Nguồn: Robert J. Shiller, “Robotization without taxation?”, Project Syndicate, 22/03/2017.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ý tưởng đánh thuế robot được đưa ra vào tháng 5 năm ngoái trong một bản báo cáo sơ bộ nộp cho Nghị viện Châu Âu do nghị sĩ Mady Delvaux soạn thảo. Nhấn mạnh vào việc robot có thể làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập như thế nào, báo cáo cho rằng có thể “cần áp dụng các quy định bắt buộc các công ty báo cáo về mức độ và tỷ lệ đóng góp của robot và trí thông minh nhân tạo (AI) vào kết quả kinh doanh của một công ty nhằm mục đích đánh thuế và đóng góp an sinh xã hội.”
Phản ứng của công chúng với đề xuất của Delvaux là cực kỳ tiêu cực, trừ ngoại lệ đáng chú ý là Bill Gates, người ủng hộ nó. Nhưng chúng ta không nên vội vàng gạt bỏ ý kiến này. Chỉ trong năm qua, chúng ta đã thấy sự phát triển của những thiết bị như Google Home và Amazon Echo Dot (Alexa) vốn có khả năng thay thế một số khía cạnh của quản lý công việc nhà. Tương tự, các dịch vụ taxi không người lái Delphi và nuTonomy đã bắt đầu thay thế tài xế taxi. Và Doordash, sử dụng các thiết bị tự lái mini Starship Technologies, đang dần thay thế các nhân viên giao vận của các nhà hàng.
Nếu các tiến bộ này và các tiến bộ khác nữa trong việc thay thế lao động thành công, chắn chắn việc kêu gọi đánh thuế chúng sẽ trở nên thường xuyên hơn. Điều này là bởi các vấn đề nổi lên khi người dân mất việc làm- thường là các công việc mà họ gắn bó chặt chẽ, và là những công việc mà họ đã phải chuẩn bị trong nhiều năm mới làm được. Những người lạc quan chỉ ra rằng luôn có việc làm mới cho những việc làm được thay thế bởi công nghệ; nhưng, khi cuộc cách mạng robot tăng tốc, những hoài nghi liệu điều này có trở thành hiện thực hay không tiếp tục tăng lên. Những người ủng hộ việc đánh thuế robot hy vọng rằng nó sẽ làm chậm lại quá trình này, và cung cấp ngân sách để chi cho các điều chỉnh, như các chương trình tái đào tạo cho những người lao động bị đào thải.
Các chương trình như vậy có thể cần thiết tương tự như việc chúng ta cần làm việc để có được cuộc sống khỏe mạnh. Trong cuốn sách của mình, Rewarding Work, Edmund S. Phelps nhấn mạnh tầm quan trọng căn bản của việc duy trì một “vị trí trong xã hội – một công việc”. Khi người ta không còn khả năng tìm việc để chu cấp cho gia đình, những hậu quả nghiêm trọng sẽ theo sau, như Phelps nhấn mạnh, “sự vận hành của cả một công đồng có thể bị hủy hoại.” Nói cách khác, có những ảnh hưởng ngoại hiện do quá trình robot hóa khiến chính phủ cần phải can thiệp.
Các nhà phê bình việc đánh thuế robot nhấn mạnh rằng sự mơ hồ của cụm từ “robot” khiến việc xác định đối tượng đóng thuế rất khó khăn. Họ cũng nhắc đến các lợi ích mới khổng lồ, không thể chối cãi của robot đối với việc gia tăng năng suất.
Nhưng cũng không nên nhanh chóng loại bỏ việc ít nhất là đánh một khoản thuế robot khiêm tốn trong quá trình chuyển dịch tới một thế giới việc làm khác. Một khoản thuế như vậy nên là một phần của một kế hoạch rộng lớn hơn nhằm quản lý các hậu quả của cuộc cách mạng robot.
Tất cả các khoản thuế, trừ “thuế khoán”, đều gây méo mó nền kinh tế. Nhưng không một chính phủ nào có thể áp đặt thuế khoán – một mức khoán cho tất cả mọi người bất kể thu nhập hay chi tiêu ra sao – vì nó sẽ ảnh hưởng nhiều nhất lên những người có thu nhập thấp hơn, và nghiền nát người nghèo, những người có thể sẽ không thể chi trả được. Vậy nên các khoản thuế phải liên quan đến một vài hoạt động nói lên khả năng đóng thuế, và dù hoạt động đó có là gì thì thuế cũng sẽ khiến hoạt động đó bị kiềm chế.
Frank Ramsey xuất bản một bài báo kinh điển vào năm 1927, cho rằng để làm giảm tối thiếu những méo mó gây ra bởi thuế, ta cần đánh thuế tất cả mọi hành vi, và ông đề xuất cách đặt mức thuế suất. Học thuyết trừu tượng của ông chưa bao giờ là một nguyên tắc hoàn toàn khả thi cho việc xác định mức thuế suất thực tế, nhưng chúng đưa ra một ý kiến mạnh mẽ chống lại việc cho rằng thuế nên bằng không với tất cả ngoại trừ một vài hoạt động, hoặc tất cả các hoạt động nên bị đánh thuế ở cùng một mức.
Các hoạt động tạo ra các ảnh hưởng ngoại hiện (tiêu cực) có thể có mức thuế cao hơn mức Ramsey sẽ đề xuất. Ví dụ, thuế đối với đồ uống có cồn là phổ biến. Nghiện rượu là một vấn đề xã hội lớn. Nó hủy hoại hôn nhân, gia đình và cuộc sống. Từ năm 1920 đến năm 1933, Hoa Kỳ đã cố gắng can thiệp vào thị trường nhiều hơn nữa: cấm hoàn toàn đồ uống có cồn. Nhưng hóa ra họ lại không thể tiêu diệt được việc tiêu thụ rượu. Thuế rượu đi kèm với sự chấm dứt của thời kỳ Cấm Đoán đồ uống có cồn là một kiểu gây tác động kiềm chế nhẹ nhàng hơn.
Thảo luận về thuế robot nên cân nhắc những lựa chọn thay thế mà chúng ta có để đối phó với sự bất bình đẳng đang gia tăng. Sẽ hợp lý hơn khi cân nhắc một kiểu thuế thu nhập mang tính lũy tiến hơn và một mức “thu nhập cơ bản.” Nhưng, các giải pháp này không được ủng hộ rộng khắp. Nếu sự ủng hộ không rộng khắp, khoản thuế này, dù có được áp đặt, cũng sẽ không lâu bền.
Khi thuế cho nhóm thu nhập cao tăng lên, thường là trong thời chiến, nó chỉ là tạm thời. Cuối cùng, hầu hết mọi người đều cho rằng khi đánh thuế những người thành công để làm lợi cho những người không thành công là hạ thấp phẩm giá của những người không thành công, và thậm chí những người nhận trợ cấp cũng thường không thật sự muốn chúng. Các chính trị gia biết điều đó: họ thường không vận động đề xuất tịch thu của nhóm thu nhập cao và bù đắp cho nhóm thu nhập thấp.
Vì vậy, thuế phải được sắp xếp lại để khắc phục bất bình đẳng thu nhập gây ra bởi quá trình robot hóa. Việc đánh thuế vào robot thay vì chỉ những người có thu nhập cao có thể dễ chấp nhận hơn về mặt chính trị, và nhờ đó bền vững hơn. Và mặc dù nó không đánh thuế sự thành công của cá nhân con người, như trong trường hợp thuế thu nhập, thì thực tế nó hàm ý việc đánh thuế cao hơn đối với nhóm thu nhập cao hơn, nếu khoản thu nhập đó là từ các hoạt động liên quan đến việc thay thế con người bằng robot.
Một khoản thuế vừa phải đối với robot, dù rằng một khoản thuế tạm thời chỉ để làm chậm lại việc áp dụng các công nghệ gây xáo trộn, dường như là một thành tố tự nhiên của một chính sách nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng. Doanh thu thuế có thể được dành cho bảo hiểm tiền lương, nhằm giúp những người bị thay thế bởi công nghệ mới chuyển sang một nghề nghiệp khác. Điều này sẽ phù hợp với cảm quan tự nhiên của chúng ta về công lý, và nhờ đó có lẽ nó sẽ tồn tại lâu dài.
Robert J. Shiller, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2013, là giáo sư ngành kinh tế học tại Đại học Yale và là đồng tác giả của Chỉ số Case-Shiller về giá cả nhà ở tại Mỹ. Ông là tác giả cuốn Irrational Exuberance, tái bản lần thứ 3 vào tháng 1 năm 2015, và gần đây nhất là cuốn Phishing for Phools: The Economics of Manipulation and Deception, đồng tác giả với George Akerlof.
Copyright: Project Syndicate 2017 – Robotization without taxation?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]