Nguồn: “China, Grappling With Trump, Turns to ‘Old Friend’ Kissinger”, Bloomberg News, 2/12/2016.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Cựu ngoại trưởng Mỹ gặp các lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ông vẫn là cầu nối ưa thích của Bắc Kinh trong việc tìm hiểu Mỹ.
Như ông đã làm trong nhiều thập niên qua, Henry Kissinger tiếp tục đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc để tháo gỡ căng thẳng, lần này là khi Chủ tịch Tập Cận Bình nỗ lực quan sát mức độ mà những phát ngôn bài Trung Quốc của tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ theo chân ông vào Nhà Trắng.
Vị cựu ngoại trưởng 93 tuổi, người bí mật dàn xếp chuyến thăm Trung Quốc mang tính bước ngoặt của tổng thống Richard Nixon vào năm 1972, đến Bắc Kinh để gặp các lãnh đạo nhà nước Trung Quốc vào ngày thứ 6 (2/12), chỉ hai tuần sau khi gặp Trump ở New York. Dù không nhiều nội dung của cuộc họp kín với Kissinger được tiết lộ, các quan chức Trung Quốc đang cố gắng xác định xem liệu chính quyền mới có gia tăng đối đầu về các tranh chấp thương mại và lãnh thổ như Trump đã hứa khi vận động tranh cử hay không.
“Chúng ta đang ở trong một thời điểm quan trọng. Chúng tôi ở Trung Quốc đang quan sát tình hình rất sát sao,” Tập nói vào ngày thứ 6, khi ông chào mừng nhà ngoại giao đã về hưu tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. “Tiến sĩ Kissinger, tôi sẽ lắng nghe tất cả những gì ông sẽ nói về tình hình thế giới hiện tại và sự phát triển tương lai của quan hệ Trung-Mỹ.”
Kissinger cám ơn Tập và các quan chức Trung Quốc vì đã giải thích “bản chất suy nghĩ và mục đích những chính sách dài hạn của các ông.”
Những đe dọa thương mại
Sự bền bỉ của Kissinger trong vai trò cầu nối với Trung Quốc trong hơn 4 thập niên sau khi ông rời nhiệm sở làm nổi bật những khoảng trống về liên lạc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mặc dù số phận của cả hai ngày càng gắn chặt với nhau. Điều này đặc biệt trở nên hóc búa sau chiến thắng gây sốc của Trump hồi tháng 11, điều đã làm các đồng minh cũng như đối thủ của Mỹ phải nhanh chóng đánh giá cách mà tỷ phú bất động sản này định quản lý các mối quan hệ ngoại giao.
“Điều quan trọng là Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia vốn ít tin tưởng nhau, phải có một cầu nối không chính thức để mở rộng những lợi ích chung và tránh các tính toán sai lầm,” theo ông Gao Zhikai, phiên dịch cho cố lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, người đã gặp Kissinger thường xuyên trong nhiều năm trước. “Kissinger có một vị trí đặc biệt trong quan hệ giữa hai cường quốc trong vai trò sứ giả.”
Trong khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton là một nhân vật mà Trung Quốc am tường, Trump không có một lý lịch công vụ để Trung Quốc có thể dò xét. Trong lúc vận động tranh cử, ứng viên Cộng hòa đã cáo buộc Trung Quốc “hãm hiếp” (cướp) việc làm của nước Mỹ, trong khi hứa sẽ đánh thuế Bắc Kinh và gán mác Trung Quốc là một quốc gia thao túng ngoại tệ. Ông cũng hứa sẽ thêm nhiều tàu chiến cho Hải quân Mỹ, cái mà Trung Quốc cho là sẽ gây bất ổn nếu những tàu này đến Thái Bình Dương, nơi hai bên đang tranh cãi về quyền tự do hàng hải.
‘Không có bổn phận đền đáp’
Giới lãnh đạo Trung Quốc được dự đoán sẽ làm rõ quan điểm của họ về các vấn đề quan trọng với Kissinger, với việc Tập nói với Trump trong cuộc điện đàm vào ngày 14 tháng 11 rằng hợp tác là sự lựa chọn tốt nhất cho quan hệ giữa hai nước. Cựu ngoại trưởng đã có một vài cuộc điện đàm với Trump trước một cuộc gặp trực tiếp ở New York vào ngày 18 tháng 11.
Sau đó, Kissinger nói với Fareed Zakaria của CNN rằng mọi người “không nên tiếp tục gán cho ông ấy (Trump) những lập trường mà ông đã nói trong chiến dịch tranh cử, những điều mà ông không nhất quyết duy trì.”
“Vị tân tổng thống đắc cử có một phương diện đặc biệt: đó là ông ấy không có những gánh nặng quá khứ,” theo lời của Kissinger. “Ông ấy không có mắc nợ bất kỳ một nhóm nào bởi vì ông ấy trở thành tổng thống bằng một chiến lược và một chương trình hành động mà ông đặt ra cho dân chúng Mỹ, điều những người tranh cử với ông không có. Vì thế, tình hình này là độc nhất vô nhị.”
‘Người bạn già’
Kissinger, người xuất bản cuốn sách lịch sử “Về Trung Quốc” (On China) vào năm 2011, đã đi thăm Trung Quốc hơn 80 lần kể từ chuyến thăm bí mật vào năm 1971 để dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ, gặp tất cả các lãnh đạo Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông, theo Tân Hoa Xã. Các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc luôn khen ngợi ông trong mỗi chuyến thăm, mô tả ông như là một “người bạn già của nhân dân Trung Quốc.”
Kissinger là một trong số ít những chuyên gia Mỹ, bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson và Elaine Chao, người được Trump đề cử vào vị trí bộ trưởng giao thông, những người mà Tập gặp vào năm 2012 trước khi ông lên nắm quyền. Nhóm này khuyên Tập rằng liên lạc thường xuyên với người đồng cấp ở Mỹ quan trọng hơn là các chuyến thăm chính thức, theo một cá nhân có liên quan đến cuộc gặp xin giấu tên vì các cuộc gặp này mang tính chất riêng tư.
Vào ngày thứ năm, Kissinger gặp Vương Kỳ Sơn, người phụ trách chiến dịch chống tham nhũng của Tập và đứng hàng thứ sáu trong thang quyền lực của Đảng Cộng sản, theo Tân Hoa Xã.
“Mỹ và Trung Quốc sẽ phải thiết lập các kênh liên lạc, nhưng điều này sẽ tốn thời gian,” theo Tim Summers, một chuyên gia tư vấn cao cấp cho Chatham House. Summers nói rằng Tập, khác với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, “sẽ không tạt qua Tháp Trump trên đường đi những nơi khác. Vì thế, chúng ta đang trong một giai đoạn không chắc chắn của quan hệ Mỹ-Trung, cùng với tất cả các vần đề bất định khác trong thời gian này.”
Việc Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào nhà cựu ngoại giao ngày càng lớn tuổi trong vai trò một nhà đối thoại cho thấy rằng Đảng Cộng sản chưa tìm được người thay thế.
“Không ai có thể thay thế ông,” theo ông Gao. “Không một người Mỹ nào khác có thể nhận được sự kính trọng tương đương từ các lãnh đạo Trung Quốc hay có những cuộc đối thoại chân thực với giới lãnh đạo Trung Quốc như ông.”
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]