Nguồn: Andrew Zimbalist, “Why host the World Cup?”, Project Syndicate, 20/06/2018.
Biên dịch: Phan Nguyên
Bạn sẽ tin tưởng ai hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel? Trong khi Putin đang say sưa với sự chú ý mà nước Nga đang nhận được với tư cách là chủ nhà World Cup 2018, Emanuel đã thông báo cho Liên đoàn bóng đá Mỹ và FIFA rằng Chicago sẽ không hứng thú với việc làm thành phố đăng cai sự kiện này khi nó được tổ chức ở Bắc Mỹ vào năm 2026. Canada và Mexico sẽ tổ chức mười trận đấu mỗi nước, và Hoa Kỳ sẽ tổ chức 60 trận còn lại. Vậy tại sao thành phố lớn thứ ba của Hoa Kỳ lại bỏ qua cơ hội này?
Để hiểu được ý nghĩa của việc tổ chức một sự kiện thể thao toàn cầu, hãy nghĩ về việc chính phủ Putin phải chi 51-70 tỷ USD để tổ chức Thế vận hội Mùa Đông 2014 tại Sochi và dự kiến chi ít nhất 14 tỷ USD để tổ chức World Cup hiện tại. Ngân sách của Nga bỏ tiền chi cho việc xây dựng bảy sân vận động mới – bao gồm một sân ở St. Petersburg trị giá khoảng 1,7 tỷ đô la – và cải tạo năm địa điểm khác. Và đây là chưa tính đến chi phí bổ sung cho các cơ sở luyện tập, chỗ ở, cơ sở hạ tầng mở rộng và an ninh.
Chicago, vốn từng tổ chức lễ khai mạc và trận đầu tiên của World Cup 1994, đã áp dụng một tư duy khá khác biệt. Phát ngôn viên của Emanuel, Matt McGrath, gần đây đã đưa ra một tuyên bố giải thích rằng, “FIFA không thể cung cấp một mức độ chắc chắn cơ bản về các ẩn số lớn khiến cho thành phố và người nộp thuế của chúng tôi gặp rủi ro.” McGrath cáo buộc FIFA đang yêu cầu được toàn quyền về mọi thứ, bao gồm cả “khả năng mở cho việc sửa đổi thỏa thuận … bất cứ lúc nào và theo ý muốn của họ.”
Hơn nữa, FIFA cũng sẽ yêu cầu sân vận động Soldier Field – sân nhà của đội bóng Chicago Bears – phải ngừng các dịch vụ trong thời gian hai tháng trước giải đấu. Cuối cùng, văn phòng của Emanuel kết luận rằng, “Sự không chắc chắn đối với người nộp thuế, cùng với tính không linh hoạt và không sẵn sàng thương lượng của FIFA, là dấu hiệu rõ ràng rằng việc theo đuổi đăng cai giải đấu không phục vụ lợi ích tốt nhất của Chicago.”
Ngoài việc tổ chức từ hai đến sáu trận đấu – có khả năng trong một vài tuần – các thành phố chủ nhà World Cup dự kiến sẽ phải tổ chức các ngày hội cổ động viên, cung cấp các cơ sở tập luyện cho các đội bóng và miễn giảm thuế cho một loạt các hoạt động. Trên thực tế, FIFA cấm các loại thuế trực tiếp và gián tiếp đánh vào tất cả các nguồn thu từ sự kiện, miễn thuế cho liên đoàn bóng đá các châu lục, nhà phát sóng truyền hình của nước chủ nhà, các hiệp hội thành viên FIFA, các nhà cung cấp dịch vụ và nhà thầu. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Minneapolis và Vancouver cũng đã cùng với Chicago từ chối vinh dự được làm các thành phố chủ nhà World Cup 2026.
Để biện minh cho các đòi hỏi của mình, FIFA chỉ ra rằng “World Cup là một sự kiện thể thao lớn thu hút sự chú ý toàn cầu đối với (các) nước chủ nhà và tạo ra cơ hội đầu tư tài chính đáng kể cho cơ sở hạ tầng thể thao và công cộng.” FIFA tuyên bố rằng sự chú ý và nguồn đầu tư bổ sung đó “có thể đóng góp đáng kể cho các lợi ích kinh tế – xã hội trung và dài hạn … cũng như tăng trưởng kinh tế.”
Nhưng hãy lưu ý tới ngôn ngữ được lựa chọn cẩn thận của FIFA. FIFA chỉ hứa hẹn một “cơ hội đầu tư tài chính đáng kể” vào cơ sở hạ tầng, cũng như sự chú ý và đầu tư “có thể đóng góp” vào tăng trưởng. Trên thực tế, các bằng chứng học thuật cho thấy rằng World Cup hiếm khi có lợi cho các nước và thành phố chủ nhà nhiều như FIFA muốn công chúng và các quan chức thừa nhận.
Ví dụ, hãy xem xét những gì Nga sẽ nhận được từ khoản đầu tư trị giá 14 tỷ đô la cho sự kiện năm nay. Trong khi tất cả doanh thu từ bán vé, quyền phát sóng quốc tế và tài trợ sẽ trực tiếp chui vào túi FIFA, Nga sẽ được giữ lại bảy sân vận động mới và năm cơ sở được tân trang mà nước này không cần. Và trừ khi phá hủy các địa điểm này, Nga sẽ phải chi hàng chục triệu đô la mỗi năm để bảo trì chúng. Trong khi đó, hàng trăm mẫu đất đô thị khan hiếm sẽ bị mất trắng cho các dự án lãng phí kém hiệu quả.
Chắc chắn là hình ảnh của các cơ sở mới bóng bảy đang được truyền đi trên toàn thế giới. Nhưng các hình ảnh này không nhất thiết luôn có lợi cho Nga. Ví dụ, không có gì có thể giấu được 6.000 chỗ trống trong trận đấu giữa Uruguay và Ai Cập vào ngày 15 tháng Sáu.
Nếu lịch sử mang lại bất kỳ chỉ dẫn nào, thì World Cup 2018 sẽ không làm tăng đầu tư hoặc thương mại quốc tế, thúc đẩy ngành du lịch của Nga, hoặc tăng cường mối quan tâm của người dân nước này đối với việc rèn luyện thể lực.
Những gì World Cup mang lại chỉ là một cảm giác thoáng qua về niềm tự hào dân tộc trong một phần đáng kể người dân Nga, đồng thời giúp đánh lạc hướng sự quan tâm của người dân khỏi các vấn đề khó khăn ngày càng nhiều của đất nước. Có hoặc không có World Cup, biến động giá dầu và các biện pháp trừng phạt quốc tế được áp dụng để phản đối việc Putin sáp nhập Crimea năm 2014 sẽ tiếp tục làm tối đi triển vọng kinh tế của Nga và hạ thấp tiêu chuẩn sống của những người dân Nga bình thường.
Vậy thì bạn sẽ tin tưởng ai? Tôi chọn Emanuel.
Andrew Zimbalist là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Smith và là tác giả của cuốn Circus Maximus: The Economic Gamble Behind Hosting the Olympics and the World Cup.