15/08/1964: Khrushchev tuyên bố sẵn sàng đàm phán giải trừ quân bị

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Khrushchev announces he is ready to begin arms talks, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1964, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Liên Xô Nikita Khrushchev tuyên bố rằng ông sẵn sàng bắt đầu các đàm phán giải trừ quân bị với phương Tây. Mặc dù vị lãnh đạo Nga từ chối thảo luận các kế hoạch cụ thể cho việc giải trừ quân bị, tuyên bố của ông được hiểu là một dấu hiệu cho thấy ông đang tìm cách hạn chế khả năng xung đột hạt nhân giữa Liên Xô và các cường quốc phương Tây.

Những bình luận của Khrushchev, được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trong khi ông đến thăm London, xuất hiện chưa đầy hai năm sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Vào tháng 10 năm 1962, Hoa Kỳ phát hiện ra rằng Liên Xô đang xây dựng các căn cứ tên lửa có khả năng bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba.

Trong những tuần tiếp theo, Tổng thống John F. Kennedy yêu cầu các căn cứ tên lửa phải được dỡ bỏ, trong khi Khrushchev cũng không kém kiên quyết khi khẳng định rằng các căn cứ này hoàn toàn là vì mục đích phòng thủ. Cuối cùng, Kennedy đã ra lệnh phong tỏa Cuba để ngăn chặn thêm bất kỳ tên lửa nào được vận chuyển vào nước này. Khrushchev nhượng bộ sau khi nhận được một lời hứa của Hoa Kỳ rằng sẽ tôn trọng chủ quyền của Cuba. Thế giới chưa bao giờ đến gần chiến tranh hạt nhân hơn thế.

Vào năm tiếp theo, Hoa Kỳ và Liên Xô đã ký Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân, nghiêm cấm việc thử nghiệm vũ khí nguyên tử dưới nước hoặc trong khí quyển. Những bình luận vào tháng 8 năm 1964 của Khrushchev phản ánh mối quan tâm không ngừng của vị lãnh đạo Liên Xô trong việc tránh xung đột hạt nhân. Ông tuyên bố rằng, “Một sáng kiến ​​mới sẽ được hoan nghênh”, và rằng ông sẽ chuẩn bị tham dự một hội nghị giải trừ quân bị đa quốc gia vào đầu năm 1965. Ông cũng đề xuất nếu có thể đạt được một thỏa thuận, Liên Xô sẽ sẵn sàng cho phép tiến hành các cuộc kiểm tra thanh sát. “Nếu chúng ta thực hiện một thỏa thuận giải trừ quân bị và một sự khởi đầu thực sự được thực hiện để loại bỏ vũ khí, thì chúng tôi sẽ cho phép kiểm tra tự do như một phần của chương trình cụ thể – và cũng sẽ kiểm tra chặt chẽ để không ai có thể lừa dối.”

Tuy nhiên, lời đề nghị của Khrushchev đã không được thực hiện. Tại Washington, các phát ngôn viên của Tổng thống Lyndon B. Johnson đã tuyên bố rằng với cuộc bầu cử tổng thống đang đến rất gần, Johnson không muốn đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về các hội nghị quốc tế trong tương lai. Đối với Khrushchev, những bình luận được đưa ra ở London có thể đã đóng dấu số phận của ông. Vốn đã bị tấn công bởi những người cứng rắn trong chính phủ và quân đội Liên Xô vì sự sẵn lòng của ông trong việc hợp tác với Hoa Kỳ và cắt giảm chi tiêu quân sự của Liên Xô, Khrushchev bị buộc phải từ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 10 năm 1964. Một Leonid Brezhnev thiếu linh hoạt và ít màu sắc hơn lên thay thế ông.