5 hiểu lầm về Bức tường Berlin

Print Friendly, PDF & Email

berlinwall

Nguồn: Hope M. Harrison, “Five myths about the Berlin Wall”, The Washington Post, 30/10/2014.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tháng Mười năm 2014 đánh dấu 25 năm kể từ ngày thế giới đổi thay với sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Ngày nay sự kiện này có vai trò rất lớn, không chỉ bởi tính lịch sử nổi bật mà còn bởi những giải thích, ký ức và huyền thoại. Nhiều người sẽ nhớ lại hình ảnh người dân Berlin hân hoan nhảy múa trên nóc tường tại Cổng Brandenburg vào buổi chiều hôm ấy, nhưng những  điều thật sự đã xảy ra – và ý nghĩa thật sự của nó – thì lại ít rõ ràng hơn. Hãy cùng phá bỏ những quan niệm sai lầm về di sản thời Chiến tranh Lạnh này.

  1. Bức tường Berlin chỉ là một bức tường.

Thật ra có đến hai bức tường cách nhau 160 thước Anh (khoảng 146m), giữa chúng là một vùng “tử địa” có cảnh khuyển, tháp canh, đèn pha, dây thép, cột chống xe qua lại và lính vũ trang sẵn sàng bắn chết người xâm phạm.

Đường biên giới dài 96 dặm (khoảng 154km) này bao quanh Tây Berlin dân chủ và tư bản chủ nghĩa, và ngăn cách nó với Đông Berlin xã hội chủ nghĩa cùng với vùng quê Đông Đức lân cận. Một hàng rào nữa với hơn 1 triệu quả mìn đã được xây dựng dọc theo đường biên giới dài 850 dặm (khoảng 1.368km) giữa Đông Đức và Tây Đức. Tất cả những rào cản này chủ yếu là để giữ chân người Đông Đức không bỏ trốn, chứ không phải để chống người ngoài lọt vào Đông Đức.

Hơn 5.000 người đã trốn thoát bằng những cách như bí mật trốn trong xe do người Tây Đức lái về, bay qua tường bằng khinh khí cầu, đi qua một đường hầm dưới bức tường do người Tây Berlin đào, bơi qua các kênh đào hoặc các con sông ở Berlin, hoặc chỉ đơn giản là chạy thật nhanh và cầu may. Hàng trăm, có lẽ là đến hàng ngàn người đã bị giết khi bỏ trốn; những người còn lại thì bị bắt và tống giam. Các nhà nghiên cứu người Đức vẫn đang điều tra số lượng chính xác những người đã bỏ mạng tại biên giới.

  1. Xây dựng Bức tường Berlin là một bước đi then chốt của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Vào năm 1952, Liên Xô đóng cửa biên giới giữa Đông và Tây Đức, nhưng bởi vì Berlin vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát chung của bốn cường quốc – Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp – nên họ không đả động đến thành phố này. Khi Tây Berlin trở thành điểm đến của những người Đông Đức bất mãn, lãnh đạo Đông Đức là Walter Ulbricht đã muốn đóng cửa biên giới. Phía Liên Xô cho rằng khóa chặt biên giới ở Berlin sẽ khiến Đông Đức và Liên Xô trông có vẻ tàn nhẫn, và trên thực tế thì đây là điều bất khả thi.

Trong 8 năm, các lãnh đạo Đông Đức đã thúc đẩy ý tưởng này với người đứng đầu Điện Kremlin là Nikita Khrushchev và cũng âm thầm chuẩn bị sẵn sàng phòng khi Khrushchev đồng ý. Họ dự trữ dây thép gai và cột xi măng, và thành lập một nhóm hoạt động cực kỳ bí mật để lên kế hoạch đóng cửa đường phố, đường ray xe lửa và tàu điện ngầm. Vào mùa hè năm 1961, khi có hơn 1.000 người Đông Đức rời đi mỗi ngày thông qua Tây Berlin, Khrushchev đã chấp thuận để Ulbricht khóa cửa biên giới. Ông rất ngạc nhiên khi biết Ulbricht đã chuẩn bị sẵn sàng để hành động vô cùng nhanh chóng.

  1. Tổng thống Ronald Reagan làm bức tường sụp đổ.

Rất nhiều người Mỹ tin rằng bài phát biểu ở Berlin năm 1987 của Tổng thống Ronald Reagan – “Ngài Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này đi!” – khiến cho bức tường sụp đổ năm 1989. Tuy nhiên, những cải cách của Mikhail Gorbachev trong khối Xô Viết, cũng như những hành động của chính người Đông Đức, mới có tầm quan trọng hơn nhiều so với bài phát biểu của Reagan.

Việc bức tường bắt đầu sụp đổ từ ngày 9 tháng 11 là do một sự nhầm lẫn. Khi những cuộc biểu tình chống chế độ với quy mô lớn diễn ra năm 1989 và hàng ngàn người Đông Đức xin tị nạn tại các đại sứ quán Tây Đức ở Đông Âu, các nhà lãnh đạo Đông Đức đã xóa những quy định thị thực cũ, trong đó quy định công dân phải có lý do cấp bách mới được đi, ví dụ như tang ma hoặc đám cưới của người thân. Người Đông Đức vẫn phải xin thị thực (để sang Tây Đức), nhưng họ sẽ được cấp nhanh chóng và không kèm bất kỳ yêu cầu nào.

Tuy nhiên, Guenter Schabowski – vị quan chức Đảng Cộng sản, người đã tuyên bố những thay đổi đó – đã vắng mặt tại hầu hết những buổi họp quan trọng về các thủ tục di trú và đến cuộc họp báo ngày 9 tháng 11 mà không chuẩn bị trước. Khi trả lời các câu hỏi của ký giả về việc khi nào điều luật mới sẽ có hiệu lực, ông nói rằng “Ngay lập tức, không trì hoãn.” Schabowski khiến người dân tưởng rằng họ có thể đi qua biên giới ngay lập tức, mặc dù thật ra ông muốn nói là họ có thể xin thị thực một cách trật tự.

Vài giờ sau đó, hàng ngàn người Đông Berlin đã tập trung tại các trạm kiểm soát dọc bức tường. Bởi vì các nhà lãnh đạo vẫn chưa có ý định mở cửa biên giới hoàn toàn, những người giám sát tại các điểm kiểm soát vẫn chưa nhận được mệnh lệnh mới. Sĩ quan phụ trách trạm kiểm soát tại Phố Bornholmer là Harald Jaeger liên tục gọi cho cấp trên để xin hướng dẫn cách đối phó với đám đông những người Đông Berlin đang giận dữ muốn băng qua biên giới. Cuối cùng, đến 11:30 tối thì Jaeger cũng phải đầu hàng và cho phép hàng đoàn người đi qua. Lính gác ở những trạm khác sau đó cũng làm theo. Chế độ Đông Đức không bao giờ lấy lại được quyền kiểm soát được nữa.

  1. Bức tường sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989.

Vào đêm đó và những tuần tiếp theo, chính quyền Đông Đức đã gỡ từng mảnh tường ra để lập thêm nhiều điểm băng qua biên giới giữa Đông và Tây và vô số “người phá tường” mang theo búa và đục đến mang những mảnh tường về nhà. Nhưng phần lớn bức tường vẫn tồn tại.

Bức tường chính thức được phá bỏ bắt đầu từ mùa hè năm 1990. Mất gần hai năm để tháo gỡ tất cả công sự biên giới quanh Berlin và mất bốn năm để phá hủy chúng dọc theo biên giới Đông – Tây Đức. Thậm chí ngày nay, hàng trăm quả mìn dọc theo biên giới trong lòng nước Đức vẫn chưa được tìm ra hay gỡ bỏ. Ở Berlin, khoảng một dặm (1,6km) tường vẫn còn tại vài nơi. Nhưng số mảnh tường được trưng bày ở Mỹ còn nhiều hơn tại Berlin.

  1. Người Đức cũng như người dân trên thế giới đều hăng hái ăn mừng sự sụp đổ của bức tường.

Thật ra, người Đức vừa yêu vừa ghét bức tường này. Suy cho cùng, người Đức đã bắn chết đồng bào của mình để ngăn họ rời khỏi Đông Đức. Với nhiều người Đức, đặc biệt là người phía Đông, thống nhất đất nước mang đến nhiều thách thức hơn họ tưởng, với mức thất nghiệp cao và sự bất mãn trong những năm 1990 và cả sau đó. Một yếu tố nữa để khó mà ăn mừng đó là ngày 9 tháng 11 còn mang một ý nghĩa khác trong lịch sử nước Đức: chính ngày này năm 1938, Đức Quốc xã đã tấn công các công ty, nhà thờ và nhà của người Do Thái vào “Đêm của những mảnh kính vỡ” (Night of Broken Glass hay Kristallnacht). Gánh nặng lịch sử thời Quốc xã khiến người Đức ngần ngại ăn mừng hay bày tỏ niềm tự hào về bất kỳ khía cạnh nào trong lịch sử đất nước.

Phải mất 20 năm thì sự sụp đổ của bức tường mới trở thành một ký ức chung tích cực với người Đức. Khi chính khách lão làng Wolfgang Thierse khuyến khích các đồng nghiệp của mình năm 2007 rằng “Những người Đức chúng ta nên tập hợp lại lòng dũng cảm và ghi nhớ… rằng lịch sử nước Đức cũng có thể diễn ra tốt đẹp trong dịp này và thực sự là như vậy” với việc xóa bỏ một cách hòa bình Bức tường Berlin. Ngày 9 tháng 11 năm 2014, người Đức tổ chức lễ kỉ niệm 25 năm với 8.000 bong bóng phát sáng tạo nên một đường “biên giới ánh sáng” dọc theo con đường của bức tường cũ tại trung tâm thủ đô Berlin. Thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa và Gorbachev đã có mặt cùng với hàng ngàn người dân Đức – khi những quả bóng được thả lên bầu trời đêm trên nền nhạc “Khải hoàn ca” (Ode to Joy) trích từ bản Giao hưởng số 9 của Beethoven.

Hope M. Harrison, giáo sư lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington là tác giả của cuốn “After the Berlin Wall: Memory and the Making of the New Germany, 1989 to the Present.”

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]