Nguồn: Kissinger discusses draft peace treaty with President Thieu, History.com
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1972, Henry Kissinger và các quan chức Hoa Kỳ tổ chức các cuộc họp tại Sài Gòn với Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu để thảo luận về hiệp ước hòa bình được soạn thảo bởi Kissinger và Lê Đức Thọ, nhà đàm phán chính của Bắc Việt tại Paris.
Thiệu kiên quyết phản đối các điều khoản của bản dự thảo hiệp định trong đó cho phép bộ đội Bắc Việt được tiếp tục hiện diện tại miền Nam. Kissinger đã cố gắng thuyết phục Thiệu chấp thuận các điều khoản, nhưng Thiệu vẫn không đồng ý. Đây sẽ là một trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán đang tiếp diễn.
Trong một nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình, Tổng thống Nixon đã tuyên bố dừng ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở lên. Ông cũng đã gửi một thông điệp tới Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng xác nhận rằng hiệp định hòa bình đã được hoàn thành và cam kết rằng nó sẽ được ký bởi bộ trưởng ngoại giao hai nước vào ngày 31 tháng 10.
Tuy nhiên, sự kháng cự liên tục của Thiệu đã gây ra nhiều xích mích tại bàn đàm phán khiến cho Bắc Việt giận dữ bỏ đi. Họ chỉ quay trở lại sau khi Nixon ra lệnh tiếp tục chiến dịch ném bom Linebacker II chống lại Bắc Việt Nam. Hiệp định hòa bình cuối cùng cũng đã được ký vào tháng 01 năm 1973 (sau khi Hoa Kỳ đe dọa ký một mình với Bắc Việt nếu Thiệu từ chối tham gia) và việc ngừng bắn có hiệu lực vào nửa đêm ngày 27 tháng 01 năm 1973.
Theo các điều khoản của hiệp định, tất cả các lực lượng quân sự Hoa Kỳ sẽ rời đi hai tháng sau đó. Như Thiệu lo sợ, hiệp định để lại 160.000 quân Bắc Việt ở miền Nam và chiến sự ở Nam Việt Nam lại tiếp tục sau một thời gian ngắn tạm dừng. Khi viện trợ quân sự của Hoa Kỳ mà Tổng thống Nixon hứa hẹn bị giảm xuống và sau đó chấm dứt hoàn toàn, Nam Việt Nam đã bị bỏ mặc phải tự chiến đấu để bảo vệ sự tồn tại của mình. Họ đã cầm cự trong hai năm, nhưng đã chịu thất bại trước Bắc Việt vào năm 1975 khi Sài Gòn thất thủ chỉ trong 55 ngày.