08/04/1972: Mặt trận thứ ba trong Chiến dịch Nguyễn Huệ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: North Vietnamese forces open a third frontHistory.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1972, Sư đoàn 2 Bắc Việt từ Lào và Campuchia đã mở ra một mặt trận thứ ba trong cuộc tấn công ở Tây Nguyên, nhằm vào Kontum và Pleiku, trong nỗ lực chia cắt Nam Việt Nam thành hai phần. Nếu thành công, điều này sẽ giúp Bắc Việt kiểm soát nửa phía Bắc của Nam Việt Nam.

Cuộc tấn công trên ba mặt trận này là một phần trong Chiến dịch Nguyễn Huệ của Bắc Việt (còn được gọi là “Cuộc tấn công Phục sinh”), được phát động vào ngày 30 tháng 03. Cuộc tấn công này là một chiến dịch lớn của Bắc Việt nhằm gây tổn thất lớn cho đối phương và giúp họ giành thắng lợi trong cuộc chiến. Lực lượng tấn công bao gồm 14 sư đoàn bộ binh và 26 trung đoàn độc lập, với hơn 120.000 binh sĩ và khoảng 1.200 phương tiện thiết giáp và xe tăng.

Bắc Việt có một số mục tiêu trong việc phát động cuộc tấn công: gây ấn tượng với thế giới cộng sản và nhân dân Việt Nam về quyết tâm của mình; tận dụng phong trào phản chiến của Hoa Kỳ và gây ảnh hưởng đến cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Richard Nixon; chứng minh rằng “Việt Nam hóa chiến tranh” là một thất bại; gây tổn hại cho các lực lượng Nam Việt Nam và sự ổn định của chính phủ Sài Gòn; giành được càng nhiều lãnh thổ càng tốt trước khi đạt được thỏa ước đình chiến; và đẩy nhanh các cuộc đàm phán theo các điều khoản của mình.

Ban đầu, quân đội Nam Việt Nam hầu như bị choáng ngợp, đặc biệt là ở các tỉnh cực bắc, nơi họ bỏ vị trí của mình tại Quảng Trị và chạy về phía nam khi đối mặt với sự tấn công của lực lượng Bắc Việt. Tại Kontum và An Lộc, quân đội miền Nam đã thành công hơn trong việc chống lại các cuộc tấn công sau nhiều tuần giao tranh ác liệt.

Mặc dù Nam Việt Nam phải chịu thương vong nặng nề, họ vẫn giữ được trận địa của mình với sự trợ giúp của các cố vấn và lực lượng không quân Hoa Kỳ. Giao tranh tiếp diễn khắp miền Nam Việt Nam trong những tháng mùa hè, nhưng cuối cùng các lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm ưu thế hơn so với quân đội miền Bắc, và đã chiếm lại được Quảng Trị trong tháng Chín.

Với cuộc tấn công của lực lượng cộng sản bị đẩy lùi, Tổng thống Nixon tuyên bố rằng chiến thắng của Nam Việt Nam đã chứng minh sức sống của chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của ông, một chính sách được đưa ra vào năm 1969 để tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Nam Việt Nam.