Nguồn: Imbi Paju, “Baltic Dread”, Project Syndicate, 24/02/2017.
Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Tin tức truyền thông gần đây tràn ngập những suy đoán về việc liệu có hay không hoặc khi nào thì Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phân chia thế giới với nhau. Người Estonia chúng tôi cũng như các nước Baltic khác lo sợ một lần nữa lại bị đưa vào vùng ảnh hưởng của Nga. Thật vậy, đối với nhiều người dân Baltic, những ký ức bị kìm nén về tra tấn, trục xuất, và tháo chạy – những trải nghiệm từ lịch sử gần đây thôi- một lần nữa lại bùng nổ trong tâm thức của chúng tôi.
Ở vùng Baltic này, chúng tôi hiểu rõ cảm giác đất nước mình trở thành quân cờ trong một trò chơi lớn toàn cầu nào đó về tiền bạc và sự thao túng là như thế nào. Chúng tôi chưa quên Hiệp ước Molotov-Ribbentrop (Hiệp ước bất tương xâm giữa Đức và Liên Xô – ND) hay các nghị định thư bí mật đính kèm mà theo đó Joseph Stalin và Hitler vào năm 1939 đã thay đổi số phận của đất nước chúng tôi một cách chóng vánh. Làm sao chúng tôi có thể quên được cơ chứ? Ngay năm sau đó, cảnh sát mật của Liên Xô đã bắt đầu bắt giữ và giết hại ông bà, cha mẹ của chúng tôi.
Chúng tôi còn có một ký ức đen tối khác vào thời gian đó: sự hợp tác và xoa dịu với kẻ thủ. Giống như bất cứ ai đã từng trải qua sự chiếm đóng, các chế độ bạo lực hay chiến tranh tàn bạo, chúng ta biết rằng niềm tin, thứ cần rất nhiều thời gian để xây dựng, có thể bị vứt bỏ ngay lập tức. Những kẻ vô đạo đức dễ dàng nhận hối lộ để phản bội.
Điều này trở nên đúng với hoàn cảnh hiện tại hơn bao giờ hết. Ở Phần Lan, Estonia, và khắp châu Âu, chúng ta đang chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại sâu sắc, với các giá trị và nguyên tắc truyền thống bị băng hoại bởi thủ đoạn chính trị và tiền bạc. Sự xoa dịu đối với chế độ chuyên chế ở Nga rõ ràng có thể đã được mua bằng tiền.
Làm thế nào chúng ta có thể chống lại các lực lượng này? Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học, tin rằng, bằng cách cải thiện thế giới nội tâm của con người, chúng ta có thể cải thiện thế giới bên ngoài. Ông lập luận rằng văn hóa – hay tất cả kiến thức nuôi dưỡng lương tâm xã hội – có thể là sự cứu rỗi của chúng ta.
Trước cách mạng năm 1917, bản thân nước Nga tràn đầy hy vọng trong khía cạnh này. Tất cả các công trình của Freud đều được dịch sang tiếng Nga. Nhiều người trong số các nghệ sĩ, học giả, và bác sĩ hàng đầu, sau thời gian học tập ở các thủ đô châu Âu, đã đóng vai trò như những nhịp cầu văn hóa. Những người như Mikhail Bulgakov, Marina Tsvetaeva, Alexander Blok, Nikolai Berdyaev, và Wassily Kandinsky tất cả đều chịu tác động bởi phép màu của Freud.
Sau đó, cuộc cách mạng đã đến. Nhà phân tâm học Nga Tatiana Rosenthal tin rằng bà có thể hòa giải chủ nghĩa Mác với phân tâm học. Nhưng Liên Xô đã sớm khủng bố, đàn áp, và giết những người bà kính trọng, và phá hủy các cuốn sách của Freud, cùng với hàng chục triệu người khác. Ngay sau đó, họ bóp méo phân tâm học để phục vụ lợi ích riêng của mình, sử dụng nó để “chữa bệnh” bất đồng chính kiến. Năm 1921, ở tuổi 36, Rosenthal đã tự tử.
Một thế hệ sau đó, Estonia cũng trải qua sự khủng bố tương tự. Khi sự chiếm đóng bắt đầu vào năm 1940, các lực lượng Xô-viết bắt đầu tước đi trí lực và ký ức phương Tây của người Estonia bằng cách tiêu hủy khoảng 26 triệu cuốn sách. Trong thời kỳ trục xuất hàng loạt năm 1949, khi mà 22.000 người bị lưu đày đến Siberia, những thư viện cá nhân cuối cùng cũng đã bị thiêu rụi.
Tất nhiên, luôn có những người hợp tác với kẻ địch. Năm 1941, Max Laosson, tác giả và biên tập viên của một tạp chí phân tâm học Estonia, đã tham gia một đội quân hủy diệt của Liên Xô. Trong khi cuộc sống và sự nghiệp của những người người bạn cũ của ông ta đều tiêu tan, thì ông ta đã thăng tiến nhanh chóng qua các cấp, cuối cùng trở thành một viên chức cộng sản cấp cao. Đối với Laosson, hợp tác với Liên Xô là một chiến lược sinh tồn; nó góp phần vào sự hủy diệt văn hóa và niềm tin, nhưng nó hiệu quả.
Đối với Freud, ông bị đẩy vào lưu vong bởi chế độ Hitler. Vào năm 1939, khi đang sống ở London, ông quan sát thấy lý thuyết của ông cho rằng con người có bản năng muốn hủy diệt đã được chứng minh. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì hy vọng rằng dù văn hóa không thể chữa trị sự hủy diệt của con người, nó có thể giúp chúng ta hạn chế bớt những bản năng này, ít nhất là trong thế giới bên ngoài mà chúng ta cùng chung sống.
Liệu Freud – người đã qua đời trước khi Đức Quốc xã bắt đầu thiêu chết các nạn nhân trong các trại tập trung – có đúng khi cho rằng con người chúng ta có khả năng kiềm chế thôi thúc muốn hủy diệt của chúng ta?
Tác giả và nhà làm phim người Phần Lan Jörn Donner đã từng viết rằng những cuốn sách không có khả năng ngăn chiến tranh. Tôi còn nhớ tôi bị sốc mạnh như thế nào khi lần đầu tiên đọc nó. Estonia đã giành lại được độc lập của mình, và tôi đã tìm kiếm một lời giải đáp cho mẹ tôi, người đã bị đưa đến các trại cải tạo lao động của Liên Xô (Gulag) từ khi còn là một cô gái trẻ. Lời giải đáp đó sẽ, ít nhất là một phần nào, mang hình thức của một cuốn sách.
Tôi đã và vẫn tin tưởng rằng văn hoá, như Freud định nghĩa, có thể cứu nhân loại bằng cách đảm bảo rằng lịch sử sẽ không lặp lại. Đối với nhiều người, các mạng lưới và những câu chuyện từ thời Liên Xô vẫn phải tồn tại trong bóng tối. Vì thế, tôi đã thực hiện những bộ phim và viết sách để phơi bày các mẫu hình tư duy và hành vi nằm dưới các mệnh lệnh tàn phá dẫn đến việc giết chóc và phản bội láng giềng của một ai đó.
Tuy nhiên, một số người bây giờ cho rằng các mạng lưới và những câu chuyện mang tính phá hủy đó đang thức dậy một lần nữa. Và khi các lực lượng mạnh mẽ – ý thức hệ, tiền bạc, lòng đố kỵ, hay tội lỗi – được kích hoạt, luôn có những người sẵn sàng phản bội hoặc kiểm duyệt người khác. Cái ác tầm thường mà Hannah Arendt đã từng đề cập tới vẫn còn rất sống động.
Theo triết gia Pháp Julia Kristeva, các nền văn hóa chết đi, nhưng chúng cũng có thể giết chết người. Tôi thậm chí không còn tin rằng tự do ngôn luận có thể là điều đương nhiên nữa. Nhưng, như Freud, tôi vẫn hy vọng rằng – với sự giúp đỡ không chỉ của văn hóa, mà còn của một xã hội dân sự sẵn sàng bảo vệ nó – chúng ta có thể học cách kiểm soát những ham muốn hèn hạ nhất của chúng ta, và tránh được một sự phân chia thảm khốc khác của thế giới.
Imbi Paju là nhà làm phim và tác giả của cuốn sách Memories Denied.
Copyright: Project Syndicate 2017 – Baltic Dread
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]