Vấn đề Đảng lãnh đạo trong Hiến pháp Triều Tiên, Cuba và Lào

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Anh Hải

Triều Tiên

Về hình thức, Hiến pháp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên quy định nước này theo chủ nghĩa xã hội và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, nhưng trên thực tế, mọi người đều biết nước này thi hành chế độ lãnh đạo cha truyền con nối, suốt từ ngày lập quốc (1948) tới nay gia đình họ Kim nắm quyền lực tối cao về tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế… Đảng Lao động Triều Tiên trên thực tế không có quyền lực gì. Toàn bộ bộ máy Đảng và Nhà nước đều đặt dưới sự lãnh đạo của một cá nhân từ khi lên cầm quyền cho tới khi chết.

Thời kỳ đầu là Kim Nhật Thành (tức Kim Il Song, 1912-1994), từng đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Bí Thư Đảng (1948-1994), Thủ tướng (1948-1972), Chủ tịch nước (1972-1994), Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng (1972-1993), Tư lệnh Tối cao quân đội (1950-1991), Đại Nguyên soái (từ 1992). Hiến pháp sửa đổi năm 1998 quy định ông Kim Nhật Thành là Chủ tịch vĩnh viễn nước CHDCND Triều Tiên.

Thời kỳ thứ hai là Kim Jong Il (1942-2011), con cả của Kim Il Song. Từng giữ các chức vụ: Ủy viên TƯ Đảng (từ 10/1972), Bí thư TƯ Đảng  (từ 9/1973), Ủy viên Bộ Chính trị (từ 2/1972). Năm 1974 được chọn là người sẽ thừa kế Kim Il Song. Từ 5/1990 làm Phó Chủ tịch thứ nhất UB Quốc phòng, từ 12/1991 là Tư lệnh Tối cao quân đội, từ 4/1994 là Chủ tịch UB Quốc phòng. Từ 10/1997 là Tổng Bí Thư Đảng. Được phong Nguyên soái từ 4/1992. Tu chính án Hiến pháp Triều Tiên 2012 quy định Kim Jong Il là Chủ tịch vĩnh viễn Ủy ban Quốc phòng nước này.

Thời kỳ thứ ba là Kim Jong Un (sinh 8/1/1983), con trai Kim Jong Il, cháu nội Kim Il Song. Từ 12/2011 là Bí thư thứ nhất TƯ Đảng, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Tư lệnh Tối cao quân đội. Từ 4/2012 là Phó Chủ tịch thứ nhất UB Quốc phòng (chức vụ cao nhất Triều Tiên hiện nay). Đã được phong hàm Nguyên soái.

Hiến pháp hiện hành của CHDCND Triều Tiên được thông qua năm 2009 đã bỏ tất cả các câu nói về chủ nghĩa cộng sản trong Hiến pháp trước; chỉ dùng từ chủ nghĩa xã hội  và tư tưởng chủ thể.

Tư tưởng Chủ thể do Kim Nhật Thành đề xuất, nội dung chủ yếu là Tự chủ về chính trị, Tự túc về kinh tế, Tự vệ về quốc phòng. Hiến pháp 1972 viết: Tư tưởng Chủ thể là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê vào hiện thực Triều Tiên, là phương châm hoạt động của nước này.

Ngày 13/4/2012, Quốc hội Triều Tiên thông qua pháp lệnh “Phê chuẩn Tu chính án Hiến pháp xã hội chủ nghĩa nước CHDCND Triều Tiên”, đưa ra quy định “đồng chí Kim Jong Il  [đã mất từ 17/12/2011] là Chủ tịch vĩnh viễn Ủy ban Quốc phòng” nước này, đặt thêm chức vụ Phó Chủ tịch thứ nhất Uỷ ban quốc phòng và quy định nhân vật này là “Nhà lãnh đạo tối cao” của CHDCND Triều Tiên [hiện nay là Kim Jong Un].

Lời Nói Đầu Tu chính án Hiến pháp có 17 lần nhắc tới tên Kim Nhật Thành, trong đó 6 lần gắn sau từ Lãnh tụ vĩ đại; và gọi đây là Hiến pháp Kim Nhật Thành.

Tu chính án Hiến pháp [1] có 7 chương, 166 điều, có hai điều dùng tới từ “đảng”:

Điều 11 trong “Chương I — Chính trị” viết: “Nước CHNDDC Triều Tiên tiến hành mọi hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Triều Tiên.”

Điều 67 thuộc “Chương V — Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân” có câu “Nhà nước cung cấp điều kiện tự do hoạt động cho các chính đảng dân chủ và đoàn thể xã hội.” [Điều này dường như không thực tế vì ở Triều Tiên chỉ có một chính đảng duy nhất là Đảng Lao động Triều Tiên].

Tu chính án Hiến pháp có một chỗ nhắc tới chủ nghĩa cộng sản, đó là Điều 29 trong “Chương II — Kinh tế”: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản được xây dựng dựa vào sự lao động sáng tạo của nhân dân lao động.

Điều 59 “Chương IV — Quốc phòng” viết: “Sứ mạng của lực lượng vũ trang nước CHDCND Triều Tiên là bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, bảo vệ chế độ XHCN và thành quả thắng lợi của cách mạng, tránh bị nước ngoài xâm lược, bảo vệ tự do, độc lập và hòa bình của Tổ quốc.”

Lào

Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hiện nay chỉ có một chính đảng duy nhất là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Hiến pháp Lào được Quốc hội Lào thông qua ngày 14/8/1991, gồm 10 chương, 80 điều [2]. Trong Lời Nói Đầu có hai chỗ dùng từ “đảng”, đó là Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hiện nay.

“Chương I — Chế độ chính trị” có 12 điều; Điều 3 viết: “Quyền làm chủ nhà nước của nhân dân các bộ tộc Lào được bảo đảm và thực hiện thông qua chế độ chính trị với hạt nhân lãnh đạo là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.”

Cuba

Hiến pháp nước Cộng hòa Cuba có 12 chương gồm 141 điều [3], được toàn dân bỏ phiếu thông qua. Trong Hiến pháp, tại “Chương I — Cơ sở chính trị, xã hội và kinh tế của nhà nước” có 2 chỗ nhắc tới từ “đảng”.

Điều 5: “Đảng Cộng sản Cuba — đội tiên phong chủ nghĩa Mác-Lê có tổ chức của giai cấp công nhân — là lực lượng lãnh đạo tối cao của xã hội và nhà nước, tổ chức và chỉ đạo mọi người cùng cố gắng đạt tới mục đích cao cả xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến tới tương lai chủ nghĩa cộng sản.”

Điều 6: “Liên đoàn thanh niên cộng sản — tổ chức thanh niên tiên tiến — dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý công tác đào tạo các thành viên tổ chức này trở thành người cộng sản tương lai và sử dụng các phương pháp giới thiệu thanh niên tham gia học tập, tham gia các hoạt động yêu nước, lao động, quân sự, khoa học và văn hóa để thúc đẩy dùng tư tưởng cộng sản giáo dục thế hệ thanh niên.”

Đáng chú ý là trong khi Triều Tiên, Cuba theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp Lào không có từ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lê, cộng sản; Điều 2 viết: “Nước CHDCND Lào là nhà nước dân chủ nhân dân.”

Xem thêm:

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]