Đằng sau làn sóng cổ phần hóa mới của Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Le Hong Hiep, “Vietnam’s New Wave of SOE Equitization: Drivers and Implications,” ISEAS Perspective, No. 57 (2017).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Dẫn nhập

Trong 30 năm qua, việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một phần quan trọng trong các cải cách kinh tế của Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Tuy nhiên, đây cơ bản vẫn là một công việc còn dang dở. Sau khi các DNNN lớn như Vinashin và Vinalines sụp đổ gây tác động xấu lên nền kinh tế, từ năm 2011, cải cách DNNN một lần nữa nổi lên là một nhiệm vụ cấp bách của đất nước.

Sau Đại hội Đảng 12 hồi tháng Giêng năm 2016 và việc thành lập một chính phủ mới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu ba tháng sau đó, đã có nhiều nỗ lực đáng kể để đẩy nhanh cải cách DNNN. Để chỉ đạo quá trình này, Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành một nghị quyết về tái cấu trúc các DNNN. Trong số các biện pháp chủ chốt được thông qua có việc đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và thoái vốn khỏi các DNNN đã cổ phần hoá nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần, vốn góp đa số.

Bài viết này nhìn lại quá trình cải cách các DNNN của Việt Nam trong 30 năm qua trước khi tập trung vào các nỗ lực gần đây nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DNNN, cũng như những động lực chính đằng sau quá trình này. Cuối cùng, bài viết thảo luận về những tác động của quá trình này đối với nền kinh tế Việt Nam.

Cổ phần hóa: Tư nhân hóa mang đặc sắc Việt Nam

Trong những năm 1980, nền kinh tế Việt Nam bị chi phối bởi các DNNN được hưởng nhiều đặc quyền lớn nhưng phần lớn không hiệu quả. Sau khi chính thức cho phép các khu vực kinh tế ngoài nhà nước[1] và có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo chủ trương Đổi mới, chính phủ Việt Nam đã dần dần thông qua các cải cách pháp luật và chính sách để tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho mọi đối tượng kinh tế. Chính phủ cũng bắt đầu tái cơ cấu DNNN để chúng trở nên hiệu quả và có sức cạnh tranh cao hơn. Ngoài việc sắp xếp lại các DNNN và khuyến khích chúng vận hành theo các quy tắc thị trường, việc cải cách cơ cấu sở hữu của các doanh nghiệp này cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Nếu không giải quyết vấn đề sở hữu, động lực để các DNNN này trở nên minh bạch, hiệu quả, và cạnh tranh hơn sẽ bị hạn chế đáng kể.

Trong bối cảnh đó, đầu những năm 1990 chính phủ Việt Nam đã bắt tay vào một kế hoạch cổ phần hoá các DNNN, với doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành quá trình này vào năm 1992. Tuy nhiên, chính sách này đã gây ra nhiều tranh cãi và mang màu sắc ý thức hệ. Ví dụ, trong các văn kiện chính thức, quá trình này được gọi là cổ phần hóa thay vì tư nhân hóa. Theo quan điểm của Đảng, “cổ phần hóa” là thuật ngữ chính xác hơn vì nhà nước thường giữ lại một phần lớn cổ phần trong hầu hết các DNNN được cổ phần hóa, và chỉ một lượng hạn chế cổ phiếu của các doanh nghiệp này được bán cho các nhà đầu tư tư nhân. Hơn nữa, thuật ngữ “cổ phần hóa” mang một âm điệu ý thức hệ nhẹ nhàng hơn. Do Đảng vẫn coi khu vực nhà nước là xương sống của “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, thuật ngữ “tư nhân hoá” có hàm ý chệch hướng khỏi mục tiêu này. Tuy nhiên, “cổ phần hoá” và “tư nhân hóa” không thật sự khác biệt rõ ràng trên thực tế. Nhiều DNNN không thiết yếu đã được tư nhân hoá hoàn toàn ngay từ đầu, và chính phủ Việt Nam cũng đã giảm bớt hoặc bán toàn bộ cổ phần của mình trong nhiều DNNN đã cổ phần hoá, cơ bản chuyển các doanh nghiệp này thành các đơn vị kinh tế tư nhân.

Như được thể hiện trong Bảng 1, từ năm 1992 đến năm 2015, Việt Nam đã cổ phần hoá được 4.484 DNNN, đưa số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước từ 12.000 vào năm 1991 xuống còn 652 vào năm 2015 (Government of Vietnam, 2016, tr. 4).[2]

Bảng 1: Số lượng DNNN được cổ phần hóa (1992–2015)

Giai đoạn Cơ sở pháp lý Số lượng DNNN được cổ phần hóa
Thí điểm (1992–giữa 1996) Quyết định 202-CT 5
Thí điểm mở rộng (giữa 1996–giữa 1998) Các nghị định 28 (1996) và 25 (1997) 25
Tăng tốc (giữa 1998–2011) Các nghị định 44 (1998), 64 (2002), 187 (2004), và

109 (2007)

3.946
Tái cơ cấu kinh tế (2011–2015) Quyết định 929; các nghị định 59 (2011) và 189 (2013) 508
Tổng cộng: 4.484

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ số liệu thống kê của Bộ Tài chính, được trích dẫn trong Cuong (2015) và Government of Vietnam (2016, tr. 2)

Quá trình này có thể chia thành bốn giai đoạn chính. Trong hai giai đoạn đầu, từ năm 1992 đến năm 1998, chỉ có 30 DNNN được cổ phần hóa, phản ánh cách tiếp cận thận trọng của chính phủ. Hơn nữa, do chưa có sàn giao dịch chứng khoán nào (sàn giao dịch đầu tiên được thành lập năm 2000) cũng cản trở việc cổ phần hoá các DNNN. Tuy nhiên, số DNNN được cổ phần hoá đã tăng mạnh trong những năm 2000, trong đó giai đoạn 2003–2006 là giai đoạn tích cực nhất. Trong 4 năm này đã có 2.649 DNNN được cổ phần hóa (Cuong, 2015), chiếm gần 60% tổng số DNNN được cổ phần hóa trong 25 năm qua. Sự tăng tốc cổ phần hóa trong giai đoạn này cũng trùng hợp với giai đoạn Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO vào đầu năm 2007 và được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, từ năm 2011, tốc độ cổ phần hóa đã chậm lại khi chỉ có 508 DNNN tiến hành cổ phần hóa trong giai đoạn 2011–2015 (Government of Vietnam, 2016, tr. 2).

Có một số nguyên nhân khiến tốc độ cổ phần hóa trong giai đoạn này chậm lại. Thứ nhất, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007–2008, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam đã cản trở các DNNN tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Thứ hai, hầu hết các DNNN còn lại dự kiến cổ phần hoá trong giai đoạn này đều là các doanh nghiệp lớn, khiến thời gian chuẩn bị cổ phần hoá của họ kéo dài. Hơn nữa, họ cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các đối tác chiến lược do quy mô lớn cũng như những điều kiện kinh tế bất lợi trong giai đoạn này. Thứ ba, một số bộ ngành và bản thân các DNNN cũng chậm trễ và không tích cực trong việc đạt được các mục tiêu cổ phần hoá mà chính phủ đề ra. Cuối cùng, việc chính phủ giữ lại cổ phần đa số trong hầu hết các DNNN cổ phần hóa và nhiều DNNN cổ phần hoá không nhanh chóng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đã khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, mất lòng tin vào chương trình cổ phần hoá của chính phủ (Government of Vietnam, 2016, tr. 7).

Làn sóng cổ phần hóa mới của Việt Nam

Sau Đại hội Đảng 12 hồi tháng Giêng năm 2016 và việc thành lập một chính phủ mới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu ba tháng sau đó, đã có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá và thoái vốn khỏi các DNNN.

Tháng 2 năm 2017, chính phủ đã ban hành một chỉ thị giao Bộ Tài chính ban hành các quy định và thủ tục nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho việc cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DNNN phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ thành lập một cơ quan chuyên trách để thay thế các bộ trong việc giám sát vốn nhà nước trong các DNNN, kể cả các DNNN đã cổ phần hóa. Chỉ thị này cũng buộc các quan chức chính phủ và các lãnh đạo DNNN phải chịu trách nhiệm nếu chậm trễ trong việc cổ phần hoá. Đến tháng 5, chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016–2020, trong đó đặt mục tiêu cổ phần hoá thêm 137 DNNN đến năm 2020, hầu hết là các doanh nghiệp lớn. Đề án cũng nhấn mạnh kế hoạch thực hiện các khoản thoái vốn trị giá ít nhất 250 ngàn tỷ đồng khỏi các DNNN được cổ phần hóa trong thời gian này. Cũng trong tháng 5, Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành một nghị quyết về tái cấu trúc các DNNN, một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá và thoái vốn khỏi các DNNN. Cụ thể, nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cổ phần hóa hầu hết các DNNN.

Với những biện pháp này, trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, chính phủ đã thông qua phương án cổ phần hoá cho 63 DNNN, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. Hơn 10 DNNN lớn, bao gồm Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Vissan, Resconha, Vinapharm, Vinafor, và FiCO, đã tiến hành IPO trong năm 2016. Nhiều DNNN lớn khác dự định tiến hành IPO trong năm 2017 và những năm tiếp theo, bao gồm các tên tuổi lớn trong nhiều ngành khác nhau như Agribank, Vinacomin, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Vinafood 2, PV Power, PV Oil, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) , Vinataba, Vinachem, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, VTV Cab, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam (VTC), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), và Saigon Tourist.

Đồng thời, như đã đề cập, chính phủ xem việc thoái vốn khỏi các DNNN đã cổ phần hoá là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng so với việc cổ phần hoá các DNNN. Đến năm 2017, tuy đã có 96% DNNN được cổ phần hóa nhưng chỉ có 8% cổ phần của các doanh nghiệp này được bán cho các nhà đầu tư tư nhân (CafeF, 2017). Như vậy, quá trình cổ phần hoá DNNN của Việt Nam trong hai thập niên qua chủ yếu mang tính hình thức hơn là thực chất. Số vốn hạn chế mà nhà nước bán cho các nhà đầu tư đã ngăn chính phủ đạt được mục tiêu cốt lõi của cổ phần hoá là tái phân bổ các nguồn lực nhà nước sang các lĩnh vực hiệu quả hơn. Như vậy, có thể coi quyết định thúc đẩy việc thoái vốn khỏi các DNNN của chính phủ là giai đoạn thứ hai, nhưng lại là giai đoạn quan trọng hơn, trong chương trình cổ phần hóa các DNNN.

Để tạo điều kiện cho việc thoái vốn, chính phủ đã yêu cầu các DNNN đã cổ phần hoá, cũng như sắp cổ phần hóa, phải niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán sớm nhất có thể. Trong vòng vài tháng, một loạt các công ty có tên tuổi, trong đó một số đã tiến hành IPO gần cả một thập niên trước, đã hoàn tất quá trình niêm yết. Họ bao gồm một số tên tuổi lớn như Vietnam Airlines, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Sabeco, Habeco, và Petrolimex.

Chính phủ cũng yêu cầu việc thoái vốn khỏi các DNNN phải diễn ra nhanh chóng và minh bạch. Ví dụ, từ năm 2011 đến năm 2015, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), đơn vị quản lý vốn nhà nước ở các DNNN, đã tiến hành các khoản thoái vốn trị giá 8.726 tỷ đồng. Nhưng trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, giá trị thoái vốn đã đạt lần lượt là 4.116 tỷ đồng và 12.139 tỷ đồng (Ministry of Finance, 2017, tr. 3). Trong những năm tới, giá trị thoái vốn rất có thể sẽ còn tăng khi chính phủ bắt đầu bán bớt cổ phần của mình tại các doanh nghiệp lớn hơn. Ví dụ, chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương bán toàn bộ cổ phần trị giá lên tới 3 tỷ USD trong hai công ty bia hàng đầu là Sabeco và Habeco thông qua đấu giá công khai. Như đã đề cập, kế hoạch của chính phủ là thoái vốn trị giá ít nhất 250 ngàn tỷ đồng khỏi các DNNN đã cổ phần hóa trong giai đoạn 2016–2020, lớn hơn nhiều so với tổng mức thoái vốn của chính phủ trong 20 năm qua.

Động lực của làn sóng cổ phần hóa mới

Có bốn yếu tố chính lý giải quyết định đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DNNN của chính phủ Việt Nam.

Thứ nhất, thâm hụt ngân sách và nợ công[3] của Việt Nam đã khiến chính phủ ngày càng khó tìm được vốn cho các dự án phát triển. Do đó, các nguồn lực tài chính dưới dạng cổ phần DNNN đã trở thành một nguồn vốn quý giá mà chính phủ muốn tận dụng để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng. Chính phủ đã công khai thừa nhận điều này với tuyên bố rằng số tiền 250 ngàn tỷ đồng mà họ muốn huy động từ các khoản thoái vốn khỏi các DNNN trong giai đoạn 2016–2020 là để tài trợ cho các dự án đầu tư công. Đây có lẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi khiến giai đoạn cổ phần hoá mới của Việt Nam thực chất hơn các giai đoạn trước.

Thứ hai, sau khi các DNNN lớn như Vinashin và Vinalines sụp đổ năm 2011, sự thiếu hiệu quả của các DNNN gần đây đã được chú ý trở lại sau khi 12 dự án lớn do các DNNN phát triển đã gây thiệt hại đáng kể cho nguồn vốn nhà nước. Sự bất bình của công chúng đối với các dự án này đã dẫn đến việc một số lãnh đạo các DNNN bị điều tra và truy tố, cũng như việc cựu Chủ tịch HĐQT PetroVietnam Đinh La Thăng bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị vào tháng 5. Tất cả đã tạo ra cảm giác cấp bách cần cổ phần hóa các DNNN để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm giải trình của chúng. Đồng thời, vì các DNNN từ lâu đã là cái nôi của tham nhũng, việc cổ phần hóa và buộc chúng chịu sự giám sát của công chúng là rất cần thiết để giúp chính phủ chống tham nhũng. Việc thúc đẩy cổ phần hoá các DNNN do đó có thể được xem là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu.

Thứ ba, một số hiệp định thương mại tự do chất lượng cao như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU mà Việt Nam đang theo đuổi cũng sẽ đem lại một sân chơi bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Ví dụ, theo TPP, các DNNN của Việt Nam sẽ phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường và minh bạch. Họ sẽ không thể phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, đầu tư, hàng hoá, và dịch vụ của các nước thành viên khác. Họ cũng không được phép nhận các khoản trợ cấp hoặc sự hỗ trợ phi thương mại từ chính phủ mà có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến doanh nghiệp của các nước thành viên khác. Như vậy, việc cổ phần hoá các DNNN và thoái vốn của chính phủ trong các doanh nghiệp này đã trở thành một biện pháp để giúp Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế theo các hiệp định thương mại tự do này.

Cuối cùng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục đáng kể trong những năm gần đây. Ví dụ, tới cuối tháng 6 năm 2017, chỉ số VN-Index của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã lên đến 770 điểm từ mức thấp nhất trong 9 năm là 235,5 điểm hồi tháng 2 năm 2009. Điều kiện lạc quan của thị trường chứng khoán và dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn hơn đã tạo điều kiện cho quá trình cổ phần hoá và thoái vốn do các nhà quản lý DNNN hiện nay ít phải lo lắng hơn về khả năng bị mất vốn vì điều kiện thị trường bất lợi.

Thách thức và tác động

Bất chấp quyết tâm của chính phủ, vẫn có nhiều thách thức đe dọa cản trở quá trình này. Với quy mô lớn của các DNNN cần cổ phần hoá hoặc thoái vốn, việc định giá các doanh nghiệp này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Yêu cầu của chính phủ phải thực hiện quá trình này một cách minh bạch nhằm ngăn ngừa thất thoát vốn và tài sản của nhà nước cũng sẽ khiến các quan chức chính phủ và các nhà quản lý DNNN thận trọng hơn, từ đó có xu hướng ra quyết định chậm hơn. Đồng thời, việc tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh quan tâm đến các DNNN lớn này là rất khó. Bên cạnh các khoản đầu tư lớn mà họ cần cam kết, một mối lo ngại khác của các nhà đầu tư là bất chấp các khoản thoái vốn của chính phủ, room sở hữu dành cho các nhà đầu tư tư nhân ở nhiều DNNN lớn và hấp dẫn còn khá hạn chế. Các doanh nghiệp này vẫn ít nhiều chịu sự can thiệp của chính phủ và khả năng của nhà đầu tư tham gia định hướng chiến lược kinh doanh và chất lượng quản trị doanh nghiệp vẫn bị hạn chế. Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, quá trình này có thể bị chậm trễ do vấn đề kỹ thuật hoặc tham nhũng. Ví dụ, việc thoái vốn khỏi Habeco, ban đầu dự kiến ​​diễn ra trong giai đoạn 2016–2017, đã bị trì hoãn do tranh chấp giữa Habeco và đối tác chiến lược là Carlsberg về quyền ưu tiên mua của Carlsberg. Trong khi đó, việc cổ phần hóa Mobifone vốn được đón đợi từ lâu cũng đang bị trì hoãn do cuộc điều tra của chính phủ về một thỏa thuận mua lại doanh nghiệp đáng ngờ vốn có vẻ được dàn dựng để rút ruột công ty trước khi cổ phần hoá.

Tuy nhiên, quyết tâm thúc đẩy quá trình này của chính phủ vẫn mạnh mẽ, đặc biệt là do nhu cầu huy động nguồn tiền từ các DNNN để bù đắp thâm hụt ngân sách. Nếu thành công, kế hoạch của chính phủ sẽ có tác động đáng kể lên nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, một khu vực quốc doanh nhỏ hơn nhưng hiệu quả hơn sẽ tăng cường nền tảng của nền kinh tế thị trường Việt Nam và cải thiện hiệu quả hoạt động của nó trong dài hạn. Thứ hai, việc cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DNNN lớn sẽ mang lại cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn và đẩy mạnh hơn nữa sự hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Cuối cùng, vì quá trình này rốt cuộc sẽ làm tăng quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như giảm hạn chế đối với sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp được niêm yết, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn để được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi của MSCI. Đến lượt mình, viễn cảnh này sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường tài chính và cải thiện triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, là tác giả cuốn “Living Next to the Giant: The Political Economy of Vietnam’s Relations with China under Doi Moi.”

Tài liệu tham khảo

CafeF. (2017, 11 April). 96,5% DNNN được cổ phần hóa nhưng mới chỉ 8% tổng số vốn được cổ phần hóa [96.5% of SOEs equitized, but only 8% of capital sold] Retrieved 23 June, 2017, from http://cafef.vn/965-dnnn-duoc-co-phan-hoa-nhung-moi-chi-8-tong-so-von-duoc-co-phan-hoa-20170411095330686.chn

Cuong, T. T. (2015, 23 April). Một số vấn đề về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước [Some issues regarding the equitization of SOEs]. Commission of Economic Affairs Retrieved 19 June, 2017, from https://kinhtetrunguong.vn/nghien-cuu-trao-doi/-/view_content/content/187763/mot-so-van-%C4%91e-ve-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc

Government of Vietnam. (2016, 17 October). Báo cáo tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 và 9 tháng 2016, giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới [Report on the equitization of SOEs in the phase of 2011-215 and the first 9 months of 2016, and measures to accelerate SOE equitization in the coming period] Retrieved 19 June, 2017, from http://vietnamfinance.vn/ho-so-vnf/bao-cao-cua-chinh-phu-ve-co-phan-hoa-giai-doan-2011-2016-20161023201944748.htm

GSO. (2016). Statistical Yearbook of Vietnam 2015. Hanoi: Statistical Publishing House.

Hiep, L. H. (2016). Growing Fiscal Deficit Presents a Major Risk for Vietnam. ISEAS Perspective, 2016(40).

Ministry of Finance. (2017). Báo cáo tình hình tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 – 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn 2017 – 2020 [Report on the restructuring of SOEs in the 2011-2016 period and the first 3 months of 2017, and tasks for the 2017-2020 period] Retrieved 26 June, 2017, from http://vietnamfinance.vn/upload/news/hoanghung_btv/2017/3/29/BC-thang-3-2017.pdf

————–

[1] Khu vực ngoài nhà nước bao gồm các doanh nghiệp tập thể, tư nhân, và hộ gia đình.

[2] Ở Việt Nam có ba loại hình DNNN: (1) Các doanh nghiệp có toàn bộ vốn do nhà nước sở hữu và do các cơ quan trung ương hoặc địa phương kiểm soát; (2) Các công ty TNHH do chính quyền trung ương hoặc các chính quyền địa phương quản lý; (3) Các công ty cổ phần có vốn trong nước, trong đó chính phủ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đến cuối năm 2014, Việt Nam có 3.048 DNNN thuộc cả ba loại (GSO, 2016, tr. 261).

[3] Để biết thêm về thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam, xem Hiep (2016).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]