Cải cách cơ cấu là gì và tại sao nó lại quan trọng?

Nguồn:What structural reform is and why it is important?”, The Economist, 09/12/2014

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Chính phủ các nước có thể làm gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Hầu hết các nhà kinh tế tin rằng các chính phủ cần giúp thị trường hoạt động hiệu quả: cưỡng chế thực hiện hợp đồng, giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán, cung cấp điện cho các công ty, hay các hoạt động tương tự. Ngân hàng Thế giới có bảng xếp hạng hàng năm về mức độ hiệu quả của các chính phủ: các bảng xếp hạng mới nhất được công bố vào tháng Mười. Ở nhiều quốc gia, chính phủ khiến cho việc kinh doanh trở nên khó khăn: chẳng hạn, ở Madagascar, một doanh nghiệp có thể phải chờ hơn một năm mới được cấp điện. Tạp chí The Economist thường khuyến nghị “cải cách cơ cấu” (structural reform) như là một phương thuốc chữa các căn bệnh kinh tế. Nhưng chính xác thì “cải cách cơ cấu” nghĩa là gì?

Ở nghĩa đơn giản nhất, cải cách cơ cấu chỉ những thay đổi đối với cách thức hoạt động của chính phủ. Sẽ rất hữu ích khi nhìn vào một ví dụ cực đoan, chẳng hạn như Ukraine, để hiểu được điều này. Nền kinh tế của Ukraine đang trong tình trạng hỗn độn: đây là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới. Nhưng nước này đang cố gắng cải thiện tình hình. Ví dụ, trong những tháng gần đây, chính phủ đã buộc các bộ trưởng công khai các lợi ích tài chính của họ. Điều đó sẽ ngăn các chính trị gia tham nhũng trao các hợp đồng béo bở của chính phủ cho các công ty nơi họ có cổ phần. Thay vào đó là niềm hy vọng rằng các hợp đồng sẽ được trao cho công ty hiệu quả nhất, qua đó giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công và cắt giảm chi phí. Chính phủ cũng đã loại bỏ những lỗ hổng bất thường trong các quy định về mua sắm, vốn cũng là một nguyên nhân gây tham nhũng lớn. Cho đến gần đây vẫn tồn tại một đạo luật ngăn cản công chúng giám sát các nhà cung cấp thức ăn cho các con thú trong các đoàn xiếc quốc doanh. Trong khi đó, giá khí đốt cho người tiêu dùng – hiện đang được trợ giá rất nhiều – sẽ được tăng lên trong vài năm tới để tiết kiệm tiền cho chính phủ.

Nhưng hầu hết các cải cách cơ cấu đều sâu xa hơn. Lấy Italia làm ví dụ. Matteo Renzi, thủ tướng Ý, đã hứa hẹn rất nhiều thay đổi. Thị trường lao động đã trở nên linh hoạt hơn một chút: các công ty có thể thuê tới 20% lực lượng lao động của họ theo các hợp đồng có thời hạn cố định tối đa ba năm. Và giá năng lượng đã giảm: chính phủ đang giúp hạ giá điện cho các công ty vừa và nhỏ trong một nỗ lực giúp họ trở nên cạnh tranh hơn. Pháp cần phải làm điều tương tự. Ví dụ, vào thời điểm hiện tại việc bán aspirin – một loại thuốc khá vô hại – trong phần lớn các siêu thị ở Pháp vẫn là việc làm bất hợp pháp. Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch để đơn giản hóa luật lao động, thông qua việc nới lỏng các quy tắc điều chỉnh đối với các “hội đồng công nhân” (các tổ chức đại diện cho người lao động) trong các công ty. Pháp cũng muốn buộc những người đang xin trợ cấp thất nghiệp phải đi tìm việc “một cách chủ động hơn”. Quốc gia này cho rằng các điều kiện đang quá lỏng lẻo vào thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những cải cách cơ cấu quan trọng như thế nào, đặc biệt khi một nền kinh tế đang gặp khó khăn. Việc chống tham nhũng ở Ukraine là rất đáng hoan nghênh, nhưng một chương trình đầu tư cũng sẽ giúp ích cho nền kinh tế của đất nước này. Việc tăng giá khí đốt quá nhanh sẽ gây hại nhiều hơn là lợi, tác động tiêu cực đến thu nhập của người tiêu dùng nhiều hơn nữa. Ở Italia, các nhà đầu tư có thể lo sợ về gánh nặng nợ khổng lồ – và có thể là không bền vững – không kém những lo lắng về thị trường lao động cứng nhắc của quốc gia này. Và phần lớn khu vực đồng euro đang kêu gọi nới lỏng định lượng, theo đó ngân hàng trung ương sẽ phải mua vào trái phiếu chính phủ. Các cải cách cơ cấu là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng về lâu dài. Nhưng trong ngắn hạn các chính phủ cũng cần phải có hành động quyết liệt hơn.