‘Chủ nghĩa dân tộc da trắng’ là gì?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: What is “White Nationalism”?, The Economist, 14/08/2019.

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Trong năm nay, sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng bao gồm các vụ thảm sát ở thành phố Christchurch (51 người chết) và El Paso (22 người chết). Thông thường, những kẻ giết người viện dẫn nỗi sợ hãi về việc người da trắng bị “thay thế” và lấy cảm hứng từ những hành vi tàn bạo tương tự khác, đặc biệt là cuộc thảm sát 77 người ở Oslo và một hòn đảo gần đó của Anders Breivik vào năm 2011. Nhưng chủ nghĩa dân tộc da trắng là gì, và nó đến từ đâu?

Hiện tượng này rất khó xác định vì sự tản mát về mặt ý thức hệ và địa lý. Nhìn chung, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng muốn đạt được trạng thái thuần chủng cho người da trắng. Một số người cố hết sức để tránh tuyên bố công khai rằng các chủng tộc khác là thấp kém hơn, cho rằng mỗi chủng tộc nên đạt được trạng thái thuần chủng riêng. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là những người chủ trương người da trắng là thượng đẳng, họ tin rằng các chủng tộc tạo thành một hệ thống thứ bậc chuẩn mực với người da trắng ở trên cùng. Họ đòi hỏi các chính sách từ kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn đến thuần hóa chủng tộc trên quy mô lớn, hoặc thậm chí diệt chủng. Tất cả những điều này thường gắn liền với nỗi sợ hãi về “người da trắng bị diệt chủng”, hay người da trắng bị “thay thế”, tức ý tưởng rằng “chủng tộc da trắng” đang bị chèn ép đến mức diệt vong thông qua tỷ lệ sinh thấp, hôn nhân khác chủng tộc và tỷ lệ sinh cao hơn của những người không phải da trắng.

Chủ nghĩa dân tộc da trắng hiện đại, nay đã lan rộng khắp thế giới, lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ sau cuộc nội chiến. Với sự chấm dứt chế độ nô lệ, các tiểu bang đã hành động để bảo vệ vị trí đặc quyền của những người theo đạo Tin lành Mỹ cùng di sản Tây Âu, bao gồm các đạo luật “Jim Crow” để thực thi chính sách tách biệt chủng tộc. Những người khác đã dùng đến bạo lực bán quân sự và giết người ngoài pháp luật. Sự định hình tư duy về địa vị người da trắng cũng tăng lên với sự gia tăng nhập cư, đặc biệt là của người Trung Quốc, người Công giáo Ailen, người Nam Âu và người Do Thái. Các đạo luật về nhập cư mới được thiết kế để hạn chế số lượng người mới đến. Cuốn sách “Sự kết thúc của Chủng tộc Vĩ đại (“The Passing of the Great Race”) của Madison Grant, xuất bản năm 1916, đã kết hợp quan điểm của những người theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại với thuyết ưu sinh để tạo ra một học thuyết về quyền lực tối cao của người da trắng và thuyết “tự sát chủng tộc”. Adolf Hitler được cho là đã viết thư cho Grant, nói rằng cuốn sách đó là “thánh kinh” của mình.

Mặc dù bị mất uy tín bởi cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít và sau đó là các cuộc đấu tranh dân quyền vào những năm 1950 và 1960, chủ nghĩa dân tộc da trắng đã trải qua sự hồi sinh vào cuối thế kỷ 20, dẫn đến một số cuộc tấn công bạo lực ở Mỹ và châu Âu.

Năm 1988, David Lane đã viết cuốn “Tuyên ngôn Diệt chủng Người da trắng” (The White Genocide Manifesto), trong đó đưa ra một cái tên mới thay thế cho thuyết “tự sát chủng tộc” của Grant. Văn bản này đã lần đầu đưa ra lời hiệu triệu mạnh mẽ cho sự ủng hộ chủ nghĩa dân tộc da trắng: “Chúng ta phải bảo đảm sự tồn tại của dòng giống chúng ta và một tương lai cho những đứa trẻ da trắng” (We must secure the existence of our people and a future for white children), một cụm từ được những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ca tụng là “14 chữ thiêng liêng”.

Ngoài một niềm tin cốt lõi về ưu thế thượng đẳng của người da trắng, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng có quan điểm rất khác nhau về các vấn đề khác. Một số người chia sẻ sự nghi ngờ sâu sắc đối với chính phủ liên bang; một số người ủng hộ câu chuyện lịch sử của những người theo chủ nghĩa xét lại về cuộc nội chiến trong đó tôn vinh Hợp bang miền Nam; một số người tin vào thuyết âm mưu bài Do Thái cho rằng người Do Thái muốn kiểm soát toàn cầu, bao gồm một thuyết cho rằng giới tinh hoa Do Thái theo chủ nghĩa quốc tế phải chịu trách nhiệm về việc khuyến khích nhập cư. “Nhật ký Turner” (The Turner Diaries), một câu chuyện giả tưởng theo chủ nghĩa dân tộc da trắng xuất bản năm 1978 bởi William Luther Pierce, kể câu chuyện về một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại chính phủ liên bang bởi những người bảo vệ chủng tộc da trắng. Nó đã ảnh hưởng đến cả Lane và Timothy McVeigh, một cựu chiến binh bị vỡ mộng và nhiệt tình bảo vệ quyền sử dụng súng, người đã thực hiện vụ đánh bom thành phố Oklahoma, giết chết 168 người vào năm 1995.

Chủ nghĩa dân tộc da trắng phát triển nhanh chóng với sự ra đời của internet. Nó đã lợi dụng ý tưởng về những góc tối của không gian mạng để che giấu quan điểm chính trị trong những câu chuyện hài hước để không bao giờ tiết lộ liệu người viết có nghiêm túc hay không. Điều này cho phép những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng sử dụng những người không tin vào thuyết gia trắng thượng đẳng, chỉ vào đó “để giải trí”, nhằm truyền bá thông điệp của họ đến một bộ phận độc giả rộng lớn hơn. Trong khi đó, tại châu Âu, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng đã giận dữ về cuộc xâm lược tưởng tượng của người Hồi giáo, đặc biệt là sau sự kiện 11/9 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa thánh chiến toàn cầu. Trong cuốn sách “Sự Thay thế Vĩ đại” (“The Great Replacement”), Renaud Camus tuyên bố những người Pháp thực thụ đang bị thay thế bởi những người nhập cư từ châu Phi và Trung Đông, được khuyến khích bởi một giới tinh hoa theo “chủ nghĩa thay thế”. Những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng Mỹ đã xếp người Hồi giáo vào nhóm các chủng tộc xâm lược, nhưng vẫn chủ yếu tập trung vào người Latinh, người da màu, và người Do Thái.

Những người chỉ trích Donald Trump cáo buộc ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng. Điều đó không có bằng chứng. Tuy nhiên, những lời nói của ông thể hiện sự ủng hộ hệ tư tưởng da trắng thượng đẳng. Ví dụ, vào năm 2017, ông đã mô tả một cuộc tuần hành “Unite the Right” (Đoàn kết cánh hữu) tại Charlottesville, Virginia, là việc “những người biểu tình phản đối một cách rất lặng lẽ việc tháo dỡ bức tượng của Robert E. Lee”, một cách nói nhẹ nhàng đến đáng ngạc nhiên để mô tả những kẻ phát xít tự xưng mang những ngọn đuốc và hô khẩu hiệu “Người Do Thái sẽ không thay thế chúng ta”. Năm ngoái, những người cực đoan cánh hữu đã giết nhiều người ở Mỹ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1995, năm xảy ra vụ đánh bom thành phố Oklahoma. Phần lớn trong số này được thực hiện bởi các những người theo thuyết da trắng thượng đẳng. Đó là một mối đe dọa mà các chính quyền ở phương Tây đã quá xem nhẹ.