Vai trò của Singapore trong tranh chấp Biển Đông

Biên dịch: Hoàng Lan

Là một quốc gia nhỏ bé, khan hiếm tài nguyên, Singapre luôn nhận thực không thể dựa vào sức mạnh bản thân để phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia. Đây chính là đặc trưng “văn hóa khủng hoảng” nước nhỏ của Singapre. Và đó chính là nguyên nhân khiến Singapre rất lo sợ cục diện cân bằng nước lớn ở Biển Đông bị phá vỡ.

Hiện nay, tranh chấp Biển Đông đang dần nguội đi, thái độ của Philippines – nước thúc đẩy đưa vấn đề biển Đông ra tòa án quốc tế, đã có sự chuyển biến mang tính mâu thuẫn, Tổng thống Duterte đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, bày tỏ rõ ràng việc gác lại tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, điều này đã khiến vấn đề Biển Đông phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Tại thời điểm này, Singapore lại khiến người ta bất ngờ khi quan tâm sâu sắc vấn đề Biển Đông trong các hội nghị quốc tế.

Sau khi có kết quả của Tòa trọng tài phán quyết về vấn đề Biển Đông, trong các nước ASEAN chỉ có Singapore bày tỏ sự công nhận đối với phán quyết của Tòa trọng tài. Trong Hội nghị Trung Quốc-ASEAN diễn ra hồi tháng 9/2016, Singapore vô cùng bất mãn về việc tuyên bố chung không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông. Sau đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong các chuyến thăm Mỹ, Nhật Bản nhiều lần đề cập đến Biển Đông, kêu gọi các nước liên quan tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài. Gần đây, trong Hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết diễn ra tại Venezuela, đại diện Singapore gây sức ép để đưa phán quyết của Tòa trọng tài về vấn đề Biển Đông vào tuyên bố hội nghị, đương nhiên bị nhiều nước phản đối. Bài viết từ lôgích Biển Đông của Singapore tiến hành phân tích những khó khăn tâm lý mà Singapore phải đối mặt khi các nước lớn trỗi dậy và Trung-Mỹ đọ sức, tiếp đó giải mã những ẩn ý liên tục phát ra của Singapore trong vấn đề Biển Đông.

I/ Ý thức khủng hoảng nước nhỏ của Singapore 

Chủ nghĩa hiện thực của quan hệ quốc tế nhấn mạnh chính trị quyền lực, cho rằng hệ thống quốc tế ở trong trạng thái vô chính phủ và quốc gia là chủ thể vận hành chủ yếu của hệ thống quốc tế, mục tiêu chính của quốc gia là duy trì quyền lực và an ninh, mục tiêu ngoại giao phải được xác định dựa trên lợi ích quốc gia, và đủ sức mạnh để hỗ trợ. “Quyền lực” là khái niệm cốt lõi trong tư tưởng chính trị của nhà lập quốc Lý Quang Diệu, Lý Quang Diệu nhấn mạnh cộng đồng quốc tế lấy chính trị quyền lực làm cơ sở, quốc gia mạnh hay yếu sẽ quyết định khuynh hướng ngoại giao.

Ý thức khủng hoảng nước nhỏ của Singapore rất mạnh mẽ. Nước nhỏ trong chủ nghĩa hiện thực chính là đất nước không thể có được an ninh và sinh tồn bằng cách vận dụng sức mạnh bản thân. Do những khiếm khuyết vốn có như khan hiếm tài nguyên, thiếu chiều sâu chiến lược, nước nhỏ không thể dựa vào sức mạnh của mình để thực hiện phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, dẫn đến tính yếu ớt của nước nhỏ. Quốc gia có thực lực yếu kém luôn là vật hy sinh trong các cuộc tranh bá của các nước lớn. Singapore là một nước nhỏ, từ ngày đầu tiên ra đời đã có ý thức khủng hoảng nước nhỏ mạnh mẽ. Singapore là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới, được coi là “chấm nhỏ đỏ” trên bản đồ. Nhìn vào diện tích lãnh thổ, Singapore được hợp thành từ đảo chính và hơn 60 hòn đảo nhỏ lân cận, diện tích toàn quốc chỉ 719,1 km², dân số 5,533 triệu người, mật độ dân số đến 7.697 người/km². Bốn bề là biển, nguồn nước ngọt thiếu hụt nghiêm trọng, lượng nước ngọt trên bình quân đầu người đứng áp chót thế giới. Singapore thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực này ngoài các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… , các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng cũng thường xuyên xuất hiện, thế lực Mỹ cũng nhúng tay vào. Các nước láng giềng Indonesia, Malaysia là nước lớn của khu vực Đông Nam Á, cũng là đất nước Hồi giáo, có mô hình phát triển kinh tế cũng như thể chế chính trị, tôn giáo và chủng tộc không giống với Singapore, hơn nữa trong lịch sử Singapore có quan hệ không thân thiện lắm với hai nước này. Ở trong khu vực điểm nóng như vậy, Singapore có “cảm giác bị bao vây” sâu sắc.

Khởi nguồn ý thức khủng hoảng nước nhỏ của Singapore. Con đường xây dựng đất nước không được bằng phẳng khiến Singapore cảm nhận sâu sắc sự yếu ớt của mình, đồng thời nảy sinh một cách bản năng ý thức khủng hoảng nước nhỏ. Trong thế kỷ 20, Singapore sau khi thoát khỏi sự cai trị của chính quốc, đã từng coi việc hợp nhất với Malaysia là con dường duy nhất để độc lập. Nhưng cuối cùng do mâu thuẫn chủng tộc, tranh giành quyền lực và xung đột tính cách của các nhà lãnh đạo, Singapore buộc phải ra khỏi liên bang Malaysia. Singapore không thể không dựa vào tài nguyên ít ỏi để nuôi dưỡng phần lớn dân số thời điểm đó, bắt đầu từ ngày đầu tiên độc lập đã đối diện với thử thách sinh tồn, Lý Quang Diệu không thể kiềm chế những giọt nước mắt trước truyền thông. Quá trình sáp nhập và tách khỏi Malaysia khiến Singapore có cảm giác bị bao vây và không an toàn. Điều kiện sinh tồn kém, con đường xây dựng đất nước gian nan, khiến cho Singapore nảy sinh cảm giác khủng hoảng mạnh mẽ, quan tâm đến vấn đề sinh tồn, luôn lo lắng về các mối đe dọa. Bóng đen nhận thức về khủng hoảng nước nhỏ của Singapore bao trùm lên các nhà lãnh đạo của Singapore, và phát triển thành một kiểu văn hóa chiến lược. Tất cả chính trị, kinh tế, ngoại giao của Singapore đều dựa trên “văn hóa khủng hoảng” này.

Lo lắng bởi “vấn đề Biển Đông” gây nên sự phân hóa ASEAN. Singapore cho rằng dựa vào sức mạnh bản thân khó mà đảm bảo an ninh quốc gia, chỉ có thể tìm kiếm an ninh tập thể. Cựu Thủ tướng Ngô Tác Đống so sánh Singapore với một con cá nhỏ, cá nhỏ muốn sống phải đi cùng các con cá khác, hòa mình vào trong đàn cá, dựa vào sự kết thành đàn để tự bảo vệ mình. Chiến lược “đàn cá” trở thành một phần quan trọng trong chiến lược an ninh của Singapore. Dưới sự chỉ đạo của lý luận này, Singapore là một trong những nước đầu tiên không ngừng thúc đẩy hợp tác kinh tế và chính trị các nước ASEAN, đồng thời mở rộng lĩnh vực hợp tác đến an ninh khu vực. ASEAN đem đến sân chơi giao lưu kết nối cho các nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á, phát huy vai trò to lớn trong việc duy trì ổn định khu vực. Phát triển đến nay, sự gắn kết của các nước ASEAN không ngừng tăng lên, trở thành một lực lượng quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ASEAN đã xây dựng cơ chế đối thoại với các nước lớn ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, tầm ảnh hưởng không ngừng mở rộng. Đồng thời, ASEAN cũng đem đến một nền tảng ngoại giao vô cùng tốt cho Singapore. Tư cách thành viên của ASEAN khiến Singapore có quyền phát ngôn lớn hơn trong các công việc quốc tế. Lý Hiển Long nói: “Khi Singapore và các nước ASEAN khác trở thành một tập thể, bất cứ nước lớn nào đều sẽ có phần kiêng nể, nhưng khi Singapore không có sự chống đỡ của ASEAN, có thể bị các nước lớn xem nhẹ”. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yong-Boon Yeo cũng nói rằng: “Chúng tôi đặt ASEAN ở vị trí quan trọng, Singapore là trung tâm của ASEAN, đó là lý do vì sao lợi ích của ASEAN và lợi ích của Singapore hoàn toàn giống nhau”. Đối với Singapore, chiến lược sinh tồn, an ninh và kinh tế của nước này gắn liền với chiến lược của ASEAN. Về vấn đề Biển Đông, nội bộ ASEAN tồn tại bất đồng, không thể thống nhất lập trường trong vấn đề Biển Đông. Lý Hiển Long nói: “Nếu ASEAN đến việc ngay trước cửa nhà còn không xử lý được, sau này sẽ không còn ai xem trọng ASEAN nữa”. Tháng 4/2016, Trung Quốc tuyên bố Brunei, Lào, Campuchia đạt được nhận thức chung trong cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, tức là do riêng các nước tuyên bố chủ quyền đàm phán giải quyết, chứ không phải toàn thể ASEAN tham gia. Cựu quan chức Ngoại giao Singapore cho rằng hành động này là muốn chia rẽ ASEAN, và nói Trung Quốc can thiệp vào nội chính ASEAN, gây áp lực cho các nước ASEAN.

II/ Singapore lo sợ cục diện cân bằng nước lớn bị phá vỡ 

Trải qua nhiều năm, chiến lược an ninh của Singapore đã xác định lấy ASEAN làm nền tảng, thông qua “lấy nội đối ngoại”, lợi dụng ASEAN để tranh thủ càng nhiều lợi ích khu vực, lại thông qua thúc đẩy “cân bằng nước lớn” đế “lấy ngoại đối nội”, lợi dụng sự tranh giành giữa các nước lớn để có được hòa bình và ổn định khu vực. Cân bằng nước lớn trở thành một khâu không thể thiếu trong chiến lược an ninh của Singapore, nước này rất lo sợ Trung Quốc mở rộng thế lực ở Biển Đông sẽ phá vỡ cục diện cân bằng.

Chiến lược “ngoại giao cân bằng nước lớn” của Singapore là không gạt bỏ sự hiện diện và ảnh hưởng của nước lớn tại Đông Nam Á, chủ động cùng với những nước này phát triển quan hệ về các mặt chính trị, kinh tế và an ninh, đồng thời lợi dụng ưu thế các nước lớn và mâu thuẫn giữa các nước này để thực hiện cân bằng thế lực nước lớn tại Đông Nam Á, ngăn chặn bất cứ thế lực của nước lớn nào quá mạnh để bảo vệ ổn định và an ninh khu vực. Lý Quang Diệu bày tỏ: “Nếu khu vực Đông Nam Á hình thành cục diện đa cực, năng lực ngăn chặn sức ép từ các nước lớn của chúng ta sẽ càng mạnh hơn. Trong tình hình tồn tại cùng lúc nhiều nước lớn, vai trò của mỗi nước lớn sẽ bị giảm đi, hơn nữa bằng cách khéo léo lợi dụng vai trò của các nước lớn, các nước nhỏ có thể tự do vận hành một cách tối đa”. Từ góc độ hiện thực của quan hệ quốc tế, Singapore thừa nhận ảnh hưởng của thế lực nước lớn tại Đông Nam Á, mà giữa các nước lớn tồn tại sự cạnh tranh, cho rằng sự tồn tại của thế lực nước lớn chưa chắc có hại. Sức ảnh hưởng của nước lớn đối với cộng đồng quốc tế rất lớn, trong sự phát triển quan hệ quốc tế, nước lớn đóng vai trò không thể thiếu. Kennedy từng nói: “Chỉ cần nước lớn là chủ thể hành vi chính, kết cấu của chính trị quốc tế sẽ được xác định theo nó”. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Lý Quang Diệu từng dự đoán: “Suy cho cùng, vận mệnh thế giới sẽ được quyết định bởi cường quyền và việc cường quyền có vận dụng sức mạnh của mình hay không. Thế lực của Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc sau này, cũng như sự kiểm soát của những nước này đối với bản thân và các nước đồng minh sẽ quyết định tình hình hòa bình và cạnh tranh thế lực. Chúng ta cần phải nhận thức rằng vận mệnh của Đông Nam Á sẽ không phải do người Đông Nam Á tự quyết định”. Singapore xuất phát từ tình thế của mình, tranh thủ sự can dự tích cực của nhiều nước lớn vào Singapore và Đông Nam Á để có được viện trợ kinh tế và sự hỗ trợ đa phương về chính trị, nhưng không kết đồng minh, tránh gánh vác nghĩa vụ quân sự và bị cuốn vào xung đột nước lớn. Đồng thời cố gắng tìm kiếm sự cân bằng thế lực giữa các nước lớn, ngăn chặn một thế lực nước lớn nào đó trong khu vực quá lớn mạnh, bởi nếu mất cân bằng, sẽ có thể dẫn đến sự mất ổn định. Tommy Kok, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Singapore tại Liên Hợp Quốc nói: “Không loại trừ sự can thiệp của nước lớn vào các công việc của khu vực, mà cần phải cân bằng sức ảnh hưởng của những nước này, đồng thời khiến cho những nước này đóng góp vào việc bảo vệ ổn định và phồn vinh của Đông Nam Á”.

Để bảo đảm lợi ích và an ninh của Singapore cũng như khu vực Đông Nam Á, Singapore khuyến khích các nước ngoài khu vực tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN, cho phép nước khác mở căn cứ quân sự lâu dài tại Singapore. Giai đoạn mới độc lập, Singapore để lực lượng của Mỹ vào bù đắp khoảng trống quyền lợi tạo thành do Anh rút quân. Trong khái niệm ngoại giao của Lý Quang Diệu, phát triển quan hệ ngoại giao với Mỹ, Nhật Bản là mấu chốt trong việc thực hiện ngoại giao cân bằng nước lớn của Singapore. Nhưng ông không mong muốn thế lực Mỹ bá quyền độc tài ở Đông Nam Á. Một Lý Quang Diệu giỏi về quyền mưu ý thức rõ được rằng cùng với việc thế lực Mỹ không ngừng mở rộng, khu vực Đông Nam Á cuối cùng sẽ rơi vào cảnh phụ thuộc Mỹ. Để bảo vệ ổn định khu vực Đông Nam Á, thực hiện phát triển tự do của Singapore tại khu vực này, khu vực Đông Nam Á cần phải có sự tồn tại của một thế lực lớn mạnh. Thông qua sự cạnh tranh lẫn nhau giữa hai dòng thế lực để hình thành sự cân bằng lực lượng, nước nhỏ có thể giành được không gian quốc tế của mình trong sự cân bằng giữa các nước lớn, từ đó tránh việc nghe theo một nước mạnh nào đó cuối cùng dẫn đến có hại cho cục diện vốn bất lợi của an ninh và chủ quyền quốc gia. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô với thực lực kinh tế và quân sự lớn mạnh trở thành lựa chọn tốt nhất để cân bằng lực lượng Mỹ-Nhật, cũng là một mắt xích quan trọng trong việc thực hiện ngoại giao cân bằng nước lớn của Singapore. Nếu không có sự can dự của thế lực Liên Xô, cả khu vực Đông Nam Á sẽ rơi vào trạng thái mất cân bằng, ngoại giao cân bằng nước lớn của Singapore sẽ mất đi ý nghĩa thiết thực. Vì vậy Singapore chủ động thân với Liên Xô, Liên Xô vốn có ý đồ mở rộng đối với Đông Nam Á và Ấn Độ Dương cũng tỏ ra có hứng thú với việc thực hiện tốt quan hệ hai nước. Tháng 6/1968, Singapore và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên trao đổi đại sứ. Liên Xô xây dựng tại Singapore Đại sứ quán Liên Xô to nhất châu Á, điều này cho thấy rõ quan hệ hai nước không ở mức thông thường. Đồng thời, Lý Quang Diệu cũng chú ý đến Trung Quốc, cho rằng thế giới không có sự tham gia của Trung Quốc thì không hoàn chỉnh. Tháng 5/1969, khi Lý Quang Diệu có chuyến thăm Mỹ và hội đàm với Nixon, kiến nghị Nixon nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc, chú ý đến sức mạnh của Trung Quốc hơn. “Trung Quốc càng lớn mạnh, càng có lợi cho việc cân bằng thế lực giữa 3 nước lớn Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, đó sẽ là cục diện càng an toàn đối với thế giới và Singapore”. Sau khi đế quốc Liên Xô sụp đổ, Singapore có phần e ngại sức mạnh Trung Quốc. Lý Quang Diệu từng bày tỏ: “Sức mạnh của Trung Quốc khiến cho các nước châu Á khác bao gồm cả Nhật Bản và Ấn Độ trong 20 năm tới không thể so bì, chúng ta cần Mỹ để cân bằng Trung Quốc”. Do đó trong chuyến thăm Mỹ năm 2009, Lý Quang Diệu kêu gọi Mỹ tích cực tham gia các công việc của Đông Nam Á để hình thành thế cân bằng với Trung Quốc, đồng thời nhắc nhở các nước láng giềng châu Á cần phải đề cao cảnh giác đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo quan điểm của Lý Quang Diệu: “Nếu Mỹ hoàn toàn rút quân ra khỏi bản đồ Đông Nam Á, và Trung Quốc trở thành cường quốc chủ đạo duy nhất, như vậy tình hình chắc chắn sẽ trở nên càng nghiêm trọng, bởi vì nếu lỡ có lỗi lầm nhỏ chọc giận Trung Quốc, họ không cần phát động tấn công xâm lược cũng có thể đối phó được”.

Có sự cân bằng nước lớn mang tính định hướng. Lâu nay Singapore đều tự đặt mình vào thế trung lập. Trên thực tế, cân bằng nước lớn của Singapore mang tính chọn lọc và phân cấp, là cân bằng lấy Mỹ làm trung tâm. Bảo vệ an ninh quốc gia, phát triển kinh tế nhà nước là mục tiêu cuối cùng của Singapore. Có thể gạt bỏ được mối lo an ninh của Singapore, mang lại sự thịnh vượng về kinh tế chắc chắn là mục tiêu cao nhất trong hệ thống cân bằng nước lớn của Singapore, và Mỹ chính là một nước lớn như vậy. Mỹ là siêu cường duy nhất, nước chế định chính của trật tự thế giới và thống trị thế giới, có năng lực tấn công quân sự toàn cầu mà không nước nào có thể so bì, tổng lượng kinh tế vững chắc ở ngôi vị đầu bảng. Lý Quang Diệu hoàn toàn tin tưởng thực lực của Mỹ: “Chỉ cần thế giới tiếp tục lấy kinh tế làm chủ đạo, chỉ cần Mỹ vẫn có thể tiếp tục giữ được vị trí hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới khoa học kỹ thuật, như vậy kể cả EU hay Nhật Bản, Trung Quốc, trong 10 năm tới không có nước nào có thể thay thế vai trò của Mỹ”. Mỹ cũng cần có “điểm tựa” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Singapore có vị trí địa lý mang tính chiến lược toàn cầu, lại là “quân sư” của ASEAN, có thể giúp Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng khu vực tại Đông Nam Á. Singapore dựa vào đó để ràng buộc lợi ích của mình với lợi ích của Mỹ ở Đông Nam Á, từ đó mưu cầu tối đa hóa lợi ích. Tuy Singapore cũng từng dẫn dắt Liên Xô, Trung Quốc cân bằng sức ảnh hưởng của Mỹ, Nhật Bản, nhưng chỉ là để tránh lực lượng Mỹ quá mạnh khiến Singapore cảm thấy “nghẹt thở”. Singapore mong muốn dưới sự chủ đạo của Mỹ để duy trì sự “ổn định lâu dài” của nước mình. Ngoại giao cân bằng nước lớn của Singapore luôn xoay quanh Mỹ, Mỹ là trung tâm chuyển động và kéo dài của ngoại giao cân bằng nước lớn của Singapore. Thực lực đang không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông về khách quan đã tạo thành thách thức cho sự cân bằng nước lớn khu vực Đông Nam Á mà Mỹ chủ đạo, động chạm đến bố cục cân bằng mà Singapore lâu nay tạo dựng.

III/ Chính sách Biển Đông của Singapore 

Chính sách ngoại giao của Singapore về vấn đề Biển Đông có thể tổng kết như sau: Singapore không phải là nước tranh chấp, không có đòi hỏi về chủ quyền tại Biển Đông, giữ lập trường trung lập không nghiêng về bên nào; Singapore quan tâm vấn đề Biển Đông là vì Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông liên quan đến lợi ích kinh tế của nước này; Singapore hy vọng các bên tranh chấp kiềm chế; Singapore kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Trên thực tế nhìn biểu hiện hành vi của Singapore, biểu hiện hành vi ngoại giao của nước này trong vấn đề Biển Đông đã dần xa rời lập trường trung lập, nghiêng sang thân Mỹ kiềm chế Trung Quốc. Singapore cho rằng địa vị nước lớn và nước nhỏ không ngang nhau, đàm phán giữa nước nhỏ và nước lớn không thể công bằng. Chỉ có thông qua luật quốc tế, quyền lợi nước nhỏ mới có thể được bảo đảm.

Trong 5 năm qua, Singapore vừa giương cao lá cờ “trung lập”, vừa dần hướng về phương Tây. Năm 2011, tàu tuần tra “Hải tuần 31” của Trung Quốc đến thăm Singapore. Sau đó, Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố Singapore không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng bất cứ vấn đề nào ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển quốc tế đều liên quan đến lợi ích then chốt của Singapore. Tuyên bố này được hiểu là Singapore và Trung Quốc “vạch rõ giới hạn”. Năm 2012, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng với Ngoại trưởng Sanmugam trong các dịp khác nhau đã bày tỏ rằng Singapore trong vấn đề Biển Đông luôn giữ lập trường trung lập, không lựa chọn đứng về bên nào, đề xướng các nước liên quan đến tranh chấp tự giải quyết. Nhưng cùng năm đó, Bộ Quốc phòng Singapore đồng ý cho Mỹ bố trí 4 tàu chiến đấu ven biển. Năm 2013, thái độ công khai trong vấn đề Biển Đông của Bộ Ngoại giao Singapore vẫn là giữ lập trường trung lập, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng luật quốc tế. Sau đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến thăm Mỹ, bày tỏ hoan nghênh Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương và chào đón sự ra đời của TPP. Năm 2014, tuyên bố công khai của Bộ Ngoại giao Singapore đối với vấn đề Biển Đông là: “Singapore quan tâm đến sự phát triển của tình hình Biển Đông. Kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành vi có thể khiến tình hình căng thẳng ở Biển Đông leo thang. Nhắc nhở các bên tranh chấp xử lý tranh chấp một cách hòa bình trong khuôn khổ luật quốc tế”. Tháng 3/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore trong một cuộc phỏng vấn công khai đã “mời” Ấn Độ tham gia can thiệp vào vấn đề Biển Đông, “Ấn Độ là một nước lớn có tầm ảnh hưởng, hy vọng sự hiện diện và tham gia của nước này ở Biển Đông có thể tăng cường lòng tin và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”. Tháng 8/2015, Ngoại trưởng Singapore Sanmugam bày tỏ “các nước ngoài khu vực có quyền lên tiếng về vấn đề Biển Đông”. Cuối năm 2015, Singapore đồng ý cho Mỹ bố trí máy bay săn ngầm P-8 Poseidon. Từ năm 2016 đến nay, thái độ thân Mỹ kiềm chế Trung Quốc của Singapore càng rõ rệt. Mặc dù Singapore một dạo nêu chiêu bài không giữ lập trường trong vấn đề Biển Đông, không “lựa chọn đứng về bên nào”. Nhưng với các hành vi trên, thái độ thân Mỹ kiềm chế Trung Quốc đã lộ rõ chân tướng.

Về chính sách đối với Trung Quốc của Singapore, Singapore luôn thi hành chính sách kinh tế trên hết, tách rời chính trị với kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc. Sau khi độc lập, Singapore tuyên bố chào đón tất cả bạn bè, hy vọng thông thương với các nước trên thế giới, trong đó bao gồm Trung Quốc. Đồng thời, Singapore bày tỏ phải là nước ASEAN cuối cùng chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc phát triển quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Singapore. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu với nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã xây dựng một tình bạn sâu sắc, Trung Quốc rất xem trọng mô hình phát triển của Singapore. Năm 1985, nhà kinh tế nổi tiếng, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên, Phó Thủ tướng Singapore Ngô Khánh Thụy sau khi nghỉ hưu đã nhận lời mời đến Trung Quốc, vạch ra kế hoạch cải cách mở cửa cho Trung Quốc. Thương mại song phương giữa hai nước phát triển nhanh chóng. Từ 2013 đến nay, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, Singapore cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Trong chiến lược thúc đẩy “Một vành đai, một con đường”, Singapore cũng phát huy vai trò quan trọng. Do nhất quán sách lược tách rời chính trị với kinh tế, Singapore sẽ không vì quan hệ chặt chẽ về kinh tế thương mại mà dễ dàng thay đổi lập trường trong vấn đề Biển Đông, nhưng quan hệ hai nước chưa đến mức xấu đi quá nhiều.

Singapore luôn theo đuổi sách lược “cân bằng nước lớn”, chủ trương xây dựng bố cục cân bằng Mỹ-Trung Quốc-Nhật Bản-Ấn Độ tại châu Á-Thái Bình Dương. Sách lược cân bằng nước lớn của Singapore có lợi và cũng có hại đối với Trung Quốc. Khi thế lực Liên Xô còn lớn mạnh, để kiềm chế sự bành trướng của Liên Xô, Singapore ra sức cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, lập công lớn trong việc xây dựng quan hệ Trung-Mỹ. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ ASEAN với Trung Quốc lạnh nhạt. Sau Chiến tranh Lạnh, Singapore trở thành “cầu nối” cho quan hệ qua lại giữa Trung Quốc và ASEAN, để Trung Quốc và ASEAN luôn duy trì được quan hệ đối thoại, đóng vai trò xây dựng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Nhưng cùng với việc thực lực Trung Quốc không ngừng tăng lên, Singapore cũng không ngừng điều chỉnh sách lược, thực hiện kiềm chế Trung Quốc. Lý Quang Diệu từng bày tỏ: “Trong quan hệ ngoại giao, không có tình bạn cá nhân, chỉ có lợi ích quốc gia”. Singapore hết sức khuyến khích ASEAN nhất trí trong chính sách đối với Trung Quốc, “hợp lực” giải quyết vấn đề Biển Đông. Đối với tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, Trung Quốc luôn chủ trương tiến hành thỏa hiệp song phương với các nước đòi hỏi chủ quyền, phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, đó là nguyên tắc cơ bản của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đồng thời cũng là ngưỡng giới hạn không thể vượt qua của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Cách làm khuyến khích các nước ASEAN “thống nhất” và lôi kéo nước lớn ngoài khu vực của Singapore trên thực tế làm trầm trọng thêm tính phức tạp trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc, gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Sự liên hệ mật thiết về ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Singapore chính là trụ cột mạnh mẽ cho sự phát triển lâu dài quan hệ hai nước. Xây dựng quan hệ Trung Quốc-Singapore lành mạnh ổn định là sự bảo đảm cơ bản trong việc phát triển lòng tin chính trị, hợp tác sâu sắc về kinh tế của hai nước Trung Quốc và Singapore. Hai nước phải xây dựng quan hệ lành mạnh ổn định, điều kiện trước tiên là đôi bên không gây tổn hại lợi ích quốc gia của nhau, đặc biệt là lợi ích cốt lõi của quốc gia. Vấn đề Biển Đông liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm đến nỗi “lo ngại” của Singapore, từ tầm cao chiến lược phát triển hòa bình ổn định khu vực Đông Nam Á, dùng tình cảm và lý lẽ để Singapore thấu hiểu, đề cao hợp tác kinh tế Trung Quốc-Singapore, mở rộng phát triển đa phương diện chính trị và văn hóa Trung Quốc-Singapore, tích cực thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Singapore đạt được phát triển lành mạnh ổn định.

Gao Qun Bin, Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Học viện Quan hệ Quốc tế, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Chen Han Bing, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Học viện Quan hệ Quốc tế, PLA. Bài viết được đăng trên First Thinktank (Trung Quốc).

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]