Làm cách nào cứu TPP thoát ‘án tử’ của ông Trump?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Kelly O’Neill & Eugene Beaulieu, “How we can save the TPP from being killed by Trump”, Financial Post, 07/12/2016.

Biên dịch: Lê Hoa | Hiệu đính: Đỗ Thiện

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã tuyên án tử cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình (TPP) khi đưa ra thông báo Mỹ sẽ rút khỏi TPP.

Thiếu Mỹ, TPP không đạt yêu cầu 85% GDP tổng khối

Không có Mỹ và thị trường béo bở của nước này, các nhà lãnh đạo của 11 quốc gia ký TPP khác, bao gồm Canada, đã nhanh chóng tuyên bố số phận tăm tối của Hiệp định này. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng “TPP là vô nghĩa nếu không có Mỹ”. Bộ trưởng thương mại Canada, Chrystia Freeland, cũng phát biểu tương tự rằng thỏa thuận TPP sẽ không thể thông qua mà không có cường quốc kinh tế số một thế giới tham gia.

Việc TPP sẽ bị thất bại nếu không có Mỹ bắt nguồn từ chính nội dung hiệp định này. Điều 30.5 yêu cầu tất cả 12 bên ký ban đầu phải phê chuẩn hiệp định trong hai năm kể từ ngày ký vào tháng 10 năm 2015. Nếu bất cứ nước nào không thực hiện được đúng hạn, các nước còn lại vẫn có thể tiếp tục hiệp định TPP với điều kiện có từ sáu nước trở lên phê chuẩn thỏa thuận và các nước này phải chiếm ít nhất 85% tổng GDP của 12 nước ban đầu. Mỹ chiếm 60% tống GDP. Vì vậy, không có Mỹ đồng nghĩa với việc không có TPP.

Tuy nhiên, không nhất thiết TPP sẽ chết ngay cả khi dựa trên nguyên tắc GDP. Có hai kịch bản có thể cứu lấy hiệp định này.

Một là ông Trump sẽ thay đổi quyết định của mình và làm việc với Quốc hội Mỹ để phê chuẩn hiệp định. Hai là 11 quốc gia khác có thể bàn bạc lại Điều 30.5 và tìm ra cách để phê chuẩn hiệp định TPP.

Ông Trump sẽ điều chỉnh TPP trước khi thông qua

Kịch bản đầu tiên không phải là không thể diễn ra, chủ yếu vì TPP là một hiệp định rất có lợi cho Mỹ, cả về kinh tế và chính trị. Ông Trump phải xoa dịu các tổ chức doanh nghiệp và Đảng Cộng hòa vì hầu hết họ đều ủng hộ tự do thương mại.

Ông Trump  vẫn có cơ hội để thay đổi quyết định cũng như đòi hỏi thêm các điều kiện trong nội dung hiệp định trước khi phê chuẩn TPP. Chỉ mới một năm trôi qua và thời hạn phê chuẩn vẫn còn đủ cho những thay đổi nội dung vào phút chót. Nói nôm na, Mỹ có thể khéo léo thêm các yêu cầu của mình vào hiệp định mà vẫn không gây ảnh hưởng đến các điều khoản ban đầu.

Các bên ký (signatory) sau đó sẽ chỉ phải ký tắt vào các tài liệu bổ sung để cứu lấy TPP. Điều này từng xảy ra trong lịch sử khi Bill Clinton vào năm 1994 muốn bổ sung hai yếu tố lao động và môi trường, vốn không được bao gồm trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Những quy định này đã được Canada và Mexico ủng hộ vào phút chót và Hiệp định đã được phê chuẩn ngay sau đó.

11 quốc gia hành động mà không có Mỹ

Có nhiều cách để các nước còn lại có thể tiếp tục mà không cần đến Mỹ. Việc thiếu chữ ký của Mỹ không thể xóa bỏ TPP nếu  11 quốc gia khác tiếp tục duy trì Hiệp định và bỏ qua  quy tắc 85% GDP. Thỏa thuận TPP ban đầu được xúc tiến bởi 4 quốc gia và con số này đã tăng lên 12 sau 8 năm đàm phán.

Tất cả các quốc gia đã ký và đang ở các giai đoạn khác nhau của quá trình phê chuẩn Hiệp định dựa trên lợi ích kinh tế. Mặc dù Mỹ đóng vai trò then chốt, vẫn có nhiều cách để các nước còn lại có thể tiếp tục. Một trong số đó là sửa đổi mục thực thi hiệp định để loại bỏ nguyên tắc GDP. Đồng thời, duy trì những nội dung còn lại trong hiệp định.

Hiệp định TPP đã thiết lập một quy trình cho các thành viên mới tham gia. Trong bốn năm, hoặc tám năm, Mỹ có thể đảo ngược quyết định của họ về TPP và trở thành thành viên thứ 12 một lần nữa. Ý tưởng này đã được lan truyền bởi một số nhà kinh tế học người Mỹ, và các nhà lãnh đạo Australia và New Zealand, những người đã thúc đẩy sự ra đời của hiệp định TPP, đều đồng tình.

Dù thái độ của tổng thống đắc cử Trump (đối với TPP – ND) là gì đi nữa, thì giải pháp hành động tối ưu nhất  đối với 11 thành viên còn lại của TPP đó là tiếp tục thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại. TPP vẫn có thể sẽ chết đi, nhưng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và Đảng Cộng hòa  trong việc tìm cách phê chuẩn Hiệp định có thể khiến ông Trump phải phê chuẩn TPP. Trong khi đó, Úc và New Zealand muốn tiến xa hơn với Hiệp định này và những nước khác như Nhật Bản cũng dần dần đồng quan điểm.

TPP là một thỏa thuận quan trọng đối với Canada, ngay khi không có Mỹ, và đó cũng là một cơ hội để Canada thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong nghị trình thương mại.

Kelly O’Neill là trợ lý nghiên cứu và Eugene Beaulieu là giám đốc chương trình kinh tế quốc tế tại Trường Chính sách công, Đại học Calgary.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]