Sự bối rối kéo dài của Trump về vấn đề tiền tệ

Nguồn: Jeffrey Frankel, “Trump’s Currency Confusion Continues”, Project Syndicate, 20/09/2018.

Biên dịch: Nguyễn Minh Quân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Kể từ cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Donald Trump đã vu khống Trung Quốc về việc định giá đồng nhân dân tệ thấp một cách nhân tạo. Trong thực tế, chính chính sách kinh tế của Trump đang đẩy giá đồng đô la Mỹ – một kết quả có thể nhận thấy bởi bất kỳ cá nhân nào có hiểu biết cơ bản về kinh tế.

Tháng tới, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ phải nộp bản báo cáo sáu tháng một lần tới Quốc hội Mỹ về những quốc gia, nếu có, đang thao túng đồng tiền của mình để nhận được lợi thế thương mại không công bằng. Về phía bản thân mình, Tổng thống Trump đang cáo buộc Trung Quốc làm như vậy như ông đã từng làm trong cuộc tranh cử năm 2016. Và có nhiều báo cáo cho rằng Trump đang cố gắng gây tác động đến báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.

Đã có những thay đổi gì so với báo cáo hồi tháng Tư vừa rồi? Báo cáo hồi tháng Tư, cũng như những báo cáo tương tự được viết trong hai chính quyền trước, không tìm được chứng cứ cho sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc. Thực tế, lần cuối cùng Bộ Tài chính Mỹ công bố Trung Quốc (hay bất kể quốc gia nào khác) thao túng tiền tệ là vào năm 1994.

Lý do cho kết luận này cũng khá đơn giản: Trung Quốc không đáp ứng ba tiêu chí mà Quốc hội Mỹ đặt ra để xác định việc thao túng tiền tệ. Trung Quốc không liên tục can thiệp vào thị trường ngoại hối (ít nhất là không tìm cách đẩy giá nhân dân tệ xuống), và Trung Quốc không duy trì thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn hoặc bằng 3% GDP (thặng dư trong năm 2017 là 1,3%).

Trung Quốc đạt chỉ tiêu thứ 3: thặng dư thương mại song phương vượt 20 tỷ đô la Mỹ. Nhưng Quốc hội Mỹ đã sai lầm khi đưa thặng dư thương mại song phương ra làm một chỉ tiêu ngay từ ban đầu. Khối lượng thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với toàn thế giới là đã đủ để lý giải cho thâm hụt song phương. Trung Quốc chiếm 15% nền kinh tế thế giới, cho nên phần đóng góp tương ứng của Trung Quốc vào thâm hụt 600 tỷ đô la của Mỹ là 90 tỷ đô la – so với ngưỡng 20 tỷ đô la Mỹ. Đúng là thâm hụt song phương cao hơn nhiều so với cả mức 90 tỉ đô la đó; nhưng lý do một phần là vì sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã bao gồm rất nhiều nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu.

Thế vậy, tính đến tháng Tư này, Trung Quốc mới đáp ứng một trong ba chỉ tiêu do Quốc hội Mỹ đặt ra và không đủ để được coi là một quốc gia thao túng tiền tệ. (Các nước Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Thụy Sỹ đều đạt 2 chỉ tiêu.) Kể từ tháng Tư, đồng nhân dân tệ đã trượt giá 6% so với đồng đô la Mỹ. Nhưng lý do là đồng đô la Mỹ tăng bình quân 7% so với đồng tiền các nước đối tác thương mại của Mỹ.

Tỷ giá hối đoái không bao giờ ăn khớp với mô hình của các nhà kinh tế. Trong trường hợp này, sự tăng giá của đồng đô la Mỹ có thể được giải thích bởi chính sách kinh tế của Trump.

Trước tiên, Trump và các nghị sĩ Cộng hòa đang theo đuổi một chính sách tài khóa mở rộng thuận chu kỳ quy mô lớn, dẫn tới thâm hụt ngân sách chưa từng thấy trong thời bình và trong bối cảnh không có suy thoái kinh tế. Những chính sách mở rộng này bao gồm việc cắt giảm thuế được thông qua vào tháng 12 năm ngoài, tăng mạnh chi tiêu nhà nước, và đề nghị cắt giảm thuế hơn nữa gần đây.

Lý thuyết kinh tế vĩ mô dự đoán những chính sách nêu trên sẽ dẫn đến gia tăng lãi suất, thu hút nguồn vốn từ ngoài nước, và làm tăng giá đô la Mỹ. Điều này đã xảy ra khi Mỹ tiến hành các chính sách tài khóa và tiền tệ tương tự dưới thời Tổng thống Ronald Reagan trong những năm 1981-1984.

Hơn nữa, Tổng thống Trump đã bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại bằng cách áp đặt thuế nhập khẩu lên những đối tác thương mại lớn của Mỹ. Gần đây nhất, Trump công bố áp thuế lên 200 tỷ đô la Mỹ hàng xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 24 tháng 09. Ông ta nghĩ chính sách đó sẽ cải thiện cán cân thương mại của Mỹ, nhưng ông không hiểu rằng khi các nước xuất khẩu bị hạn chế xuất sang thị trường Mỹ, họ sẽ không thu được đô la Mỹ để mua sản phẩm từ Mỹ.

Tình trạng giảm nhập khẩu do thuế của Mỹ có thể được đáp lại bằng một số phương pháp. Hữu hình nhất, các nước có thể trả đũa Mỹ bằng cách áp thuế xuất nhập khẩu lên sản phẩm xuất khẩu của Mỹ, ví dụ như hàng nông sản. Kể cả khi họ không trả đũa, những phương pháp khiến các nước xuất khẩu khó kiếm được đô la sẽ tạo ra sự khan hiếm đồng đô la, khi đó, trong điều kiện chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi, đồng đô la sẽ tự động tăng giá. Sự leo thang chiến tranh thương mại của Trump trong năm 2018 có vẻ có ảnh hưởng lên đồng đô la đúng như dự báo của lý thuyết kinh tế.

Chắc chắn là Trung Quốc đã neo tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp khoảng 10 hoặc 15 năm trước. Bên cạnh tăng trưởng thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc còn duy trì chính sách can thiệp vào thị trường hối đoái để kìm hãm sự tăng giá của đồng nhân dân tệ, dẫn đến tích lũy được một khối lượng lớn dự trữ ngoại hối. Nhưng Trung Quốc đã thay đổi chính sách tiền tệ. Đồng nhân dân tệ tăng giá 37% từ năm 2004 đến năm 2014, vào thời điểm đó tình trạng đồng nhân dân tệ bị định giá thấp đã được loại bỏ.

Năm 2014, vốn bắt đầu chảy ra khỏi Trung Quốc và đồng nhân dân tệ bắt đầu tụt giá, có thể do sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh tương đối, đi kèm theo đó là sự thay đổi chính sách tiền tệ của hai nước. Giống như lần Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc can thiệp để kìm hãm đà tăng giá đồng nhân dân tệ trong khoảng thời gian 2004-2014, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng can thiệp để kìm hãm đà giảm giá của đồng nhân dân tệ sau năm 2014.

Mẫu hình can thiệp của Trung Quốc được gọi là “leaning against the wind” (“đi ngược chiều gió”). Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chi kỷ lục 1.000 tỷ đô la để cố gắng chống lại sự xuống giá của đồng nhân dân tệ trong năm 2014. Nếu chính quyền Trung Quốc đã chấp nhận đòi hỏi của Mỹ và để cho thị trường xác định tỷ giá hối đoái, đồng nhân dân tệ sẽ đã trượt giá mạnh hơn nữa, và các công ty xuất khẩu của Mỹ sẽ còn khó khăn hơn nữa trong việc cạnh tranh.

Rốt cuộc, giới chính trị gia của Mỹ đã hiểu được thực tế căn bản này. Người cuối cùng nhận ra chính là Tổng thống Trump. Đến ngày 02 tháng 04 năm 2017, Tổng thống Trump đã gán ghép Trung Quốc là “nhà vô địch thế giới” về thao túng tiền tệ, nhưng lại thay đổi ý kiến một tuần sau đó, khi nói với tờ Wall Street Journal là “Trung Quốc không phải là quốc gia thao túng tiền tệ”. Sau đó, ông để cho chủ đề bị lãng quên trong một năm, và quay trở lại với cáo buộc ban đầu của mình trong mùa hè năm nay.

Thực tế cho thấy năm mà Tổng thống Trump dừng cáo buộc Trung Quốc định giá thấp đồng nhân dân tệ cũng là năm mà Trung Quốc chấm dứt nỗ lực đỡ giá cho đồng nhân dân tệ. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc ngừng sụt giảm trong năm 2017. Nhưng, bây giờ, Trung Quốc tiếp tục nỗ lực bảo vệ đồng nhân dân tệ ngay cả khi Trump quay lại với những cáo buộc của mình. Để làm chậm sự sụt giá của đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây đưa ra tín hiệu rằng cơ quan này sẽ áp dụng thêm nhân tố phản chu kỳ (counter-cyclical factor) vào mô hình xác định tỷ giá hàng ngày của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ.

Tại sao ông Trump lại liên tục nhận định ngược chiều về mọi thứ? Đó không chỉ vì cá tính tiêu cực của ông ta. Trump đưa ra cáo buộc khi đồng nhân dân tệ mất giá, điều xảy ra trong lúc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc can thiệp để hỗ trợ tỉ giá đồng nhân dân tệ. Những gì ông Trump không nhìn thấy là hai yếu tố thúc đẩy sự tụt giá của đồng nhân dân tệ: chính sách tài khóa và thương mại của chính ông ta.

Jeffrey Frankel, giáo sư Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, nguyên là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông điều hành Chương trình Tài chính Quốc tế và Kinh tế Vĩ mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, nơi ông là thành viên của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế, cơ quan chính thức của Hoa Kỳ chuyên xác định thời điểm suy thoái và phục hồi của nền kinh tế.

Copyright: Project Syndicate 2018