Tập Cận Bình làm hạn chế cải cách ở địa phương?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Jessica C. Teets, “How Xi Jinping’s leadership discourages local innovation”, East Asia Forum, 20/12/2016.

Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tờ The Economist mới đây gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “ngài chủ tịch của mọi thứ” (chairman of everything). Ngoài việc tạo ra các nhóm lãnh đạo nhằm giám sát hoạt động của cả chính phủ và quân đội, các nỗ lực (tái) tập trung hóa quyền lực ở Trung Quốc của ông tập trung vào việc áp dụng “kỷ luật” ở cấp chính quyền địa phương thông qua việc sử dụng chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra để điều tra và trừng phạt các quan chức địa phương. Mặc dù, ít nhất hiện nay chiến dịch này đang làm giảm nạn tham nhũng, nhưng nó cũng hạn chế các hình thức quan trọng của quyền tự chủ địa phương như việc thực nghiệm chính sách.

Nhiều học giả cho rằng việc thực nghiệm chính sách này chính là nguồn gốc cho khả năng thích ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước các điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị đang ngày ngày thay đổi, điều đã dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản khác. Tuy nhiên, Anna Ahlers và Matthias Stepan cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã thay đổi cơ cấu tạo động lực tại địa phương, có nghĩa là “các lãnh đạo cấp địa phương đang né tránh các bước đi chính sách táo bạo vì sợ bị cách chức, khai trừ khỏi đảng, hoặc hậu quả pháp lý”. Kết quả là, “chính quyền địa phương đã không còn đóng vai trò là người tham gia độc lập đối với các sáng kiến và sự đổi mới chính sách”.

Khi Hồ Cẩm Đào là Chủ tịch nước, cách thức quản trị mang tính tham vấn của ông cho phép nhiều quyền tự chủ của địa phương hơn, dẫn đến gia tăng mức độ và loại hình thực nghiệm chính sách. Cả Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đều hiểu sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Liên Xô là do sự “xơ cứng” của Đảng: thiếu kết nối giữa hoạch định chính sách ở cấp trung ương và các quan chức và công dân ở cấp địa phương.

Việc thực nghiệm được coi là một nguồn quan trọng của sự thay đổi chính sách theo chiều từ dưới lên trong một chế độ độc tài vốn thiếu các cơ chế phản hồi từ các cấp thấp hơn trong chính quyền và toàn xã hội. Tập Cận Bình dường như không có cùng quan điểm về nỗi lo “xơ cứng”, thay vào đó lại cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô là vì không ai trong Đảng đã “đủ dũng khí để đứng lên và kháng cự”. Ông cho rằng sự bền vững của chế độ chuyên chế phụ thuộc nhiều vào sự kiểm soát tập trung hơn là vào quyền tự chủ và việc thực nghiệm ở cấp địa phương.

Mặc dù có sự thay đổi trong cách thức quản trị, bài báo trên tờ The Economist vốn gọi Tập Cận Bình là “ngài chủ tịch của mọi thứ” cũng gọi ông là “ông chủ của không gì cả” (master of nothing). Cơ chế kiểm soát trục dọc nhờ xử phạt thông qua các chiến dịch chống tham nhũng, và khen thưởng thông qua hệ thống đánh giá hàng năm đối với cán bộ địa phương, đều rất khó có thể được sử dụng có hiệu quả ở các cấp chính quyền thấp hơn.

Thứ nhất, hầu hết các cán bộ này vẫn sống tại nơi họ sinh trưởng trong cả sự nghiệp của mình thay vì được đề bạt vào chính phủ trung ương. Do đó, nghiên cứu cho thấy rằng họ phản ứng nhiều hơn trước các thách thức quản trị ở địa phương hơn là các cơ chế kiểm soát trục dọc.

Thứ hai, ngay cả đối với các quan chức địa phương mong muốn được thăng chức, hệ thống đánh giá là phức tạp, với hàng trăm chỉ số để “thành công”. Ví dụ, trong một tỉnh, các quan chức được đánh giá trên 19 mục với 100 điểm cho từng mục và từng mục lại được cấu thành bởi nhiều tiểu mục. Tổng cộng, việc đánh giá trong tỉnh này bao gồm khoảng 1.000 tiêu chí. Số điểm của mỗi mục thể hiện mức độ quan trọng về chính trị của nó.

Đối mặt với các tiêu chí không rõ ràng như vậy, dễ hiểu khi có sự khác nhau đáng kể của hành vi quan chức địa phương giữa các khu vực và các cấp chính quyền. Sự tập trung hóa quyền lực của ông Tập không có nghĩa là các quan chức địa phương đã hoàn toàn ngừng thực nghiệm chính sách mà thực ra là họ có rất ít động cơ để trình bày các thực nghiệm cho cấp trên của họ. Ý nghĩa của việc này là các thử nghiệm chưa công khai không được đánh giá, làm hạn chế quá trình khuếch tán chính sách, điều vốn mang đến sự thay đổi chính sách từ dưới lên để tạo ra sự thích nghi.

Sự thiếu kết nối giữa các nhà lãnh đạo địa phương và trung ương tạo ra sự “xơ cứng” đã từng là tai họa đối với Liên Xô nhưng không rõ liệu ông Tập có xem đây như là một thách thức đáng kể hay không. Nếu ông còn cai trị trong nỗ lực tập trung hóa quyền lực, sẽ xuất hiện các phản ứng ngày càng thiếu kết nối đối với các thách thức quản trị chung giữa chính quyền trung ương và địa phương. Sự bế tắc này có lẽ sẽ được thể hiện rõ nhất trong các lĩnh vực chính sách đòi hỏi phải có một giải pháp toàn diện, chẳng hạn như chính sách an toàn thực phẩm và dược phẩm hay môi trường, điều khó có thể giải quyết chỉ ở cấp trung ương hoặc địa phương. Các chính sách áp đặt hoàn toàn từ trung ương dựa vào cơ chế kiểm soát hành chính để buộc tuân thủ ở cấp địa phương là tốn kém và ít hiệu quả.

Ngăn chặn chế độ xơ cứng sẽ đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể trong cách thức quản trị của Tập Cận Bình. Sự hài lòng của công chúng đối với ĐCSTQ có thể phụ thuộc vào khả năng của đảng trong việc giải quyết những thách thức trong điều hành đất nước thông qua thực nghiệm và nhân rộng các thực nghiệm chính sách địa phương hiệu quả.

Jessica C. Teets là Phó Giáo sư ngành Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Middlebury.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]