Tác giả: Nguyễn Lục Gia
Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Lao động và Quốc phòng, gọi đầy đủ là Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Liên bang Nga (1917-1924), ngày 14/06/1920, V. I. Lê-nin đã ban hành một Quyết định mà về sau Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lê-nin trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đặt thành tiêu đề Quyết định về việc xử phạt chủ nhiệm nhà an dưỡng “Goóc-ki” E. I-a. Vê-ve. Vê-ve là đảng viên Bôn-sê-vích từ năm 1917, công nhân Cận vệ đỏ, chủ nhiệm nhà an dưỡng Goóc-ki trong quãng thời gian 1918-1924. Nội dung của Quyết định đề cập đến quy trình áp dụng các hình thức xử phạt đối với Vê-ve về tội danh tự ý chặt một cây thông, làm tổn hại tài sản xã hội chủ nghĩa. Quyết định nguyên văn như sau.
“Biên bản do các đồng chí Bê-len-ki, I-va-nư-tsép và Ga-ba-lin lập đã xác nhận rằng ngày 14 tháng Sáu 1920, chủ nhiệm nhà an dưỡng là đồng chí Ve-ve đã ra lệnh chặt một cây thông hoàn toàn nguyên vẹn ở trong công viên nhà an dưỡng.
Để xử phạt đồng chí Ve-ve, chủ nhiệm nhà an dưỡng thuộc khu thái ấp xô-viết Goóc-ki, đã làm hư hỏng tài sản xô-viết, nay tôi ra lệnh:
Bắt giam đồng chí Ve-ve 1 tháng.
Ban chấp hành Xô-viết huyện Pô-đôn-xcơ chịu trách nhiệm thi hành án lệnh, đồng thời:
(1) Nếu thấy rằng trước kia đồng chí Vê-ve chưa bị xử phạt, thì sau khi giam 1 tuần sẽ thả đồng chí ấy ra một cách có điều kiện, đồng thời phải cảnh cáo rằng nếu tái phạm hành động chặt bừa bãi cây trong công viên, trong những lối đi có cây hai bên, trong rừng hoặc phạm phải một hành động khác làm hư hại tài sản xô-viết thì đồng chí ấy chẳng những sẽ bị bắt giam – chưa kể hình phạt mới – 3 tuần, mà còn bị truất chức.
(2) Giao cho Ban chấp hành Xô-viết huyện – sau khi thỏa thuận với phòng ruộng đất huyện hoặc phòng quản lý các nông trường quốc doanh – ấn định thời hạn thi hành án lệnh, sao cho các công việc đồng áng và hoạt động kinh tế không bị ảnh hưởng thiệt hại một chút nào.
Tôi ủy nhiệm cho đồng chí Bê-len-ki công bố quyết định này cho đồng chí Vê-ve và các phụ tá của đồng chí ấy, lấy chữ ký của họ xác nhận rằng quyết định này đã được công bố và thông báo cho họ, rằng lần sau mà còn phạm phải hành động tương tự thì không những viên chủ nhiệm, mà tất cả công nhân viên của nhà an dưỡng sẽ bị xử phạt.
Tôi giao cho Ban chấp hành Xô-viết huyện có trách nhiệm báo cáo cho tôi rõ về ngày bắt giam do Ban chấp hành Xô-viết huyện ấn định, cũng như báo cáo về chính quá trình bị giam.
Chủ tịch Hội đồng Lao động và Quốc phòng
14.VI. 1920 V. U-li-a-nốp (Lê-nin)”[1]
Tài sản thiệt hại chỉ là một cây thông trong hằng triệu triệu cây thông thuộc vô số rừng thông bạt ngàn của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết sở hữu một diện tích lãnh thổ đứng đầu thế giới. Song, sự vụ đã được người đứng đầu của Nhà nước này đứng ra chỉ đạo việc thẩm tra và trừng phạt nghiêm khắc.
Ba nhân viên thừa hành công vụ xác minh, lập hồ sơ chứng cứ là những người thuộc Đội Bảo vệ Lê-nin. Nếu như I-va-nư-tsép và Ga-ba-lin làm việc trong Đội quãng thời gian 1919-1920 thì Bê-len-ki gắn bó với chức vụ Đội trưởng cho đến khi Lê-nin qua đời. Điều này cho thấy hành vi phá hoại tài sản xô-viết, nhất là đối tượng cán bộ công quyền, được Lê-nin đặc biệt coi trọng, đồng thời cũng hết sức cẩn trọng với việc cử các cận vệ của mình trực tiếp xác nhận thông tin, ngăn ngừa triệt để tình trạng nhũng nhiễu, oan sai.
Án phạt của bản Quyết định vừa biểu hiện tính nghiêm trị vừa mang yếu tố khoan giảm của nền công pháp xã hội chủ nghĩa. Lệnh giam 1 tháng đối với Vê-ve là có điều kiện. Cuối cùng, ý thức và thiện chí tuân thủ luật pháp của Ve-ve đã giúp ông phục hồi quyền công dân và giữ nguyên chức vụ sau 7 ngày đêm trong vòng lao lý. Sự ra tay kịp thời của pháp luật đã răn đe có hiệu quả, cũng như có thể nói Quyết định xử phạt của Lê-nin đã thức tỉnh nhận thức của một cán bộ xô-viết, giảm thiểu tối đa sự tổn thất nguồn nhân lực cao cấp và những thiệt hại tài sản của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Lưu ý rằng vấn đề bảo vệ môi trường của Liên Xô nói riêng, thế giới nói chung vào những thập niên nửa đầu thế kỷ 20 đã chưa trở thành một vấn đề ưu tiên.
Trong khi cách sau Liên Xô gần một thế kỷ, tại Singapore, một trong số những quốc gia có diện tích lãnh thổ nhỏ nhất thế giới, cây xanh được luật pháp bảo hộ nghiêm ngặt. Năm 2009, ông Foo Suan Pin bị chính quyền địa phương phạt 6.000 USD vì đã chặt 3 cây ăn quả trong khu vườn nhà riêng nhưng thuộc khu vực bảo tồn cây.
Vậy, tại sao nền pháp quyền của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại không có những chế tài thích đáng về vấn đề bảo vệ cây xanh quy hoạch trong bối cảnh bảo tồn thiên nhiên, chống tàn phá môi trường sống?
Đầu năm 2015, tại thành phố Hà Nội xảy ra vụ tàn phá kinh hoàng với Đề án chặt hạ (cây cổ thụ) và thay thế 6.708 cây xanh. Sự vụ vô cùng nghiêm trọng, nhưng việc giải quyết hậu quả lại hết sức giản lược. Số cán bộ và nhân viên bị xử lý kỷ luật theo thứ tự thấp-cao như sau: 1 cán bộ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, 1 cán bộ bị khiển trách, 2 cán bộ và 1 nhân viên bị cảnh cáo, 2 cán bộ bị giáng chức, 1 nhân viên bị buộc thôi việc. Thật oan cho cả Vê-ve lẫn Foo Suan Pin!
Năm 2010 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định về quản lý cây xanh đô thị, trong đó có điều khoản qui định những hành vi bị cấm (Điều 7) nhưng chưa có những biện pháp chế tài cụ thể. Cần có ngay những văn bản pháp lý chuyên biệt và kiên quyết hơn, nhất là về vấn đề bảo hộ cây cổ thụ tại các khu vực công cộng và cơ quan Nhà nước.
Tác giả Nguyễn Lục Gia là giảng viên tại Khoa Sử, Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương.
——————–
[1] V. I. Lê-nin (1978), Toàn tập, tập 41, tháng Năm – tháng Mười một 1920, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, tr.183-184.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]