Hội Tam Điểm là gì?

Nguồn: What is freemasonry?, The Economist, 27/02/2018

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đầy rẫy thông tin sai lệch và thuyết âm mưu. Đó là một tổ chức ôn hòa hay có xu hướng lật đổ chính phủ?

Các tư liệu về hội Tam Điểm không đưa ra bất kỳ lời giải thích rõ ràng nào. Nó là một tổ chức  ôn hòa hay có xu hướng lật đổ chính phủ? Nó là một cộng đồng tri thức hay huyền bí? Những câu hỏi như vậy không phải là mới. Kể từ khi được phát triển vào thế kỷ 18, hội Tam Điểm đã khơi dậy sự tức giận từ giáo hội Công giáo, các chính trị gia cánh hữu và gần đây hơn là Bộ Nội Vụ Anh. (Lo sợ rằng các thành viên hội Tam Điểm trong lực lượng cảnh sát và tư pháp đã dành sự đối xử ưu đãi cho các thành viên khác của hội, từ năm 1998 đến 2009, Bội Nội vụ Anh đã yêu cầu những người được bổ nhiệm trong ngành tư pháp phải tiết lộ việc họ có là thành viên của hội không.) Hội Tam Điểm dường như khó hiểu vì nó không chứa đựng bất kỳ ý thức hệ hoặc học thuyết nhất quán nào, và thay vào đó được xác định bởi một cam kết về tình huynh đệ phổ quát và sự tự tiến bộ. Cũng không tồn tại một cơ quan quản lý nào. Nó được tạo thành từ một mạng lưới lỏng lẻo các nhóm, được gọi là các hội quán, nằm dưới các đại hội quán quốc gia và khu vực. Vậy rốt cuộc, hội Tam Điểm là gì?

Hội Tam Điểm phát triển từ các nghiệp đoàn (guild) thợ xây đá thời trung cổ, vốn định mức tiền lương, đào tạo thợ học nghề và quy định ai có thể thực hành nghề. Ở châu Âu đầu thời kỳ hiện đại, các thợ xây đã nghiên cứu phép đo đạc, hình học và tính toán toán học – cũng như lát gạch. Các thợ xây lành nghề đóng vai trò kiến ​​trúc sư và kỹ sư, họ đạt được vị thế cao hơn hầu hết các thương gia khác. Sự thăng tiến trong các nghiệp đoàn đi kèm với thẩm quyền, và con đường từ thợ học nghề đến thợ cả được đánh dấu bằng một nghi lễ.

Để nâng cao phẩm giá nghề nghiệp của họ, các thợ xây đã tạo ra những lịch sử phức tạp có từ thời Ai Cập cổ đại. Các nghiệp đoàn cũng là những tổ chức xã hội nơi mà các thành viên gặp nhau một cách không chính thức để uống rượu trong các hội quán (lodge – một thuật ngữ ban đầu được dùng để chỉ chỗ ở tạm thời tại các công trường xây dựng.) Xuất phát từ nhu cầu tài chính, các nghiệp đoàn bắt đầu chấp nhận các thành viên không phải là thợ xây đá và thu hội phí vào đầu những năm 1600. Các thành viên này là những người có học vấn quan tâm đến toán học và kiến trúc cổ đại. Trong khi những người thợ bình thường sẽ “đẽo đá và nâng cao các thước vuông góc”, các thành viên quý tộc phải rèn luyện “tính bí mật, đạo đức và tình ái hữu”. Vào cuối thế kỷ 17, khi các nghiệp đoàn trở nên lỗi thời, phần lớn các thành viên đều là những quý ông có học và đam mê.

Sự truyền bá nhanh chóng của hội Tam Điểm vào thế kỷ 18 – đầu tiên ở Anh và sau đó ở nước ngoài – tương ứng với một sự mở rộng số lượng thành viên các câu lạc bộ khi các thành phố phát triển hơn. Các hội quán Tam Điểm giống như các câu lạc bộ khác về nhiều khía cạnh: các thành viên gặp gỡ để nghe các bài giảng và ăn tối với nhau.

Nhưng hội Tam Điểm có điều đặc biệt. Các nghi thức của nó bí mật hơn và phức tạp hơn so với các câu lạc bộ khác. Nó cũng là một tổ chức thế tục, phi đảng phái và bình đẳng, ít nhất là về mặt lý thuyết. Các hội quán nên “gây dựng tình ái hữu đích thực giữa những người mà nếu không gia nhập hội sẽ có một khoảng cách vĩnh viễn”, một hướng dẫn từ năm 1723 đã lý giải như vậy. Việc là thành viên tôn giáo nào đó không ảnh hưởng đến tư cách thành viên, và thảo luận chính trị bị cấm. “Chỉ có giá trị đích thực và phẩm chất cá nhân” mới cho phép các thành viên gia nhập hội, và điều này phải được nhất trí bởi các thành viên khác của hội quán. Lý tưởng khai sáng về chủ nghĩa quốc tế, sự tiến bộ và hoàn hảo đã định hình những tư liệu thời kỳ đầu về hội Tam Điểm. Người ta tin rằng kiến thức có thể làm dịu sự chia rẽ giai cấp và quốc gia, đồng thời đảm bảo sự đoàn kết phổ quát.

Hội Tam Điểm không đạt được sự bao trùm như nó đề ra, với việc phụ nữ và tầng lớp lao động bình dân không thể tiếp cận được hội. Tuy nhiên, các hội quán cho phép một mức độ giao lưu hòa nhập giữa tầng lớp quý tộc và các chuyên gia có học thức vốn hầu như chưa từng thấy trước đó. Chúng cũng mang lại địa điểm cho những người thuộc tầng lớp thượng-trung lưu xây dựng các giá trị Khai sáng về sự bình đẳng, thế tục và phẩm giá.

Margaret Jacob, một sử gia, lập luận rằng các hội quán đã trở thành các “trường học về quản trị chính phủ” và các phòng thí nghiệm cho sự tham gia của công dân. Các thành viên hội Tam Điểm đóng hội phí, tuyên thệ trung thành, bỏ phiếu, tranh luận và bầu ra các lãnh đạo hội. Ngày nay, ở mức 1,1 triệu người, số lượng thành viên hội Tam Điểm ở Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất kể từ ​​trước tới nay, giảm từ mức 4,1 triệu người vào năm 1959. Sự suy giảm này phản ánh sự suy giảm mức độ tham gia vào các nhóm dân sự nói chung.

Vai trò của Hội Tam Điểm trong lịch sử chính trị Mỹ