#9 – Các quan điểm lý thuyết về quan hệ quốc tế ở Châu Á

Print Friendly, PDF & Email

east_asia_151930f

Nguồn: Acharya, Amitav. “Theoretical Perspectives on International Relations in Asia”, in David Shambaugh & Michael Yahuda (eds), International Relations of Asia (Maryland: Rowman & Littlefield Publishers, 2008), pp. 57-82.

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Bất kì cuộc tranh luận nào về những quan điểm lý thuyết quan hệ quốc tế (QHQT) ở khu vực châu Á đều vấp phải một nghịch lí là phần lớn những tài liệu hiện có về chủ đề này đều mang tính phi lý thuyết. Bất kể là từ bên trong hay bên ngoài khu vực, các nhà nghiên cứu và nhà phân tích của Châu Á phần lớn đều không cho rằng lý thuyết có thể cần thiết và hữu ích trong việc nghiên cứu QHQT ở khu vực này.1 Mặc dù mối quan tâm đối với vấn đề lý thuyết quan hệ quốc tế đang gia tăng trong khu vực, đặc biệt là ở Trung Quốc,2 lý thuyết vẫn bị cho rằng quá trừu tượng hoặc quá xa rời những mối quan tâm hiện nay của các chính phủ và người dân  để có thể được nghiên cứu một cách nghiêm túc và liên tục.

Hơn nữa, lý thuyết cũng bị phê bình bởi đa số các nhà nghiên cứu Châu Á bởi chúng mang tính phương Tây quá nhiều. Do vậy, kể cả giữa các tác gia về QHQT châu Á vốn định hướng nghiên cứu về lý thuyết, vẫn tồn tại bất đồng về việc lý thuyết QHQT có cần thiết để nghiên cứu châu Á hay không, do hầu hết các lý thuyết QHQT hiện nay đều bắt nguồn từ phương Tây, tương thích với truyền thống lịch sử, tri thức và thực tiễn đối ngoại của phương Tây. Ngành QHQT nói chung và các lý thuyết QHQT nói riêng đã, đang và vẫn sẽ là một ngành khoa học xã hội “kiểu Mỹ”, theo nhận định khá phổ biến của Stanley Hoffman.

Những bước tiến gần đây của “Trường phái Anh quốc” và chủ nghĩa kiến tạo Châu Âu  không làm cho lý thuyết QHQT được “toàn cầu hóa”, mà ngược lại có vẻ gia tăng sự thống trị của phương Tây cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Câu hỏi về tính cần thiết của lý thuyết QHQT đối với nghiên cứu an ninh khu vực Châu Á đã gợi lên nhiều câu trả lời khác biệt hoàn toàn. Một mặt, David Kang dùng việc các dự đoán của các nhà hiện thực về một Châu Á hậu Chiến tranh Lạnh “chín muồi cho xung đột” không trở thành hiện thực để chỉ trích không những chủ nghĩa Hiện thực nói riêng, mà tất cả các lý thuyết QHQT của phương Tây nhìn chung vì đã hiểu sai về khu vực Châu Á.4 Khi nghiên cứu chủ nghĩa khu vực ở châu Á, Peter Katzenstein đã nhận xét như sau: “Những lý thuyết dựa trên kinh nghiệm của phương Tây, đặc biệt là Tây Âu, áp dụng được rất ít vào chủ nghĩa khu vực của châu Á”.5 Mặc dù lời bình luận này của Katzeinstein chỉ liên quan đến nghiên cứu chủ nghĩa khu vực châu Á, nhưng nó vẫn có thể được áp dụng cho QHQT ở châu Á nói chung. Và quan điểm này cũng được chia sẻ bởi nhiều học giả Châu Á khác. Mặt khác, John Ikenberry và Micheal Mastanduno lại bảo vệ tính tương thích của khuôn khổ lý thuyết phương Tây đối với việc nghiên cứu về QHQT ở khu vực châu Á. Các mối quan hệ nội khối có thể có nhiều đặc thù lịch sử, nhưng những điểm khác biệt này đã phai mờ dần bởi quá trình hội nhập khu vực vào hệ thống quốc tế. Các mối QHQT của châu Á đã đạt được các quy chuẩn hành vi và các thuộc tính tương thích với hệ thống liên quốc tế hiện đại có nguồn gốc từ châu Âu và vẫn mang phần lớn các đặc tính của mô hình nhà nước kiểu Westphalia. Do đó, các khái niệm cốt lõi của lý thuyết QHQT như bá quyền, phân bổ quyền lực, thể chế quốc tế, và bản sắc chính trị đều phù hợp với bối cảnh châu Á như với bất cứ nơi nào khác.6

Từ góc độ tiếp cận này, cuộc tranh luận ở đây mang tính tích cực hơn là tiêu cực đối với việc phân tích các mối QHQT ở châu Á bằng các lý thuyết phương Tây được thừa nhận rộng rãi. Chắc chắn rằng, những mô hình lý thuyết được phát triển theo thực tiễn phương Tây không tương thích hoàn toàn với tư tưởng và các mối quan hệ trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, các lý thuyết QHQT như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa kiến tạo, và trường phái phê phán vẫn tương thích và hữu ích trong việc phân tích QHQT ở châu Á, miễn là chúng không tạo ra một sự lựa chọn thiên vị những yếu tố (tư tưởng, sự kiện, xu hướng, và mối quan hệ) phù hợp với những luận điểm của mình và bác bỏ những yếu tố không tương thích khác. Các học giả QHQT hoàn toàn tự do lựa chọn và nghiên cứu các yếu tố hoặc bị phớt lờ hoặc chỉ nhận được rất ít sự chú ý từ những trường phái trên. Họ cũng nên phát triển những khái niệm và hiểu biết về bản chất từ bối cảnh và thực tiễn châu Á, không chỉ dành cho việc nghiên cứu động lực phát triển của khu vực này, mà còn cho cả những khu vực khác trên thế giới. Nói cách khác, lý thuyết QHQT phương Tây, tuy dựa chủ yếu trên truyền thống Tây phương, không nên bị gạt bỏ khỏi các lớp học hoặc hội thảo của Châu Á mà nên được “toàn cầu hóa” với sự đóng góp từ lịch sử, con người, triết lí, con đường và thực tiễn châu Á.

Để làm được điều này, chúng ta cần vượt ra khỏi cách tiếp cận nặng tính sách vở, đầy những từ chuyên môn khó hiểu và thường xuyên viện dẫn các lý thuyết QHQT. Những công trình chính trị mang tính thực tiễn như những bài diễn văn hoặc bài viết của các nhà hoạch định chính sách có thể được xem như có giá trị lý luận cho việc phân tích, bởi chúng thể hiện tinh thần hay phản ánh cấu trúc xã hội đi cùng với những mô hình QHQT khác nhau.7 Bỏ qua những yếu tố này trong các cuộc bàn luận về lý thuyết đồng nghĩa với việc bỏ qua một khía cạnh quan trọng và rộng lớn của QHQT ở châu Á. Trong phần dưới đây, tôi sẽ phân tích ba quan điểm chính về QHQT ở Châu Á:  chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do ,và chủ nghĩa kiến tạo.8

Bảng 3.1: Ba trường phái lý thuyết QHQT

 

Chủ nghĩa Hiện thực

Chủ nghĩa tự do

Chủ nghĩa kiến tạo

Chủ thể chính

 

Quốc gia dân tộc

 

Quốc gia dân tộc, công ty đa quốc gia, tổ chức quốc tế

 

Quốc gia dân tộc, cộng đồng văn hóa-tri thức liên quốc gia, các nhóm vận động hành lang

Mục tiêu chính của quốc gia dân tộc

 

Theo đuổi lợi ích quốc gia, tối đa hóa quyền lực (chủ nghĩa hiện thực tấn công), tồn tại và an ninh (chủ nghĩa hiện thực phòng thủ)

Hợp tác và phối hợp hướng đến mục tiêu chung; hòa bình thế giới

 

Kiến tạo cộng đồng chung bằng sự tương tác lẫn nhau và những khuôn khổ quy chuẩn chung

Trật tự thế giới hướng tới

 

Hệ thống cân bằng quyền lực dựa trên nguyên tắc tự cứu và xây dựng liên minh để duy trì trật tự thế giới

Hệ thống an ninh tập thể được xây dựng dựa trên thương mại tự do, tự do dân chủ và các thiết chế

Các cộng đồng an ninh khu vực và toàn cầu dựa trên các quy chuẩn chung và bản sắc chung

Mô hình tương tác căn bản

Sự tương tác chiến lược dựa trên tư duy lý trí về tính nhân quả và sức mạnh kinh tế, quân sự

Hai cấp độ (trong nước và quốc tế), đàm phán, thương mại và các dạng khác của quá trình thể chế hóa chức năng

Xã hội hóa thông qua ý tưởng và thể chế

Biến thể chính

Chủ nghĩa tân hiện thực: sự phân bố quyền lực quyết định kết quả (của QHQT)

Chủ nghĩa Tự do thể chế mới : tồn tại tình trạng vô chính phủ trên hệ thống quốc tế, tuy nhiên các thiết chế được tạo ra phục vụ chính lợi ích của quốc gia giúp hạn chế tình trạng vô chính phủ này

Chủ nghĩa Kiến tạo phê phán : thách thức Chủ nghĩa kiến tạo lấy quốc gia làm trung tâm của Wendt.

Không một lý thuyết nào (trong ba trường phái trên) có tính thống nhất (như một thực thể riêng biệt). Mỗi lý thuyết lại chứa đựng nhiều quan điểm, xu hướng và sự đa dạng khác nhau, một vài cái trong số đó lại trùng lặp những cái khác. Thế nhưng sự phức tạp này được thừa nhận trong các cuộc tranh luận học thuật. Và thậm chí việc sử dụng các trường phái lý thuyết trên để xem xét QHQT ở châu Á cũng không phải một việc đơn giản bởi vì nhiều chuyên gia khu vực học châu Á không tự đóng khung trong một trường phái Hiện thực, Tự do hay Kiến tạo nhất định. Vì vậy, để lý thuyết hóa QHQT ở khu vực Châu Á cần khái quát hóa từ một nền tảng ít ỏi các khái niệm lý thuyết và đưa ra những nhận xét mang tính chủ quan đối với việc ai, cái gì thuộc về nơi nào.

Mặc dù các lý thuyết về QHQT được xây dựng dựa trên những giả định và luận điểm với phạm vi rộng lớn và được xem là có thể tương thích với mọi khu vực, nhưng trong thực tế, những cuộc tranh luận mang tính lý thuyết về QHQT trong một khu vực thường xoay quanh những vấn đề và luận điểm mang tính riêng biệt của từng vùng. Châu Á cũng không phải là một ngoại lệ. Vì vậy, trong khi xem xét ba trường phái trên trong bối cảnh châu Á, tôi sẽ xác định và thảo luận các luận điểm và ví dụ đại diện đang chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận học thuật và thực tiễn (Bảng 3.2).

Chương này chủ yếu sẽ tìm hiểu QHQT và trật tự quốc tế trong vùng, hơn là nghiên cứu chính sách đối ngoại của các nước châu Á. Chương này không có mục đích tổng kết các nghiên cứu về QHQT ở châu Á. Hơn nữa, tôi cảm thấy hứng thú với việc khám phá mối quan hệ giữa xây dựng lý thuyết và các chuyển biến thực nghiệm trong QHQT ở châu Á. Lý thuyết không tồn tại nếu xa rời thực tế. Ở cả hai cấp độ khu vực và toàn cầu, lý thuyết giải thích phần lớn những sự kiện và thay đổi quan trọng xảy ra bên trong lẫn ngoài (đối với cấp độ toàn cầu) khu vực. Trong phần cuối của chương này, tôi nêu ra một số quan sát chung đối với viễn cảnh của việc phát triển một lý thuyết châu Á về QHQT mang tính phổ quát, đối trọng với sự thống trị của phương Tây và sự khu biệt châu Á trong ngành này. Đặc điểm cuối cùng của chương này là nó nghiêng về nghiên cứu an ninh hơn là kinh tế chính trị quốc tế. Điều này phần nào phản ánh thực trạng nghiên cứu QHQT châu Á, trong đó số lượng các nghiên cứu về an ninh nhiều hơn so với các nghiên cứu về kinh tế chính trị quốc tế.

Chủ nghĩa hiện thực

Các nhà hiện chủ nghĩa coi hệ thống quốc tế nằm trong tình trạng vô chính phủ (không có quyền lực bên trên quốc gia), trong đó, hành động của các quốc gia, vốn được xem là chủ thể chính của QHQT, được dẫn dắt chủ yếu bởi sự cân nhắc về quyền lực và lợi ích quốc gia. QHQT là một trò chơi có tổng bằng không, trong đó các quốc gia quan tâm đến lợi ích tương đối hơn là lợi ích tuyệt đối (quốc gia này đạt được bao nhiêu lợi ích so với quốc gia khác quan trọng hơn thực tế là mọi người đều đạt lợi ích).Cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng khốc liệt dẫn tới xung đột là không thể tránh khỏi và sự hợp tác là điều hiếm hoi nếu không muốn nói là chỉ trên bề mặt, các thể chế quốc tế vận hành theo ý muốn của các siêu cường. Trật tự thế giới, vốn ổn định, được duy trì bằng cán cân quyền lực, ở đây là quyền lực kinh tế và quân sự. Một phiên bản mới của chủ nghĩa Hiện thực được phát triển bởi Kenneth Waltz, còn được gọi là chủ nghĩa tân hiện thực, nhấn mạnh tầm quan trọng của các đặc tính cấu trúc của hệ thống quốc tế, đặc biệt là sự phân bố quyền lực, trong việc định hình xung đột và trật tự, vì vậy nó cũng hạ thấp tầm quan trọng của bản chất con người (vốn được nhấn mạnh bởi những nhà hiện thực cổ điển) hoặc của chính trị trong nước trong QHQT. Những cuộc tranh cãi trong nội bộ các nhà hiện thực gần đây đã tiết lộ các điểm khác biệt giữa chủ nghĩa “hiện thực tấn công” và chủ nghĩa “hiện thực phòng thủ”. Những người theo trường phái hiện thực tấn công như Mearsheimer biện luận rằng quốc gia luôn tối đa hóa quyền lực: cố gắng giành tất cả những gì có thể giành được, và “bá quyền là mục đích cuối cùng”. Những nhà hiện thực phòng thủ như Roberts Jervis hay Jack Snider cho rằng các quốc gia đều hài lòng với nguyên trạng nếu như an ninh quốc gia không bị đe dọa, và vì vậy, họ tập trung vào duy trì cán cân quyền lực.

Cho dù là theo xu hướng học thuật hay thực tiễn chính trị, những nhà hiện thực đều cho rằng cân bằng quyền lực là động lực chủ yếu của việc định hình QHQT châu Á thời kỳ hậu chiến, và Hoa Kì giữ vai trò cân bằng quyền lực chủ yếu.9 Một trong những người cổ súy quan trọng cho quan điểm này là Lý Quang Diệu, chính khách nổi tiếng của Singapore. Ông Lý đã giải thích rằng chính sự có mặt của quân đội Mỹ tại  châu Á đã tạo nên không chỉ sự ổn định mà cả sự phát triển vượt bậc của kinh tế châu Á trong “giai đoạn thần kì”.10 Theo quan điểm của ông, chính sự hiện diện và can thiệp vào khu vực Đông Dương của Mỹ đã giúp khu vực thoát khỏi sự bành trướng của Trung Quốc và Liên Xô và giúp các nước này có thời gian để phát triển kinh tế.11 Sau chiến thắng của phe Cộng sản tại miền nam Việt Nam năm 1975, Seni Pramoj, lãnh đạo Đảng Dân chủ Thái Lan, đã miêu tả vai trò cân bằng quyền lực của Mỹ theo hướng khác: “Trong những trận chọi gà ở Thái Lan, đôi khi chúng tôi đặt một miếng kính ở giữa hai con gà chọi. Chúng có thể vẫn mổ nhưng không làm đau đối thủ. Trong Chiến tranh lạnh giữa Moscow và Bắc Kinh, miếng kính giữa hai địch thủ có thể là Washington.”12

Cho tới khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan điểm của những học giả QHQT châu Á theo chủ nghĩa Hiện thực thiên về hiện thực cổ điển hơn là tân hiện thực của Kenneth Waltz, chủ nghĩa tân hiện thực nhấn mạnh vào tác động mang tính nhân quả của sự phân bổ quyền lực [trong hệ thống QHQT].  Điều này đã thay đổi cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và hệ thống hai cực. Vì vậy, luận điểm mới về QHQT ở châu Á cho rằng sự kết thúc của hệ thống hai cực đã tạo ra tình trạng mất trật tự và thậm chí là cái kết cho khu vực này. Đối với những nhà tân hiện thực, trật tự hai cực là một hệ thống quốc tế ổn định hơn so với hệ thống đa cực, xét về thời gian tồn tại bền vững lẫn sự cân bằng giữa xung đột và trật tự luôn được duy trì bên trong hệ thống.13 Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh có thể sẽ “giải nén” những mâu thuẫn vốn bị kìm hãm trong hệ thống hai cực.14 Từ đấy, chủ nghĩa Hiện thực đã vẽ nên một bức tranh đen tối về trật tự châu Á hậu Chiến tranh Lạnh. Trong tranh luận chính trị, thuật ngữ ưa thích thường được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất trong những năm đầu sau Chiến tranh Lạnh của phái Hiện thực là “khoảng trống quyền lực”, tạo ra bởi sự sụp đổ của một siêu cường. Điều  này được thể hiện qua hành động rút toàn bộ lực lượng hải quân của Liên Xô ra khỏi vịnh Cam Ranh, Việt Nam, và việc giải giáp các căn cứ hải quân và không quân Hoa Kì ở Philippines.

Bảng 3.2 : Quan điểm lý thuyết QHQT khu vực châu Á

 

Chủ nghĩa hiện thực cổ điển (hiện  thực tấn công)

Chủ nghĩa Tân hiện thực (hiện thực phòng thủ)

Chủ nghĩa Tự do và chủ nghĩa Tự do thể chế mới

Chủ nghĩa kiến tạo (Trường phái Anh quốc)

Yếu tố giữ trật tự ở châu Á trong chiến tranh Lạnh

Hiện diện quân sự của Hoa Kì

 

Hệ thống hai cực

 

Sự phụ thuộc lẫn nhau được tạo ra bởi tốc độ phát triển kinh tế nhanh

Những nguyên tắc được phổ biến thông qua ASEAN

 

nh hưởng có thể có của việc Chiến tranh Lạnh kết thúc và Trung Quốc nổi lên như một siêu cường mới

 

Sự cạnh tranh giữa các cực

Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc

Ổn định đa cực dựa trên sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản và thương mại

1/Ổn định đa cực qua quá trình xã hội hóa của các cường quốc trong Chiến tranh lạnh (ví dụ Archarya), 2/ Trật tự thứ bậc hòa bình (Kang)

Vai trò và ảnh hưởng của các thể chế trong khu vực

 

Phụ thuộc vào cán cân quyền lực (chỉ có hiệu quả nếu tồn tại trước hết một cân bằng quyền lực ở khu vực)

Là công cụ của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng

Xây dựng kinh tế và các thể chế an ninh để thúc đẩy thương mại tự do và quản lí xung đột gây ra bởi sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng lên (a)

Thiết lập chuẩn mực và xây dựng cộng đồng thông qua tập quán đối thoại và các thể chế không chính thức.

Dự đoán về tương lai châu Á

Giống châu Âu vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 – Freidberg

Giống Mỹ vào thế kỉ 19 – Mearsheimer

Không có luận điểm

Quá khứ của châu Á (trật tự thứ bậc hòa bình trước quá trình thực dân hóa)- Kang (b)

(a)    Cơ chế tránh xung đột trong khuôn khổ phát triển của hình thái tư bản chủ nghĩa

(b)   Không phải tất cả các học giả theo phái Kiến tạo đồng ý điều này (xem thêm Amitav Acharya, “Will Asia’s Past Be Its Future?” [Liệu quá khứ của châu Á có là tương lai của châu lục này?], International Security, số 3 (Xuân 2003-2004)

Khoảng trống quyền lực chắc chắn sẽ dẫn đến câu hỏi ai là người lấp đầy nó? Ban đầu, các học giả hiện thực dự đoán một sự cạnh tranh đa cực giữa một Trung Quốc đang trỗi dậy, một Nhật Bản tái quân sự hóa (một phần do sự rút quân của Mỹ) và một Ấn Độ vốn có tiềm năng vươn lên thành cường quốc. Nhưng với tốc độ phát triển kinh tế hai con số của Trung Quốc cộng với tăng trưởng chi phí quân sự hàng năm cũng ở mức hai con số đã khiến sự trỗi dậy của nước này trở thành mối lo ngại (hay thích thú) chính của các nhà hiện thực về sự bất ổn ở khu vực châu Á.

Từ một quan điểm trong “lý thuyết chuyển giao quyền lực “, những người theo chủ nghĩa hiện thực đã đoán trước một cuộc đối đầu không thể tránh khỏi giữa một cường quốc nguyên trạng (Hoa Kỳ) và một kẻ thách thức đang gia tăng sức mạnh (Trung Quốc). Tuy nhiên, cuộc đối đầu này là logic của chủ nghĩa hiện thực tấn công, trường phái này nhấn mạnh một cường quốc trỗi dậy có xu hướng bành trướng khu vực là không thể tránh khỏi. John Mearsheimer đã ví sự trỗi dậy của Trung Quốc với sự nổi lên của Hoa Kỳ trong thế kỷ 19, giai đoạn mà nước này tham vọng bá quyền nhắm đến việc bành trướng lãnh thổ sang các nước lân cận và áp đặt phạm vi ảnh hưởng (học thuyết Monroe) lên các quốc gia xa hơn.15 Chủ nghĩa bành trướng không bắt nguồn từ bản chất bá quyền của các cường quốc mà vì tình trạng vô chính phủ gây ra mối lo ngại về sự tồn vong của bản thân ngay cả cho những quốc gia mạnh nhất. Nói cách khác, những nước lớn lo lắng cho sự sống còn không kém hơn so với các quốc gia yếu, và chính mối bận tâm này đã khiến các cường quốc hướng đến bá quyền khu vực. Kết quả hóa ra lại là logic nghịch lý “bành trướng để tồn tại.”

Nếu cân bằng quyền lực không ổn định (nếu đa cực nổi lên) hoặc biến mất (nếu bá quyền của Trung Quốc trở thành hiện thực), liệu các thể chế đa phương có thể đóng vai trò duy trì ổn định trong khu vực không? Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, những người theo chủ nghĩa hiện thực ít chú ý đến các thể chế hợp tác hay đối thoại ở khu vực châu Á bao gồm một số ít tổ chức như: một Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vốn bận tâm tới cuộc xung đột ở Campuchia, một Tổ chức Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC ) yếu ớt, và một khuôn khổ hợp tác kinh tế lỏng lẻo như Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC). Nhưng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh kèm theo việc tái tập trung của ASEAN vào các vấn đề  an ninh khu vực rộng lớn hơn và sự nổi lên của các thể chế mới trong khu vực như diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC, 1989) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF, 1994), chủ nghĩa hiện thực đã gặp thách thức từ quan điểm của “chủ nghĩa thể chế”. Quan điểm này cho rằng chính các chuẩn mực và thể chế khu vực đã giúp gìn giữ hòa bình trong Chiến tranh Lạnh Châu Á, hơn là hệ thống cân bằng quyền lực, và sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong trật tự khu vực sau Chiến tranh Lạnh. Những nhà Hiện thực trả lời thách thức này bằng cách nhắm vào các thể chế khu vực châu Á. Mối bận tâm chính của họ không chỉ dừng lại ở việc nhấn mạnh sự cần thiết mang tính sống còn của hệ thống cân bằng quyền lực ổn định, mà còn phải chỉ ra những hạn chế của các thể chế khu vực.

Những người theo chủ nghĩa hiện thực xem nhẹ khả năng gìn giữ hòa bình của các tổ chức khu vực ở châu Á. Đối với họ, trật tự khu vực dựa trên nguyên tắc song phương thay vì đa phương (đặc biệt là mô hình trục và nan hoa của Mỹ). Trong Chiến tranh Lạnh, học giả trường phái hiện thực Michael Leifer đã mô tả rằng các thể chế an ninh trong khu vực “phụ thuộc” cân bằng quyền lực.16 Trong khi các thể chế có thể có hiệu quả nếu được các cường quốc lèo lái (ví dụ NATO), các thể chế của châu Á lại được tạo ra và duy trì bởi các nước yếu. Một sự nhân nhượng mà các nhà phê bình hiện thực giành cho các tổ chức ở châu Á đó là chấp nhận vai trò của các thể chế này trong việc điều hòa sự căng thẳng của cân bằng quyền lực, một luận cứ phù hợp với quan điểm của trường phái Anh quốc. Vì những nước yếu vốn đã không đủ mạnh để duy trì trật tự và bảo đảm an ninh, thịnh vượng cho chính mình (không thể có cái gọi là “giải pháp của khu vực cho những vấn đề khu vực”), cách tốt nhất để tránh khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh là khiến tất cả các cường quốc quan trọng hiện diện tại khu vực để họ tự cân bằng ảnh hưởng của nhau.

Sự tham gia [của các cường quốc] như trên không thể tự động mà có, và chính tại điểm này các tổ chức khu vực đóng vai trò lôi kéo hữu hiệu các nước lớn. Thay vì các cường quốc tạo ra thể chế và thiết lập chương trình nghị sự của các tổ chức này, như lẽ thường tình trong mô hình của các nhà hiện thực, những nước yếu đôi khi có thể tạo ra thể chế và sử dụng chúng nhằm thu hút những cường quốc quan trọng cho cân bằng của quyền lực.17

Nhưng điều này lại hạn chế vai trò của các tổ chức khu vực, những người theo chủ nghĩa hiện thực thường cho rằng QHQT châu Á đầy bất ổn và nguy cơ xung đột do ở đây không có đủ điều kiện đảm bảo nền hòa bình đa cực như châu Âu. Trong bài viết nổi tiếng của mình, Aaron Friedberg lập luận rằng các yếu tố giảm thiểu tình trạng vô chính phủ ở châu Âu bắt nguồn từ sự sụp đổ của trật tự lưỡng cực, lại thiếu vắng rõ rệt ở châu Á, qua đó khiến khu vực đầy rẫy sự cạnh tranh [giữa các quốc gia].18Các yếu tố này bao gồm không chỉ một thiết chế khu vực mạnh như EU, mà còn có sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và hệ thống các giá trị dân chủ chung. Một số người theo chủ nghĩa hiện thực, như Friedberg, đã thấy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia châu Á có vẻ mỏng manh tương đối so với những gì đang xảy ra ở Châu Âu và so với sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Châu Á và phương Tây. Những người khác, như Buzan, Segal và Gilpin, cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau không thể gìn giữ hòa bình và thậm chí có thể gây ra xung đột nhiều hơn là duy trì trật tự.19 Trớ trêu thay, các nhà hiện thực cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong khu vực châu Á hoặc ít ỏi hoặc mang tính bất ổn, hoặc cả hai cùng một lúc.

Chủ nghĩa Hiện thực đã có nhiều đóng góp nhất định cho việc nghiên cứu và phân tích tình hình chính trị khu vực. Luận điểm về cân bằng quyền lực đã được duy trì cả trong thời kì cực thịnh của bá quyền Mỹ thập niên 1950 và thập niên 60, trải qua sự suy giảm tương đối trong những năm sau chiến tranh Việt Nam và cả trong những “khoảnh khắc đơn cực” sau Chiến tranh lạnh. Ở Trung Quốc, chủ nghĩa hiện thực là  lý thuyết QHQT phương Tây duy nhất phá vỡ được thế độc quyền của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Điều này về sau đã mở đường cho những trường phái khác về QHQT, bao gồm cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa Kiến tạo. Chủ nghĩa Hiện thực cũng cung cấp một mức độ thống nhất lý thuyết nhất định cho rất nhiều bài viết phi lý thuyết hoặc thực tiễn chính sách QHQT ở châu Á.

Trong Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa Hiện thực được cho là trường phái QHQT chiếm ưu thế ở châu Á. Điều này đúng không chỉ trong lĩnh vực học thuật, mà còn cả trong giới chính trị. Mặc dù rất khó để tìm thấy bằng chứng chứng minh rằng giới chính trị châu Á về bản chất gắn kết với thế giới quan và cách tiếp cận hiện thực, hầu hết họ, ngoại trừ một số người đã chiến đấu chống lại chế độ thực dân (đặc biệt là Jawaharlal Nehru của Ấn Độ), đã có xu hướng theo chủ nghĩa hiện thực (thậm chí Nehru cũng tuyên bố không phài là ngừoi “tự do ảo tưởng”).20 Thậm chí ở Trung Quốc, tác phẩm Politics among Nations của Hans Morgenthau đã được phổ biến rộng khắp trong các lớp học tương đương với hoặc vượt qua cả chủ nghĩa Mác hay tư tưởng Mao Trạch Đông [về QHQT]. Cũng tương tự, ở Ấn Độ, “chủ nghĩa tự do bản địa” của Gandhi và Nehru là một phần của chương trình giảng dạy QHQT.

Tuy nhiên, gần đây, quan điểm hiện thực về QHQT châu Á đang bị công kích. Các dự đoán của chủ nghĩa hiện thực về tình trạng bấp bênh của châu Á sau Chiến tranh Lạnh vẫn chưa trở thành hiện thực.21 Hơn nữa, chủ nghĩa Hiện thực chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự Hoa Kỳ đối với ổn định và thịnh vượng ở châu Á, mà bỏ qua vai trò của các lực lượng khác, bao gồm các thể chế và giá trị ở khu vực, tăng trưởng kinh tế, và chính trị nội địa. Cũng vậy, luận điểm của chủ nghĩa hiện thực theo đó trật tự hai cực trong Chiến tranh lạnh tạo ra ổn định cho khu vực cũng bị nghi ngờ. Một học giả hiện thực về QHQT nổi tiếng người Trung Quốc, Diêm Học Thông (Yan Xuetong) của Đại học Thanh Hoa, lập luận rằng trật tự hai cực có thể đã ngăn chặn cuộc chiến giữa các siêu cường nhưng lại gây ra nhiều cuộc xung đột khu vực đẫm máu:

Lịch sử của Đông Á không cho thấy cân bằng lực lượng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể ngăn ngừa các cuộc chiến tranh thông thường [chiến tranh phi hạt nhân] ở Đông Á. Trong Chiến tranh Lạnh, cân bằng quyền lực giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã ngăn hai siêu cường này tấn công trực tiếp đối phương trong khu vực này, nhưng nó không ngăn được cuộc chiến giữa các đồng minh hay giữa một trong hai nước và đồng minh của phe kia , chẳng hạn như chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950. Do đó, ngay cả khi một cân bằng quyền lực tồn tại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sau Chiến tranh Lạnh, chúng ta vẫn không thể chắc chắn rằng nó có thể ngăn chặn cuộc chiến tranh giới hạn trong khu vực hay không.22

Lời giải thích hiện thực về sự ổn định châu Á trong Chiến tranh Lạnh, mặc dù có ưu điểm mang tính nhất quán, thực ra lại mâu thuẫn với một lập luận chủ chốt trong hệ thống lý luận cơ bản của trường phái, đó là luận điểm cho rằng cân bằng quyền lực là định luật phổ quát của chính trị quốc tế (ngay cả khi những người theo chủ nghĩa hiện thực vẫn bất đồng trong nhận định cho đó là một định luật tất yếu của tự nhiên, hay được hoạt động chính trị của con người tạo ra). Cách tiếp cận cân bằng quyền lực ở châu Á của chủ nghĩa hiện thực thực ra là cách ngụy trang cho bá quyền của Mỹ ở khu vực. Do đó tình trạng thiếu vắng đối trọng của bá quyền, điều vốn không thể chấp nhận được bởi chủ nghĩa hiện thực cổ điển, lại trở thành luận điểm phổ biến trong các nghiên cứu về QHQT châu Á theo trường phái hiện thực. Sự mâu thuẫn này không thể được giải thích chỉ đơn giản bằng cách xem Hoa Kỳ là cường quốc “nhân từ” nằm ngoài logic cân bằng sức mạnh. Theo đúng tinh thần của chủ nghĩa hiện thực, bất kỳ cường quốc nào (dù nhân từ hay không) khi theo đuổi bá quyền sẽ tạo nên một đối trọng cho chính mình. Việc Hoa Kỳ không có một liên minh đối trọng như vậy là một câu hỏi chưa được lý giải thỏa đáng. Tự thêm vào một mệnh đề mang tính định tính vào logic nhân quả của mình (siêu cường “nhân từ” ít có khả năng bị cân bằng hơn là siêu cường “xấu xa”), chủ nghĩa hiện thực đang tự biến thành một mô hình lý thuyết “bị suy thoái”, như lời chỉ trích mạnh mẽ của John Vasquez.24

Chủ nghĩa tự do

Chủ nghĩa kiến tạo

Kết luận: Tchủ nghĩa biệt lệ (exceptionalism) đến chủ nghĩa phổ quát (universalism)

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quan diem ly thuyet ve quan he quoc te o chau A.pdf

——————

Chú thích

Tôi muốn gởi lời cảm ơn của mình tới Muthiah Alagappa, David Shambaugh, và Micheal Yahuda về những đóng góp của họ trong chương này.

  1. Trong chương này tôi sử dụng thuật ngữ lý thuyết theo nghĩa rộng, tập trung vào những cụm lý thuyết lớn (paradigm), ví dụ như “chủ nghĩa hiện thực”, “chủ nghĩa tự do” và “chủ nghĩa kiến tạo”. Từ “lý thuyết” mang nhiều nghĩa khác nhau. Định nghĩa của Mỹ về lý thuyết có xu hướng thiên về khoa học – xã hội (social-scientific), vì vậy, các giả định chung của lý thuyết thường có quan hệ nhân quả, và chúng có thể được kiểm tra một cách nghiêm ngặt và cung cấp một vài công cụ để tiên đoán [tương lai]. Châu Âu thì xem khái niệm “lý thyết” dưới một cái nhìn thoáng hơn, như là một nỗ lực để hệ thống hóa các dữ liệu, những vấn đề cấu trúc, và thiết lập một tập hợp những khái niệm và phạm trù có liên quan với nhau. Các tác phẩm về QHQT ở châu Á như vậy không mang tính lý thuyết theo cả hai cách hiểu, tuy nhiên thiên về quan điểm của Mỹ hơn là châu Âu. Để rõ hơn, xin xem thêm bài viết Amitav Acharya & Barry Buzan, “Why is there no Non-western IR theory: An introduction”, International Relations of the Asia- Pacific 7 (tháng 10-2007), trang 287-312. Số đặc biệt này cũng đồng thời giải thích vấn đề thiếu quan tâm tới lý thuyết trong các tác phẩm về QHQT ở khu vực châu Á, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự áp đảo của các chuyên gia khu vực học ở châu Á.
  2. Trong một chuyến thăm Trung Quốc gần đây, tác giả đã tìm thấy được những bằng chứng thể hiện sự phát triển mạnh các mối quan tâm về lý thuyết ở các học giả QHQT tại đây. Không chỉ ở các trường Đại học như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa mà còn với những viện nghiên cứu như Học viện Chính trị và Kinh tế thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nơi xuất bản tạp chí hàng đầu Trung Quốc về QHQT: Kinh tế Chính trị thế giới. Tạp chí này được xuất bản bằng tiếng Trung. Học viện nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa đã cho ra đời một tờ báo bằng tiếng Anh xuất bản bởi NXB Đại học Oxford, có tựa là Chinese Journal of International Relations [Tạp chí QHQT Trung Quốc].
  3. Stanley Hoffmann : “ An American Social Science : International Relations” , Deadalus 106, số 3 (1977): trang 41-60; Ole Wæver  “The Sociology of a Not So International Discipline: American and European Developments in International Relations,” InternationalOrganization 52, số 4 (1998): trang 687-727; Robert A. Crawford and  Darryl S.L. Jarvis, eds., International Relations—Still an American Social Science? Toward Diversity in International Thought (Albany:  New York University Press, 2000).
  4. David C. Kang, “Getting Asia Wrong: The Need for New Analytical Frame- works,” International Security 27, số 4 (Xuân 2003): trang 57 -85.
  5. Peter J. Katzenstein, “Introduction: Asian Regionalism in Comparative Perspective,” trong Network Power: Japan and Asia, ed. Peter J. Katzenstein và Takashi Shiaishi (Ithaca, N.Y.: Cornel Unversity Press, 1997),
  6. G. JohnIkenberry và Michael Mastanduno, “The United States and Stability in East Asia,” trong International Relations Theory and the Asia-Pacific, ed. G.John Ikenberry và Michael Mastanduno (New York: Columbia University Press, 2003), trang 441- 442.
  7. Stephen M. Walt, “International Relations: One World, Many Theories,” Foreign Policy 110 (Xuân 1998):  trang 29-46.
  8. Điều này loại bỏ những lý thuyết phê phán QHQT như chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hậu hiện đại/ hậu cấu trúc, chủ nghĩa hậu thực dân và thuyết nữ quyền. Có một vài tranh cãi rằng, những lý thuyết phê phán tập trung chủ yếu vào việc chỉ trích các dòng lý thuyết chính, đặc biệt là giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do, và ít cố gắng trong việc đưa ra khái niệm thay thế hoặc một hướng đi mới cho trật tự khu vực. Nhưng trường phái phê phán lại đặc biệt quan trọng đối với nắm bắt và phân tích ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đối với QHQT ở châu  Á, sự hạn chế và lạm dụng hệ thống quốc gia – dân tộc có chủ quyền, và mô hình an ninh quốc gia cũng như sự phát triển không bằng phẳng và không đồng đều của châu Á. Một cuốn sách gần đây áp dụng những lý thuyết phê phán vào QHQT ở châu Á là Critical Asia Pacific Security của Anthony Burke và Mat Macdonald do nhà xuất bản Đại học Manchester ấn hành năm 2007. Trường phái lý thuyết phê phán bao gồm chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa hậu cấu trúc, chủ nghĩa Mác/ tân Mác-xít, thuyết nữ quyền và chủ nghĩa hậu thực dân, các thuyết này thường pha trộn với nhau (chẳng hạn thuyết nữ quyền – hậu thực dân).
  9. Để hiểu thêm về hai trường phái phổ biến, đọc thêm cuốn Towards a new balance of power in Asia của Paul Dibb, Adelphi Paper trang 295 (London: Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, 1995), Micheal Leifer, The Asean Regional Forum, Adelphi Paper trang 302 ( London: Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, 1996).
  10. Ông Lý đã liên tục khẵng định niềm tin của mình vào cân bằng quyền lực, điển hình là những nhận xét của ông tại Canberra năm 2007 rằng “điểm mấu chốt (trong quan hệ Singapore – Úc) là quan điểm chung của hai phía về việc cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương hiện nay, với Hoa Kì được xem như siêu cường chủ chốt, mang lại ổn định và an ninh có thể giúp cho tất cả các quốc gia phát triển và lớn mạnh trong điều kiện hòa bình. “ Singapore and Australia shared the common strategic view: MM”, Straits Times, 29 tháng 3 năm 2007, app.mfa.gov.sg/pr/read_con.asp?View,6860 (truy cập ngày25 tháng 1 năm2008). “MM” là viết tắt của “Minister Mentor”.
  11. Đối với những tranh luận trên quan điểm của ông Lý, xem thêm Amitav Acharya và See Seng Tan, “Betwixt Balance and Community: America, ASEAN, and the Security of South-east Asia,” International Relations of the Asia-Pacific 5, số2 (2005). Đối với những nghiên cứu gần đây về quan điểm của ông Lý, xem thêm “Excerpts  from an Interview with Lee Kuan Yew,” International Herald Tribune, ngày 29 tháng 8 năm 2007, www.iht.com/articles/2007/08/29/asia/lee-excerpts.php?page=1 (truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2007).
  12.  “Toward a New Balance of Power,” Time, ngày 22 tháng 9 năm 1975, www.time.com/time/magazine/article/0,9171,917875,00.html (truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2007).
  13. Kenneth N.Waltz, “The Stability of the  Bipolar World,” Daedalus 93 (Mùa hè năm1964): trang 907; Kenneth N.Waltz, Theory of International Politics (Reading, Mass.: Addison-Wesley,1979), trang171; John Mearsheimer, “Back to the Future: Instability in Europe after the Cold War,” International Security 15, số 1 (Mùa hè năm1990): trang 5-55. Một quan điểm trái ngược nhấn mạnh tiềm năng mang lại ổn định của trật tự đa cực là của Karl W. Deutsch và J. David Singer, “Multipolar Power Systems and International Stability,” World Politics 16, số 3 (tháng 4 năm 1964): trang 390-406.
  14. Đối với những tranh cãi trên quan điểm này trong bối cảnh của Thế giới thứ ba, xem thêm Amitav Acharya, “Beyond Anarchy: Third World Instability and International Order  after the Cold War,” trong International Relations Theory and the Third World, ed. Stephanie Neumann (NewYork: NXB St.Marint’s, năm 1997), trang 159-211.
  15. John J. Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics (NewYork: W.W. Norton, 2001), trang 41.
  16. Leifer, The ASEAN Regional Forum, trang 53-54. Đối với các phê phán về quan điểm của Leifer, xem thêm Amitav Acharya, “Do Norms and Identity Matter? Community and Power in South-East Asia’s Regional Order”, Pacific Review 18, số 1 (tháng 3 2005), trang 95-118.
  17. Điều này nói lên rằng chủ nghĩa hiện thực không hoàn toàn thống nhất như những người chỉ trích miêu tả và rằng điểm khác biệt quan trọng giữa những học giả hiện thực nằm ở bản chất và mục đích của các thiết chế quốc tế. Điều này cũng chỉ ra sự khác biệt giữa thuyết tân hiện thực với quan điểm hiện thực về các tổ chức khu vực châu Á. Mearsheimer, một nhà tân hiện thực (nhưng không phải là chuyên gia về châu Á), xem các tổ chức quốc tế là công cụ trong tay các cường quốc. John J. Mearsheimer, “The False Promise of International Institutions”, International Security 19, số 3 (Đông 1994-1995), trang 5-49. Michael Leifer có quan điểm ôn hòa hơn. Theo đó, nếu các tổ chức liên quốc gia không thể bảo đảm an ninh quốc gia, thì sự can thiệp của các siêu cường vào châu Á không phải là không thể tránh khỏi mà chỉ xảy ra nếu [sự can thiệp này] nằm trong tính toán lợi ích của các cường quốc và trùng hợp với xung đột bên trong hay giữa các nước ASEAN. Tổ chức quốc tế vẫn có thể có một vai trò nào đó trong trật tự khu vực nếu các quốc gia trong khu vực sử dụng chúng để ràng buộc các siêu cường, ngăn không cho các cường quốc này đạt được tầm ảnh hưởng vượt trội. Ví dụ, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Leifer cho rằng ARF là công cụ để lôi kéo Trung Quốc vào trong khuôn khổ của một mạng lưới các cam kết đa phương, bản thân một mạng lưới như vậy cũng là một công cụ “cân bằng quyền lực khác ngoài hình thức liên minh”. Xem thêm Michael Leifer, “The Truth about the Balance of Power”, trong The Evolving Pacific Power Structure, ed. Derek DaCunha (Singapore: Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, 1996), trang 51. Tác giả xin cám ơn Michael Yahuda đã chỉ ra khía cạnh này trong nghiên cứu của Leifer. Việc chấp nhận rằng một cam kết đa phương cũng mang tính ràng buộc rất gần với quan điểm của các học giả thể chế như Keohan và Martin. Robert O. Keohane và Lisa Martin, “The Promise of Institutionalist Theory”, International Security 20, số 1 (1995), trang 42; Ralf Emmers, Cooperative Security and the Balance of Power in ASEAN and ARF (London và NewYork: RoutledgeCurzon, 2003).
  18. Aaron Friedberg, “Ripe for Rivalry: Prospects for Peace in a Multipolar Asia”, International Security 18, số 3 (Đông 1993/1994), trang 5-33; Aaron Friedberg, Europe’s Past, Asia’s Future?, SAIS Policy Forum series 3 (Washington D.C: Paul H. Nitze School of Advanced International Studies, 1998).
  19. Barry Buzan và Gerald Segal, “Rethinking East Asian Security”, Survival 36, số 2 (Hè 1994); Robert Gilpin, “Sources of American-Japanese Economic Conflict”, trong International Relations Theory and the Asia-Pacific, ed. G. John Ikenberry và Michael Mastanduno (NewYork: Columbia University Press, 2003), trang 299-322.
  20. Xem Amitav Acharya, “Why is There No NATO in Asia? The Normative Origins of Asian Multilateralism”, Working Paper 05-05 (Cambridge, Mass: Stanford University Press, 2003).
  21. Muthiah Alagappa, “Introduction”, trong Asian Security Order: Normative and Instrumental Features, ed. Muthiah Alagappa (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 2003).
  22. Xuetong Yan, “Decade of Peace in East Asia”, East Asia: An International Quarterly 20, số 4 (Đông 2003), trang 31. Quan điểm này chỉ ra giới hạn của sự lạc quan của chủ nghĩa hiện thực trong bài viết của Robert Ross, “The Geography of the Peaace: East Asia in Twenty-First Century”, International Security 23, số 4 (Xuân 1999), trang 81-118. Ross lập luận rằng cân bằng địa chính trị giữa một bên là Mỹ, cường quốc hải quân chủ đạo với một bên là Trung Quốc, cường quốc lục địa hàng đầu sẽ bảo đảo ổn định cho Đông Á hậu Chiến tranh Lạnh.
  23. Tuy nhiên điều này không áp dụng đối với Gilpin và những người cho rằng bá quyền có vai trò bảo đảm ổn định quốc tế và cho rằng sự thiếu vắng đối trọng của bá quyền chính là dấu hiệu cho sự ổn định này. Robert Gilpin, War and Change in World Politics (NewYork: Cambridge University Press, 1981).
  24. John Vasquez, “Realism và the Study of Peace and War”, trong Realism and Institutionalism in International Studies, ed. Michael Breecher và Frank P. Harvey (Ann Arbor: Michigan University Press, 2002), trang 79-94; John Vasquez và Collin Elman, eds., Realism and the Balancing of Power: A New Debate (Upper Saddle River, N.J.: Prentice Hall, 2003).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]