Ý nghĩa của chủ nghĩa bảo thủ là gì?

Nguồn: The meaning of conservatism, The Economist, 13/08/2018.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Bất cứ ai cố gắng giải thích ý nghĩa của chủ nghĩa bảo thủ ngay lập tức phải đối mặt với một nghịch lý. Hầu hết những người bảo thủ tránh các lý thuyết lớn mà tập trung vào thực hành. Những người Marxist có thể cống hiến cuộc đời mình cho việc tạo ra các định nghĩa về chủ nghĩa Marx; còn những người bảo thủ thích duy trì cách thức vận hành của chính phủ. Theo nghĩa đó, chủ nghĩa bảo thủ là điều mà những người bảo thủ làm. Tuy nhiên, thuật ngữ “bảo thủ” (conservative) không phải là hoàn toàn linh hoạt: có một số các nguyên tắc cốt lõi dẫn đường cho những người bảo thủ trong việc vận hành chính phủ.

Những người bảo thủ thích gắn bó với những cách thức cổ xưa để vận hành mọi thứ từ sự kết hợp giữa cảm tính và tư duy thực dụng. Cảm tính bởi vì họ thích “chất thơ” của quá khứ và thực dụng bởi vì họ lo ngại rằng các kế hoạch trừu tượng có thể gây ra thảm họa. Otto von Bismarck định nghĩa chính trị là “nghệ thuật của những điều khả thi” (the art of  the possible), một cụm từ mà sau này đã được hồi sinh bởi R.A. Butler, một quý tộc người Anh. Winston Churchill nói một cách buồn bã rằng ông “thích quá khứ hơn hiện tại và thích hiện tại hơn tương lai”. Michael Oakeshott, một nhà triết học, nói rằng làm một nhà bảo thủ nghĩa là “thích sự quen thuộc hơn điều chưa biết, thích cái đã được thử nghiệm hơn cái chưa được thử nghiệm, thích sự thật hơn bí ẩn, thích thực tế hơn cái có thể, thích giới hạn hơn là vô biên, thích gần hơn xa, thích đủ hơn quá dư thừa, thích thuận tiện hơn hoàn hảo, thích tiếng cười hiện tại hơn hạnh phúc không tưởng”.

Trong đó có nguyên tắc đầu tiên: sự chống lại các kế hoạch không tưởng. Nguyên tắc thứ hai là tầm quan trọng của chủ nghĩa tinh hoa. Một số người bảo thủ (đặc biệt là ở châu Âu) tin vào tầm quan trọng của việc giữ gìn vai trò cho tầng lớp cầm quyền truyền thống. Những người khác tin vào tầm quan trọng của việc tạo ra một thiểu số những người có học thức – Samuel Taylor Coleridge gọi đó là “tầng lớp có học” (clerisy) – những người có thể bảo tồn nền văn minh tiên tiến trong một xã hội dân chủ. Hầu hết các nhà bảo thủ tin vào tầm quan trọng của việc kiểm soát nền dân chủ thông qua các hạn chế hiến định như dân chủ đại diện, thượng viện với quyền lực mạnh, Tòa án tối cao và các tuyên ngôn nhân quyền.

Nguyên tắc thứ ba là niềm tin vào “sự thuộc về”. Chủ nghĩa tự do hiện đại là dạng triết lý kiểu xây khách sạn trong sân bay: những người tự do tin rằng không có gì nên được phép can thiệp vào sức mạnh giúp tối đa hóa hiệu quả của trao đổi tự do. Chủ nghĩa bảo thủ là dạng triết lý kiểu xây nhà ở đồng quê thoải mái; những người bảo thủ tin rằng trên hết cần có một nơi mà bạn có thể gọi là nhà. Họ coi trọng lòng yêu nước vì quốc gia-dân tộc là một tập hợp những người cùng chí hướng. Họ ưu ái những điền chủ nông thôn kiểu cũ, những người là rường cột của các xã hội địa phương. Lý do cơ bản tại sao những người bảo thủ lo lắng về sự di chuyển tự do của con người là bởi sự di chuyển tự do biến xã hội thành một tập hợp những quan hệ hợp đồng thay vì là một “quê hương” bao gồm những người có chung một lịch sử.

Định nghĩa chủ nghĩa bảo thủ này là một trong những điều kỳ quặc lớn của thời đại chúng ta: rằng nhiều người gọi là bảo thủ nhưng lại không hề bảo thủ. Đảng Bảo thủ Anh – hay phe thống trị trong đảng này – đã theo đuổi ước mơ rời khỏi Liên minh châu Âu mặc dù thực tế rằng điều đó liên quan tới việc phá vỡ 45 năm lịch sử, tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý và ném đất nước vào tình trạng hỗn loạn. Đảng Cộng hòa Mỹ (theo hướng bảo thủ – NBT) thì bị chi phối bởi một người không có bất kỳ phẩm chất bảo thủ nào: bản thân ông là một người cục cằn, say mê truyền hình và thức ăn nhanh, làm chính sách trên Twitter và có mong muốn lật đổ các thiết chế truyền thống.

“Bảo thủ” và “tự do” trong chính trị Mỹ