Sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước ở Mỹ đang bị xói mòn ra sao?

77-how-americas-separation-of-church-and-state-is-fraying

Nguồn:How America’s separation of church and state is fraying“, The Economist, 02/10/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

“Bức tường giữa nhà nước và giáo hội”, Thẩm phán Hugo Black đã viết trong vụ Everson vs. Hội đồng Giáo dục, một vụ án từ năm 1947, “phải được giữ cao và bất khả xâm phạm”. Thẩm ván Black đã trích dẫn một câu mà Thomas Jefferson đã sử dụng vào năm 1802 để trấn an một nhóm tín đồ Baptist rằng, với vai trò là tổng thống, ông sẽ bảo vệ quyền tự do tôn giáo của các giáo phái thiểu số. Ẩn dụ nổi tiếng về bức tường (Jefferson đã mượn nó từ Roger Williams, một nhà Thần học Thanh giáo thế kỷ 17) đã được sử dụng hàng thế kỷ, nhưng nó đang trở nên ngày càng ít phù hợp hơn để mô tả về mối quan hệ đặc biệt giữa các tôn giáo và các thể chế nhà nước của Mỹ. Vậy điều gì đang xảy ra?

Các chương trình của chính phủ không hoàn toàn bị cấm chạm vào những địa điểm tôn giáo: Kết luận của vụ Everson cho rằng việc các bang trợ cấp chi phí đưa đón trẻ em đến các trường giáo xứ cũng như cho các trường công lập không phải là một hành vi “thiết lập tôn giáo”. Trong gần 70 năm qua, Tòa án tối cao đã ban hành một loạt các phán quyết về ý nghĩa của “điều khoản thiết lập” (establishment clause – một điều khoản quy định về quyền tự do tôn giáo) của Tu chính án đầu tiên.

Cầu nguyện trong trường học đã bị loại bỏ, cũng như việc có các cảnh Chúa giáng sinh đứng độc lập bên trong các tòa nhà chính phủ. Nhưng việc có các hoạt cảnh giáng sinh, thánh giá và các cây đàn Hanukkah tại các quảng trường công cộng được coi là có thể chấp nhận được. Trong khi đó, các tượng đài Mười Điều Răn lại được đối xử khác nhau một cách khôn ngoan: những hình ảnh đó được chấp nhận gần một tòa nhà quốc hội nhưng lại bị cấm đặt bên ngoài một trụ sở tòa án. Sự phân biệt nhỏ như vậy thường đến dưới hình thức các quyết định theo đa số. Nhưng trong những năm gần đây, bức tường ngăn cách – chưa bao giờ vững chắc như Thẩm phán Black đã mô tả – đã mang thêm một vài vết nứt.

Các tòa án Mỹ đã phản đối việc ngăn cản các nghi lễ mang tính tôn giáo thuần túy trong các bối cảnh chính phủ. Khẩu hiệu “Chúng ta tin vào Thượng đế” vẫn được duy trì; và cơ quan tư pháp cũng không quở trách các Tổng thống khi cầu Chúa ban phước lành cho nước Mỹ. Việc các Cha tuyên úy đọc kinh tạ ơn trong Quốc hội và các cơ quan lập pháp của các bang là phổ biến và, kể từ phán quyết Marsh vs. Chambers vào năm 1983, là hợp hiến.

Nhưng vào năm 2014, Tòa án tối cao đã thu hẹp đáng kể phạm vi của “điều khoản thiết lập” trong phán quyết Town of Greece vs. Galloway, một vụ án đặt ra câu hỏi về việc liệu một hội đồng thành phố có thể bắt đầu các cuộc họp hàng tháng của mình với những lời cầu nguyện tôn giáo được thực hiện bởi giáo sĩ địa phương hay không. Với số phiếu 5-4, tòa án đã quyết định rằng truyền thống nói trên không vi hiến. Miễn là những lời cầu nguyện không “bôi nhọ” người tham dự, đe dọa họ với “sự nguyền rủa” hoặc cố gắng “truyền đạo” cho người nghe, thì sẽ không có tác hại gì, Thẩm phán Anthony Kennedy kết luận. Vậy còn việc các nguyên đơn (gồm người Do Thái và những người vô thần trong thị trấn) đã thấy mình bị đối xử như “công dân hạng hai” và cảm thấy bị ép buộc tham gia vào việc cầu nguyện? Những sơ suất thi thoảng xảy ra “không phá bỏ một thực tiễn mà nhìn chung phản ánh và tuân theo truyền thống của chúng ta”, Thẩm phán Kennedy lập luận.

Phản đối điều này, Thẩm phán Elena Kagan cho rằng quan điểm theo đa số đã bỏ qua “quy tắc bình đẳng tôn giáo” vốn là hạt nhân của bản Tu chính án đầu tiên và làm ngơ “khả năng loại trừ và chia rẽ” của những lời cầu nguyện. Xét theo phán quyết gần đây của một ban gồm ba Thẩm phán tại Tòa Phúc thẩm lưu động thứ tư, được căn cứ chủ yếu trên phán quyết vụ Town of Greece, thì đánh giá của bà là chính xác. Hai trong số ba vị thẩm phán không thấy có vấn đề gì vi hiến trong việc một hội đồng ủy viên gồm năm thành viên ở Bắc Carolina tự mình đứng lên đọc to những lời cầu nguyện Kitô giáo tại các cuộc họp hai tháng một lần của họ. Bằng cách nào đó, phán quyết cho rằng việc các quan chức dân cử yêu cầu người dân tham gia cùng họ trong các buổi cầu nguyện […] được xem như là một hành động của chính phủ “tôn trọng một tôn giáo.”

Có nhiều khả năng các nguyên đơn trong vụ việc này sẽ yêu cầu toàn bộ các thẩm phán tại Tòa Phúc thẩm lưu động thứ tư phải xét xử lại vụ án. Thắng hay thua, vụ việc này đều sẽ có khả năng được đưa lên Tòa án Tối cao. Với việc tám thành viên của Tòa này đang chia thành hai phe 4-4 trước vấn đề này, có khả năng thẩm phán thứ chín (chưa được bổ nhiệm) sẽ quyết định liệu lỗ hổng mới nhất trên bức tường phân cách giáo hội với nhà nước này sẽ được vá lại hay khoét rộng ra.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]