Nguồn: “Why India scrapped its two biggest bank notes“, The Economist, 13/11/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trong một tuyên bố bất ngờ trên truyền hình vào tối ngày 08/11/2016, Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, đã khiến dư luận xôn xao: phần lớn số tiền trong ví của người Ấn Độ sẽ không còn được chấp nhận tại các cửa hàng kể từ nửa đêm. Hai tờ tiền có mệnh giá lớn nhất, tờ 500 và 1000 rupee (tương đương với 7,5 USD và 15 USD), đã bị “phi tiền tệ hóa” (demonetised), thuật ngữ của các nhà kinh tế để chỉ việc đưa đồng tiền ra khỏi lưu thông. Từ giờ đến cuối năm, người Ấn Độ sẽ phải đến các ngân hàng để đổi tiền mặt của họ thành các tờ tiền mới in hoặc gửi chúng vào tài khoản. Sau thời hạn đó, các tờ tiền của họ sẽ chỉ là những mảnh giấy không có giá trị gì. Người dân và các doanh nghiệp đối mặt với hàng tuần hay hàng tháng gián đoạn khi loại tiền tệ mới được triển khai. Vậy tại sao Ấn Độ phải làm như vậy?
Chính phủ lý giải rằng một phần nguyên nhân của sự thay đổi này là do những lo ngại về sự gia tăng tiền giả (và như thường lệ, quốc gia này chỉ tay vào nước láng giềng Pakistan), mà Ấn Độ khẳng định đang cung cấp tài chính cho hoạt động buôn bán ma túy và chủ nghĩa khủng bố. Nhưng tác động chính của quyết định này sẽ là nhắm vào “tiền đen”, tức tiền mặt từ các nguồn không công khai, lưu thông bên ngoài hệ thống tài chính. Có khoảng 20% nền kinh tế Ấn Độ là không chính thức. Một vài trong số đó là các nông dân nghèo, phần lớn là những người được miễn thuế. Nhưng những người giàu có được cho là đang ngồi trên một đống của cải bất chính lớn. Mặc dù phần lớn số tiền đó nằm trong các tài khoản ngân hàng tại các nước ngoài quen thuộc, một phần của nó lại được giữ dưới dạng các tờ tiền Ấn Độ có mệnh giá lớn. Các hoạt động mua vàng hay bất động sản cao cấp từ lâu đã được thực hiện ít nhất một phần với hàng bó (hoặc vali) tiền mặt bất hợp pháp.
Tác động của sự thay đổi này là mọi người sẽ phải tiết lộ tất cả số tiền mặt của mình hoặc phải đối mặt với việc mất nó. Rõ ràng những người giữ hàng bó tiền 500 rupee không phải là mục tiêu: chính phủ đã cho biết rằng cơ quan thuế sẽ không được thông báo về các khoản tiền gửi dưới 250.000 rupee. Nhưng những người đã cất giấu hàng đống lớn loại tiền mệnh giá này sẽ gặp vấn đề. Một chương trình ân xá gần đây cho “tiền đen” đã được thông qua, có nghĩa là nhân viên thu thế giờ sẽ không thông cảm cho các khoản tiền mặt không được khai báo.
Câu hỏi đặt ra không phải là liệu kế hoạch sẽ có hiệu quả hay không mà là liệu chi phí triển khai nó có xứng đáng hay không. Loại tiền bị tiêu hủy chiếm 86% toàn bộ tiền mặt trong lưu thông: tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng. Những hàng người kéo dài quanh các ngân hàng trong nhiều ngày khi người Ấn Độ cố gắng để đổi các tờ tiền của mình sang loại tiền mới. Và những kẻ tích trữ “tiền đen” cũng có cách để thanh lý đống tiền của họ, chẳng hạn như thuê thật nhiều người nộp tiền vào tài khoản của mình, và sau đó gửi trả lại nó, để nhận được một khoản phí.
Còn các lợi ích thì rất khó có thể đánh giá được vào thời điểm hiện tại. Chính phủ đang mong chờ người dân nhìn thấy việc họ thay mặt cho những “người dân thường” nghiêm trị những thành phần trốn thuế. Nhưng nếu những người dân nghèo phải dành nhiều ngày (như tác giả bài viết này) sục sạo các đường phố để tìm kiếm một chiếc máy ATM còn hoạt động, thì anh ta có thể sẽ tự hỏi liệu rằng anh ta là người thụ hưởng hay là nạn nhân của chương trình này.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]