Chống tiếp cận/chống xâm nhập: Chưa đủ để cản bước Trung Quốc

Tác giả: Ngô Di Lân

Làm sao để ngăn cản bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông? Đây có lẽ là một trong những bài toán hóc búa nhất đối với giới hoạch định chính sách ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trong khoảng mười năm trở lại đây. Theo GS. Michael Beckley – một trong những học giả trẻ hàng đầu về quan hệ Mỹ-Trung thì Mỹ nên tập trung giúp các nước láng giềng của Trung Quốc cải thiện khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) để ngăn không cho Trung Quốc chiếm Đài Loan hay kiểm soát các vùng biển ở khu vực Đông Á. Tuy nâng cao năng lực A2/AD là một cách tiếp cận không tồi nhưng chiến lược này sẽ rất dễ bị hoá giải nếu Trung Quốc vận dụng chiến thuật “cắt lát salami” để từng bước mở rộng sự kiểm soát của mình ở Đông Á.

Sức mạnh và giới hạn của A2/AD

A2/AD sẽ hữu hiệu trong những trường hợp nào? Như Beckley đã phân tích một cách chi tiết trong bài viết của mình, nếu TQ có ý đồ phát động chiến tranh để chiếm Đài Loan, dựa vào bao vây cấm vận hay ném bom chiến lược để khuất phục hòn đảo này, hay triển khai một chiến dịch quân sự lớn để mở rộng tầm kiểm soát của mình ở Biển Đông hay Hoa Đông thì nhiều khả năng A2/AD sẽ ngăn chặn được bước tiến của TQ.

Theo các chuyên gia quân sự thì một đạo quân tấn công muốn nắm chắc phần thắng thì thường phải đảm bảo được ít nhất tỉ lệ quân lực 3:1, tức cứ mỗi lính phòng thủ cần phải có đến ba lính tấn công. Do đó tấn công gần như bao giờ cũng khó hơn và hao người tốn của hơn so với phòng thủ. Khi mà tên lửa tầm xa ngày càng chính xác hơn bao giờ hết và tàu ngầm vẫn là “sát thủ tàng hình” dưới lòng đại dương mênh mông thì việc tiến quân ra chiếm đảo sẽ là một hành động quá rủi ro để triển khai trừ những trường hợp cấp bách và tuyệt vọng nhất. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng A2/AD sẽ là vũ khí răn đe đủ đáng gờm để khiến hải quân Trung Quốc chùn bước.

Đương nhiên A2/AD không thể giúp các nước chiếm lại được những phần lãnh thổ mà Trung Quốc đang chiếm đóng, thậm chí nó chưa chắc đã hạn chế được quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với những nơi họ đã thiết lập được khả năng kiểm soát vững chắc. Tuy nhiên đây không hẳn là “giới hạn” của A2/AD vì bản chất của nó là một chiến lược phòng thủ/răn đe chứ không phả là một chiến lược tấn công. A2/AD sinh ra đảm bảo kẻ địch không thể tự do tung hoành và thoả sức chiếm đóng chứ không phải để bất kỳ bên nào mở rộng lãnh thổ của mình.

Vấn đề của A2/AD nằm ở chỗ nó vận hành dựa trên giả thiết ngầm rằng quân địch sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự lớn. Nếu Trung Quốc thật sự phát động một cuộc tấn công xâm lược Đài Loan, quân đội Đài Loan ắt sẽ chiến đấu. Nếu ngày mai hải quân Trung Quốc nổ súng và chiếm hết các đảo của Philippines ở Biển Đông thì kể cả một tổng thống thân Trung Quốc như Duterte cũng không thể khoanh tay đứng nhìn. Khi đã không còn gì để mất, những nước này sẽ sẵn lòng sử dụng tên lửa, tàu ngầm và bất kỳ loại vũ khí gì họ có để chống trả đội quân xâm lược. Khi đó A2/AD sẽ phát huy được hiệu quả. Nhưng nếu Trung Quốc không phát động chiến tranh ở quy mô lớn thì sao?

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu rằng nếu họ xâm lược Đài Loan một cách vô cớ thì Mỹ sẽ can thiệp và rằng nếu họ mang hạm đội Nam Hải ra chiếm hết các đảo của Việt Nam ở Trường Sa thì họ sẽ bị cả thế giới lên án và cô lập trong khi Việt Nam càng tiến gần về phía Mỹ hơn. Sử dụng vũ lực một cách lộ liễu ở quy mô quá lớn ắt sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ cộng đồng quốc tế như cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 của Mỹ đã cho thấy. Trung Quốc dù mạnh đến mấy cũng không thể “xưng bá” nếu không thu phục được nhân tâm và họ sẽ không thể nào thu phục được nhân tâm nếu sử dụng vũ lực một cách bừa bãi.

Thay vì tiến quân ồ ạt như vậy, họ có thể chiếm lấy một hòn đảo, một bãi đá trong chớp nhoáng như cách mà Nga đã chiếm đóng bán đảo Crimea. Nếu Trung Quốc chỉ chiếm duy nhất một hòn đảo, nhất là nếu đó là một hòn đảo hoang sơ không có người sinh sống, lại không có giá trị nhiều về mặt kinh tế hay an ninh thì liệu nước bị mất lãnh thổ có sẵn sàng nổ súng để chiếm lại hay không? Nhìn vào Crimea, nhìn vào bãi cạn Scarborough thì câu trả lời dường như là: không. Không có nhà lãnh đạo nào muốn nhìn thấy lãnh thổ của mình bị xâm phạm nhưng trước khi ra quyết định phản công, họ sẽ phải tự hỏi mình: điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tấn công đội quân xâm lược, đặc biệt khi họ mạnh hơn ta? Nếu mất một hòn đảo mà không phản ứng gì thì chắc chắn sẽ mất hòn đảo đó nhưng tìm cách chiếm lại thì sẽ có rủi ro xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh ở quy mô lớn hơn và khi đó thì tổn thất có thể sẽ lớn hơn rất nhiều. Nếu người lãnh đạo khi đó suy nghĩ như vậy thì dù họ đủ vũ khí A2/AD để đánh bật đạo quân xâm lược khỏi hòn đảo vừa bị chiếm đóng thì họ cũng không sẵn lòng sử dụng.

Nói cách khác, thay vì phát động chiến tranh tổng lực để đánh một cách trực diện, Trung Quốc có thể tìm cách tạo ra tình huống “sự đã rồi” (fait accompli) với mục đích vừa mở rộng lãnh thổ, vừa kiểm soát rủi ro leo thang xung đột. Bằng cách tạo ra nhiều tình huống như vậy trong một khoảng thời gian dài, họ sẽ từng bước mở rộng được lãnh thổ, sức ảnh hưởng và quyền kiểm soát của mình mà vẫn hạn chế được sự chống trả từ đối phương. Mỗi lát cắt salami có thể rất mỏng nhưng nhiều lát mỏng gộp lại sẽ thành một miếng đủ dày.

A2/AD: đúng nhưng chưa đủ

A2/AD không phải là một ý tưởng tồi. Về mặt lôgic, không thể loại trừ khả năng Trung Quốc trở nên tự tin đến mức sẵn sàng chủ động sử dụng vũ lực ở quy mô lớn để giải quyết tranh chấp và chiếm lãnh thổ của các nước láng giềng. Do đó, việc duy trì kho vũ khí cần thiết để ngăn không cho Trung Quốc chiếm đóng và khống chế những vùng biển ở Đông Á là hết sức cần thiết. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, mối đe doạ trực tiếp ở trước mắt nhiều khả năng sẽ đến từ việc Trung Quốc bất ngờ tạo ra “sự đã rồi”, từ đó đặt đối phương vào thế bị động và không sẵn sàng sử dụng vũ lực để đáp trả. Do đó, “gót chân Achilles” của các đối tác của Mỹ ở Đông Á không nằm ở vũ khí mà nằm ở ý chí. Việt Nam, Philippines, Nhật Bản hoàn toàn có khả năng tấn công trả đũa Trung Quốc nhưng họ có sẵn sàng làm điều đó không lại là điều rất khác.

Do đó, có thể lập luận rằng ưu tiên lớn nhất hiện nay của Mỹ không phải là củng cố sức mạnh quân sự của những nước này mà là duy trì cam kết của mình đối với an ninh của khu vực và giúp những nước đối tác giảm sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Sẽ là không thực tế nếu kỳ vọng rằng những nước này sẽ sẵn sàng nổ súng tấn công binh lính Trung Quốc khi mà Trung Quốc là một trong những bạn hàng lớn nhất của họ. Mặt khác nếu như những nước láng giềng của Trung Quốc cảm thấy rằng đối mặt với trừng phạt kinh tế của Trung Quốc là cái giá có thể chấp nhận được để bảo vệ lãnh thổ của mình, dù chỉ là một tấc đất, thì khi đó A2/AD sẽ phát huy được hiệu quả tối đa. Thế nên xét cho cùng, dù xoay trục hay không xoay trục, dù CPTPP có thể không có lợi quá nhiều cho Mỹ xét trên khía cạnh kinh tế – thương mại đơn thuần thì về mặt chiến lược lâu dài có lẽ Mỹ vẫn nên là một phần của hiệp định này.

Ngô Di Lân là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ.