Nguồn: Ian Buruma, “The Power of Monuments”, Project Syndicate, 05/09/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Minh Châu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Tháng trước, cảnh tượng rùng rợn đã diễn ra khi những người Tân Phát-xít (neo-Nazis) diễu hành tại Charlottesville, Virginia, mang theo những ngọn đuốc và hô to khẩu hiệu ủng hộ tư tưởng người da trắng thượng đẳng. Cuộc diễu hành được phát động sau khi thành phố đưa ra kế hoạch di chuyển bức tượng Robert E. Lee, lãnh đạo quân đội Hợp bang miền Nam, lực lượng đã chiến đấu để duy trì chế độ nô lệ tại các bang miền Nam ly khai trong thời kỳ Nội chiến Hoa Kỳ. Bức tượng Tướng Lee cưỡi ngựa đã nằm ở đó từ năm 1924, thời điểm mà việc hành hình người da đen không qua xét xử vẫn không phải là hiếm.
Được truyền cảm hứng bởi các sự kiện ở Charlottesville, những người ủng hộ đã nổi lên ở Anh để tìm cách kéo đổ Tượng của Đô đốc Nelson tại Quảng trường Trafalgar của London, vì người anh hùng của hải quân Anh này đã ủng hộ việc buôn bán nô lệ. Và hai năm trước đó, tại Đại học Oxford, những người phản đối đã yêu cầu dỡ bỏ bức tượng Cecil Rhodes[1] tại Trường Oriel, nơi nhà đế quốc này từng theo học, bởi vì quan điểm của ông về chủng tộc và đế quốc bây giờ bị coi là đáng ghê tởm.
Luôn có một điều “kì diệu” nào đó về niềm tin rằng phá vỡ một hình ảnh sẽ bằng một cách nào đó giải quyết được các vấn đề gắn liền với nó. Vào thế kỷ 16, khi những người Anh theo đạo Tin Lành thách thức quyền năng của Giáo hội Công giáo La Mã, các đám đông đã phá hủy những bức tượng đá các vị thánh và hình tượng thánh thần khác bằng những chiếc búa cầm tay và rìu. Các nhà cách mạng ở thế kỷ 18 đã làm điều tương tự đối với các nhà thờ ở Pháp. Ví dụ cực đoan nhất đã xảy ra ở Trung Quốc cách đây chỉ hơn 50 năm trước, khi Hồng Vệ binh Trung Quốc phá hủy các ngồi đền thờ Phật và đốt sách Nho giáo – hoặc bất kỳ thứ gì lâu đời và mang tính truyền thống – để chào đón cuộc Cách mạng Văn hóa.
Thật dễ dàng để lên án sự phá hoại này. Những công trình và những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại đã bị mất đi. Người ta dễ dàng cho rằng chỉ những người tin vào sức mạnh kì diệu của hình ảnh mới muốn xóa bỏ chúng. Cách phù hợp để xử lý các tượng đài của quá khứ là coi chúng chỉ đơn giản là các di tích lịch sử.
Tuy nhiên nó không đơn giản như vậy. Ai sẽ là người cho rằng sau năm 1945, những con phố và quảng trường ở các thành phố của Đức nên tiếp tục đặt theo tên Adolf Hitler? Chắc chắn không phải là một sai lầm trẻ con khi loại bỏ những bức tượng của vị quốc trưởng người Đức – hoặc của các nhà lãnh đạo Xô Viết ở Trung và Đông Âu sau năm 1989. Người ta có thể lập luận rằng hình ảnh của các nhà lãnh đạo này và các tay sai của họ thiếu giá trị nghệ thuật như của các nhà thờ lớn của nước Anh thời trung cổ, hay những bức tượng Phật đời Đường ở Trung Quốc. Nhưng vậy thì những bức tượng của tướng Lee hầu như cũng không đáng để bảo tồn vì lí do nghệ thuật.
Câu hỏi là chúng ta nên vạch ra giới hạn ở đâu. Liệu rằng một nhân vật lịch sử có nên bị phán xét bởi số máu vấy trên bàn tay ông ta? Hay chúng ta nên thiết lập một khung thời gian thích hợp?
Người ta có thể lập luận rằng những tượng đài tôn vinh những nhân vật phản diện vẫn hiện diện trong hồi ức của những người đang sống và tiếp tục gây ra nỗi đau cho những nạn nhân còn sót lại phải bị loại bỏ, và rằng bất kỳ những tượng đài nào lâu đời hơn thì có thể giữ lại. Nhưng điều đó cũng không thật khả thi. Lập luận ủng hộ việc bảo tồn một bức tượng Hitler ở một nơi công cộng, giả định rằng bức tượng như vậy vẫn còn đang tiếp tục tồn tại, cũng không trở nên thuyết phục hơn theo thời gian.
Nhiều người ở miền Nam nước Mỹ cho rằng các tượng đài của Hợp bang nên được bảo vệ như là những lời nhắc nhở đơn thuần về quá khứ, như là một phần của “di sản” chung. Vấn đề là lịch sử không phải lúc nào cũng trung lập. Nó vẫn có thể độc hại. Cách mà chúng ta kể về quá khứ, và giữ những kí ức sống mãi thông qua những hiện vật văn hóa, là một phần lớn trong cách chúng ta nhìn nhận chính mình. Điều này đòi hỏi một mức độ đồng thuận nhất định vốn thường không tồn tại, đặc biệt là khi có một cuộc nội chiến.
Trường hợp của nước Đức hậu chiến khá đơn giản. Cả Đông Đức và Tây Đức đều xây dựng tương lai chung theo hướng trái ngược với quá khứ Phát-xít. Chỉ có một nhóm nhỏ vẫn bám vào những ký ức hão huyền về Đệ Tam Đế chế.
Tuy nhiên, cho đến ngày nay, chính quyền Đức vẫn cấm trưng bày những hình ảnh về Phát-xít, lo sợ rằng chúng có thể xúi giục mọi người lặp lại những giai đoạn đen tối nhất của lịch sử đất nước. Nỗi sợ này là có thể hiểu được, và không hoàn toàn bất hợp lý. Những cám dỗ như vậy thậm chí có thể trở nên mạnh mẽ hơn khi chủ nghĩa Phát-xít phai nhạt dần khỏi ký ức của những người đang sống.
Anh có một lịch sử gần đây ít đau buồn hơn. Quan điểm của Cecil Rhodes, hay Đô đốc Nelson, mặc dù khá phổ biến trong thời đại của họ, nhưng chắc chắn không còn phù hợp với hiện nay. Chắc không nhiều người Anh khi ngước lên nhìn Nelson trên bệ đá của mình hoặc khi băng qua Trường Oriel của Đại học Oxford, sẽ được truyền cảm hứng để ủng hộ chế độ nô lệ hoặc xây dựng một đế chế ở châu Phi.
Tuy nhiên, miền Nam nước Mỹ vẫn là một vấn đề. Những người thua cuộc trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ không bao giờ nguôi ngoai với thất bại của họ. Với nhiều người miền Nam, mặc dù không phải tất cả, sự nghiệp của Hợp bang miền Nam và các tượng đài của nó vẫn được cảm nhận như là một phần của bản sắc tập thể. Tuy hầu như không có ai có lý trí sẽ ủng hộ việc khôi phục chế độ nô lệ, nhưng nỗi hoài cổ về miền Nam xa xưa vẫn còn lẫn tạp với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đó là lý do tại sao các bức tượng của tướng Lee trước các trụ sở tòa án và những địa điểm công cộng khác lại mang tính độc hại, và tại sao nhiều người, bao gồm những người mang tư tưởng tự do ở miền Nam, lại mong muốn chúng sẽ bị loại bỏ.
Không có một giải pháp hoàn hảo nào cho vấn đề này, chính bởi vì nó không phải là vấn đề những hình ảnh được khắc ra từ đá. Sự oán giận ở miền Nam nặng màu chính trị. Những vết thương của cuộc Nội chiến vẫn chưa lành. Phần lớn nông thôn miền Nam nghèo hơn và ít giáo dục hơn những nơi khác của nước Mỹ. Người ta cảm thấy bị bỏ quên và bị coi thường bởi những người sống ở khu vực thành thị duyên hải của đất nước. Đó là lý do tại sao rất nhiều người trong số họ đã bỏ phiếu cho Donald Trump. Kéo hạ một vài bức tượng sẽ không giải quyết được vấn đề này. Nó thậm chí còn có thể làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có “Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance” và “Year Zero: A History of 1945.”
Copyright: Project Syndicate 2017 – The Power of Monuments
————
[1] Cecil Rhodes là một doanh nhân người Anh, người từng làm Thủ tướng Thuộc địa Cape tại Nam Phi thời kỳ cuối thế kỷ 19, và ủng hộ nhiệt thành chủ nghĩa đế quốc Anh (NBT).
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]