Tại sao Trump không thể bắt nạt Trung Quốc?

Nguồn: Kenneth Rogoff, “Why Trump Can’t Bully China,” Project Syndicate, 09/02/2017.

Biên dịch: Đào Duy Tùng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây bất ổn trật tự kinh tế thế giới thời hậu Thế chiến II, phần đông thế giới đang cùng lúc nín thở. Các nhà bình luận tìm kiếm những từ ngữ miêu tả cuộc tấn công của ông vào các quy chuẩn truyền thống về vai trò lãnh đạo và sự khoan dung trong một nền dân chủ tự do hiện đại. Các kênh truyền thông chủ lưu, phải đối mặt với một tổng thống thi thoảng có thể hết sức thiếu thông tin nhưng lại thực sự tin vào những điều mình đang nói, ngập ngừng gọi các tuyên bố sai lệch rõ ràng của ông là những lời nói dối.

Nhưng một số người sẽ lập luận rằng bên dưới sự hỗn loạn và ầm ỹ đó, có một lý do kinh tế duy lý cho việc chính quyền Trump rút lui một cách thiếu trật tự khỏi quá trình toàn cầu hóa. Theo quan điểm này, Hoa Kỳ đã bị lừa vào thế khiến uy thế của Trung Quốc ngày càng nâng cao, và rồi một ngày nào đó người Mỹ sẽ phải hối hận. Giới kinh tế học chúng ta lại có xu hướng xem việc Hoa Kỳ từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới là một sai lầm lịch sử.

Điều quan trọng là phải thừa nhận rằng gốc rễ của phong trào chống toàn cầu hóa ở Hoa Kỳ ăn sâu hơn nhiều chứ không chỉ trong tầng lớp lao động cổ cồn xanh bị tước quyền. Ví dụ, một số nhà kinh tế phản đối TPP (một thỏa thuận thương mại gồm 12 nước khu vực Thái Bình Dương bao trùm 40% kinh tế thế giới) dựa trên các căn cứ đầy tranh cãi rằng nó sẽ gây hại cho người lao động Mỹ. Trên thực tế, TPP sẽ mở cửa thị trường Nhật Bản nhiều hơn so với ảnh hưởng đối với Hoa Kỳ. Từ chối nó chỉ mở ra cánh cửa cho sự thống trị kinh tế của Trung Quốc trên khắp Thái Bình Dương.

Các nhà dân túy Hoa Kỳ, có lẽ được truyền cảm hứng từ các tác phẩm của Thomas Piketty, có vẻ không ấn tượng trước thực tế là toàn cầu hóa đã đưa hàng trăm triệu người nghèo cùng cực tại Trung Quốc và Ấn Độ vào tầng lớp trung lưu toàn cầu. Quan điểm tự do về sự trỗi dậy của châu Á là nó khiến thế giới trở thành một nơi công bằng và bình đẳng hơn, nơi số phận kinh tế của một người không phụ thuộc quá nhiều vào nơi mà họ ngẫu nhiên sinh ra.

Nhưng một quan điểm hoài nghi hơn đã len lỏi vào logic của chủ nghĩa dân túy, đó là bằng cách tuân thủ quá mức chủ nghĩa toàn cầu hóa, Hoa Kỳ đã gieo hạt cho sự hủy diệt về kinh tế và chính trị của chính mình. Chủ nghĩa Trump lợi dụng cảm nhận về cái chết quốc gia này; từ đây có người nghĩ ông có thể làm gì đó để cứu vãn chuyện này. Mục tiêu không chỉ là “mang công việc về” cho người Mỹ, mà còn là tạo ra một hệ thống sẽ kéo dài sự thống trị của Mỹ.

“Chúng ta nên tập trung vào việc của mình” là câu thần chú của Trump và những người khác. Không may là với thái độ này, rất khó thấy nước Mỹ sẽ làm thế nào để duy trì trật tự thế giới mà nó đã hưởng lợi rất nhiều trong nhiều thập niên qua. Và rõ ràng là Hoa Kỳ chính là kẻ thắng lớn (trong trật tự đó). Không một quốc gia lớn nào giàu có gần bằng Mỹ, và tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ vẫn rất sung túc theo các tiêu chuẩn toàn cầu.

Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Bernie Sanders đã đúng khi nói Đan Mạch là một nơi tuyệt vời để sống và làm nhiều thứ đúng đắn. Tuy nhiên ông ấy cũng nên nói thêm rằng Đan Mạch là một đất nước tương đối thuần nhất của 5,6 triệu người có thái độ khoan dung rất thấp với người nhập cư.

Dù tốt hay xấu thì con tàu toàn cầu hóa đã rời ga từ lâu, và ý tưởng rằng ai đó có thể quay ngược nó lại là hết sức ngây ngô. Bất cứ điều gì có thể được thực hiện khác đi trước khi Tổng thống Richard Nixon thăm Trung Quốc năm 1972 đều không còn khả thi nữa. Số phận của Trung Quốc, và vai trò của nó trên thế giới, giờ nằm trong tay của người Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của họ. Nếu chính quyền Trump nghĩ họ có thể đặt lại đồng hồ bằng cách phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc thì khả năng điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và quân sự của Trung Quốc cũng tương đương với khả năng làm chậm lại.

Cho đến nay, chính quyền Trump mới chỉ đấu khẩu với Trung Quốc, và tập trung luận điệu chống thương mại ban đầu vào Mexico. Mặc dù Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ mà Trump đang chỉ trích rất có thể chỉ có những ảnh hưởng khiêm tốn lên thương mại và việc làm của Hoa Kỳ, ông vẫn đang cố gắng làm nhục người Mexico khi khăng khăng rằng họ phải trả tiền cho bức tường biên giới của ông, như thể Mexico là thuộc địa của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ không nên dại dột làm mất ổn định các láng giềng Mỹ Latinh của mình. Trong ngắn hạn, các thể chế của Mexico tỏ ra khá vững vàng; nhưng về dài hạn, chủ nghĩa Trump, bằng cách kích động tình cảm chống Mỹ, sẽ làm suy yếu các nhà lãnh đạo có thiện cảm với những lợi ích của Hoa Kỳ.

Nếu chính quyền Trump sử dụng những chiến thuật thô thiển như thế với Trung Quốc, họ sẽ lâm vào một thế bất ngờ không hề dễ chịu. Trung Quốc có các vũ khí tài chính, bao gồm hàng nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ. Gián đoạn thương mại với Trung Quốc có thể dẫn đến gia tăng giá cả hàng loạt ở những cửa hàng giá rẻ – ví dụ, Walmart hay Target – mà nhiều người Mỹ vốn phụ thuộc vào.

Hơn nữa, các khu vực rộng lớn ở Châu Á, từ Đài Loan đến Ấn Độ, rất dễ tổn thương trước sự hung hăng của Trung Quốc. Hiện nay, quân đội Trung Quốc còn tương đối yếu và chắc chắn sẽ thua trong một cuộc chiến quy ước với Hoa Kỳ; nhưng tình hình sẽ nhanh chóng tiến triển, và Trung Quốc sẽ sớm có các tàu sân bay của riêng mình và các năng lực quân sự hiện đại khác.

Hoa Kỳ không thể “thắng” một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và bất kỳ chiến thắng nào cũng sẽ phải trả giá đắt. Hoa Kỳ cần tích cực đàm phán với Trung Quốc để bảo vệ các đồng minh của mình ở châu Á và đối phó với quốc gia bất hảo là Bắc Triều Tiên. Và cách tốt nhất để đạt được các thỏa thuận tốt mà Trump nói là đang theo đuổi là một chính sách thương mại cởi mở hơn với Trung Quốc, chứ không phải là một cuộc chiến thương mại mang tính hủy diệt.

Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế học và Chính sách công tại Đại học Harvard và chủ nhân Giải Deutsche Bank về Kinh tế tài chính năm 2011, là Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế giai đoạn 2001–03. Cuốn sách mới nhất của ông, The Curse of Cash, được xuất bản tháng 8 năm 2016.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Why Trump Can’t Bully China
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]