‘Âm mưu cung đình’ đằng sau vụ ám sát Kim Jong Nam?

Nguồn: Georgy Bulychev, “Kim Jong Nam’s assassination: a Pyongyang palace conspiracy?”, PACNet #19, 08/03/2017.

Biên dịch: Phan Nguyên

Các nhận định thông thường lập luận rằng các đặc vụ Bắc Triều Tiên đứng đằng sau vụ sát hại Kim Jong Nam ở Malaysia. Giả thuyết hiện hành cho rằng vụ ám sát là một hành động của chính phủ Triều Tiên. Cho phép tôi đưa ra một giả thuyết khác, trong đó lập luận rằng Nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un có thể không phải là người chịu trách nhiệm, mà thay vào đó có thể chỉ là một “nạn nhân” khác của cuộc tấn công mà thôi.

Hãy tưởng tượng rằng một nhóm các quan chức tình báo cấp cao của Triều Tiên không ưa thích gì Kim Jong Un và cảm thấy bị đe dọa. Họ cũng có thể cảm thấy rằng Kim Jong Un đang phản bội “sự nghiệp xã hội chủ nghĩa” bằng cách thị trường hóa nền kinh tế, ảnh hưởng tới lợi ích của tầng lớp “quý tộc” cai trị. và làm tổn hại đất nước bằng cách kích động kẻ thù và các đồng minh của họ. (Những động cơ ý thức hệ này không nhất thiết phải là một phần của giả thuyết, mà chỉ một khả năng để giải thích cho việc tại sao “giới quý tộc” lại có thể nổi loạn chống lại “nhà vua” của mình).

Là các quan chức tình báo, họ có thể âm mưu và hành động mà không bị phát hiện. Nhiều năm trước, tôi sẽ đã chế giễu ý kiến ​​cho rằng sự đối lập có tổ chức bí mật có thể tồn tại được ở Bình Nhưỡng, nhưng thời gian đã thay đổi và Kim Jong Un đã tạo ra rất nhiều tình cảm tiêu cực trong giai cấp cầm quyền.

Liệu nhóm này có đạo diễn một sự kiện gây ra sự chú ý cao độ để khiến Kim Jong Un phải chịu sức ép từ các lực lượng trong và ngoài nước không? Trong nước, ông ta có thể chịu áp lực từ “bộ máy cán bộ” và người dân bởi vì ông ta đã giết chết một nhân vật không thể chạm đến – một hậu duệ trực tiếp của “dòng dõng Paektusan”[1] của Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) – đồng thời là anh trai của ông ta, một điều cấm kỵ theo truyền thống Khổng giáo. Bên ngoài, Kim Jong Un sẽ bị lên án như một kẻ khủng bố và một tên tội phạm trong mắt không chỉ của các kẻ thù, mà còn của các quốc gia tài trợ và bạn hữu (nếu thực sự có). Trong suốt quãng đời còn lại của mình, Kim Jong Un sẽ là một kẻ bị bỏ rơi và không một nhà lãnh đạo thế giới nào dám bắt tay ông ta nữa.

Một kế hoạch như vậy sẽ dễ thực hiện. Nó có thể diễn ra theo một mệnh lệnh hiện hữu, trong đó kêu gọi loại bỏ Kim Jong Nam – một mệnh lệnh có thể đã được ban hành vào đầu nhiệm kỳ của Kim Jong Un khi ông ta lo sợ sự cạnh tranh từ một đối thủ được Trung Quốc hậu thuẫn. Việc Kim Jong Nam cam kết trung thành (với chế độ) và không còn dính líu đến chính trị nữa cũng không tạo ra sự khác biệt nào đối với những kẻ sắp đặt âm mưu.

Các đặc vụ ngoài hiện trường sẽ không phải nghĩ đến những điều như vậy. Được giao phó một nhiệm vụ bởi các chỉ huy, mà các chỉ thị của họ được dựa trên “Mệnh lệnh tối cao” (sự tồn tại của mệnh lệnh đó có thể đã được họ biết đến), họ đi đến Malaysia và thuê một vài người phun một thứ hóa chất vào mặt một người lạ mặt. Những hướng dẫn như vậy không đòi hỏi mức độ bí mật cao độ. Các đặc vụ được trao cho một thứ hóa chất không rõ mức độ độc hại. Đại sứ quán thì bị giữ cho thiếu thông tin; Các nhân viên cấp thấp thì chỉ có mặt ở đó để giúp các đặc vụ rời hiện trường mà không gặp rắc rối. Hành vi của vị đại sứ (Triều Tiên tại Malaysia) có thể cho thấy ông ta không biết được bản chất của vụ việc.

Các “kẻ chủ mưu” có thể đã chia sẻ âm mưu này với các “đồng nghiệp” thuộc phe bảo thủ của Hàn Quốc. Một “hành động man rợ” khác của chế độ Bắc Triều Tiên sẽ làm giảm sự chú ý đối với những khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Seoul. Một số người Hàn Quốc và những người cung cấp thông tin của họ chắc chắn có mặt ở hiện trường (báo cáo của họ gửi về Seoul đã bị rò rỉ cho báo chí chỉ trong vài phút sau khi vụ ám sát diễn ra). Một số nhân vật cấp cao của Trung Quốc, không hài lòng với chế độ Bình Nhưỡng và muốn thay đổi “kẻ bất trị” đang lãnh đạo chế độ, có thể đã biết được âm mưu (do đó không có nhân viên an ninh hộ tống Kim Jong Nam và việc sự kiện này xảy ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc). Có thể nhiều khả năng hơn hết là các “kẻ chủ mưu” đã rời khỏi Triều Tiên dưới sự bảo vệ của Hàn Quốc hoặc thậm chí Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Hoặc, họ có thể thích một cái chết kiểu kamikaze (tự sát) vì mục đích cao quý của mình.

Điều này giải thích lý do tại sao Kim Jong Un lại trông thảm hại và căng thẳng đến vậy tại một buổi lễ kỷ niệm ngày sinh của cha mình, sau khi nhận được một “món quà” như vậy.

Liệu một giả thuyết kỳ lạ như vậy có thể được chứng minh không? Hãy chú ý đến các vận động trong hệ thống lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong những tuần tới. Tôi không loại trừ khả năng Kim Jong Un, nếu ông ta thành công trong việc tìm ra sự thật, có thể tiến hành một quá trình mở để giải thích cho công luận chuyện gì thực sự đã xảy ra. Thật không may, giờ đây không ai bên ngoài Triều Tiên sẽ tin lời ông ta nữa.

Georgy Bulychev là một nhà nghiên cứu độc lập đã sống và làm việc ở cả hai miền Triều Tiên trong 40 năm với các tổ chức khác nhau, trong đó có IMEMO (Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga).

———–

[1] Peaktusan là núi Peaktu, nằm gần biên giới Triều Tiên và Trung Quốc. Đây là ngọn núi được người dân hai miền Triều Tiên coi là ngọn nguồn tâm linh dân tộc, cũng là nơi Kim Nhật Thành tổ chức kháng chiến chống Nhật thời Thế chiến II. Vì vậy ngọn núi này gắn với nhiều “truyền thuyết” liên quan đến gia đình họ Kim.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]