Nguồn: Carl Bildt, “Russia’s Imperial Instinct”, Project Syndicate, 16/01/2017.
Người dịch: Nguyễn Thanh Mai | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nước Nga lại một lần nữa là trung tâm của các cuộc tranh cãi chính sách ở nhiều nước phương Tây. Đây cũng là lần thứ ba liên tiếp một tân tổng thống Hoa Kỳ bắt đầu nhiệm kỳ với những tham vọng cải thiện các mối quan hệ song phương với Nga. Cần phải nhìn sâu hơn vào lịch sử của nhà nước Nga để hiểu được tại sao việc đạt được mục tiêu này là rất khó khăn.
Đến nay đã một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ khi Liên bang Xô-viết tan rã; và năm 2017 sẽ đánh dấu lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Nga – cuộc Cách mạng lật đổ đế chế Nga hoàng kéo dài hàng trăm năm và vốn đã lung lay lúc đó. Một cách ngẫu nhiên, có những điểm tương đồng đáng chú ý giữa các giai đoạn theo sau sự kết thúc của từng thời kỳ đế quốc này.
Lịch sử nước Nga được đặc trưng bởi sự bành trướng liên tục về phía lục địa Á-Âu. Cuộc xâm nhập về phía đông vào Siberia của Nga hoàng cũng giống như cuộc mở rộng về phía Tây của Hoa Kỳ ở thế kỷ 19, và sự bành trướng vào Trung Á của Nga cũng trùng hợp với việc các cường quốc châu Âu thực dân hóa châu Phi.
Tuy nhiên, khi bành trướng về phía tây và phía nam, đế quốc Nga đã luôn vấp phải sự kháng cự và phải dùng vũ lực để giữ cho những vùng đất vừa chiếm được này nằm trong lãnh thổ của mình. Sau cách mạng 1917, nhiều vùng trong số các khu vực trên – từ Tashkent đến Tbilisi, và từ Kiev đến Helsinki – đã đòi độc lập khỏi ách thống trị của Nga.
Ban đầu, Vladimir Lenin có vẻ thuận theo những yêu cầu trên; tuy nhiên ông đã sớm triển khai lực lượng Hồng quân để áp đặt quyền lực Xô-viết lên toàn vùng đế quốc Nga cũ. Công cuộc này đã thành công ở Ukraine, miền Nam Caucasus và Trung Á, nhưng thất bại ở Phần Lan và các nước vùng Baltic, và chịu một thất bại quyết định ở ngoại vi Warsaw vào năm 1920. Điều này cho phép một chuỗi các quốc gia độc lập ra đời từ sườn tây của đế quốc Nga cũ.
Tuy nhiên, sau đó Stalin lên nắm quyền. Bằng cách sử dụng khủng bố và công nghiệp hóa cưỡng ép để nỗ lực đưa nước Nga hùng mạnh trở lại, Stalin đã cố gắng đòi lại quyền kiểm soát trên các vùng lãnh thổ cũ. Stalin đã tìm ra một cơ hội trong những cuộc đàm phán bí mật với Adolf Hitler, theo đó ông ta yêu cầu trả lại những gì đã mất sau năm 1917, bao gồm các nước vùng Baltic, Phần Lan và một phần Ba Lan.
Cuối cùng Stalin cũng đạt được ý đồ. Sau khi Đế chế của Hitler sụp đổ, nhất là lại nhờ vào những hy sinh của Hồng quân Liên Xô, Stalin đã được toàn quyền hành động để mở rộng sức mạnh của Liên Xô vào sâu trong trung tâm của châu Âu. Một cách thần kỳ và bằng lực lượng vũ trang, chỉ Phần Lan bảo toàn được độc lập. Các nước vùng Baltic bị đưa trở lại gọng kìm Xô-viết một cách tàn bạo, còn Ba Lan và một số nước khác thì bị biến thành các quốc gia vệ tinh.
Vào năm 1976, một cố vấn hàng đầu của Henry Kissinger trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra lập luận gây tranh cãi rằng nước Nga đã thất bại trong việc thiết lập những mối quan hệ “hữu cơ” với các quốc gia trên. Đúng vậy, khi Liên Xô sụp đổ, các quốc gia vệ tinh đã đẩy nhanh sự cáo chung của Liên Xô bằng cách đòi lại chủ quyền của mình. Một cách nhanh chóng, hầu hết tất cả các nước cộng hòa không thuộc người Nga trong Liên bang Xô-viết cũ đều đòi lại và giành được độc lập. Với việc Ukraine và các nước vùng Nam Caucasus trở thành các quốc gia độc lập thì Nga còn kiểm soát ít lãnh thổ hơn cả giai đoạn sau cách mạng năm 1917.
Cũng như Lenin một thế kỷ trước, Vladimir Putin quyết tâm thay đổi tình hình trên. Kể từ khi nắm quyền, tiếp sau những nỗ lực cải cách tự do và dân chủ quyết liệt vào những năm 1990, ngày càng có thể thấy rõ, Putin khát khao đưa nước Nga hùng mạnh trở lại, cả về kinh tế lẫn địa chính trị. Mặc dù vẫn có những điểm khác nhau hiển nhiên giữa sự thành lập của Liên Xô và thời điểm bây giờ, nhưng sự tương đồng về lịch sử là quá rõ ràng đến mức chúng ta không thể bỏ qua.
Dưới thời Putin, nước Nga đã xâm lược và chiếm đóng các vùng của Gruzia (Georgia), sáp nhập Crimea từ Ukraine, và yểm trợ quân sự cho hai “nước cộng hòa” bù nhìn ở miền Đông Ukraine. Nga cũng đã nỗ lực, dù cho đến nay vẫn chưa thành công, để thành lập một nước Novorossiya (Nước Nga mới) kéo dài qua miền Nam Ukraine.
Từng bước một, bất cứ khi nào có cơ hội là Kremlin lại sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện sẵn có để giành lại những gì họ cho là của mình. Putin có thể chưa có một kế hoạch vững chắc và toàn diện cho công cuộc khôi phục lại đế quốc, nhưng chắc chắn ông ta có một xu hướng không thay đổi là thực hiện những bước tiến đế quốc chủ nghĩa bất cứ khi nào những rủi ro là có thể chấp nhận được, như ở Gruzia vào năm 2008 và Ukraine vào năm 2014.
Vậy chúng ta có thể rút ra bài học gì từ quá khứ? Trước hết, chủ nghĩa đế quốc Nga phát triển mạnh khi châu Âu và phương Tây bị chia rẽ. Đây là trường hợp khi Hitler và Stalin ký hiệp ước không xâm lược lẫn nhau vào năm 1939, và khi Napoleon kí hiệp ước với Nga hoàng Alexander vào năm 1807. Và chúng ta chắc chắn không nên quên Hội nghị Yalta năm 1945.
Việc mở rộng NATO và Liên minh Châu Âu để bao gồm cả Trung Âu và các nước vùng Baltic đã trở nên quan trọng đối với an ninh châu Âu. Trong bất cứ kịch bản nào khác thì chúng ta cũng sẽ bị mắc kẹt trong cuộc đấu tranh quyền lực cực kỳ nguy hiểm với một nước Nga muốn phục thù và giành lại những gì đã mất.
Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 và Cách mạng Nga năm 1917 đã tái định hình đời sống chính trị khu vực và toàn cầu. Ngay sau mỗi sự kiện trên, nước Nga đều tỏ rõ sự bất lực mang tính lịch sử trong việc xây dựng các mối quan hệ hòa hợp với những quốc gia xung quanh; và ở những giai đoạn trung gian, nước Nga đã hành động dựa theo những tham vọng đế quốc với các hệ lụy được đổ lên đầu các quốc gia láng giềng.
Nhưng nước Nga sẽ chỉ chấp nhận thực tế của mình nếu phương Tây kiên quyết ủng hộ nền độc lập của các quốc gia trên trong một khoảng thời gian kéo dài. Cuối cùng, nước Nga sẽ nhận ra rằng quốc gia này có lợi ích lâu dài trong việc phá bỏ khuôn mẫu lịch sử của mình, tập trung phát triển trong nước và xây dựng các mối quan hệ hòa bình và tôn trọng lẫn nhau với các quốc gia láng giềng.
Chắc chắn là chúng ta chưa đạt được điều đó, nhưng đó không phải là lý do để đầu hàng, hoặc để bỏ đi những bài học lịch sử. Chúng ta cần một nước Nga ổn định, thịnh vượng và hòa bình. Và điều này chỉ có thể đạt được với sự kiên quyết ủng hộ độc lập và chủ quyền của tất cả các quốc gia láng giềng của Nga.
Carl Bildt là ngoại trưởng Thụy Điển từ năm 2006 đến tháng 10 năm 2014, và là Thủ tướng trong giai đoạn 1991-1994, khi ông đàm phán cho việc Thụy Điển gia nhập EU. Là nhà ngoại giao quốc tế nổi tiếng, ông từng đảm trách chức vụ Đặc sứ của EU ở Nam Tư cũ, Đại diện cấp cao về vấn đề Bosnia và Herzegovina, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Balkan, và là Đồng Chủ tịch của Hội nghị Hòa bình Dayton.
Copyright: Project Syndicate 2017 – Russia’s Imperial Instinct
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]