Nguồn: Ted Hopf, “The Promise of Constructivism in International Relations Theory”, International Security, Vol. 23, No. 1 (Summer 1998), pp. 171-200.
Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh
Chủ nghĩa kiến tạo – kẻ thách thức sự thống trị liên tục của chủ nghĩa tân hiện thực và tân tự do thể chế trong nghiên cứu QHQT ở Hoa Kỳ – thường bị các học giả “dòng chính [mainstream]” đánh giá với rất nhiều sự nghi ngờ.[1] Có nhiều lý do giải thích cho sự chào đón [không thân thiện] này, trong đó ba nguyên nhân chính là việc các học giả dòng chính đánh giá, một cách sai lầm, thuyết kiến tạo có tính chất hậu hiện đại [postmodern] và phản thực chứng [antipositivist]; bản thân thuyết kiến tạo cũng mâu thuẫn trong việc áp dụng các phương pháp xã hội học dòng chính mà vẫn không phải hy sinh sự khác biệt về lý thuyết của chúng; và, có liên quan đến mâu thuẫn trên, sự thất bại của thuyết kiến tạo đối với việc phát triển một chương trình nghiên cứu khác biệt [so với hai lý thuyết dòng chính còn lại]. Trong bài viết này, tôi sẽ làm rõ các luận điểm của phái kiến tạo, chỉ ra sự khác biệt giữa dòng kiến tạo “thường quy” [conventional constructivism] và “phê phán” [critical constructivism], và đề xuất một chương trình nghiên cứu có khả năng cung cấp một cách tiếp cận khác đối với các vấn đề quan hệ quốc tế chính yếu được nghiên cứu và một vài ví dụ chỉ ra những gì mà chỉ có thuyết kiến tạo mới có thể đóng góp vào việc nghiên cứu chính trị quốc tế đó.
Thuyết kiện tạo mang lại cách tiếp cận khác đối với một số chủ đề trọng tâm của các lý thuyết QHQT, bao gồm: ý nghĩa của vô chính phủ và cân bằng quyền lực, mối quan hệ giữa bản sắc và lợi ích quốc gia, phân tích khái niệm quyền lực, và triển vọng thay đổi của chính trị quốc tế. Thuyết kiến tạo có thể được phân thành hai dòng “thường quy” và “phê phán”, dòng thứ hai này gần với các lý thuyết xã hội học phê phán hơn. Tham vọng cạnh tranh với các lý thuyết QHQT dòng chính của thuyết kiến tạo thường quy đòi hỏi nó phải có một chương trình nghiên cứu rõ ràng. Một chương trình nghiên cứu như thế bao gồm việc tái định nghĩa, dưới góc độ kiến tạo, các khái niệm của lý thuyết cân bằng đe doạ [balance-of-threat theory], về tình thế lưỡng nan an ninh, lý thuyết tân tự do về hợp tác, và lý thuyết hoà bình dân chủ. Chương trình nghiên cứu kiến tạo cũng có những chủ đề nghiên cứu riêng tập trung vào vấn đề bản sắc trong chính trị quốc tế và việc lý thuyết hoá chính trị nội bộ và văn hoá của các lý thuyết QHQT.
Phái kiến tạo thường quy và các chủ đề nghiên cứu của lý thuyết QHQT dòng chính
Vì cách phân tích lý thuyết kiến tạo tốt nhất là xem xét các chủ đề nghiên cứu mà nó tuyên bố có thể nắm rõ được, tôi sẽ giới thiệu các luận điểm của thuyết kiến tạo về một số vấn đề quan trọng bậc nhất của lý thuyết QHQT ngày nay.
Đơn vị và cấu trúc có quan hệ tương sinh [mutually constituted]
Cấu trúc ràng buộc và khuyến khích hành vi của đơn vị đến đâu, và đơn vị có thể thoát khỏi ràng buộc cấu trúc đến đâu? Trong CTQT, cấu trúc là một tập hợp các ràng buộc bất biến lên hành vi của quốc gia.[2] Dù rằng các ràng buộc này có thể là một hệ thống các động cơ vật chất (hay không có động cơ nào cả), chẳng hạn một cân bằng quyền lực hay thị trường, đối với thuyết kiến tạo điều quan trọng là hành vi [của đơn vị] tái định hình, hoặc không tái định hình, chủ thể và cấu trúc như thế nào.[3] Ví dụ, trong chừng mực mà sự xuống thang của Mỹ ở VN là không thể mường tượng do Mỹ có bản sắc siêu cường, hành vi can thiệp quân sự “tạo nên” bản sắc siêu cường của nước này. Xuống thang khi đó là một hành vi không thể tưởng tượng được. Bằng cách thi hành hành vi can thiệp, Mỹ đã tái định hình bản sắc siêu cường, cũng như cấu trúc cũng gán một ý nghĩa lên hành vi của nước này [hành vi của một siêu cường]. Vì vậy, sự can thiệp của Mỹ vào VN đã tiếp tục duy trì ý nghĩa liên chủ thể [intersubjective] của hệ thống quốc tế về khái niệm “siêu cường”, nghĩa là những quốc gia sử dụng sức mạnh quân sự chống lại quốc gia khác.
Các hành vi, hay thái độ,[4] chỉ có nghĩa trong một bối cảnh xã hội liên chủ thể. Các chủ thể phát triển mối quan hệ với nhau và kiến thức về nhau thông qua các chuẩn mực và thông lệ. Nếu thiếu các chuẩn mực, sự thực thi quyền lực hay hành vi sẽ trở nên vô nghĩa. Các chuẩn mực cấu thành sẽ định nghĩa một bản sắc bằng cách định rõ loại hành động sẽ khiến Tha Nhân [Other] nhận thức được bản sắc đó và phản ứng lại nó một cách phù hợp.[5] Do cấu trúc sẽ vô nghĩa nếu thiếu một số tập hợp liên chủ thể các quy tắc và thông lệ, vô chính phủ – đặc điểm cấu trúc quan trọng nhất của các lý thuyết QHQT dòng chính – là vô nghĩa. Cả vô chính phủ, theo nghĩa thiếu vắng chính quyền siêu quốc gia, lẫn phân bổ sức mạnh đều không thể “xã hội hoá” quốc gia vào một cấu trúc chính trị quốc tế thiếu vắng một tập hợp các quy chuẩn và thông lệ có nghĩa nào đó.[6]
Một câu chuyện hay được kể trong năm học đầu tiên của chương trình QHQT để dẫn ra trường hợp cực đoan khi không hề có một chủ thể tính nào cả [agency]. Kịch bản đặt ra là xảy ra đám cháy trong rạp hát và tất cả mọi người đều tìm cách chạy ra ngoài.[7] Nhưng nếu thiếu đi hiểu biết về các thông lệ xã hội hoặc quy chuẩn cấu thành, thì thậm chí ngay cả trong bối cảnh quá cực đoan như trên cấu trúc vẫn có tính bất định. Ngay cả trong rạp hát với chỉ một cửa thoát hiểm, khi tất cả mọi người đều chạy ra ngoài, thì ai sẽ được ra đầu tiên? Kẻ manh nhất hay người yếu nhất, phụ nữ hay trẻ em, người già hay người tàn tật, hay chỉ là một mớ hỗn độn vô trật tự? Đưa ra kết luận yêu cầu hiểu biết nhiều hơn về tình huống cụ thể thay vì phân bổ sức mạnh vật chất hay cấu trúc quyền lực. Ta cần phải biến về văn hoá, quy chuẩn, thể chế, quy trình, luật lệ và thực tiễn xã hội vốn cấu thành cả chủ thể và cấu trúc.
Vô chính phủ là một cộng đồng tưởng tượng
Xem vô chính phủ có đặc tính cấu trúc có nghĩa là vô chính phủ cũng tương sinh với các chủ thể đang vậy dụng những luật lệ và thực tiễn xã hội có tính cấu thành, vô hình trung thừa nhận rằng vô chính phủ cũng bất định như trường hợp đám cháy trong nhà hát của Arnold Wolfers đã nêu ở trên. Alexander Wendt đã phê phán theo cách tiếp cận kiến tạo đối với trụ cột nền tảng về cấu trúc này của các lý thuyết QHQT dòng chính.[8] Nhưng còn hơn thế nữa, sự phê phán đó mở ra khả năng tiếp cận vô chính phủ theo cách nó sẽ có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với những chủ thể khác nhau tuỳ theo cộng đồng nhận thức liên chủ thể và tập tục xã hội của riêng họ. Và nều điều này là có thể, chúng ta có thể bắt đầu lý thuyết hoá nhiều lĩnh vực và vấn đề của chính trị quốc tế mà các chủ thể nhận thức rằng có tính vô chính phủ ở những mức độ khác nhau.
Phái tân hiện thực kết luận rằng tự cứu – mọi quốc gia đều nên tự chủ về an ninh bất cứ khi nào có thể – là một hành vi của chủ thể bị ràng buộc bởi cấu trúc, nhưng điều này chỉ đúng khi chỉ có một cách hiểu về vô chính phủ.[9] Nếu ý nghĩa của vô chính phủ không bất biến với mọi loại quan hệ và khu vực-vấn đề thuộc CTQT, thì có thể hiện diện một “dải liên tục” [continuum] các kiểu vô chính phủ. Nơi nào xuất hiện hậu quả khủng khiếp đối với việc không thể dựa vào sức chính mình để thúc đẩy thoả thuận, chẳng hạn như vấn đề kiểm soát vũ khi trong một thế giới với ưu thế thuộc về tấn công quân sự, khái niệm vô chính phủ của phái tân hiện thực là thoả đáng nhất. Nhưng khi nào chủ thể không cần lo lắng nhiều về chi phí cơ hội của việc giao quyền kiểm soát cho quốc gia khác hay cho các thể chế, ví dụ như thúc đẩy và đảm bảo thoả thuận thương mại, thì ý tưởng về vô chính phủ của phái tân hiện thực chỉ là điều tưởng tượng.
Bản sắc và lợi ích trong chính trị quốc tế
Bản sắc rất cần thiết, cho cả CTQT lẫn chính trị nội địa, để ít nhất là đảm bảo một mức độ tối thiểu của trật tự và tính khả đoán [predictability].[10] Dự đoán lâu bền trong quan hệ giữa các quốc gia yêu cầu một bản sắc liên chủ thể đủ ổn định cho các mẫu hình hành vi khả đoán của chúng. Một thế giới không có bản sắc [của các chủ thể] là một thế giới hỗn độn, một thế giới bất định và nguy hiểm hơn rất nhiều so với thế giới vô chính phủ. Bản sắc có ba chức năng cần thiết trong xã hội: nó cho bạn và người khác biết bạn là ai, nó cho bạn biết kẻ khác là ai.[11] Khi nói cho bạn biết bạn là ai, bản sắc quy định một tập hợp cụ thể các lợi ích hoặc ưu tiên liên quan đến lựa chọn hành vi trong từng lĩnh vực cụ thể và với các đối tượng cụ thể.
Bản sắc của một quốc gia bao hàm ưu tiên và hành vi tương ứng của quốc gia đó.[12] Quốc gia nhận thức về quốc gia khác tuỳ theo bản sắc mà nó gán cho quốc gia khác, song song với đó nó cũng tái lập bản sắc của chính mình thông qua thực tiễn xã hội hàng ngày. Điều cốt yếu ở đây là “kẻ sản xuất” bản sắc [của chính mình] lại không kiểm soát ý nghĩa của bản sắc đó đối với người khác, chính cấu trúc liên chủ thể mới là người phán quyết cuối cùng. Ví dụ, trong Chiến tranh lạnh, Nam Tư và các quốc gia Đông Âu khác thường hiểu là Liên Xô là Nga, mặc cho Liên Xô luôn cố gắng tránh cái bản sắc đó. Sự kiểm soát của Liên Xô đối với bản sắc của chính nó được cấu thành, về mặt cấu trúc, không chỉ bởi nhận thức của các nước Đông Âu mà còn bởi thực tiễn hàng ngày của Liên Xô, vốn hẳn nhiên bao gồm cả việc trao đổi với Đông Âu bằng tiếng Nga.
Trong khi chủ nghĩa kiến tạo xem bản sắc là một câu hỏi thực tiễn cần được lý thuyết hoá cùng với một bối cảnh lịch sử riêng của nó, thì phái tân hiện thực lại giả định rằng mọi đơn vị trong CTQT đều chỉ có một bản sắc có ý nghĩa, đó là bản sắc vị kỷ. Phái kiến tạo nhấn mạnh rằng giả định này đã loại bỏ khỏi mọi cố gắng lý thuyết hoá một yếu tố cơ bản của đời sống CTQT, đó là bản chất và định nghĩa về/của chủ thể. Giả định của phái tân hiện thực về bản sắc vị kỷ hàm ý rằng trước hết định nghĩa về “cái tôi” đã được biết trước. Nói cách khác, quốc gia trong CTQT, trải qua thời gian và xuyên qua không gian, được coi như chỉ có một ý nghĩa vĩnh cửu. Trái lại thuyết kiến tạo giả định rằng “cái tôi”, hay bản sắc, của quốc gia là một biến số; biến số này phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử, văn hoá, chính trị và xã hội.
Cả phái kiến tạo và tân hiện thực đều chia sẻ với nhau rằng lợi ích dẫn đến lựa chọn, tuy nhiên tân hiện thực lại đi xa hơn để giả định các quốc gia, một cách tiên nghiệm, có cùng một lợi ích. Kiểu “đồng nhất hoá” [endogenizing] như thế chỉ khả dĩ khi và chỉ khi ta phủ nhận rằng lợi ích là một xã phẩm của các thực tiễn xã hội vốn cấu thành nên cả chủ thể lẫn cấu trúc.[13] Nếu xem lợi ích là sản phẩm của bản sắc, có nghĩa là, chẳng hạn, bản sắc “siêu cường” bao hàm một loạt các lợi ích khác với lợi ích của kiểu bản sắc “thành viên Liên minh châu Âu”, và nếu như có nhiều loại bản sắc khác nhau, thì logic kiến tạo không chấp nhận kiểu lợi ích định sẵn và cho trước.[14]
Bằng cách xem lợi ích là biến số trung tâm, thuyết kiến tạo nghiên cứu không chỉ cách thức định hình một số loại lợi ích cụ thể mà còn tại sao nhiều kiểu lợi ích khác lại không xuất hiện. Cách giải thích chung trên thực tế, mang đầy tính lặp thừa [không cần thiết] và không đầy đủ cho rằng không có lợi ích vì không có lý do gì để chủ thể có lợi ích vì lợi nhuận hứa hẹn quá ít ỏi. Thật vậy, chủ nghĩa kiến tạo lý thuyết hóa ý nghĩa của các lợi ích “không hiện diện”. Vì bản sắc và lợi ích là sản phẩm của thực tiễn xã hội, lợi ích không hiện diện được hiểu, theo cách tiếp cận kiến tạo, là một sự thiếu vắng [lợi ích] có chủ đích được tạo ra bởi các tiến trình và cấu trúc xã hội. Cái tiến trình xã hội cấu thành nên bản sắc không thể chấp nhận loại lợi ích không tương thích với thực tiễn và cấu trúc xã hội của bản sắc đó. Trong trường hợp cực đoan, chủ thể không thể tưởng tượng nổi một loại lợi ích “không hiện diện” nào đó, dù cho anh ta có sống cùng với nó đi chăng nữa.[15]
Hệ quả của lối tiếp cận bản sắc và lợi ích như thế cũng giống như với lối tiếp cận kiến tạo đối với cấu trúc, đơn vị và vô chính phủ: quốc gia được coi như (1) có nhiều khả năng lựa chọn hành vi hơn là thuyết tân hiện thực nghĩ, và (2) những lựa chọn này được cấu thành bởi các cấu trúc xã hội vốn được đồng tạo ra bởi quốc gia và cấu trúc [chính trị quốc tế] thông qua các tiến trình xã hội. Nói cách khác, theo thuyết kiến tạo quốc gia có nhiều chủ thể tính hơn, nhưng chủ thể tính này không hề hoàn toàn tự do. Mà ngược lại, các lựa chọn của quốc gia bị ràng buộc bởi một mạng lưới nhận thức về thực tiễn, bản sắc và lợi ích của chủ thể khác vốn hiện diện trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Sức mạnh của thực tiễn/thông lệ
Quyền lực là một nhân tố lý thuyết trung tâm của các lý thuyết QHQT cả dòng chính lẫn kiến tạo, nhưng cách khái niệm hóa quyền lực lại rất khác nhau. Phái tân hiện thực và tân tự do thể chế giả định rằng sức mạnh vật chất, cả quân sự lẫn kinh tế, là nguồn lực quan trọng duy nhất cho ảnh hưởng và quyền lực trong CTQT.[16] Phái kiến tạo phản bác rằng cả sức mạnh vật chất lẫn sức mạnh diễn ngôn [discursive] đều quan trọng để có thể nắm bắt được QHQT. Ở đây tôi nhấn mạnh rằng phái kiến tạo thừa nhận cả hai loại sức mạnh vì thông thường chủ nghĩa kiến tạo bị cho là phi thực tế vì quá tin tưởng vào sức mạnh của kiến thức, ý tưởng, văn hóa, lý tưởng và ngôn ngữ, hay nói cách khác là quá trình diễn ngôn [discourse]. Quan điểm rằng ý tưởng là một loại hình sức mạnh, rằng quyền lực là cái gì đó hơn là sức mạnh vật chất, rằng sức mạnh vật chất và sức mạnh diễn ngôn có liên quan với nhau không có gì mới. Michel Foucault đã kết nối mạng lưới nhận thức với quyền lực, Antonio Gramsci đã đề ra lý thuyết về bá quyền tư tưởng [ideological hegemony] và Max Weber đã tách bạch sự cưỡng ép khỏi uy quyền [authority]; đây chính là những nhà tiên phong cho lối tiếp cận kiến tạo về quyền lực trong đời sống chính trị.[17] Tồn tại nhiều nghiên cứu thực tiễn trong lý thuyết QHQT và nghiên cứu an ninh vốn chỉ ra rằng cần phải tiếp cận quyền lực dưới cả khía cạnh vật chất lẫn diễn ngôn.[18] Do sức mạnh vật chất đã được bàn đến nhiều bởi các học giả dòng chính, ở đây tôi tập trung vào sức mạnh diễn ngôn, sức mạnh của thực tiễn [practice] trong thuyết kiến tạo.
Sức mạnh của thực tiễn xã hội nằm ở khả năng tái tạo nhận thức liên chủ thể vốn cấu thành nên cả cấu trúc xã hội lẫn chủ thể. Hành động can thiệp quân sự của Mỹ ở VN tương thích với một loạt bản sắc của Mỹ: siêu cường, đế quốc, kẻ thù, đồng minh… Những ai quan sát Hoa Kỳ không chỉ diễn giải bản sắc của nước này từ hành vi của nó ở VN mà cũng tham gia vào quá trình tái tạo một mạng lưới nhận thức liên chủ thể về ý nghĩa thật sự của bản sắc đó. Chẳng hạn, đối với một nhóm quốc gia gán cho Mỹ bản sắc đế quốc, thì ý nghĩa của việc “là một nước đế quốc” đã được tái tạo bởi hành động can thiệp quân sự của nước này. Theo cách đó, thực tiễn xã hội không chỉ tái tạo lại bản sắc chủ thể mà còn tái tạo cả một cấu trúc xã hội liên chủ thể dựa trên các thực tiễn xã hội. Sức mạnh quan trọng nhất của thực tiễn [ở đây là thông lệ xã hội] nằm ở khả năng thiết lập tính khả đoán và, qua đó, trật tự, Thông lệ xã hội giảm đáng kể tính bất định giữa các chủ thể trong một cộng đồng có kết cấu xã hội, do đó gia tăng lòng tin rằng một hành động nào đó của một chủ thể sẽ gây ra một số hệ quả và phản ứng từ các chủ thể khác.[19]
Một chủ thể thậm chí không thể hành động tương thích với bản sắc của mình chừng nào mà cộng đồng nhận thức liên quan của anh ta, theo lời Karl Deutsch, [20] chư công nhận tính chính đáng của hành vi đó, bởi chủ thể đó và trong một bối cảnh xã hội xác định. Sức mạnh của thực tiễn/thông lệ là khả năng tạo ra ý nghĩa liên chủ thể trong khuôn khổ một cấu trúc xã hội. Chỉ là một bước ngắn từ cách hiểu sức mạnh thực tiễn/thông lệ như vậy đến cách hiểu thực tiễn/thông lệ như một phương cách giới hạn, hay ràng buộc sự diễn giải, khiến cho một vài cách diễn giải thực tại ít có khả năng diễn ra hoặc chiếm ưu thế hơn trong một cộng đồng cụ thể.[21] Ý nghĩa hành động của thành viên cộng đồng, cũng như của Tha nhân, trở nên xác định thông qua thực tiễn/thông lệ; biên giới của sự thông hiểu trở nên rõ ràng. Bằng cách đó, sức mạnh tối thượng của thực tiễn/thông lệ là tái tạo và kiểm soát một thực tại liên chủ thể.[22] Thực tiễn và thông lệ xã hội, trong chừng mực mà nó cho phép, trừng phạt và kiểm soát, có khả năng tái tạo cả một cộng đồng, bao gồm cả cộng đồng quốc tế cũng như rất nhiều cộng đồng bản sắc bên trong nó.[23]
Hành vi quốc gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại bị ràng buộc và được thúc đẩy bởi các thông lệ xã hội chiếm ưu thế trong và ngoài nước. Chẳng hạn, Richard Ashley cho rằng lựa chọn chính sách đối ngoại là một kiểu thực tiễn xã hội vốn đồng thời cấu thành và trao sức mạnh cho quốc gia, xác định các năng lực được xã hội công nhận của quốc gia, và bảo vệ biên giới phân biệt giữa các lĩnh vực thực tiễn kinh tế và chính trị quốc nội với quốc tế, cùng với đó là lĩnh vực thích hợp trong đó chủ thể xác định có thể được đảm bảo sự thừa nhận và năng lực hành vi. Cuối cùng, Ashley kết luận rằng thực tiễn và thông lệ chính sách đối ngoại phụ thuộc vào việc tồn tại “vật chất biểu tượng có trước và có tính liên chủ thể – nhằm áp đặt sự diễn giải cho các sự kiện, những sự diễn giải thay thế “trầm lặng”, các thực tiễn cấu trúc, và đạo diễn sự sáng tạo lịch sử tập thể.”[24]
Mặc dù tôi đã tập trung chỉ ra sức mạnh diễn ngôn vận hành như thế nào trong phần này, khả năng kiểm soát nhận thức liên chủ thể không phải là dạng sức mạnh duy nhất quan trọng đối với cách tiếp cận kiến tạo về CTQT. Có các nguồn lực cho phép triển khai sức mạnh diễn ngôn – khả năng kinh tế và quân sự để duy trì các thể chế cần thiết cho sự tái tạo được chính thức hoá các thực tiễn và thông lệ xã hội – cũng luôn là một phần của câu chuyện.
Thay đổi trong chính trị quốc tế
Chủ nghĩa kiến tạo khó có thể nói gì được về thay đổi trong CTQT.[25] Trường phái này chứng minh cho sự khác biệt và đa dạng trong QHQT và chỉ ra các tiến trình qua đó một trật tự liên chủ thể được duy trì, nhưng không đưa ra bất kỳ một triển vọng nào cho thay đổi trong CTQT nhiều hơn thuyết tân hiện thực. Luận điểm kiến tạo cho rằng, chẳng hạn, vô chính phủ là những gì các quốc gia tạo nên, có hàm ý là tồn tại nhiều nhận thức về vô chính phủ trên thế giới, và do đó hành vi của quốc gia sẽ đa dạng hơn là nguyên tắc tự cứu. Nhưng đây chỉ là một quan sát đối với một thực tại đã có trước, hay chính xác hơn là tập hợp các giả thuyết về cùng một thực tại. Các nhận thức khác nhau về vô chính phủ bắt rễ trong các cấu trúc xã hội khác nhau vốn được duy trì bởi sức mạnh thực tiễn/thông lệ và rất khó thay đổi. Những gì chủ nghĩa kiến tạo có thể mang lại [về chủ đề này] là lời giải thích bằng cách nào và vào khi nào thay đổi có thể diễn ra.
Một khía cạnh sức mạnh theo phái kiến tạo là khả năng tái tạo, trừng phạt và kiểm soát. Khi sức mạnh này được triển khai thì rất khó có khả năng xảy ra thay đổi trong CTQT. Tuy nhiên, các kết cấu liên chủ thể, tuy rằng rất khó thay đổi, cũng không hoàn toàn bất khả lay chuyển. Các dạng chủ thể khác với kiểu bản sắc cũng như thực tiễn, thông lệ khác và với đủ nguồn lực vật chất có khả năng, về lý thuyết, tác động lên sự thay đổi. Lối diễn giải của Robert Cox đối với bá quyền của Anh và Mỹ có lẽ là sự minh hoạ tốt nhất cho sức sống mãnh liệt của một bá quyền tư tưởng được tổ chức tốt, nhưng cũng là lời minh hoạ cho khả năng suy thoái của chúng. Và Walker đã nhận xét một cách đúng đắn rằng chủ nghĩa kiến tạo, bằng cách làm rõ sự đa dạng, khác biệt và tính đặc thù, đã mở ra ít nhất là khả năng thay thế khác cho cấu trúc đang hiện hành.[26] Thuyết kiến tạo xem chính trị bản sắc là một cuộc đấu tranh liên tục vì sự kiểm soát sức mạnh cần thiết đối với việc tạo ra ý nghĩa trong một nhóm xã hội. Chừng nào còn sự khác biệt, chừng đó có khả năng thay đổi.
Vì vậy, trái ngược với một vài phê bình[27] vốn tuyên bố chủ nghĩa kiến tạo tin tưởng rằng thay đổi trong CTQT khá dễ dàng, rằng ta chỉ cần vứt bỏ các cấu trúc tân hiện thực “xấu xa”, trên thực tế thuyết kiến tạo đánh giá cao sức mạnh của cấu trúc, không ngoài lý do nào khác là thuyết này cho rằng chủ thể liên tục tái tạo các ràng buộc của chính mình thông qua các thực tiễn hàng ngày. Quan điểm kiến tạo về mối quan hệ chủ thể/cấu trúc dựa trên nền tảng nhận thức là thay đổi xã hội vừa dễ dàng vừa khó khăn. Lập trường tân hiện thực theo đó mọi quốc gia đề có bản sắc giống nhau đã phủ nhận một loạt khả năng thay đổi trong lý thuyết của mình.
Tóm lại, tân hiện thực và kiến tạo chia sẻ mối quan tâm đối với vai trò của cấu trúc trong CTQT, tác động của vô chính phủ lên hành vi quốc gia, định nghĩa lợi ích quốc gia, bản chất của quyền lực và triển vọng thay đổi. Tuy nhiên, hai phái này bât đồng một cách căn bản trong nội dung từng luận điểm có liên quan. Khác với tân hiện thực, kiến tạo cho rằng chủ thể và cấu trúc cấu thành lẫn nhau; ý nghĩa của vô chính phủ cần được diễn giải; lợi ích quốc gia là một phần của tiến trình định hình bả nsawsc; quyền lực vừa có khía cạnh vật chất lẫn diễn ngôn; và thay đổi trong CTQT vừa khó khăn vừa dễ dàng.
Chủ nghĩa kiến tạo thường quy và phê phán
Chương trình nghiên cứu của chủ nghĩa kiến tạo
Các chủ đề nghiên cứu của chủ nghĩa kiến tạo
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Trien vong chu nghia kien tao.pdf
————
[1] Tác phẩm tân hiện thực kinh điển là Kenneth Waltz, Theory of International Politics (Reading, Mass.: Addison-Wesley, 1979). Cuộc tranh luận giữa hai phái tân hiện thực và tân tự do được giới thiệu và tổng kết bởi David A. Baidwin (chủ biên), Neorealism and Neoliberalism (New York: Columbia University Press, 1993). Có thể tìm thấy các thách thức từ thuyết kiến tạo trong Nicholas Greewood Onuf, World of Our Making: Rules and Rule in Social Theory and International Relations (Columbia: University of South Carolina Press, 1989); Peter J. Katzenstein (chủ biên), The Culture of National Security: Norms and Identity in World Politics (New York: Columbia University Press, 1996); và Yosef Lapid và Friedrich V. Kratochwill (chủ biên), The Return of Culture and Identity in IR Theory (Boulder, Colo.: Lynne Rienner, 1996).
[2] Đối với bài viết này, khái niệm về cấu trúc CTQT của phái tân hiện thực là quan trọng nhất. Mọi liên hệ tới phái tân hiện thực, trừ phi có ghi chú nào khác, đều là từ Waltz, Theory of International Politics.
[3] Friedrich Kratochwill đề xuất rằng sự khác biệt như trên trong tiếp cận khái niệm cấu trúc là do chủ nghĩa cấu trúc [structuralism] được du nhập vào các lý thuyết QHQT không phải bằng con đường ngôn ngữ học xã hội [sociolinguistics] mà bởi con đường kinh tế vi mô [được Waltz khởi xướng]. Xem Friedrich V. Kratochwill, “Is the Ship of Culture at Sea or Returning?” trong Lapid và Kratochwill, The Return of Culture and Identity, tr. 211.
[4] Sự khác biệt chủ yếu giữa hành vi và thái độ đã được chỉ ra bởi Charles Taylor, “Interpretation and the Sciences of Man”, trong Paul Rabinow và William M. Sullivan (chủ biên), Interpretive Social Science: A Second Look (Berkeley: University of California Press, 1987), tr. 33-81.
[5] Ronald L. Jepperson, Alexander Wendt và Peter J. Katzenstein, “Norms, Identity, and Culture in National Security”, trong Katzenstein, The Culture of National Security, tr. 54.
[6] David Dessler, “What’s At Stake in the Agent-Structure Debate?” International Organization, Vol. 43, No. 3 (Summer 1989), tr. 459-560.
[7] Arnold Wolfers, Discord and Collaboration (Baltimore, Md.: John Hopkins University Press, 1962).
8 Alexander Wendt, “Anarchy is What States Make of It: The Social Construction of Power Politics” International Organization, Vol. 46, No. 2 (Spring 1992), 391-425.
[9] Chẳng hạn, Elizabeth Kier đã chỉ ra rằng cấu trúc phân bổ sức mạnh “khách quan” không thể giải thích chiến lược quân sự của Pháp giữa hai cuộc Thế chiến. Elizabeth Kier, “Culture and French Military Doctrine before World War II”, trong Katzenstein, The Culture of National Security, pp. 186-215.
[10] Việc tập trung vào bản sắc không có nghĩa là cách tiếp cận kiến tạo thiếu nghiên cứu về những yếu tố khác như chuẩn mực, văn hoá và thể chế. Trong chừng mực mà bản sắc là nguyên nhất gần đúng nhất cho lựa chọn, ưu tiên và hành vi, tôi tập trung vào bản sắc, nhưng với sự nhận thức đầy đủ rằng không thể tiếp cận bản sắc mà không đề cập đến bối cảnh văn hoá, thể chế và chuẩn mực.
[11] Henri Tajfel, Human Groups and Social Categories: Studies in Social Psychology (Cambridge, U.K.: Cambridge University Press, 1981), p. 255.
[12] Dana Eyre và Mark Suchman, chẳng hạn, phân tích rằng, bằng cách kiểm soát với các lý do có tính chiến lược và duy lý, liên minh chính trị trong nước và sự thao túng của các siêu cường, những nước thế giới thứ ba ưu tiên một vài hệ thống vũ khí hơn loại khác tương thích với cách hiểu của họ thế nào là “hiện đại” trong thế kỷ 20. Dana P. Eyre và Mark C. Suchman, “Status, Norms, and the Proliferation of Conventional Weapons: An Institutional Theory Approach”, trong Katzenstein, The Culture of National Security, pp. 73-113. Nhiều ví dụ khác của nghiên cứu ứng dụng, vốn gắn bản sắc với một tập hợp cụ thể các ưu tiên, liên quan đến bản sắc “được văn minh hoá” vốn hướng dẫn thái độ của chủ thể đối với vũ khí huỷ diệt hàng loạt; bản thân cách hiểu về vũ khí huỷ diệt hang loạt của cấu thành nên quyết định can thiệp “nhân đạo” vào quốc gia khác; bản sắc quốc gia “bình thường” hàm ý một loại chính sách đối ngoại cụ thể của Liên Xô; và bản sắc “phi quân sự” ở Đức và Nhật điều chỉnh chính sách đối ngoại của hai nước này giai đoạn hậu Thế chiến II. Các luận điểm này có trong Richard Price và Nina Tannenwald, “Norms and Deterrence: The Nuclear and Chemical Weapons Taboos”, pp. 114-152; Martha Finnemore, “Constructing Norms of Humanitarian Intervention”, pp. 153-185; Robert Herman, “Identity, Norms, and National Security: The Soviet Foreign Policy Revolution and the End of the Cold War”, pp. 271-316; và Thomas U. Berger, “Norms, Identity, and National Security in Germany and Japan”, pp. 317-356. Tất cả đều nằm trong Katzenstein, The Culture of National Security. Về bản sắc và nhận thức liên chủ thể, xem Roxanne Lynn Doty, “The Bounds of ‘Race’ in International Relations” Millennium: Journal of International Studies, Vol. 22, No. 3 (Winter 1993), p. 454.
[13] Robert Keohane cho rằng thất bại trong việc đặt lợi ích vào một bối cảnh cụ thể là một trong những điếm yếu lớn nhất của lý thuyết QHQT dòng chính. Robert O. Keohane, “International Institutions: Two Approaches”, International Studies Quarterly, Vol. 32, No. 4 (December 1988), pp. 390-391.
[14] Ví dụ, Jeffrey Legro đã chỉ ra rằng ưu tiên của các cường quốc trước và trong Thế chiến II
[15] Ví dụ, xem thêm Tannewald, “Norms and Deterrence” và Kier, “Culture and French Military Doctrine before World War II”, p. 203. Lời giải thích tuyệt vời về cách thức cấu trúc xã hội cho phép và ngăn cản sự định hình bản sắc và lợi ích có thể tìm thấy trong Jane K. Cowan, “Going Out for Coffee? Contesting the Grounds of Gendered Pleasure in Everyday Sociability”, trong Peter Loizos và Evthemios Papataxiarchis (chủ biên), Contested Identities: Gender and Kinship in Modern Greece (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1991), pp. 196-197.
[16] Một nỗ lực hiếm hoi của lý thuyết dòng chính nhằm vượt ra khỏi sự tập trung vào sức mạnh vật chất là của Judith Goldstein và Robert O. Keohane (chủ biên), Ideas and Foreign Policy (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1993).
[17] Colin Gordon (chủ biên), Power/Knowledge: Selected Interview and Other Writings, 1972-1997, by Michel Foucault (Brighton, Sussex, U.K.: Harvester Press, 1980); Antonio Gramsci, Selections form the Prison Notebooks, dịch và biên soạn bởi Quinton Hoare và Geoffrey Nowel Smith (New York: International Publishers, 1992); và Max Weber, From Max Weber, biên soạn bởi Hans Gerth và C. Wright Mills (New York: Oxford University Press, 1946).
[18] Price và Tannenwald đã chỉ ra rằng ngay cả loại sức mạnh vật chất nhất như tên lửa hạt nhân và vũ khí hóa học cũng cần phải được nhận thức và diễn giải trước khi có một ý nghĩa nào đó, xem Price và Tannenwald, “Norms and Deterrence”. Robert Cox đã cung cấp một cách giải thích sự nổi lên, duy trì và suy giảm của bá quyền Anh quốc trong thế kỷ 19, và của bá quyền Mỹ trong thế kỷ 20 thông qua việc nghiên cứu tác động qua lại của sức mạnh vật chất và diễn ngôn. Xem Robert Cox, “Social Forces, States, and World Orders: Beyond International Relations Theory”, Millennium: Journal of International Studies, Vol. 10, No. 1 (Spring 1981), pp. 126-155.
[19] Onuf quan niệm rằng các mẫu hình hành vi được tái tạo hóa này là sản phẩm của sự “tự điều chỉnh mang tính phản tư” [reflexive self-regulation], nhờ đó chủ thể tham khảo quá khứ của chính mình lẫn của chủ thể khác và các hành vi được kỳ vọng khi quyết định nên hành động như thế nào. Xem Onuf, World of Our Making, p. 62.
[20] Karl W. Deutsch, Nationalism and Social Communication: An Inquiry into the Foundations of Nationality (New York: MIT Press, 1953), pp. 60-80. Deutsch đã là một nhà kiến tạo đi trước thời của ông khi ông lập luận rằng cá nhân không thể thực hiện những hành vi có ý nghĩa mà thiếu đi tính liên chủ thể tầm cộng đồng. Một công trình khác có bản chất kiến tạo là của Robert Jervis, The Logic of Images in International Relations (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1970). Áp dụng lý thuyết của Erving Goffmann vào CTQT, Jervis chỉ ra rằng hành vi của quốc gia, chẳng hạn như ngoại giao pháo hạm, sẽ là vô nghĩa nếu không được đặt trong một cộng đồng liên chủ thể rộng lớn hơn của các thông lệ ngoại giao.
[21] Xem Doty, “The Bounds of Race”, p. 454; và Carol Cohn, “ Sex and Death in the Rational World of Defense Intellectuals”, Signs: Journal of Women in Culture and Society, Vol. 12, No. 32 (Summer 1987), pp. 687-718.
[22] Xem thêm thảo luận về tiến trình này của Richard K. Ashley, “Untying the Sovereign State: A Double Reading of the Anarchy Problématique”, Millennium: Journal of International Studies, Vol. 17, No. 2 (Summer 1988), p. 243.
[23] Richard K. Ashley, “The Geopolitics of Geopolitical Space: Toward a Critical Social Theory of International Politics”, Alternatives, Vol. 2, No. 4 (October-December 1987), p. 409.
[24] Richard K. Ashley, “Foreign Policy as Political Performance”, International Studies Notes (1988), p. 53.
[25] Phái kiến tạo phê phán phản bác điều này một cách mạnh mẽ.
[26] R. B. J. Walker, “Realism, Change, and International Political Theory”, International Studies Quarterly, Vol. 31, No. 1 (March 1987), pp. 76-77.
[27] Chẳng hạn, xem John J. Mearsheimer, “The False Promise of International Institutions”, International Security, Vol. 9, No. 1 (Winter 1994/1995), pp. 5-49, đặc biệt là 37-47.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]