Vì sao Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ an ninh?

Nguồn: Alexander Gabuev, “Why Russia and China Are Strengthening Security Ties”, Foreign Affairs, 24/09/2018.

Biên dịch: Huỳnh Văn Hoa

Đầu tuần trước, Nga kết thúc Phương Đông-2018 (Vostok-2018), cuộc diễn tập quân sự lớn nhất của Nga kể từ khi Liên xô sụp đổ. Nhưng không chỉ quy mô lớn là điều làm cho những trò chơi chiến tranh gần đây có tính đột phá. Lần đầu tiên trong lịch sử có 3.000 binh lính Trung Quốc tập trận bên cạnh 300.000 lính Nga ở miền đông Siberia. Trước đó, Kremlin chỉ mời các đồng minh quân sự chính thức như Belarus tham gia những cuộc tập trận như vậy. Thế nhưng, khi được hỏi tại một buổi họp báo rằng cuộc tập trận có làm ông lo ngại về khả năng hình thành một liên minh quân sự Nga-Trung hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tỏ ra coi thường: “Tôi thấy về lâu dài ít có khả năng Nga và Trung Quốc đứng cùng nhau”.

Quan điểm của Mattis đồng vọng cái nhận thức chung ở phương Tây, vốn cho rằng mối hoài nghi giữa Nga và Trung Quốc sâu sắc đến mức giữa hai bên khó mà hình thành những mối ràng buộc có ý nghĩa chiến lược. Nhưng quan điểm này sai lầm một cách nguy hiểm. Công cuộc làm sâu sắc mối quan hệ quân sự giữa hai cựu đối thủ này là có thật, và mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ hơn giữa Bắc Kinh và Moscow theo thời gian sẽ có thể đảo lộn một nửa thế kỷ chiến lược và hoạch định chính sách của Hoa Kỳ.

Phương Đông-2018 là điểm cao nhất của một cuộc chuyển dịch trong tư duy chiến lược về Trung Quốc của Nga, bắt đầu được thúc đẩy từ sau năm 2014. Tuy nhiên, ngay cả trước thời điểm đó, Moscow đã nhìn thấy những lý do rõ ràng để gắn bó sâu hơn với Bắc Kinh.

Một là, cả Nga và Trung Quốc đều quan tâm rất nhiều đến việc duy trì hòa bình và yên tĩnh dọc theo đường biên giới chung dài 2.600 dặm giữa hai nước. Sau một cuộc xung đột chỉ kéo dài 2 ngày nhưng đẫm máu năm 1969, cả hai nước đều tiêu tốn những nguồn lực khổng lồ và tốn kém vào việc bố trí quân đội dọc biên giới. Trong những năm 1980, họ chuyển sang phi quân sự hóa khu vực biên giới và cuối cùng năm 2004 họ dàn xếp được vụ tranh chấp lãnh thổ kéo dài đã lâu.

Hiện thời, cả hai nước đều nhìn thấy những thách thức an ninh nghiêm trọng của họ ở khắp nơi và mong muốn chung của họ là tránh tạo ra thêm một mối quan hệ thù địch nữa; thách thức và mong muốn này là yếu tố tạo ổn định cho các mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Kremlin đang quá bận rộn với những cuộc chiến tranh ở Syria và Ukraine, tác động của sự hiện diện ngày càng tăng của NATO dọc theo biên giới phía tây và sự tăng cường quốc phòng mà Mỹ đang tiến hành. Về phần mình, giới lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với những mối căng thẳng gia tăng với Washington về các vấn đề an ninh và thương mại, và nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ đang làm căng thẳng mối quan hệ với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và các láng giềng khác. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài là giành lại quyền kiểm soát Đài Loan.

Yếu tố thứ hai đẩy Nga và Trung Quốc tới gần nhau hơn là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Nước Nga trước hết là một nước xuất khẩu nguyên liệu thô và có xu hướng thiếu sự tiếp cận cả những công nghệ tiên tiến trong công nghiệp lẫn tiền vốn. Trung Quốc trái lại là một thị trường tiêu thụ khổng lồ các loại thương phẩm, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, đồng thời đã tự đưa được mình lên hàng ngũ những quốc gia có công nghệ tiên tiến, với một nguồn tư bản dồi dào để đầu tư ra nước ngoài. Trên giấy tờ, Trung Quốc có vẻ như một đối tác thương mại hoàn hảo của Nga. Mặc dù Moscow đã chậm chân trong việc khai thác những cơ hội mà thị trường Trung Quốc mang lại, song cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã thúc đẩy sự vươn ra của nước Nga. Kết quả là, Trung Quốc đã vọt lên hàng đầu trong danh sách các đối tác thương mại của Nga từ năm 2010.

Yếu tố cuối cùng nhưng chưa phải là hết, mãi tới gần đây Kremlin vẫn tiếp tục nhìn Trung Quốc với nỗi lo sợ, trước tiên bởi vì sự mất cân bằng về nhân khẩu học giữa vùng Viễn Đông dân cư thưa thớt của Nga với các tỉnh biên giới của Trung Quốc. Các tỉnh này là quê hương của khoảng 120 triệu người, nhiều người trong số đó kiếm sống bằng cách đi làm công nhân tạm cư ở Siberia. Kremlin sợ rằng, nếu di dân Trung Quốc tiếp tục tràn sang và định cư ở Siberia, rồi lấy quốc tịch Nga thì về lâu dài xu hướng đó sẽ dẫn tới việc Nga bị mất lãnh thổ. Một lý do khác để lo ngại là việc Trung Quốc ăn cắp các công nghệ quân sự nhạy cảm của Nga, chẳng hạn như thiết kế của máy bay chiến đấu Su-27 (bản sao chép của Trung Quốc gọi là J-11B), làm cho doanh số buôn bán vũ khí của Nga bị chậm lại năm 2005. Cuối cùng, sự gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các biện pháp như Sáng kiến Vành đai và Con đường đã khiến Nga có lý do để lo ngại cho vùng Trung Á mà từ lâu Nga vẫn coi là vùng ảnh hưởng của mình.

Vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và xung đột ở miền đông Ukraine sau đó đã làm giảm các mối lo ngại này một cách ngoạn mục. Hoảng hốt với những làn sóng cấm vận của phương Tây, Kremlin đã hướng tới Bắc Kinh để tìm nguồn tài chính, công nghệ và thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Nga. Tuy nhiên, trước khi làm như vậy, chính phủ Nga đã tiến hành một cuộc nghiên cứu liên ngành về những rủi ro tiềm tàng sinh ra từ một sự gắn bó mật thiết hơn với Trung Quốc. Những kết quả nghiên cứu đã xoa dịu những mối lo ngại trước đây của Kremlin và chứng minh rằng nhiều mối lo ấy thực sự đã bị thổi phồng. Ví dụ, mặc dù số dân Trung Quốc ở Nga đã được ước lượng không chính thức là hơn 2 triệu người, nhưng chính phủ phát hiện ra rằng con số đó chỉ chưa quá 600.000 người, hơn một nửa số di dân Trung Quốc sống ở phần châu Âu của nước Nga, nơi có nhiều cơ hội làm việc nhất, chứ không phải ở Viễn Đông. Lương bổng ở Trung Quốc tăng lên do lực lượng lao động bị thu hẹp và GDP tăng nhanh, cùng với sự suy giảm của kinh tế Nga và việc phá giá đồng ruble năm 2014-2015 khiến cho nước Nga ngày càng ít hấp dẫn đối với lao động Trung Quốc.

Kremlin cũng kết luận rằng, công nghệ vũ khí của Trung Quốc có những bước tiến nhảy vọt nhờ việc đầu tư khổng lồ vào hoạt động nghiên cứu và phát triển bản địa. Chỉ trong chưa đầy một thập niên nữa, quân đội Trung Quốc sẽ ít cần tới các hệ thống vũ khí do Nga sản xuất, khiến Nga có ít cơ hội bán vũ khí cho Trung Quốc. Cuối cùng, Moscow bắt đầu tin rằng, dấu ấn kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á là không thể tránh được. Sự thâm nhập sâu hơn vào vùng này của Trung Quốc đã thực sự làm giảm động lực của các nước Trung Á muốn tìm đường xuất khẩu sang Âu châu, bỏ qua nước Nga và tạo thêm áp lực lên các nhà xuất khẩu của Nga ngay ở thị trường lõi của họ. Moscow sẽ vui vẻ sống chung khi Bắc Kinh thâm nhập sâu vào các nền kinh tế Trung Á chừng nào Trung Quốc vẫn chính thức tôn trọng Liên minh Kinh tế Á-Âu, một liên minh kinh tế do Moscow lãnh đạo đang đem lại cho các công ty Nga quyền tiếp cận ưu đãi tới các thị trường Kazakhstan và Kyrgyzstan; và không thách thức vai trò tự phong của Nga là người cung cấp an ninh chính yếu của khu vực.

Kết quả của sự dịch chuyển lối tiếp cận này là sự phụ thuộc kinh tế của Nga vào Trung Quốc đã tăng nhanh từ năm 2014, và các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp những khoản vay hào phóng cho các công ty lớn do nhà nước sở hữu của Nga cũng như cho những thành viên trong bộ sậu của Putin – những người có tên trong nhiều danh sách cấm vận của phương Tây. Nỗ lực mua chuộc lòng trung thành của Nga có vẻ đã thành công bởi vì Kremlin không còn tin rằng một mối quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể biến thành hiện thực. Việc Quốc hội Hoa Kỳ đồng thuận gần như tuyệt đối thông qua một làn sóng cấm vận mới đối với Nga vào tháng 8-2017 làm cho nhiều người ở Moscow tin rằng chừng nào ông Putin còn nắm quyền, quan hệ với Washington vẫn sẽ chưa được cải thiện.

Sự thù địch của Washington đối với cả hai chế độ là yếu tố quan trọng trong việc cải thiện quan hệ Nga -Trung. Chiến lược An ninh quốc gia mới của Hoa Kỳ gộp chung Trung Quốc và Nga vào chỗ “cố gắng xói mòn an ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ”; Chiến lược Mạng (Cyber Strategy) của Bộ Quốc phòng cũng nhận định như vậy.

Mối quan ngại ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với Nga và Trung Quốc đã có từ trước thời chính phủ Trump, nhưng nó chỉ khuyến khích lãnh đạo của hai nước này tìm kiếm một lập trường chung. Cuộc tập trận Nga-Trung khổng lồ trong tuần trước là một thông điệp rõ ràng cho Hoa Kỳ và Âu châu: nếu các vị tiếp tục gây sức ép với chúng tôi bằng các lệnh cấm, thuế suất và bố trí quân đội thì chúng tôi sẽ chung tay phản kháng lại.

MỘT QUAN HỆ ĐỐI TÁC NGUY HIỂM

Quan hệ đối tác an ninh Trung Quốc – Nga có những hạn chế của nó, và điều quan trọng là đừng bỏ qua các hạn chế ấy. Moscow và Bắc Kinh không tìm kiếm một liên minh chính thức, ít ra là trong thời điểm này. Bắc Kinh không muốn bị lôi kéo vào cuộc đối đầu quân sự với Hoa Kỳ như là kết quả những bước đi sai lầm, hiếu chiến và không định trước của Nga ở Trung Đông hoặc châu Âu. Cũng tương tự như thế, Moscow không muốn bị buộc phải đứng về một phe nếu Trung Quốc xung đột với các đối tác kinh tế chiến lược của Nga như Việt Nam hoặc Ấn Độ.

Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có một hiệp ước an ninh chính thức giữa Nga và Trung Quốc theo kiểu NATO, sẽ là một sai lầm nếu Washington và các đồng minh bỏ qua những hậu quả của mối quan hệ đối tác quân sự đang tăng lên này. Những cuộc tập trận như Phương Đông-2018 giúp cải thiện khả năng hoạt động chung giữa các lực lượng Nga và Trung Quốc, có thể sẵn sàng hiện diện ở những điểm nóng khu vực như Trung Á hoặc bán đảo Triều Tiên. Chúng cũng cải thiện lòng tin và các mối liên kết không chính thức giữa các quan chức cao cấp – không khác lắm so với cách thức mà các quan chức Washington gắn bó với các đối tác của mình ở châu Âu và châu Á.

Nâng cao lòng tin giữa quân đội Nga và Trung Quốc có thể dẫn tới sự hợp tác và phối hợp ngày càng tăng trên không gian mạng, đặc biệt là trong việc dò tìm những chỗ dễ bị tấn công trong hệ thống thông tin quân sự và dân sự của Hoa Kỳ. Ở mức độ tối thiểu, hiện nay người ta tin rằng các cơ quan phản gián của Nga và Trung Quốc đã chia sẻ cho nhau thông tin bí mật về các hoạt động của CIA nhằm chống lại họ.

Tuy nhiên, ngay lúc này, điều làm Bắc Kinh quan tâm nhất là gia tăng dòng chảy các vũ khí tinh vi của Nga nhằm giúp cải thiện tối đa năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong tương lai gần. Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến S-400 mà Trung Quốc mua của Nga năm 2014 và bắt đầu triển khai đầu năm nay có thể cho phép Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ không phận của Đài Loan, khiến cho việc bảo vệ hòn đảo này trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều của không quân Đài Loan và cả các nhà kế hoạch quân sự Hoa Kỳ. Hệ thống S-400 cũng sẽ giúp Trung Quốc đạt mục tiêu thiết lập Vùng nhận diện Phòng không, một vùng trời mà quân đội Trung Quốc có quyền nhận diện và kiểm soát tất cả các máy bay dân sự nước ngoài, trên những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc đã mua máy bay Su-35, loại chiến đấu cơ tiên tiến nhất của Nga, cũng để phục vụ mục tiêu đó.

Nhận thức chung ở Washington và các thủ đô Âu châu khác đang bỏ qua cái cấp độ mà những chính sách thiển cận của Hoa Kỳ đang đẩy Nga và Trung Quốc tới gần nhau hơn. Bây giờ là thời điểm tốt để các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải suy nghĩ lại một chính sách gây đối kháng – có những lúc không cần thiết – với cả hai đối thủ địa chính trị chính của Hoa Kỳ, và suy nghĩ một cách sáng tạo hơn về cách quản lý một kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa các cường quốc.

Alexander Gabuev là nghiên cứu viên cao cấp, chủ tịch bộ phận nghiên cứu nước Nga thuộc Chương trình châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie Moscow.

Nguồn: Viet-studies