Tác giả: Lê Vĩnh Triển
Môi trường chính trị Việt Nam tương đối khó nắm bắt. Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCS) nắm quyền kiểm soát chính trị một cách tuyệt đối như đã nêu trong hiến pháp của nước này. Điều đó thường dẫn đến việc đàn áp những người hoạt động chính trị và bất đồng chính kiến. Thành phần chính trị này có khuynh hướng chung là chống đảng cộng sản, họ tuy có thể khác nhau về cách thức hoạt động cũng như mục tiêu, nhưng thường chia sẻ quan điểm chung là ĐCS không hiệu quả trong việc quản lý kinh tế đất nước cũng như trong việc đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Hầu hết những người này tin rằng ĐCS nên nhường bước và thậm chí cần được loại bỏ trong tương lai dân chủ của đất nước.
Tuy nhiên, cả phía “đối lập” lẫn ĐCS đều đánh giá sai lẫn nhau ở khía cạnh trấn áp và khả năng dân chủ hóa. Sự đánh giá sai này làm cản trở tiềm năng dân chủ của Việt Nam. Tác giả bài viết đưa ra một số ý kiến nhằm thuyết phục cả hai phía rằng một mô hình dân chủ mà trong đó ĐCS nắm vai trò chủ đạo là khả thi.
Sự thật là ĐCS duy trì một bộ máy an ninh lớn, hiệu quả trong việc trấn áp đối kháng. Tuy nhiên, có thể nói sự trấn áp là tương đối mềm. Trong nhiều trường hợp, khi xử lý những nhà hoạt động và đối lập chính trị, chính quyền cộng sản đã tỏ ra tương đối nhân nhượng.
Mức độ trấn áp, vốn được mô tả một cách không thống nhất trong các nghiên cứu về Việt Nam, cho thấy sự lưỡng nan của ĐCS. Một số lãnh đạo thủ cựu cứng rắn với đối lập chính trị trong khi số khác có thể nhân nhượng hơn vì thừa nhận lý lẽ đằng sau những chỉ trích của phía đối lập. Kết quả là những quan điểm khác biệt này dẫn đến những chính sách trấn áp không nhất quán. Ngoài ra, nỗi sợ về một sự trả thù trong tương lai đối với việc đàn áp tàn nhẫn cùng với việc nhận ra ít nhiều giá trị của các chỉ trích đã có tác động hai mặt đối với ĐCS. Chính quyền vừa đầu tư nhiều hơn cho hệ thống trấn áp vừa lưỡng lự trong việc thể hiện chuyên chế.
Còn về phía đối lập, các nạn nhân của việc đối kháng với ĐCS không cho rằng chính quyền có sự nhượng bộ. Thay vào đó, họ liên tục kêu gọi sự quan tâm đến sự đàn áp mạnh tay của chính quyền cộng sản. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu chỉ trích sự khắc nghiệt của sự đàn áp của ĐCS mà không so sánh nó với các chính quyền cộng sản hay chuyên chế khác. Kết quả là, phía chỉ trích càng tin rằng những người cộng sản không nên có mặt trong hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam trong tương lai. Hơn nữa, phía đối lập còn nhấn mạnh sự thất bại của ĐCS khi xử lý tham nhũng như một lý do cho việc ĐCS không thể can dự vào một hệ thống bầu cử dân chủ.
Như vậy, hai vấn đề của một cái vòng luẩn quẩn có thể nhận ra: Sự lưỡng nan của ĐCS (trong việc ra tay đàn áp) xuất phát từ nỗi lo sợ bị lật đổ và trả thù, và sự nhấn mạnh (thái quá) của phía đối lập vào sự đàn áp của đảng. Nếu hai điểm này được hóa giải, việc hiểu sai về nhau của cả hai bên sẽ giảm bớt.
Khi so sánh với Trung Quốc (dưới sự cai trị của cả Mao lẫn Tưởng) và Bắc Hàn, nhà nước cộng sản Việt Nam được cho là yếu hơn và kém ổn định hơn, bởi vì Việt Nam đeo đuổi một cách thức chung sống mà trong đó giới tinh hoa (lãnh đạo) được cho là ít nhiều thỏa hiệp với nhau, trong khi các lãnh đạo ở Trung Quốc và ở Bắc Hàn cạnh tranh một mất một còn với nhau. Nếu so sánh, sẽ thấy ngay từ lúc thành lập, nhà nước cộng sản ở Việt Nam tương đối mong manh hơn xét ở khía cạnh thiếu nhất quán về ý thức hệ và không chặt chẽ trong tổ chức hệ thống chính trị.
Trong quá trình cải cách kinh tế, các nhà nghiên cứu đã cho thấy những khác biệt quan trọng của quá trình chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam và Trung Quốc. Mặt dù hai quốc gia đều cải cách kinh tế mà không thay đổi chính trị, sự nhượng bộ của giới lãnh đạo Việt Nam dẫn đến một hệ thống ít tập trung quyền lực về trung ương hơn, “phá rào” trong kinh tế và cởi mở hơn trong chính trị. Hiện tượng thỏa hiệp này ít thấy ở Trung Quốc.
Đó có thể là một đặc điểm của văn hóa Việt hay không? Tính cách thiếu quả quyết, dễ nhân nhượng và có khuynh hướng thỏa hiệp có thể đã được củng cố kể từ sau chiến tranh Việt Nam khi mà người dân từ hai phía (bắc và nam) đã từng là đồng hương ở các tỉnh, làng quê, hay thậm chí là người cùng gia đình. Rõ ràng, sự tàn bạo trong chính sách đàn áp cần được lưu ý và lên án là kém văn minh. Tuy nhiên, nếu đánh giá lý thuyết cộng sản ở khía cạnh triệt tiêu tàn bạo các quan điểm chính trị khác, thì chính sách đàn áp được thực thi ở Việt Nam từ sau thống nhất có thể được xem là mang tính nhân nhượng hơn so với Trung Quốc và Bắc Hàn.
Mặc dù Việt Nam là một nhà nước cộng sản, Việt Nam thiếu một sức mạnh chuyên chế và sự nhất quán ý thức hệ đủ tàn bạo để trấn áp hoàn toàn đối lập. Tóm lại, thế lưỡng nan (hay lưỡng lự) của nhà nước cộng sản Việt Nam trong việc đàn áp có thể có nguồn gốc từ quá trình phát triển riêng của mình, được củng cố bởi sự thống nhất nam và bắc, cũng như bởi tiến trình cải cách kinh tế sau đó. Mức độ tàn bạo ở Việt Nam ít hơn nhiều và các chính sách trấn áp nhân nhượng hơn khi so với các nước Đông Á khác như Trung Quốc và Bắc Hàn. Từ đó, có thể cho rằng sự lo sợ trả thù của lãnh đạo cộng sản Việt Nam nếu họ chia sẻ quyền lực là không hoàn toàn thuyết phục.
Vì vậy, việc Việt Nam thiếu một đảng nhất quán về ý thức hệ, đủ tàn bạo để trấn áp đối lập trong hoàn cảnh văn hóa Việt có thể được xem là một nhân tố tích cực và thuận lợi cho một hệ thống dân chủ về lâu dài. Hơn nữa, nếu sự bao dung về chính trị của nhà nước được đánh giá một cách công bằng, khách quan, thì có thể tạo điều kiện để các bên đối lập chấp nhận ĐCS trong việc hình thành một hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam. Với việc các chính sách có phần nhân nhượng lâu nay của ĐCS được công chúng thừa nhận, ĐCS có thể tin rằng họ không phải đối phó với việc trả thù từ phía công chúng và đối lập.
Một cách nhìn vượt trên định kiến thông thường như trên là cần thiết để lý giải những góc khuất trong nhận thức của ĐCS về hệ quả của việc chia sẻ quyền lực cũng như của bên đối lập về khả năng hợp tác với ĐCS. Trên cơ sở này, chấp nhận một hệ thống chính trị dân chủ đa đảng mà trong đó ĐCS giữ vai trò chủ yếu, có thể được xem như là một mô hình tuy lý tưởng hóa nhưng phù hợp, trong hoàn cảnh mà việc chuyển đổi từ nhà nước một đảng sang một nhà nước đa đảng dân chủ thực thụ là hiếm hoi trên thế giới.
Lê Vĩnh Triển là học giả khách mời tại Trung tâm Sigur về Nghiên cứu châu Á, Đại học George Washington, Hoa Kỳ.
Một phiên bản bằng tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên CogitAsia.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]