Biên dịch: Hoàng Lan
Trong cuộc bầu cử ở Malaysia mới kết thúc, Liên minh Hy vọng (PH), phe đối lập, đã giành được 122 ghế quốc hội, thành công với số ghế quá bán và hoàn thành việc thay thế chính đảng đầu tiên trong lịch sử Malaysia, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 92 tuổi, cũng tiếp tục đảm nhận chức vụ thủ tướng. Xem xét đến việc Mahathir từng nhiều lần chỉ trích cựu Thủ tướng Najib Razak trước khi bầu cử, lại còn cam kết sau cuộc bầu cử phải xem xét lại điều khoản hợp tác giữa Trung Quốc và Malaysia, thậm chí còn dự định khởi động lại đàm phán Biển Đông, những hành động này làm cho các nước ở bên ngoài lo ngại, sau khi thay đổi đảng cầm quyền ở Malaysia liệu có đưa tới biến số trong quan hệ Trung Quốc-Malaysia hay không?
Phải nói rằng những lo ngại này không phải là vô căn cứ, nhưng về tổng thể, có thể thấy rủi ro có thể kiểm soát. Xét cho cùng việc động viên trước khi bầu cử chỉ là sự kích động, vấn đề đối mặt sau cuộc bầu cử mới là hiện thực, mà biểu hiện bên ngoài và thực chất nội tại mà cuộc bầu cử này thể hiện cũng giúp cho chúng ta hiểu được sự bất biến đằng sau sự biến động. Người viết từng là quan sát viên quốc tế đến Malaysia để quan sát cuộc bầu cử năm 2013, sau đó cũng luôn duy trì quan hệ với bạn bè quen biết thuộc các thành phần khác nhau ở Malaysia vào năm đó, người viết cũng có nhận thức nhất định, có thể đem ra để chia sẻ, đối với những biến động tình hình chính trị 5 năm gần đây.
Cuộc bầu cử năm 2013, thậm chí cuộc bầu cử trước đó vào năm 2008, còn bị kích động nhiều hơn so với cuộc bầu cử lần này, xã hội Malaysia khi đó nổi lên làn sóng chống lại Liên minh cầm quyền Mặt trận quốc gia (BN), đặc biệt là trong giới người Hoa, rất kỳ vọng chấm dứt cục diện cầm quyền lâu dài của Liên minh cầm quyền Mặt trận quốc gia. Kết quả cuộc bầu cử sau đó chứng minh đảng Hành động dân chủ (DAP) – đảng đối lập, chủ yếu là ủng hộ người Hoa và Hiệp hội người Malaysia gốc Hoa (MCA) với chủ thể là người Hoa đã tham gia liên minh cầm quyền trong thời gian dài, về cơ bản đều đã thất bại trong bầu cử. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm 2013, Mặt trận nhân dân, liên minh của phe đối lập, đã giành được một nửa số phiếu, nhưng vì lý do phân chia khu vực bầu cử, về mặt số ghế tại quốc hội vẫn thua BN cầm quyền, bỏ lỡ cơ hội thay thế đảng cầm quyền. Điều này chứng tỏ Malaysia xét cho cùng là người Mã Lai chiếm đa số, trong bối cảnh BN cầm quyền trong thời gian dài, vốn chiếm ưu thế về nguồn lực chính trị, trừ phi người Mã Lai quay đầu chống lại BN với quy mô lớn, nếu không cho dù người Hoa tiếp tục nhiệt tình thế nào đi nữa thì e rằng cũng không làm gì được.
Đúng như người xưa có câu đánh hồi trống đầu tiên thì cổ vũ người lính chiến đấu dũng cảm, đánh hồi trống thứ hai làm người lính giảm bớt sự can đảm, đánh hồi trống thứ ba thì làm người lính mất đi sự can đảm, sau hai lần động viên mạnh mẽ, cộng đồng người Hoa ở Malaysia đối mặt với thất bại cũng bắt đầu xuất hiện tình cảm tiêu cực, cộng thêm với DAP mà họ ủng hộ không thể hiện hiệu quả tốt khi cầm quyền ở cấp địa phương, chẳng hạn DAP chính là đảng cầm quyền ở bang Penang, nhưng lại gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí có lúc xuất hiện khủng hoảng chính trị, do đó cộng đồng người Hoa đã cơ bản thực hiện thái độ không quan tâm trong cuộc bầu cử lần này.
BN lại không như vậy, Najib Razak đã giữ được quyền lực, tinh thần lên cao, do đó bắt đầu tiến hành trả thù đối với người lãnh đạo của đảng đối lập, lãnh đạo đảng Công lý nhân dân (PKR) Anwar Ibrahim bị tống vào tù, cộng thêm với Mặt trận nhân dân, liên minh đối lập, sau bầu cử đã tan rã vì mâu thuẫn nội bộ, đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) rời khỏi liên minh đối lập, Najib Razak cho rằng ông đã giành được nguồn lực cầm quyền lâu dài. Đáng tiếc là Najib Razak đã thúc đẩy tăng thuế tiêu dùng nên bắt đầu gây ra sự bất bình trong xã hội, làm cho các đảng đối lập đoàn kết lại, bê bối tham nhũng của Quỹ phát triển 1 Malaysia (1MDB) do chính phủ của Thủ tướng Najib thành lập càng làm cho Najib mất đi nhiều hơn lòng tin của cử tri, thậm chí gây ra sự phản đối quyết liệt trong nội bộ BN, rất nhiều đảng viên của BN phản đối Najib, trong đó có cả các nhân vật chính trị cấp cao cũng liên tục ra đi.
Vào thời điểm đó, cựu Thủ tướng Mahathir luôn phê phán cách điều hành của Najib cũng đã quyết định chính thức xuất hiện và lãnh đạo đảng Người dân bản địa Malaysia thống nhất (PPBM), đã thu nhận rất nhiều đảng viên cũ của BN. Sau đó, PPBM cũng gia nhập PH, đảng đối lập mới, đây là lực lượng được thành lập do cải tổ đảng Mặt trận nhân dân trước kia, sau khi có sự tham gia của PPBM, nền tảng cử tri được tăng cường mở rộng, cuối cùng giành được cơ hội tuyệt vời để chiến thắng BN.
Xem xét từ góc độ này, có thể thấy tuy cuộc bầu cử lần này đã thay thế đảng cầm quyền, nhưng thực ra đó chỉ là sự thay đổi về hình thức chứ không phải là nội dung, lực lượng hạt nhân nắm quyền vẫn là một số người cũ của BN, cho dù PPBM mới được thành lập hay là đảng Công lý nhân dân (PKR) do Anwar thành lập, thực ra đều bắt nguồn từ BN. Nói cách khác, cơ cấu chính trị theo nhóm dân tộc kiểu cũ cũng không có sự thay đổi căn bản, người Hoa và những cử tri lần đầu bỏ phiếu năng động nhất trong quá khứ đều chưa thể hiện sự nhiệt tình tham gia như khóa bầu cử trước đó, dẫn đến các cử tri chủ yếu quyết định sự thay đổi ở cuộc bầu cử lần này vẫn là cộng đồng dân tộc Mã Lai trung niên và cao tuổi, họ vẫn có những ký ức tốt đẹp đối với thời kỳ cầm quyền của Mahathir, cộng thêm sự bất bình với đảng cầm quyền, đương nhiên sẽ dễ dàng chuyển hướng.
Vì vậy, nguyên nhân khiến cho cử tri chuyển hướng chủ yếu nằm ở sự thay đổi của bầu không khí chính trị trong nước Malaysia, còn về những phát ngôn liên quan đến mối đe đọa từ Trung Quốc, thực chất chỉ là thủ đoạn trong bầu cử, không phải nhân tố mang tính quyết định ảnh hưởng đến ý chí bỏ phiếu của cử tri. Điều thú vị là cho dù phe đối lập bao gồm cả DAP – chính đảng người Hoa – đều đứng ra phê phán “nhân tố Trung Quốc có thể khiến cho Malaysia mất đi quyền tự chủ”, nhưng điều này không có nghĩa là cả nước Malaysia đều thực sự tồn tại lo lắng đối với Trung Quốc, thậm chí để giành lấy phiếu bầu của người Hoa, MCA và Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) còn sử dụng con bài Trung Quốc, tập trung nhấn mạnh quan hệ hợp tác thân thiết và gắn bó với Chính phủ Trung Quốc, thậm chí còn treo ảnh chụp chung với nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng thực tế đã chứng minh, người Hoa không thích điều này. Một hiện tượng thú vị hơn nữa là trong quá trình tranh cử, các phe đối lập đều phê phán đối phương vi phạm quy định treo ảnh các nhân vật chính trị không có liên quan, thậm chí có rất nhiều người còn xé, tháo dỡ hình ảnh của không ít người, nhưng chỉ những bức ảnh chụp chung với nhà lãnh đạo Trung Quốc không bị bất kỳ tác động gì. Điều này cũng cho thấy tuy phe cầm quyền và phe đối lập đều phê phán nhân tố Trung Quốc, nhưng thực chất đều không tồn tại thái độ thù địch đối với Trung Quốc.
Trên thực tế, Malaysia đã được coi là một trong những quốc gia hữu hảo nhất đối với Trung Quốc ở Đông Nam Á, tuy người Mã Lai có sự kỳ thị đối với người Hoa, nhưng điều này không liên quan đến Trung Quốc. Còn về sắc tộc người Hoa, những người lớn tuổi đều có tình cảm tổ quốc mạnh mẽ, người trẻ tuổi cho dù nghiêng về coi Malaysia là tổ quốc, cũng không bài xích sự liên kết kinh tế với Trung Quốc. Trước đây, người viết từng phỏng vấn một nghị sĩ gốc Hoa: “Vì sao bà phản đối các dự án bất động sản”, câu nói đầu tiên của vị nghị sĩ này đã làm sáng tỏ bà không phản đối sự đầu tư của Trung Quốc, chỉ cho rằng sự đầu tư của Trung Quốc nên thuê nhiều nhân công, mua nguyên vật liệu của Malaysia, từ đó làm cho sự đầu tư này cũng có thể đem lại lợi ích cho nước bản địa. E rằng trạng thái tâm lý này cũng là lập trường cơ bản của các nhân vật chính trị địa phương khi xem xét nhân tố Trung Quốc, đáng để chúng ta suy xét khi xem chi tiết một số ý kiến phê phán.
Mấy năm trước, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Malaysia liên tục giành được tiến triển mới, hàng loạt dự án và công trình quan trọng được khởi công ở Malaysia, ví dụ như dự án Forest City của Malaysia có ấn tượng sâu sắc với người dân Malaysia, khu công nghiệp Kuantan Malaysia-Trung Quốc và cảng Malacca Gateway có ý nghĩa chiến lược…, đều là các dự án mang tính cột mốc của hợp tác Trung Quốc-Malaysia. Nhiều dự án quan trọng như vậy xuất hiện trong thời gian ngắn, quả thực đã để lại ấn tượng cho mọi người là các nhà đầu tư Trung Quốc đang ồ ạt tiến vào Malaysia. Trên thực tế những dự án này cơ bản đều do Trung Quốc đầu tư toàn bộ, hoặc là phần lớn. So với sự đầu tư từ lâu nay của Singapore, Úc, Anh hoặc Mỹ, Trung Quốc vẫn không phải là nước đầu tư nước ngoài chủ yếu của Malaysia. Điều đáng tiếc là các dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Malaysia xuất hiện nhiều như vậy trong thời gian ngắn, lại do Thủ tướng Najib Razak chủ đạo và thúc đẩy, Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị liên lụy, trở thành bên bị hại trong sự bất mãn của người Mã Lai đối với Najib Razak.
Tuy nhiên, sau khi trải qua cuộc bầu cử, chính phủ mới cũng phải xem xét nhu cầu thực tế, việc tùy tiện làm gián đoạn những dự án nêu trên không phù hợp với lợi ích của Malaysia. Trên thực tế, chiều sâu và chiều rộng của hợp tác Trung Quốc-Malaysia cũng không ở tầng thấp, sự đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia cũng không hoàn toàn “đặt cửa” vào Chính quyền Najib Razak, ví dụ như ở bang Pulau Pinang do đảng đối lập DAP cầm quyền, Trung Quốc vẫn đầu tư cầu và đường hầm xuyên biển, và cũng không xem thường mối quan hệ giữa những người làm kinh doanh gốc Hoa địa phương với Trung Quốc. Vì vậy, sau khi lên cầm quyền, cho dù Mahathir Mohamad cần phải thực hiện cam kết tranh cử, tiến hành kiểm tra lại đối với các dự án hợp tác Trung Quốc-Malaysia, nhưng cuối cùng cũng chỉ là sự điều chỉnh tinh tế. Sự việc tương tự trước đây cũng từng xảy ra ở Sri Lanka, sau khi quốc gia này hoàn thành thay đổi chính đảng, cũng từng dự định kiểm tra các dự án hợp tác Trung Quốc-Sri Lanka, nhưng cuối cùng buộc phải nhìn thẳng vào khoản bồi thường và tổn thất rất lớn khi quá trình xây dựng bị tạm ngừng, vì vậy chỉ có thể khôi phục hợp tác, thậm chí còn tăng cường hơn nữa hợp tác song phương.
Tuy nhiên, không thể xem thường đối với sự biến động của cục diện chính trị Malaysia, tham khảo kinh nghiệm của Sri Lanka có thể nhận thấy cho dù đối phương cuối cùng buộc phải đối diện với thực tế, lựa chọn thỏa hiệp, nhưng vẫn có nhiều trắc trở, đàm phán ngoại giao là điều không thể tránh khỏi, và thời gian là tiền bạc, nếu bị tạm ngừng trong 1-2 năm, sẽ gây ra tổn thất rất lớn đối với doanh nghiệp của Trung Quốc. Điều quan trọng hơn là liệu Chính quyền Mahathir Mohamad có thân thiết và gắn bó trong hợp tác với Trung Quốc giống như Chính quyền Najib Razak hay không, sau này hợp tác Trung Quốc-Malaysia muốn giành được nhiều dự án mới hơn, sẽ tăng thêm những khó khăn gì, điều này chắc chắn sẽ tạo thành biến số chủ yếu của quan hệ Trung Quốc-Malaysia trong tương lai.
Đương nhiên, cũng không phải quá bi quan, tuy PH thắng cử, nhưng kết cấu của đảng này chưa đủ vững chắc, chỉ vì đứng trước đối thủ chung nên mọi người mới đoàn kết lại với nhau, nhưng sau khi thắng cử, vấn đề phân phối lợi ích chính trị, mâu thuẫn giữa các chính đảng khác nhau sẽ lại nổi lên, điều này cũng từng xảy ra trong lịch sử Malaysia. Cuối cùng Chính quyền Mahathir Mohamad có năng lực cầm quyền ra sao, sẽ có bao nhiêu đảng viên đi ra từ UMNO quay trở lại UMNO… đây đều là những ẩn số, từ góc độ này cho thấy cho dù Mahathir Mohamad muốn điều chỉnh hoàn toàn đường lối quan hệ với Trung Quốc, e rằng cũng lực bất tòng tâm.
Theo Người Quan sát (Trung Quốc)
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông