Vì sao người Trung Quốc thiếu tự tin văn hóa?

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Hơn bao giờ hết, giờ đây Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc đang ra sức đẩy mạnh việc xây dựng Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại Tập Cận Bình, nhấn mạnh Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là chủ đề của toàn bộ lý luận và thực tiễn của Đảng từ cải cách mở cửa tới nay. Chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tiếp đề xuất một số chủ trương quan trọng về lý luận và thực tiễn, có tính chất mở ra một thời đại mới, nhằm nhanh chóng thực hiện giấc mơ Phục hưng dân tộc Trung Hoa, đưa nước này trở lại vai trò cường quốc số một thế giới như thời xa xưa. Nếu việc đó suôn sẻ thì ông Tập rất có thể sẽ sánh vai với các lãnh tụ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.

Ngoài những đề xuất cụ thể như dự án nghìn tỷ đô la Một vành đai, một con đường, ông Tập còn đưa ra những yêu cầu mới về tư tưởng, như yêu cầu toàn Đảng toàn dân Kiên trì 4 tự tin: tự tin về đường lối, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ và tự tin về văn hóa. Ở đây tự tin văn hóa là nói sự khẳng định và tích cực thực hành các giá trị văn hóa của tổ quốc mình.

Trong đợt học tập tập thể lần thứ 13 của Bộ Chính trị TƯ ĐCSTQ hôm 24/2/2014, Tập Cận Bình đề xuất phải “Tăng cường tự tin văn hóa và tự tin về giá trị quan”. Về sau ông lại nhiều lần bàn về vấn đề này. Ông nói: “Trung Quốc có sự kiên định tự tin về đường lối, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ, bản chất của sự tự tin đó là sự tự tin về văn hóa được xây dựng trên cơ sở tiếp nối nền văn minh hơn 5000 năm”. Nghĩa là ông vẫn chủ trương phải kế thừa nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Có thể hiểu, thứ CNXH ông muốn xây dựng dứt khoát phải mang đặc sắc Trung Quốc, thừa kế các đặc điểm của văn hóa truyền thống Trung Hoa, chứ không phải là thứ CNXH phổ quát do Marx, Lenin xây dựng và phát triển.

Tại cuộc tọa đàm ngày 4/5/2015 với sinh viên trường Đại học Bắc Kinh, ông Tập nhiều lần nhắc tới vấn đề tự tin văn hóa. “Chúng ta cần kiên trì tự tin về đường lối, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ và điều căn bản nhất là tự tin về văn hóa” – ông nói.

Tháng 5 – 6/2016, ông liên tiếp hai lần nhấn mạnh “tự tin văn hóa”: “Chúng ta phải kiên định sự tự tin về đường lối CNXH đặc sắc Trung Quốc, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ, nói cho đến cùng là phải kiên trì tự tin về văn hóa”.

Vì sao ngoài ba điều tự tin về CNXH đặc sắc Trung Quốc, tức tự tin về đường lối, về lý luận, về chế độ, Tập Cận Bình lại còn đưa ra “tự tin văn hóa”?

Ông giải thích: đó là do “Văn hóa, đặc biệt văn hóa tư tưởng, là linh hồn của một quốc gia, một dân tộc. Quốc gia nào, dân tộc nào nếu không quý trọng văn hóa tư tưởng của mình, tức đánh mất linh hồn văn hóa tư tưởng, thì quốc gia đó, dân tộc đó sẽ không thể đứng lên được”. Báo cáo của Đại hội 19 ĐCSTQ nêu rõ: Không có tự tin văn hóa cao độ, không có sự phồn vinh hưng thịnh văn hóa thì sẽ không có sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Nền văn hóa truyền thống ưu tú của Trung Quốc “có thể có những gợi ý hữu ích đối với việc quản trị quốc gia , với việc xây dựng đạo đức”, “Hệ thống quản trị quốc gia của nước ta hiện nay là kết quả của sự phát triển lâu dài, sự cải tiến tiệm tiến, sự diễn hóa nội sinh trên cơ sở sự nối tiếp lịch sử, truyền thống văn hóa, sự phát triển kinh tế xã hội”;  “Chỉ có kiên trì đi từ lịch sử tới tương lai, khai phá tiến lên trong sự tiếp nối huyết mạch văn hóa dân tộc thì chúng ta mới có thể làm tốt sự nghiệp hôm nay”, “Không có sự kế thừa và phát triển văn minh, không có sự phát huy và phồn vinh văn hóa thì không thể thực hiện được giấc mơ Trung Quốc”. Một quốc gia mà sức mạnh cứng không mạnh thì sẽ có thể bị đánh một đòn là thua, nhưng nếu sức mạnh mềm lại yếu thì có thể không bị đánh mà tự thua. Thực hành tự tin văn hóa, nâng cao sức mạnh mềm văn hóa là việc có quan hệ tới toàn cục, không được để trễ chút nào.

Tại lễ kỷ niệm 95 năm thành lập ĐCSTQ (1/7/2016), Tập Cận Bình nói: “Tự tin văn hóa là sự tự tin cơ sở hơn, rộng hơn, sâu sắc hơn”. Dư luận Trung Quốc cũng cho rằng nói tự tin văn hóa thì ngữ cảnh trang nghiêm hơn, quan điểm sáng sủa, thái độ kiên quyết hơn các thứ tự tin khác.

Tóm lại tự tin văn hóa là nhiệm vụ số một ông Tập yêu cầu mỗi người Trung Quốc phải có.

Thông thường khi ai nhấn mạnh một vấn đề nào đấy của mình thì có thể hiểu là họ đã có chuyện về vấn đề đó. Như khi một chính phủ nhấn mạnh chống tham nhũng thì có thể hiểu là chính phủ ấy có vấn đề tham nhũng. Phải chăng khi nhấn mạnh tự tin văn hóa có nghĩa là Tập Cận Bình đã nhận thấy người Trung Quốc còn thiếu tự tin về lĩnh vực này?

Thực tế cho thấy: Trong khi tự tin về thành tựu phát triển sức mạnh cứng của đất nước, không ít người Trung Quốc vẫn còn thiếu tự tin về nền văn hóa dân tộc. Điều đó trái với mong muốn của Tập Cận Bình. Ông từng tự hào nói: “Trong thế giới ngày nay, nếu muốn nói chính đảng nào, quốc gia nào, dân tộc nào có thể tự tin, thì ĐCSTQ, nước CHND Trung Hoa, dân tộc Trung Hoa có lý do tự tin nhất”. Bởi vậy ông yêu cầu người Trung Quốc phải khôi phục và tăng cường tự tin văn hóa.

Lãnh đạo đã chỉ thị, bộ máy tuyên truyền lập tức khởi động hết công suất, cả Trung Quốc bàn luận sôi nổi về đề tài này.

Thực ra, từ ngày kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc chiếm vị trí số hai thế giới, tâm lý tự tin của người Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Nhưng đó chỉ là tự tin về sức mạnh kinh tế, tức sức mạnh cứng. Tự tin về văn hóa, tức tự tin về sức mạnh mềm, mới là thứ tự tin người Trung Quốc đang cần.

Trên tờ Nhân dân nhật báo số ra ngày 4/9/2014, Mã Lợi Phó, Tổng biên tập báo này, thừa nhận: Hiện nay rất nhiều người Trung Quốc có tự tin, nhưng cũng có một số người không tự tin như thế, thậm chí rất không tự tin, mở miệng là khen ngợi phương Tây, lấy tiêu chuẩn giá trị phương Tây để bình luận về Trung Quốc, nói Trung Quốc chẳng có mặt nào được như phương Tây. Để tăng tự tin, trước hết Trung Quốc phải giữ được tốc độ phát triển tốt, bảo đảm tăng được sức mạnh cứng – Mã Lợi nói. Có lẽ người Trung Quốc sẽ không khó thực hiện được nhiệm vụ này.

Cốt lõi của văn hóa là giá trị quan, tức các giá trị định hướng sự phát triển văn hóa xã hội. Từ thời xưa, các bậc tiên hiền Trung Quốc đã nêu ra nhiều đạo lý, tư tưởng, nhiều giá trị văn hóa cao quý. Chẳng hạn “Thiên hạ vi công”, “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách”, “Thiên nhân hợp nhất”, “Dĩ nhân vi bản”, “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, “Hòa vi quý”, “Hòa nhi bất đồng”, “Tu thân, tề gia, trị quốc,  bình thiên hạ” v.v… Dư luận phổ biến cho rằng giá trị quan của Trung Quốc có thể quy thành mấy điểm: nhân ái, dân bản, thành tín, chính nghĩa, hòa hợp, đại đồng – được coi là bộ gene văn hóa cơ bản nhất của dân tộc này.

Các giá trị đó đều đáng tự hào, thế nhưng vì sao vẫn có những người Trung Quốc chưa tự tin vào nền văn hóa nước mình? Rất có thể, đó là do các giá trị cao quý ấy chỉ mới được các vị thánh hiền, quân vương rao giảng chứ chưa áp dụng vào thực tế, chưa biến thành chế độ chính trị bảo đảm dân chúng được hưởng các giá trị đó. Thời chuyên chế phong kiến tất nhiên là như vậy rồi, nhưng thời kỳ sau giải phóng, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, nhiều giá trị đã bị đảo lộn. Con đấu cha, vợ đấu chồng, thiếu niên Hồng Vệ Binh tra tấn đánh đập dã man ông bà già… tới mức có nhà trí thức gọi đó là thời con người biến thành súc vật. Tất cả chỉ vì để tỏ lòng trung thành với đảng, với lãnh tụ. Cũng vì “ngu trung” mà các cấp chính quyền bỏ mặc cho hàng chục triệu dân chết đói trong thời kỳ Đại Nhảy vọt. Giá trị căn bản nhất là quyền sống, quyền làm người còn bị coi nhẹ như thế thì nói gì đến nhân ái, dân bản.

Sau cải cách mở cửa, xã hội Trung Quốc đã tiến bộ nhiều nhưng do vẫn chưa quên quá khứ nên người ta còn nhìn sự vật với con mắt hoài nghi. Mặt khác, các giá trị phương Tây đề ra và theo đuổi như tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền có sức hút mạnh hơn nhiều, có tính phổ quát toàn cầu hơn, vì nó đáp ứng nhu cầu thiết thân nhất của con người và đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội, hơn nữa nhiều nước đã biến chúng thành thể chế chính trị. Ví dụ dân các nước Bắc Âu chưa bao giờ thiếu tự tin văn hóa, bởi lẽ từ lâu các giá trị tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền mà nền văn hóa của họ đề cao đã biến thành chế độ xã hội, bảo đảm toàn dân được hưởng các giá trị đó.

Tâm lý thiếu tự tin văn hóa còn xuất phát từ một thực tế là văn hóa truyền thống Trung Hoa chưa có ảnh hưởng tương xứng trên thế giới, ít được thế giới biết đến, một số giá trị quan còn xa lạ với văn hóa phương Tây. Nguyên nhân có phần là do chính sách bế quan tỏa quốc của phong kiến Trung Quốc và do chữ Hán khó học cản trở sự truyền bá văn hóa Trung Hoa.

Lẽ tự nhiên kẻ mạnh thì dễ tự tin, kẻ yếu thì kém hoặc không tự tin. Thời xa xưa khi Trung Quốc là cường quốc số một thế giới, các vương triều nước này tự xưng là Thiên triều, coi nước mình là văn minh nhất, là “Trung tâm tinh hoa (Trung Hoa)” của thế giới, người Trung Quốc thời ấy có lý do để tự tin. Nhưng sự kiêu ngạo của nhà nước phong kiến đã khiến nước này không giao lưu văn hóa với thế giới, bị tụt hậu sau phương Tây rất xa mà không biết. Đến khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, người Trung Quốc mới nhận ra văn hóa mình quá lạc hậu, cú sốc tâm lý này làm cho họ từ chỗ tự cao tự đại trở nên mất tự tin. Các học giả sôi nổi tranh cãi, hầu hết đổ tội cho “tính cách quốc dân” tồi tệ của người Trung Quốc. Họ cho rằng do chữ Hán khó học nên hầu hết quốc dân mù chữ, ngu dốt, vì thế nhất thiết phải cải cách chữ viết. Chữ Hán là đại diện chủ yếu, là niềm tự hào của văn hóa Trung Hoa mà còn bị chê trách như thế thì sao có thể tự tin vào nền văn hóa này.

Trong cuốn “Lịch trình tính cách người Trung Quốc” xuất bản năm 2008, nhà văn Trương Hồng Kiệt viết: Sau năm 1840, nhất là sau trận Giáp Ngọ, sự thảm bại của thiên triều đã gây thiệt hại nặng cho lòng tự tin của dân Trung Quốc. Hơn trăm năm nay các nhà trí thức luôn suy nghĩ về nguyên nhân thất bại của Trung Quốc, đại đa số kết luận đó là do tính cách quốc dân Trung Quốc có vấn đề, rốt cuộc mũi nhọn chĩa vào nền văn hóa của tổ tiên. Nghiêm Phục phê bình dân ta “yếu mà ngu”, cần cải cách giáo dục để cải thiện dân trí. Lương Khải Siêu nói quốc gia suy yếu là do dân ngu, do không đọc sách của nước khác, không biết chuyện của người ta; ông phê bình gay gắt “nô tính” của người Trung Quốc. Lỗ Tấn nặng lời phê phán “tính quốc dân”, thậm chí nói thanh niên chớ nên đọc sách Trung Quốc. Thế hệ trí thức thời Ngũ Tứ hô hào “Đả đảo Khổng Gia Điếm”. Thời Cách mạng văn hóa, người Trung Quốc vâng lời lãnh tụ hò nhau “Phá Bốn Cũ” (tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, thói quen cũ), cả đến người Đài Loan cũng hưởng ứng: Bá Dương đả kích thậm tệ “Văn hóa hũ tương” của “người Trung Quốc xấu xí”…

Như vậy là suốt hơn trăm năm qua, văn hóa truyền thống Trung Hoa bị chính người Trung Quốc chê trách, đả phá, vì thế bây giờ đòi hỏi họ có niềm tự tin văn hóa là việc không dễ. Trong khi đó người Nhật dường như không do dự khi quyết định “Thoát Á nhập Âu” và làm cuộc Duy tân Minh Trị (1968-1912). Phải chăng vì nền văn hóa truyền thống của họ không lâu đời và quá lớn như của người Trung Quốc? Hay là do họ quen phó thác quyền quyết định vận mạng mình cho lãnh đạo tối cao, và khi lãnh đạo đã quyết thì họ tuyệt đối chấp hành. May sao họ có những người lãnh đạo sáng suốt, điển hình là Thiên Hoàng Meiji Mutsohito, quyết định của ngài chuyển nước Nhật từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản đã nhanh chóng đưa nước này bước lên con đường hiện đại hóa. Trung Quốc thời ấy chưa có những người lãnh đạo như vậy.

Trương Hồng Kiệt cho rằng Trung Quốc  lạc hậu không phải do tính cách quốc dân yếu kém mà là do lạc hậu về chế độ, chứng cớ là tính cách dân Nhật, Hàn Quốc tuy chẳng khác gì dân Trung Quốc, nhưng do thực hiện cải tiến chế độ xã hội nên họ tiến nhanh hơn. Tính cách dân tộc có mặt tích cực và tiêu cực, mặt tiêu cực trong tính cách người Trung Quốc là do chế độ chuyên chế hơn 2000 năm tạo ra, người dân chưa bao giờ được làm chủ quốc gia mình, đất nước này là tài sản của kẻ khác, dân chỉ là nô lệ của chúng, vì thế dân không có tâm lý làm chủ, họ chẳng hề quý trọng mà có dịp là đập phá tất cả những gì ở bên ngoài căn nhà mảnh sân của mình. Trương Hồng Kiệt kết luận: Không cải cách cơ chế xã hội thì không thể đạt được mục tiêu thay đổi tính dân tộc lạc hậu; xã hội có hiện đại hóa thì mới tạo ra tính cách hiện đại của người dân. Nói cách khác, muốn cải tạo tính cách quốc dân trước tiên phải thay đổi chế độ xã hội, nhờ thế quốc dân mới có sự tự tin. Quan điểm này dường như không ăn nhập với chủ trương hô hào người Trung Quốc xây dựng tâm lý tự tin văn hóa.

Lâu nay giới trí thức Trung Quốc thường kêu gọi lãnh đạo cần tiến hành cải cách chính trị song song với cải cách kinh tế, mở rộng dân chủ, thực hiện xã hội hòa hợp, làm cho người dân ngày càng có ý thức làm chủ đất nước, xã hội, càng yêu nước và tự tin về đất nước mình. Nhưng quyền cải cách lại không do giới trí thức quyết định.

Nhà bình luận nổi tiếng Đỗ Bình của Đài Truyền hình Phượng Hoàng cho rằng gần đây, từ khi sức mạnh cứng của Trung Quốc tăng lên ngang ngửa với các siêu cường, lòng tự tin của người Trung Quốc đã tăng lên nhiều, nhưng sự tự tin ấy thiếu lực định hướng nội tại. Điều đó thể hiện ở chỗ mỗi khi xảy ra cọ xát Trung-Mỹ hoặc Trung-Nhật thì dân Trung Quốc tỏ ra rất yêu nước, có thể bị coi là dân tộc cực đoan, cao ngạo, nhưng bình thường nhiều người lại có thái độ bất mãn, oán ghét xã hội, dễ nổi giận, dễ buồn phiền, cảm thấy bất lực và cam chịu, chán nản thất vọng vì không được tham gia quản lý xã hội, hoài nghi bản thân, hoài nghi và thậm chí căm ghét chế độ. Ngay cả tầng lớp nhà giàu mới nổi tuy bên ngoài tỏ vẻ ta đây đầy tự tin nhưng nội tâm họ lại chẳng tự tin, thiếu cảm giác an toàn tài sản. Ông cho rằng vấn đề tồn tại lớn nhất của Trung Quốc là cho tới nay chưa xây dựng được một hệ thống giá trị mới toàn bộ, được toàn dân chấp nhận. Có lẽ nhà báo Hong Kong này muốn ám chỉ sự chưa thống nhất của toàn dân Trung Quốc về những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, tuy phổ quát toàn cầu nhưng lại bị quan điểm chính thống ở đại lục Trung Quốc coi là “nhạy cảm”, khó có thể tiếp thu, chấp nhận.

Giới trí thức Trung Quốc thường nhấn mạnh: Trung Quốc hiện nay vẫn chỉ là một nước lớn văn hóa chứ chưa phải là một cường quốc văn hóa, nói cách khác, sức mạnh mềm văn hóa chưa tương xứng với sức mạnh cứng vật chất và nhiệm vụ bức thiết hiện nay là phải tăng cường sức mạnh mềm văn hóa. Nhưng đây là một việc không dễ.

Nguyên Bộ trưởng văn hóa Vương Mông nói người Trung Quốc cần thừa nhận nền văn hóa của nước mình đồng thời đưa nó đi ra thế giới. Đại gia quốc học Lầu Vũ Liệt chủ trương trước hết phải hiểu về văn hóa truyền thống Trung Quốc và cần thấy giá trị nhân văn của nó, qua đó thừa nhận và tôn trọng nó, như thế mới có tự tin; văn hóa hiện đại của Trung Quốc phải xây dựng trên mảnh đất văn hóa truyền thống. Thực tế cho thấy văn hóa truyền thống Trung Hoa với đại diện là Khổng Tử và Nho học khó có thể được toàn dân Trung Quốc nhất trí thừa nhận, và từng bị nhiều người thuộc tầng lớp tinh hoa như Lỗ Tấn, Tiền Huyền Đồng, Trần Độc Tú, Mao Trạch Đông v.v… phê phán thậm tệ. Để có tự tin văn hóa, có lẽ trước hết người Trung Quốc cần thống nhất nhận thức về nền văn hóa truyền thống của mình. Quá trình này cần thời gian không ngắn.

Những năm gần đây lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt chú trọng “đưa văn hóa Trung Hoa đi ra thế giới”. Tập Cận Bình nói: “Phải dùng lý lẽ, dùng văn hóa, dùng đạo đức để thuyết phục thiên hạ, đẩy mạnh trao đổi văn hóa”. Từ năm 2004 Nhà nước Trung Quốc bắt đầu triển khai dự án mở các học viện và lớp học Khổng Tử trên toàn cầu, nhằm giúp nhân dân thế giới hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa. Dự án này do Tổng bộ Học viện Khổng Tử (Confucius Institute Headquarters) quản lý, Chủ tịch Tổng bộ là ông Lưu Diên Đông, Ủy viên Bộ Chính trị TƯ ĐCSTQ, Ủy viên Quốc vụ – qua đó có thể thấy tầm quan trọng của dự án. Cho tới tháng 7/2017, Trung Quốc đã mở được 511 Viện và 1073 lớp Khổng Tử tại 140 nước và vùng lãnh thổ, với khoảng 2,1 triệu người dự học. Dự án có quy mô lớn, khá tốn kém, nhưng xem ra chưa thu được kết quả như ý. Có thể đó là do văn hóa Trung Hoa có khác biệt lớn với văn hóa thế giới, người ta khó tiếp thu, hoặc do chữ Hán quá khó nên họ ngại học, hoặc vì học rồi không có chỗ dùng, hoặc vì các lý do khác.

Thực ra sức mạnh mềm văn hóa là thứ “hữu xạ tự nhiên hương”, dùng cách tuyên truyền, quảng bá khó có thể tăng được thứ sức mạnh này. Nền văn minh Trung Hoa có lịch sử lâu đời và từng có một số thành tựu vẻ vang nhưng chưa có đóng góp tương xứng cho sự phát triển xã hội loài người. Các thành tựu văn học nghệ thuật, triết học, tư tưởng v.v… chưa ảnh hưởng lớn tới thế giới. Dường như một số giá trị quan của người Trung Quốc chưa ăn nhập với phương Tây, cho nên dù có tuyên truyền thế nào thì phương Tây vẫn chưa mặn mà với văn hóa Trung Hoa. Ví dụ các tiểu thuyết nổi tiếng ở Trung Quốc như Thủy Hử bị phương Tây chê là bệnh hoạn, tiểu thuyết Tô Tem Sói bị chê là tuyên truyền chủ nghĩa phát xít v.v…

Cần nói thêm: thái độ của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cũng chưa thể hiện được những giá trị ưu tú của nền văn hóa truyền thống nước này như nhân ái, bao dung, hòa hợp, đại đồng. Ví dụ thái độ ỷ vào sức mạnh để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông không nhận được thiện cảm từ các nước trong vùng.

Tóm lại để tăng cường lòng tự tin văn hóa, người dân cũng như Nhà nước Trung Quốc còn phải làm rất nhiều việc, nếu chỉ đơn thuần “đưa văn hóa Trung Quốc đi ra ngoài” là chưa đủ.

Người dân nước nào cũng đều cần có sự tự tin về văn hóa nước mình. Một nước lớn, đông dân nhất thế giới, từng trải qua một giai đoạn lịch sử đau buồn bị nước ngoài bắt nạt, xâm lược như Trung Quốc lại càng cần có tự tin văn hóa. Nhưng đây là lần đầu tiên ở Trung Quốc, tự tin văn hóa được đặt lên tầm cao quyết định quá trình thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc”, chủ trương khôi phục và tăng cường tự tin văn hóa được đưa lên thành quốc sách. Điều này cho thấy Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo rất thực dụng và dũng cảm, không sĩ diện hình thức. Có lẽ đó là kết quả sự tích tụ nhận thức của quá trình đi lên từ một thanh niên trí thức về nông thôn lao động, trải qua nhiều năm làm Bí thư chi bộ một đại đội nông dân công xã, ông đã hiểu rõ tâm lý thiếu tự tin của người nông dân Trung Quốc.

Tăng cường lòng tự tin văn hóa của mỗi người dân là cách tốt nhất để thống nhất ý chí toàn dân, từ đó tăng được sức mạnh mềm của quốc gia. Hiển nhiên, nếu người Trung Quốc tạo ra được một sức mạnh mềm văn hóa tương xứng với sức mạnh cứng của họ thì quốc gia này sẽ có thể đóng góp nhiều hơn cho sự tiến bộ của cộng đồng loài người.