Nguồn: Robert Daly & Matthew Rojansky, “China’s Global Dreams Give Its Neighbors Nightmares“, Foreign Affairs, 12/03/2018.
Biên dịch: Trần Quang
Từ Nga đến Trung Á, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh gợi lên những kỉ niệm xấu về chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc.
Năm 1904, Halford MacKinder đã đưa ra lý thuyết ai làm chủ Lục địa Á-Phi-Âu sẽ “điều khiển thế giới”. 109 năm sau, ở Astana của Kazakhstan, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã hành động, tuyên bố mình là người đề xướng và Trung Quốc là động cơ của sự hội nhập Á-Phi-Âu. Kỷ nguyên ngoại giao Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đã bắt đầu.
Lục địa Á-Phi-Âu nhanh chóng chứng tỏ là quá nhỏ cho tầm nhìn của Tập Cận Bình. Một tháng sau bài phát biểu ở Astana, Tập Cận Bình đã tới Jakarta để tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ “củng cố hợp tác hàng hải với các nước ASEAN… và phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác hàng hải trong một nỗ lực chung nhằm xây dựng Con đường tơ lụa trên biển”. Hồi tháng 1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã mời hơn 30 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe gia nhập Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Những ngày sau đó, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách Trắng về chiến lược Bắc cực của nước này với câu cuối cùng khuyến khích các nước ủy viên Hội đồng Bắc cực – mà không giống Trung Quốc, thực tế giáp giới với Bắc cực – làm việc với Trung Quốc để “tham gia việc quản lý Bắc cực, thúc đẩy hợp tác liên quan đến Bắc cực dưới Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường'”.
Từ Nam Mỹ đến Bắc cực, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” công nhận Trung Quốc là nước đứng đầu sự hội nhập toàn cầu. Nhưng các nước láng giềng của Trung Quốc lại hoài nghi hơn.
Các tác giả bài viết mới đây đã tới Bắc Kinh, Astana và Moskva để đánh giá tầm nhìn của Tập Cận Bình phù hợp như thế nào với của các nước láng giềng lục địa Á-Âu, những nước có sự hợp tác mang ý nghĩa quan trọng đối với thành công của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Các tác giả nhận thấy sự háo hức tham gia những dự án hỗ trợ phát triển quốc gia, nhưng có cả sự phản đối sâu sắc bất cứ sự mở rộng nào sang phía Tây hoặc Bắc của các hoạt động, ý tưởng hay dân số Trung Quốc. Là thủ đô mới nhất của khu vực, Astana có thể được mong đợi sẽ thể hiện những tham vọng về lục địa Á-Âu, nhưng ngoại trừ một khách sạn do Trung Quốc xây dựng, không có dấu hiệu nào cho thấy sự gắn bó với Trung Quốc ở thành phố này. Phía trước các cửa hàng và các tòa nhà chọc trời tràn ngập chữ Kirin và tiếng Anh; hầu như không có chữ tiếng Trung Quốc. Nga chủ yếu vẫn là một nước Slave và châu Âu; những định hướng nghệ thuật và tư tưởng của nước này hoàn toàn mang tính phương Tây. Không nước nào hy vọng rằng sức mạnh của Trung Quốc sẽ gia tăng với các khoản đầu tư của nước này.
Lôgích chiến lược của Trung Quốc
Tập Cận Bình chưa nhận ra hoặc không quan tâm. Trong khi Mackinder nghĩ rằng bất kỳ bá quyền trên Lục địa Á-Phi-Âu nào trước tiên đều phải thống trị Đông Âu, Tập Cận Bình tự tin rằng lịch sử chứng minh chìa khóa để kiểm soát lục địa nằm ở Trung Quốc. Vào tháng 9/2013, ông nói với người Kazakhstan rằng “hơn 2.100 năm trước… sứ tiết Trương Khiên được cử đến Trung Á hai lần để mở cửa giao thiệp thân thiện giữa Trung Quốc và các nước Trung Á cũng như Con đường tơ lụa xuyên lục địa nối phương Tây và phương Đông”. Tháng 10/2013, trong bài phát biểu trước Quốc hội Indonesia, Tập Cận Bình đã nói rằng “Đông Nam Á từ thời xa xưa đã là một trung tâm quan trọng dọc Con đường tơ lụa trên biển cổ đại”.
Ý nghĩa của điều đó là thương mại giữa khu vực Á-Âu và Đông Nam Á thời cận đại do Trung Quốc thúc đẩy, một quan điểm rõ ràng mang tính xét lại. Thuật ngữ “Con đường tơ lụa” được một nhà địa lý người Đức đặt vào năm 1877, mang nghĩa hiện tượng lịch sử là thương mại Á-Âu thay vì một tuyến đường cụ thể.
Con đường tơ lụa không lấy Trung Quốc làm trung tâm, cũng không phải là một con đường. Việc Tập Cận Bình thần thoại hóa Con đường tơ lụa cũng lờ đi thực tế rằng binh sĩ cũng như thương nhân đã đi dọc các tuyến đường nổi tiếng này. Sứ mệnh thật sự của Trương Khiên không phải là thiết lập một chế độ thông thương tự do – trao đổi kinh tế trên lục địa Á-Âu đã bắt đầu hàng thiên niên kỷ trước khi ông ra đời – mà là thuyết phục các dân tộc du mục kết liên minh với Trung Quốc trong cuộc chiến chống các bộ lạc người Thổ ở nơi ngày nay là khu vực Tân Cương và Trung Á. Những lời ca tụng sự hội nhập Á-Âu của Tập Cận Bình có thể bỏ qua sự bành trướng vốn thường bạo lực của Trung Quốc, nhưng lịch sử đó chưa bị các nước láng giềng của Trung Quốc lãng quên.
Những lời nhắc đến lịch sử của Tập Cận Bình lờ đi chiến lược sâu hơn là thúc đẩy chiến dịch Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ngày nay của Trung Quốc. Trung Quốc đang ở giữa cái họ gọi là một “thời kỳ cơ hội chiến lược” bắt nguồn từ sự nổi lên nhanh chóng của họ và tăng trưởng chậm chạp của phương Tây kể từ năm 2008. Đối với Bắc Kinh, cuộc khủng hoảng tài chính đã chấm dứt 30 năm Trung Quốc xếp sau Mỹ về kinh tế và chứng minh những tuyên bố phổ quát về các giá trị Mỹ và trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo là sai. Tập Cận Bình và các đồng sự của ông tin cơ hội chiến lược của họ được mở rộng nhờ uy tín của Mỹ đi xuống kể từ cuộc bầu cử năm 2016 và do Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Họ coi trung tâm của quyền lực toàn cầu đang chuyển sang phía Đông.
Khó có thể tranh luận về quan điểm đó. Trong khi Mỹ là một trở ngại đối với biên giới trên biển của Trung Quốc, nước này hầu như không quấy rầy khi Trung Quốc hướng sang phía Tây qua châu Âu, bên kia Trung Á. Tại đó, Trung Quốc hy vọng sử dụng dự trữ ngoại tệ của mình, vốn lớn nhất thế giới, kiến thức chuyên môn về xây dựng, sức cho vay của các ngân hàng thuộc nhà nước, công suất dư thừa thép (đứng đầu thế giới), nhôm, và sản xuất bê tông để hợp nhất không chỉ cơ sở hạ tầng, mà còn các dòng thông tin, các hệ thống tài chính và hoạt động cấp phép hải quan, giành được sự tôn trọng trong quá trình đó.
Bắc Kinh không che giấu tư lợi được kết hợp vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Trong câu chuyện của Trung Quốc, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ có lợi cho tất cả, nhưng đặc biệt tốt cho Trung Quốc. Theo một “tuyên ngôn” được đăng trên tờ Nhân dân nhật báo vào đầu năm 2018: “Thế giới cần Trung Quốc… Điều đó tạo ra không gian chiến lược rộng rãi cho những nỗ lực của chúng ta để duy trì hòa bình và phát triển cũng như giành được lợi thế”. Tại một cuộc họp kín ở Washington vào tháng 2, một học giả từ Bắc Kinh đã 2 lần tiết lộ mục đích thật sự của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Học giả này giải thích bằng cách biến đồng nhân dân tệ thành tiền tệ chính thức của các giao dịch trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc sẽ thách thức địa vị của đồng USD là phương thức hối đoái toàn cầu hàng đầu ngay dù Trung Quốc quản lý chặt chẽ đồng nhân dân tệ. Trung Quốc có thể đòi hỏi các nước tham gia những dự án Sáng kiến “Vành đai và Con đường” chấp nhận các tiêu chuẩn của Trung Quốc về tư pháp cũng như đồng tiền của nước này. Theo một bài báo chưa được đưa tin đầy đủ, Trung Quốc đang thành lập các tòa án mới ở Bắc Kinh, Tây An và Thâm Quyến để phân xử các tranh chấp trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Hơn nữa, sự ca ngợi dành cho Tập Cận Bình và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của truyền thông Trung Quốc cho thấy sáng kiến này ít có ý nghĩa có lợi cho các đối tác của Trung Quốc hơn là củng cố sự ủng hộ trong nước dành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự nhiệt tình của người Trung Quốc với tầm nhìn của Tập Cận Bình đang đạt những đỉnh cao vô lý. Tại một hội nghị ở Bắc Kinh mà các tác giả đã dự vào cuối năm 2017, một nhà phân tích chính sách đối ngoại người Trung Quốc tuyên bố rằng tầm nhìn của Tập Cận Bình không những có thể chỉ dẫn đường cho sự phát triển hòa bình của loài người, mà còn có lợi cho các loài động thực vật. Có lý do để cho rằng lời nói vô nghĩa thái quá này, giờ đây giống như trong kỷ nguyên Mao Trạch Đông, đóng vai trò che giấu những sự hoài nghi của người Trung Quốc về tính sáng suốt của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Tuy thế, cách Trung Quốc dàn dựng sự hội nhập Á-Âu đang điều khiển các thảo luận về chính sách trên toàn cầu; chính Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, chứ không phải Liên minh kinh tế Á-Âu của Nga hay sáng kiến Con đường tơ lụa mới gần như đã bị lãng quên của Mỹ, nắm bắt được trí tưởng tượng và những tít báo. Không ai có thể cáo buộc Tập Cận Bình suy nghĩ nhỏ nhặt. Lục địa Á-Âu và châu Phi, vốn vẫn là trọng tâm trong ngắn hạn của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, chiếm 57% diện tích đất, 86% dân số và 65% GDP của thế giới. Tầm nhìn Sáng kiến “Vành đai và Con đường” – sự hội nhập kinh tế giữa các khu vực này thông qua cơ sở hạ tầng – sẽ là một thành tựu lịch sử. Người ta đã coi là chuyện bình thường khi các mạng lưới vận tải khu vực đang tồn tại không thể được kết nối, những mạng lưới mới cũng không thể được xây dựng, trừ khi Trung Quốc đóng một vai trò lớn trong việc cung cấp tài chính và công tác xây dựng đường cao tốc, hệ thống đường ray, đường ống dẫn và cảng biển.
Nhưng kế hoạch Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Tập Cận Bình mơ hồ cũng giống như cách 1.000 tỷ USD đầu tư đã hứa của nó đầy lôi cuốn. Bất chấp những hứa hẹn kiêu ngạo của Tập Cận Bình, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đã tăng theo cùng quỹ đạo được thiết lập trước khi Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được tuyên bố, và thật ra đã giảm ở các nước tham gia sáng kiến này trong năm 2016. Và tuy Sáng kiến “Vành đai và Con đường” vẫn còn ở những ngày đầu, nhưng cho tới nay chương trình này đã đạt được rất ít thành công xuất sắc và các chuyên gia vẫn nghi ngờ rằng mạng lưới đường sắt Á-Âu sẽ có thể cạnh tranh được với chi phí thấp của vận tải đường biển. Cũng chưa rõ rằng việc làm thương hiệu, tiền mặt và tham vọng của Trung Quốc có thể khắc phục được sự phát triển không đồng đều, sự đa dạng chính trị và văn hóa, những thù hằn lâu đời và đặc điểm địa lý đáng ngại của Lục địa Á-Phi-Âu.
Do đó, phản ứng với những đề nghị hào phóng của Trung Quốc là lẫn lộn. Nga, Kazakhstan và thậm chí Pakistan nghi ngờ sâu sắc bất chấp chính thức tỏ ra nhiệt tình. Các nước G7, Ấn Độ và Nhật Bản đã từ chối ủng hộ sáng kiến này bất chấp Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị, chủ yếu vì họ coi Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp những nghi ngờ về tính khả thi và những xu hướng mang tính xét lại của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, chương trình mang dấu ấn của Tập Cận Bình này đang giành được sự ủng hộ từ Thái Lan, Tajikistan đến Hy Lạp. 71 nước đã “tham gia” sáng kiến này, mặc dù chưa rõ sau việc gia nhập sẽ là gì.
Nhưng trong khi Tập Cận Bình phát biểu rất chắc chắn, các đối tác Nga và Kazakhstan của Trung Quốc lại thận trọng hơn. Họ chào đón đầu tư của Trung Quốc khi nó phù hợp với họ, nhưng không nghe theo những lời kêu gọi của Tập Cận Bình về một “cộng đồng tương lai chung” do một Trung Quốc nhân từ giám sát. Những nghi ngại như vậy không nhất thiết là tai hại đối với sự hội nhập cơ sở hạ tầng Á-Âu, nhưng sự băn khoăn lan rộng về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc cho thấy nhiều nước láng giềng của Trung Quốc sẽ không đi theo ngọn cờ của Trung Quốc, ngay cả nếu họ hưởng lợi từ sự giàu có của nước này.
Trục xoay Á-Âu của Moskva
Sau vụ việc sáp nhập Crimea, Moskva khó có thể chỉ trích Bắc Kinh vì đẩy mạnh các tham vọng bành trướng lãnh thổ bằng cách tạo dựng thực tế trên thực địa. Cả Trung Quốc và Nga thường lớn tiếng về địa vị hàng đầu của chủ quyền trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên không nước nào thể hiện sự tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng nhỏ hơn. Những thái độ như vậy đã làm căng thẳng quan hệ của Trung Quốc với phương Tây, và đã lật ngược hoàn toàn quan hệ của Nga với Mỹ và châu Âu, và do đó khiến Nga “xoay trục” sang Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Nga, sự nhiệt tình của Trung Quốc để đẩy mạnh kết nối Á-Âu đến đúng lúc, vì Nga nhận thấy mình ngày càng bị cắt bỏ khỏi các thị trường phương Tây.
Đương nhiên, người Nga không chỉ đang hướng sang phía Đông vì tức giận hay tuyệt vọng. Các quan chức và chuyên gia Nga nói công khai về việc Trung Quốc “trở lại vị trí đương nhiên của mình ở Đông Á” và nhấn mạnh họ không thể bỏ lỡ cơ hội làm một phần trong sự nổi lên của Trung Quốc và châu Á. Đồng thời, người Nga công nhận rằng sự hiện diện dân số và kinh tế tương đối nhỏ của họ ở Đông Á một mình nó sẽ không bảo đảm cho họ một vai trò lãnh đạo trong khu vực đang trỗi dậy, liên kết lại này. Họ hy vọng bù đắp cho những hạn chế này bằng cách tận dụng sức mạnh của họ với tư cách là một bên tham gia an ninh và địa chính trị trong khu vực, và tận dụng mối quan hệ cá nhân nồng ấm giữa các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất một “quan hệ đối tác Á-Âu lớn hơn”, còn được gọi là “hội nhập của những sự hội nhập”, làm một con đường để kết nối Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu với “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung được công bố vào năm 2012 khó có thể là một sự đột phá về ý tưởng. Moskva và Bắc Kinh đã ký kết các thỏa thuận đối tác vào năm 1994 và 1996 cũng như hoàn tất Hiệp ước hữu nghị và hợp tác vào năm 2001. Trong nhiều năm, họ đã tìm cách phối hợp lập trường trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải, BRICS, G20 và đương nhiên cả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Khi được hỏi về thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng nhất của mình vào cuối nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 hồi năm 2008, Putin đã dẫn ra việc giải quyết tranh chấp biên giới sôi sục từ lâu với Trung Quốc. Trong trường hợp có bất kỳ nghi ngờ nào về quan hệ ấm lên, thì trong năm 2006 và 2007, hai nước đã tuyên bố năm Trung Quốc và năm Nga để kỷ niệm quan hệ thương mại, văn hóa và chính trị.
Tuy nhiên người Nga công nhận rằng sức nặng và tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc sẽ thử thách độ lâu bền cho vị thế của chính họ ở Đông Á. Giống như các đối tác phương Tây của họ, người Nga đang theo dõi chặt chẽ đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của khu vực Á-Âu, và nói họ sẽ đánh giá tầm quan trọng của “Vành đai và Con đường” không phải dựa trên nỗi lo sợ hay những lời hứa hẹn, mà là trên kết quả thực tế. Các tác giả được mô tả về kết quả như vậy nhờ một doanh nhân người Nga, người cảnh báo rằng trong khi các đối tác kinh doanh Trung Quốc sẽ không bao giờ đưa ra những đòi hỏi chính trị công khai, các giao dịch với họ cuối cùng sẽ được tiến hành hoàn toàn bằng đồng nhân dân tệ, và các chuỗi cung ứng sẽ được tái định hướng toàn bộ sang các nhà chế tạo Trung Quốc. Theo lời một quan chức Nga nói với các tác giả: “Văn hóa Trung Quốc không định hướng để thống trị – họ đơn thuần coi mình là trung tâm của thế giới”.
Sự nhiệt tình của Nga về kết nối kinh tế khu vực Á-Âu gia tăng một phần là thể hiện sự thất vọng của nước này với châu Âu và Mỹ. Không chỉ các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây hại cho nền kinh tế Nga – chúng có gây hại, dù điều đó đã không thay đổi chính sách của Nga ở Ukraine hay Syria – mà chúng còn là dấu hiệu cho thấy tiếp tục có sự coi thường điều mà Nga coi là tầm vóc đúng của mình. Một số người Nga vẫn nghĩ về một “tam giác” địa chính trị, với Mỹ, Nga và Trung Quốc ở mỗi góc, trong khi những người khác tin rằng một cuộc chiến tranh lạnh đang dần hiện ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Dù theo cách nghĩ nào, nhiều nhà lãnh đạo Nga vẫn coi sự nổi lên của Trung Quốc là chỉ dấu hàng đầu cho thấy sự suy sụp của phương Tây, và họ mong đợi thực tế này sẽ buộc Mỹ và châu Âu phải nhượng bộ theo thời gian, kể cả chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị áp đặt lên Nga sau năm 2014. Đối với những người Nga chia sẽ quan điểm này, việc theo đuổi hội nhập kinh tế với phương Đông trớ trêu thay phần lớn lại là về bảo đảm quan hệ tốt đẹp hơn với phương Tây. Nhưng người Nga có thể đang nhập nhằng các phép ẩn dụ để tô vẽ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một đối trọng với sức ép và sự cô lập của phương Tây. Xét cho cùng, Nga có ý nghĩa nhiều nhất đối với Trung Quốc với tư cách là một hành lang tiềm tàng trên đất liền đến châu Âu, nơi nửa tỷ người tiêu dùng giàu có của nước này là thị trường đơn lẻ lớn nhất cho hàng hóa Trung Quốc.
Kazakhstan: Chiếc khóa đai lưng?
Kazakhstan không giáp biển và có dân số thưa thớt, dù giàu năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên khác. Bị những người khổng lồ Nga và Trung Quốc vây quanh, chịu gánh nặng những di sản của sự cai trị từ Moskva trong thời Sa hoàng và ảnh hưởng từ thời Xôviết, Kazakhstan không thiếu những thách thức địa chính trị. Các quan chức Kazkhstan tự hào một cách chính đáng vì đã bảo đảm được chủ quyền cho nước mình, xây dựng một nền kinh tế tương đối ổn định, phồn vinh, và thiết lập một bản sắc quốc gia riêng biệt nhưng vẫn đa nguyên trong hơn 3 thập kỷ qua. Một cảm giác quyết tâm và tự hào như thế xuất hiện khi các nhà lãnh đạo Kazakhstan nhắc đến đất nước mình như là “chiếc khóa đai lưng” trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Đặc điểm địa lý của Kazakhstan khiến nước này trở thành trung tâm cho vành đai. Tuyến đường bộ hợp lý nhất từ Tây Trung Quốc đến Đông Âu đi qua Kazakhstan trên đường tới Nga. Chặng đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu qua tuyến đường này hiện mất 14 giờ, nhưng các quan chức Kazakhstan nhắm mục tiêu giảm nó xuống còn 10 giờ nhờ nâng cao cơ sở hạ tầng và hợp lý hóa việc băng qua biên giới. Sự tham gia của Kazakhstan với tư cách là một thành viên cốt lõi của Liên minh kinh tế Á-Âu với Nga và Belarus có nghĩa là thủ tục hải quan được tiêu chuẩn hóa trên cả 3 nước thuộc Liên Xô trước đây, vì thế – ít nhất trên lý thuyết – vận tải hàng hóa hẳn chỉ phải kiểm tra 1 lần tại mỗi đầu tuyến đường, nơi tàu hỏa phải chuyển đổi giữa khổ ray tiêu chuẩn (của châu Âu và Trung Quốc) và khổ rộng (Nga và Kazakhstan). Những toa tàu được điều hòa nhiệt độ di chuyển nhanh chóng từ các nhà máy Trung Quốc đến các thị trường châu Âu trong chưa tới 2 tuần hứa hẹn sẽ cách mạng hóa thương mại đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như thiết bị điện tử tiên tiến. Các nhà sản xuất châu Âu nhắm tới lấp đầy các toa tàu chiều về bằng thực phẩm và hàng hóa sang trọng dành cho người mua tiềm năng ở Trung Quốc.
Tuy không phải là một nước nghèo, Kazakhstan biết rõ nhu cầu phải có nguồn tăng trưởng mới và một tầm nhìn phát triển vượt ra ngoài xuất khẩu năng lượng. Việc kết nối khu vực Á-Âu có thể đem lại cơ hội không chỉ thúc đẩy thương mại của chính Kazakhstan với Trung Quốc và châu Âu, mà còn thu được phí quá cảnh nếu lưu lượng vận tải đường sắt tiếp tục tăng như trong hơn một thập kỷ qua, từ 1.200 công-ten-nơ vào năm 2011 lên hơn 200.000 vào năm 2017. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Kazakhstan lập luận rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải kết nối các khu vực phía Đông và phía Tây của chính nước này có giá trị đặc biệt cho một nước có lịch sử tập trung vào kết nối Bắc-Nam. Theo các quan chức, đây là lý do giải thích tại sao Kazakhstan đã đầu tư 5 tỷ USD trong quỹ đầu tư quốc gia của chính mình vào các dự án cơ sở hạ tầng của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, kể cả xây dựng thứ sẽ là cơ sở cảng khô lớn nhất thế giới ở Khorgos. Một chuyên gia người Kazakhstan giải thích: “Khi Trung Quốc đề xuất ý tưởng Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’, họ đã tìm thấy một đối tác đầy động lực”.
Đó là sức hút của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đối với Kazakhstan. Vậy còn những rủi ro? Hiện nay, các quan chức Kazakhstan nhấn mạnh họ kiểm soát được quan hệ với cả Nga lẫn Trung Quốc. Họ tự tin vào khả năng tách biệt thương mại và đầu tư với chính trị và an ninh. Họ lập luận rằng trong khi việc Moskva “xoay trục” sang phía Đông phần lớn là một quyết định chính trị, đối với Astana đó chỉ là làm ăn kinh doanh có lợi, không có thành phần chính trị nào. Tuy nhiên trong khi Kazakhstan đã chi trả phần đóng góp của mình vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, người Trung Quốc cũng đã đầu tư gần 30 tỷ USD vào hơn 50 dự án. Trên thực tế, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong tất cả 5 nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây, sinh viên Kazakhstan đang ngày du học nhiều hơn ở Trung Quốc (khoảng 40.000 người cho tới nay), và công nhân Trung Quốc đã đổ xô tới các công việc hấp dẫn ở những dự án đường ống dẫn, đường sắt và xây dựng khác, đặc biệt ở Tây Kazakhstan.
Thế nào là quá gần gũi đến mức đáng ngại? Mặc dù người Kazakhstan coi địa vị của mình là một nước “thật sự mang tính Á-Âu”, họ đã hấp thu những quan điểm lấy châu Âu là trung tâm về Trung Quốc từ sự liên kết lâu đời của họ với Nga, trong khi hướng vào những sự mất an toàn và định kiến của riêng mình. Các dự án của Kazakhstan và Trung Quốc để kết nối lục địa Á-Âu có thể đều là việc kinh doanh đối với cả 2 bên, nhưng chúng không đồng nghĩa với quan hệ đối tác. Như một chuyên gia người Kazakhstan chất vấn: “Làm thế nào chúng ta có thể hội nhập với 1,5 tỷ người”. Năm 2016, hàng nghìn người Kazakhstan đã phản đối một đề xuất cải cách ruộng đất mà những người chỉ trích lập luận là sẽ khiến Trung Quốc mua được quá nhiều đất đai của Kazakhstan. Các mối quan hệ kinh doanh độc lập có thể phù hợp với Kazakhstan, nhưng Trung Quốc gần như tất yếu sẽ tìm kiếm sự tôn trọng nhiều hơn, và nhiều quyền kiểm soát hơn hẳn, khi đầu tư của nước này vào khu vực tiếp tục tăng. Một nhà quan sát quốc tế ở Astana cảnh báo: “Nên nhớ rằng nước Trung Á lớn nhất là Tây Trung Quốc”.
Giống phần lớn các nước láng giềng của Trung Quốc, Kazakhstan và Nga đánh giá ý định của Trung Quốc không phải bằng sử liệu đáng ngờ và phát ngôn kiêu ngạo của Trung Quốc, mà bằng kinh nghiệm, lợi ích và khả năng dễ bị tổn thương của chính họ. Họ bị cám dỗ bởi túi tiền không đáy của Trung Quốc, nhưng không bị thuyết phục bởi thiện chí của nước này. Tính đến những sự nhạy cảm của các nước láng giềng của mình, Trung Quốc có thể khôn ngoan duy trì tính mơ hồ của tầm nhìn Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và để chương trình này phát triển từ từ. Tuy nhiên, nó mang theo nguy cơ là sự thiếu tính đặc trưng này sẽ được hiểu là che đậy tư lợi của Trung Quốc. Xét cho cùng, các đối tác tương lai của Trung Quốc trên khắp Trung Á và Đông Âu không lạ với những âm mưu đế quốc và phản ứng giận dữ trước bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự khinh thường văn hóa, bóc lột kinh tế hay sự xâm lấn lãnh thổ của họ.
Dù Tập Cận Bình gặp khó khăn trong việc giải thích tầm nhìn của ông với những người hoài nghi trong và ngoài nước, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã trở thành một sức mạnh toàn cầu, cả về măt biểu tượng lẫn với tư cách là một động cơ cho đầu tự thật sự. Khi sự hội nhập Á-Âu phát triển, và nếu Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh hành động của mình với tư cách là một cường quốc toàn cầu, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể đạt được nhiều mục tiêu của nó. Tuy nhiên, khó có khả năng các nước của Đại lục Á-Phi-Âu, nhiều trong số đó là các nhà nước có văn minh đáng tự hào, sẽ theo đuổi sự lãnh đạo của Trung Quốc. Ngay cả nếu Sáng kiến “Vành đai và Con đường” giúp tạo lập một mạng lưới hậu cần Á-Âu, các bên hưởng lợi đầy lo âu của nó khó có khả năng đem lại cho Trung Quốc sự tôn kính mà nước này tìm kiếm.
Phản ứng của Trung Quốc với nỗi thất vọng đó sẽ là thước đo thật sự cho những giấc mơ Á-Âu của nước này.
Robert Daly là giám đốc Viện Kissinger Nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ, tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông