Khi Stalin đối mặt Hitler: Ai hơn ai? (P4)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Stephen Kotkin, “When Stalin Faced Hitler – Who Fooled Whom?”, Foreign Affairs,19/09/2017.

Biên dịch: Nguyễn Hữu Toàn | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Phần I;  Phần II; Phần III

Thời điểm là đêm nay

Stalin nhận thức cao độ về những thực tế này, nhưng sau đó tính khí bất thường của ông đã lấn áp tất cả. “Stalin cảm thấy bồn chồn và tức giận bởi những báo cáo không ngớt (bằng miệng và văn bản) về sự xuống cấp trầm trọng trong mối quan hệ với Đức,” sĩ quan hải quân Nikolai Kuznetsov của Liên Xô hồi tưởng về giai đoạn này. “Ông ấy cảm thấy mối nguy hiểm đang cận kề,” Nikita Khrushchev nhớ lại. Thời điểm đó Khrushchev đang là bí thư thứ nhất của Đảng cộng sản ở Ukraine và đã ở Moskva trong suốt tháng 6 định mệnh đó. “Đất nước chúng ta có thể xử lý chuyện này không? Quân đội của chúng ta có thể chiến thắng không?”

Ngày 21 tháng 6 năm đó là ngày Hạ Chí, một ngày dài nhất trong năm – và dường như nó kéo dài vô tận. Vào lúc 5 giờ chiều, Stalin ra lệnh cho tất cả các bí thư Đảng ở các quận của Moskva phải ở nguyên vị trí của họ. Vào lúc 6:27 chiều, Molotov bước vào “Góc Nhỏ” – là người đến đầu tiên, như thường lệ. Lúc 7:05 chiều, lần lượt Beria, Kuznetsov, Geogry Malenko (một ủy viên cấp cao của Đảng cộng sản, đứng đầu ban tổ chức cán bộ), Grigory Safonov (một phó tổng kiểm sát trưởng trẻ đảm trách tòa án binh), Semyon Timoshenko (một viên chỉ huy quân đội cấp cao), Kliment Voroshilov (phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng), và Nikolai Voznesensky (trưởng ban kế hoạch nhà nước) bước vào văn phòng của Stalin. Cuộc thảo luận chủ yếu xoay quanh những tiến triển hướng tới chiến tranh gần đây và sự lo sợ của Stalin về các hành động khiêu khích vốn có thể kích động chiến tranh.

Tình báo quân đội của Stalin ước tính rằng chỉ khoảng 120 đến 122 trong số 285 sư đoàn của Đức được điều đi đánh Liên Xô, so với khoảng 122 đến 126 sư đoàn dùng để đánh nước Anh (37 đến 43 sư đoàn còn lại được cho là quân dự bị). Thực tế là có khoảng 200 sư đoàn được dàn ra để chống lại Liên Xô – với tổng quân số ít nhất là 3 triệu lính Đức (Wehrmacht) và 500 ngàn quân từ các đồng minh phe Trục, cùng 3.600 cỗ xe tăng, 2.700 máy bay, 700.000 súng trường và các loại pháo khác, 600.000 phương tiện mô-tô, và 650.000 chiến mã. Lực lượng Hồng quân tập hợp được khoảng 170 sư đoàn (khoảng 2,7 triệu người) ở phía Tây, cùng với 10.400 xe tăng và 9.500 chiến đấu cơ. Hai đội quân lớn nhất trong lịch sử nhân loại đã đối đầu nhau trên một trục biên giới dài hơn 2.000 dặm.

Một điều đáng chú ý là lực lượng của Đức đã chiếm được những vị trí thuận lợi, còn Hồng quân của Liên Xô thì không. Chắc chắn là  Stalin đã cho phép việc tái bố trí lực lượng bí mật từ bên trong nội địa tới vùng biên giới phía Tây. Nhưng ông không cho chiếm các vị trí thuận lợi cho tác chiến vì sợ rằng việc này sẽ có lợi cho những kẻ diều hâu hiếu chiến của Đức vốn đang tìm cách khiến Hitler động thủ. Phi cơ của Liên Xô không được phép bay vào quá 6 dặm tính từ đường biên giới. Timoshenko và Georgy Zhukov, một chỉ huy quân đội cấp cao khác, phải đảm bảo rằng các sĩ quan ngoài chiến trường không được có những hành động gây hấn với đối phương. Beria giao nhiệm vụ cho một tay sát nhân hàng đầu việc tổ chức “một lực lượng chiến đấu dày dạn trận mạc để giải quyết bất kì sự cố biên giới nào có thể được sử dụng như cái cớ nhằm phát động chiến tranh.” Các chỉ huy Liên Xô có thể bị xử tử bởi chính phe của họ nếu lực lượng của họ bắn trả lại hỏa lực của Đức.

Tình báo Liên Xô báo cáo rằng không chỉ Đức mà cả các đồng minh phía đông của họ như Phần Lan, Hungary, Romania, và Slovakia đều đã sẵn sàng cho cuộc tổng tấn công. Nhưng Stalin vì trước đó đã không tin vào chuyện này nên giờ đây đã hoàn toàn bị tê liệt trên thực tế. Ông sợ rằng bất cứ hành động nào của mình đều bị Hitler lợi dụng như một cái cớ nhằm phát động chiến tranh.

Vào lúc 7 giờ tối, Gerhard Kegel, một gián điệp của Liên Xô tại Đại sứ quán Đức ở Moskva đã liều mạng lén ra ngoài để báo cho một quan chức Liên Xô rằng các nhân viên Đức sống bên ngoài tòa đại sứ quán đã được lệnh phải vào trong đại sứ quán ngay lập tức và “tất cả đều nghĩ rằng đêm nay cuộc chiến sẽ xảy ra.” Lúc 8:00 tối, một người đưa thư đến để đưa cho Stalin, Molotov và Timoshenko mẫu thông tin tình báo này trong một phong bì được niêm phong cẩn thận. Tại “Góc Nhỏ”, Kuznetsov, Safonov, Timoshenko, Voroshilov, và Voznesensky được cho về lúc 8:15, Malenkov cũng rời đi sau đó 5 phút. Không có điều gì quan trọng được quyết định.

Zhukov gọi điện vào văn phòng thông báo rằng một tên lính Đức nữa đã đào thoát qua biên giới và cảnh báo là cuộc xâm lược sẽ diễn ra trong vài tiếng nữa. Đây chính xác là loại “khiêu khích” mà Stalin sợ nhất. Ông đã triệu Zhukov vào điện Kremlin, cùng với Timoshenko vừa mới rời đi trước đó. Họ bước vào phòng của Stalin lúc 8:50. Trong khi Molotov và Beria lặp lại những lời phủ nhận của Stalin là Hitler không thể đang chuẩn bị tấn công, thì hai viên chỉ huy xuất thân từ gia đình nông dân này có thể thấy rằng Đức chuẩn bị xâm lược. Dù vậy, khi Stalin nhất định không tin, họ nghĩ là có lẽ ông ấy biết được những thông tin tối mật nào đấy. Trong bất kì trường hợp nào, họ hiểu cái giá phải  trả của việc làm mất lòng tin của Stalin. “Mọi người đều nhớ rõ các sự kiện xảy ra trong những năm gần đây,” Zhukov sau đó nhớ lại. “Nói thẳng ra là nếu nói to và rõ ràng rằng Stalin đã sai, rằng ông ấy đã nhầm, thì điều có nghĩa là không cần rời khỏi tòa nhà đó, bạn sẽ được mời đi uống cà phê với Beria”(tức sẽ bị xử tử – NBT).

Tuy nhiên, cả hai người này rõ ràng đã dùng những lời cảnh báo của kẻ đào ngủ để thúc dục một lệnh tổng động viên – điều sẽ tương đương với chiến tranh theo cách nghĩ của Stalin. “Không phải là các tướng tá của Đức đã phái những kẻ đào ngủ đó vượt biên để xúi giục một cuộc xung đột hay sao? Stalin hỏi. “Không phải”, Timoshenko trả lời. “Chúng tôi nghĩ những tên đào ngũ đó đang nói thật.” Stalin: “Giờ chúng ta phải làm gì?” Timoshenko im lặng một lúc. Cuối cùng, ông đề xuất, “Đặt báo động cao cho lực lượng ở biên giới phía tây.” Ông và Zhukov đến với tâm thế sẵn sàng chuẩn bị một bản thảo chỉ thị.

Stalin đã từng thử liên lạc với Hitler dù vẫn trông đợi những đòi hỏi kiểu tống tiền mà Hitler sẽ gửi đến ông. “Molotov đã xin phép được bay đến Berlin, nhưng đã bị từ chối.” Joseph Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền của Đức Quốc xã đã viết trong cuốn nhật ký của mình vào ngày 18 tháng 6. “Một lời đề nghị ngây thơ.”

Stalin, thay vì tiếp tục chờ đợi một tối hậu thư từ Hitler, đã có thể chủ động ngăn ngừa trước. Đây chính là lựa chọn cuối cùng của ông, và đó là một lựa chọn khá cao tay. Hitler sợ rằng nhà lãnh đạo xảo quyệt của Liên Xô sẽ bằng cách nào đó giành thế chủ động bằng cách đơn phương và công khai đề xuất những nhượng bộ quy mô lớn cho Đức. Stalin có vẻ đã thảo luận về những nhượng bộ này với Molotov, nhưng nếu điều đó xảy ra thì cũng không có tài liệu nào nói về việc này. Rõ ràng là Stalin đã mong đợi Đức sẽ đòi hỏi những mỏ dầu ở Caucasia, vùng Ukraine, và việc cho quân Đức mượn đường đi qua lãnh thổ Liên Xô mà không bị cản trở nhằm chiến đấu với người Anh ở vùng Cận Đông và Ấn Độ. Stalin đã có thể công khai khẳng định thiện chí của mình trong việc tham gia vào lực lượng chống Anh, cố gắng trả thù lại cường quốc mà ông căm thù nhất, và quan trọng hơn, phủ nhận lý lẽ của Hitler rằng người Anh đang cố gắng giữ chân nước Đức nhằm trông đợi cuối cùng Liên Xô sẽ hỗ trợ Anh. Thay vào đó, hoặc song song với điều này, Stalin đã có thể bắt đầu rút hoàn toàn các lực lượng của Liên Xô khỏi vùng biên giới về sâu trong lãnh thổ. Điều này sẽ phản bác lại luận điệu chiến tranh mà các lãnh đạo của Đức Quốc xã tuyên truyền cho công chúng nước này: cần tiến hành một “cuộc tấn công ngăn chặn” chống lại “việc tăng cường vũ trang của Liên Xô.”

Thay vì thực hiện một phản ứng ranh mãnh, Stalin vẫn giữ vững niềm tin rằng Đức không thể tấn công Liên Xô khi chưa đánh bại được nước Anh, mặc dù người Anh không có lực lượng đóng trên lục địa châu Âu, không định bảo vệ lãnh thổ nào ở đây cũng như không trong trạng thái chuẩn bị đổ bộ vào nơi này. Ông giả định rằng trong trường hợp Hitler cuối cùng đưa ra đòi hỏi của mình, Stalin sẽ có thể câu giờ thông qua đàm phán: có thể sẽ nhân nhượng nếu những đòi hỏi là có thể nhượng bộ được, và do đó có thể ngăn chặn được chiến tranh xảy ra, hoặc nhiều khả năng hơn là sẽ kéo dài các cuộc đối thoại ra sau ngày mà Hitler dự định sẽ phát động cuộc xâm lược. Như vậy Stalin sẽ có thêm một năm quan trọng nữa, trong khoảng thời gian này công nghệ quân sự của Hồng quân sẽ được cải tiến hiện đại hơn nữa. Nếu điều này không xảy ra, Stalin toan tính xa hơn nữa đó là thậm chí nếu xung đột xảy ra, người Đức sẽ cần thêm ít nhất 2 tuần nữa để huy động toàn bộ lực lượng xâm lược tinh nhuệ nhất của họ, điều này giúp ông có thêm thời gian để huy động lực lượng. Khi những gián điệp của ông ở Berlin và những nơi khác báo cáo rằng quân đội Đức đã “hoàn tất mọi công tác chuẩn bị chiến tranh,” ông vẫn chưa hiểu rằng điều này có nghĩa là người Đức sẽ mang toàn bộ lực lượng tinh nhuệ của mình vào cuộc chiến ngay từ ngày đầu tiên.

Chiến dịch Barbarossa bắt đầu

Trong văn phòng của Stalin, trong khi cuộc thảo luận giữa Stalin với Timoshenko và Zhukov đang khá nóng bỏng, Molotov đã bước ra khỏi phòng. Stalin đã nhờ ông triệu tập đại sứ Đức là Friedrich Werner von der Schulenburg đến tòa nhà Thượng viện Đế chế để gặp mặt vào lúc 9:30 tối. Friedrich đến rất sớm sau khi trực tiếp giám sát việc đốt hết các tài liệu mật ở đại sứ quán. Nhà ngoại giao này rất thất vọng về việc hiệp ước Hitler-Stalin, hiệp ước mà ông là một cầu nối quan trọng giúp hình thành, đã trở thành một công cụ không phải cho việc đàm phán về vấn đề chia cắt Ba Lan để tránh chiến tranh mà lại là khởi đầu của một cuộc chiến tranh thế giới nữa. Giờ đây ông lo sợ về cuộc chiến Xô-Đức đang được đồn thổi rất nhiều khả năng sẽ xảy ra, và mới đây ông đã đích thân bay về Berlin để gặp Hitler và cố gắng thuyết phục Hitler về những biểu hiện hòa hiếu của Stalin nhưng bất thành. Trong cơn tuyệt vọng, Schulenburg đã gửi vị tham tán của ông về Berlin để thử thêm một lần nữa, nhưng mọi chuyện vẫn không khá hơn.

Molotov yêu cầu được biết tại sao Đức lại tiến hành sơ tán các nhân viên của mình, qua đó thổi bùng lên những đồn đoán về việc chiến tranh sẽ xảy ra. Ông trao tận tay Schulenburg một lá thư phản đối nêu chi tiết những vi phạm có hệ thống của Đức vào không phận Liên Xô và đã thẳng thắng nói rằng “chính phủ Liên Xô không thể hiểu được nguyên nhân bất mãn của Đức trong quan hệ với Liên Xô, nếu như một sự bất mãn như thế tồn tại.” Ông cũng phàn nàn rằng “không có bất kì lý do gì khiến cho chính phủ Đức phải bất mãn với Nga cả.” Schulenburg đáp lại “tôi đang cố gắng làm rõ những vấn đề này,” nhưng ông đã nhún vai và nói rằng “không thể trả lời những thắc mắc này, bởi vì Berlin đã thông tin rất ít cho tôi về việc này.”

Trong cuộc viếng thăm cấp nhà nước đến Đức vào tháng 11 năm 1940, Molotov đã cùng sánh vai với Hitler trong văn phòng thủ tướng mới xây vô cùng đồ sộ, và họ cùng tranh luận về mâu thuân giữa các vùng ảnh hưởng của hai bên ở Đông Âu. “Tôi chưa từng chứng kiến có vị khách ngoại quốc nào từng nói chuyện với Hitler kiểu như vậy,” người thông dịch cho Hitler sau này viết lại. Nhưng bây giờ Molotov chỉ có thể thể hiện, rất nhiều lần, sự tiếc nuối rằng Schulenburg đã “không thể trả lời những câu hỏi được nêu ra.”

Molotov vào lại văn phòng của Stalin. Bất thình lình, khoảng 10 giờ tối, trong cái nóng đầy ngột ngạt ấy, những cơn gió đột nhiên thổi mạnh vào phòng làm tung những chiếc rèm trên các ô cửa sổ đang mở. Sau đó là những tiếng sấm chớp liên tục và Moskva bắt đầu hứng những cơn mưa xối xả.

Cuối cùng, Stalin cũng xuống nước trước những tướng lĩnh của mình và chấp thuận bản thảo chỉ thị của họ. Timoshenko và Zhukov chạy vội ra khỏi văn phòng của Stalin lúc 10:20 tối, cuối cùng một chỉ thị về việc tổng động viên cho chiến tranh đã được ban hành, đó là Chỉ thị số 1. “Một cuộc tấn công bất ngờ của quân Đức có thể sẽ xảy ra vào ngày 22-23 tháng 6 năm 1941,” chỉ thị khẳng định. “Nhiệm vụ của quân đội chúng ta là hạn chế bất kì những hành động khiêu khích nào có thể làm phức tạp thêm tình hình.” Bản Chỉ thị yêu cầu rằng “trong suốt đêm 22 tháng 6 năm 1941, binh sĩ cần chiếm cứ tất cả các vị trí thuận lợi tại những khu vực trọng yếu trong vùng biên giới một cách bí mật,” và “trước rạng sáng ngày 22/06/1941, tất cả các chiến đấu cơ trong các nhà chứa máy bay đều phải được sơ tán và ngụy trang khéo léo,” và “tất cả các đơn vị phải ở trong trạng thái chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu,” “không được thực hiện bất kì hành động nào khác khi chưa có những chỉ dẫn cụ thể.” Bản chỉ thị có kèm theo chữ ký của Timoshenko và Zhukov. Hai vị sĩ quan đã cố gắng xóa bỏ thành công phần thêm vào của Stalin rằng nếu quân Đức tấn công, các chỉ huy của Liên Xô phải cố gắng gặp họ để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, bản chỉ thị nêu rõ là các lực lượng quân đội phải sẵn sàng cho cuộc chiến đồng thời làm mọi thứ có thể để tránh chiến tranh xảy ra.

Các sĩ quan ở gần biên giới đang chuẩn bị cho những buổi biểu diễn, như họ vẫn hay làm vào các tối thứ Bảy. Ở thành phố Minsk, cách vùng biên giới 150 dặm về phía đông, những viên sĩ quan đang xem vở “Đám cưới ở Malinovka”, một vở hài kịch về một ngôi làng ở vùng thảo nguyên Ukraine trong thời kì nội chiến. Nơi biểu diễn chật kín người. Những người đến xem bao gồm vị tư lệnh của Quân khu phía Tây, Dmitry Pavlov; cùng tổng tham mưu trưởng quân khu và các cấp phó của ông. Đã có 6 phi cơ Đức bay vào khu vực biên giới thuộc quân khu của Pavlov vào một buổi tối gần đây. “Đừng bận tâm. Hãy kiềm chế. Tôi biết rồi, chuyện này đã được báo cáo! Hãy kiềm chế!” Pavlov tình cờ nghe được một cuộc nói chuyện trên điện thoại về các báo cáo liên quan đến những hành động của Đức. Khi Pavlov vừa đặt ống nghe điện thoại xuống và chuẩn bị ra đón một vị khách khác thì chuông điện thoại lại reo lên. “Tôi rõ rồi, nó đã được báo cáo,” Pavlov nói. “Tôi biết. Các chỉ huy cấp trên biết rõ tình hình hơn chúng ta. Chỉ có vậy thôi.” Ông cúp điện thoại. Trong suốt vở kịch, Pavlov bị làm phiền bởi một báo cáo mới về hoạt động bất thường của quân Đức: Họ đã tháo hàng rào dây thép gai ở khu biên giới phía của họ, và thậm chí có thể nghe âm thanh của những chiếc mô-tô ngày một to hơn ở một khoảng cách xa. Một hàng dài không dứt những đoàn quân cơ giới Đức đang di chuyển về phía trước và Pavlov vẫn tiếp tục xem kịch.

Khoảng nửa đêm, chỉ huy Quân khu Kiev đã gọi cho vị ủy viên quốc phòng báo cáo rằng một binh sĩ Đức khác đã vượt biên, khẳng định rằng binh lính Đức đã vào vị trí chiến đấu và xe tăng đã sẵn sàng xuất kích. Khoảng 12 giờ đồng hồ trước, lúc 1 giờ chiều, bộ chỉ huy cấp cao của Đức đã truyền một mật lệnh cho chiến tranh, “Dortmund.” Chiều hôm đó, Hitler đã thảo các bức thư giải thích quyết định tấn công Liên Xô gửi lãnh đạo các nước đồng minh của Đức Quốc xã.

Nicolaus von Below, một sĩ quan của Hitler, đã chú ý về việc “lãnh tụ” của ông đang “càng lúc càng lo lắng và suốt ruột. Hitler nói rất nhiều, đi tới đi lui; ông ấy không được kiên nhẫn cho lắm và có vẻ đang chờ đợi một điều gì đó.” Tại nơi ở của mình là tòa nhà văn phòng đế chế cũ, Hitler đã thức trắng 2 đêm liên tiếp. Ông dùng bữa tại phòng ăn và nghe “Les Preludes”, một bản nhạc của Franz Liszt. Ông cho gọi Goebbels, người vừa xem xong bộ phim “Cuốn theo chiều gió”. Cả hai cùng đi qua đi lại trong phòng vẽ của Hitler trong một lúc khá lâu, họ đang cố gắng hoàn tất nội dung và thời điểm của bản tuyên bố chiến tranh của Hitler vào ngày hôm sau. Bản tuyên bố này sẽ tập trung vào việc “giải cứu Châu Âu” và mối nguy không thể chấp nhận được nếu chờ lâu hơn. Goebbels rời đi lúc 2:30 sáng, và trở lại bộ tuyên truyền nơi mà các nhân viên đang đợi. “Tất cả mọi người đều hết sức ngạc nhiên,” ông viết trong nhật ký, “dù đa phần đã đoán được một nửa những gì đang diễn ra, và vài người đã biết được toàn bộ kế hoạch đó.” Người Đức đã đặt tên cho cuộc xâm lược là “Chiến dịch Barbarossa”. Và bây giờ nó đã bắt đầu.

Hầu hết lực lượng tiền tuyến của Liên Xô đã không nhận được Chỉ thị số 1. Các đơn vị tiên phong của Đức, nhiều trong số đó ngụy trang bằng cách mặc lên người đồng phục của Hồng quân, đã vượt qua biên giới và phá hủy hệ thống thông tin liên lạc của Liên Xô. “Bắt đầu một cuộc chiến tranh cũng giống như lúc mở cửa vào một căn phòng tối vậy,” Hitler nói với thư ký riêng của mình. “Chúng ta sẽ không biết điều gì ẩn sâu trong màn đêm đen tối đó.”

(Còn tiếp)