giục sản xuất; không trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát vũ khí hạt nhân và thiết bị gây nổ hạt nhân. Ngoài ra, Khoản 2 Điều III còn quy định các quốc gia tham gia Hiệp ước không cung cấp nguồn hoặc vật liệu hạt nhân phân hạch đặc biệt, trang thiết bị hoặc vật liệu dùng để chế tạo, sử dụng, sản xuất vật liệu phân hạch đặc biệt.
  2. Thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình: Tuy không khuyến khích việc phổ biến vũ khí hạt nhân và các thiết bị gây nổ hạt nhân, Hiệp ước cũng cho phép phát triển kỹ thuật của các nước hoặc hợp tác quốc tế liên quan đến các hoạt động hạt nhân hòa bình, bao gồm trao đổi quốc tế về nguyên liệu và thiết bị hạt nhân để chế tạo và sản xuất nguyên liệu hạt nhân vì mục đích hòa bình phù hợp với các điều khoản ghi trong Hiệp ước này. Tất cả các bên tham gia Hiệp ước cam kết tạo điều kiện và có quyền tham gia vào việc trao đổi đầy đủ nhất có thể các thiết bị, nguyên liệu, thông tin khoa học và kỹ thuật cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình đã được quy định cụ thể tại Điều III và IV.
  3. Giải trừ quân bị: theo Điều VI của Hiệp ước, mỗi Bên tham gia Hiệp ước cam kết theo đuổi các cuộc đàm phán một cách chân thành nhằm đạt được các biện pháp hiệu quả để sớm chấm dứt cuộc chạy vũ khí đua hạt nhân và giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt và có hiệu quả của quốc tế.

Ngoài ra Hiệp ước cũng quy định nghĩa vụ của các quốc gia không có vũ khí hạt nhân đối với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là chấp nhận sự thanh sát của cơ quan này. Nghĩa vụ này được quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều III của Hiệp ước nhằm kiểm tra việc thi hành các nghĩa vụ đã được thừa nhận trong Hiệp ước và ngăn chặn việc sử dụng sai năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Như vậy, NPT ra đời với niềm tin rằng sự phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng cao khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đây là một trong những giải pháp được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đề ra nhằm ngăn ngừa sự phổ biến rộng rãi loại vũ khí này, góp phần làm dịu bớt tình trạng căng thẳng quốc tế và tăng cường niềm tin giữa các quốc gia, hướng đến việc chấm dứt sản xuất vũ khí hạt nhân, loại trừ vũ khí hạt nhân ra khỏi kho vũ khí quốc gia.

Cứ mỗi 5 năm, các thành viên tham gia ký kết Hiệp ước sẽ nhóm họp để đánh giá lại nội dung và việc thực hiện Hiệp ước trên thực tế. Điều X của Hiệp ước cũng quy định sau 25 năm kể từ khi Hiệp ước có hiệu lực, các thành viên sẽ quyết định thời gian gia hạn hiệu lực cho Hiệp ước. Theo đó, năm 1995, Hội nghị giữa các thành viên được triệu tập và đã quyết định gia hạn vĩnh viễn NPT.

Sau khi Hiệp ước có hiệu lực vào năm 1970, các quốc gia đã liên tục xin gia nhập và làm tăng tính phổ cập của Hiệp ước này. Do đó, có thể thấy NPT đã rất thành công trong việc làm giảm thiểu số lượng những nước sở hữu vũ khí hạt nhân và đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải giáp vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Hiệp ước lại không đưa ra được một thời gian cụ thể nào cho việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân hiện có trên thế giới. Thêm vào đó, có thể thấy ngay sự bất hợp lý của Hiệp ước khi đưa ra điều khoản công nhận “các nước có vũ khí hạt nhân”, còn các quốc gia khác được xếp vào hàng ngũ “các nước không có vũ khí hạt nhân”. Ngoài ra, một trong những khiếm khuyết lớn nhất của NPT là không có chế tài xử phạt các quốc gia không tuân thủ quy định của Hiệp ước. Điều này khiến cho tính nghiêm ngặt của NPT chưa thật sự cao. Và cũng giống như thực trạng Liên Hiệp Quốc, NPT chịu sự chi phối chủ yếu của 5 nước được công nhận là có vũ khí hạt nhân, trong đó chủ yếu là vai trò của Mỹ.

Hiện nay, trên thế giới số nước được cho là đang sở hữu vũ khí hạt nhân gồm có 9 nước. Ngoài 5 quốc gia được xác định là có vũ khí hạt nhân theo NPT, còn có Ấn Độ, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên. Năm 2003, Bắc Triều Tiên tuyên bố rút khỏi NPT và con số các quốc gia tham gia NPT giảm xuống còn 190 quốc gia.

Việt Nam tham gia NPT vào ngày 14 tháng 06 năm 1981 và ký hiệp định thanh sát đầy đủ với IAEA vào năm 1990.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).